TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hội nghị ký kết tham gia bảo vệ môi trường

Thứ sáu - 25/11/2022 18:20 | Tác giả bài viết: Truyền thông HĐGMVN |   671
Lãnh đạo và đại diện 43 tôn giáo đã tham gia và trình bày tham luận, ủng hộ chương trình này.
Hội nghị ký kết tham gia bảo vệ môi trường

HỘI NGHỊ KÝ KẾT VÀ TRIỂN KHAI CHƯƠNG TRÌNH PHỐI HỢP PHÁT HUY VAI TRÒ CÁC TÔN GIÁO THAM GIA BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG VÀ THÍCH ỨNG VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU GIAI ĐOẠN 2022-2026


WHĐ (25.11.2022) – Sáng ngày 25 tháng 11 năm 2022, Hội nghị ký kết và triển khai Chương trình phối hợp phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022-2026 đã được tổ chức tại Hội trường Nhà khách Chính phủ. Lãnh đạo và đại diện 43 tôn giáo đã tham gia và trình bày tham luận, ủng hộ chương trình này.
 


Uỷ ban Bác ái Xã hội Caritas đã trình bày tham luận 3 kinh nghiệm - 3 kiến nghị. Truyền thông Hội đồng Giám mục Việt Nam trân trọng giới thiệu tham luận của Caritas Việt Nam:


ỦY BAN BÁC ÁI XÃ HỘI - CARITAS VIỆT NAM
319 Quốc Lộ 13, p. Hiệp Bình Phước, Tp. Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh
ĐT: (028) 3727 1904

THAM LUẬN CỦA UỶ BAN BÁC ÁI XÃ HỘI - CARITAS VIỆT NAM,
TRỰC THUỘC HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM


Nhận thấy Hội nghị này giúp chúng ta nâng cao nhận thức, và phối hợp các cơ chế hiện hành trong việc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hơn nữa, với sứ mệnh xây dựng công lý trong tình liên đới với những người nghèo nhất, Uỷ ban Bác ái Xã hội - Caritas Việt Nam, trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, xin gởi đến quý vị hai lời mời gọi:

1. Cùng nhau chăm sóc và bảo vệ trái đất, Ngôi Nhà Chung của chúng ta.

2. Thực hiện công bằng kinh tế và xã hội, bằng cách bảo vệ quyền con người và bảo vệ những người dân vốn tạo ra rất ít nguyên nhân ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nhưng lại dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu đó.

Từ đó, Caritas Việt Nam xin chia sẻ ba kinh nghiệm và nêu lên ba kiến nghị:

I. BA KINH NGHIỆM

1. Trái đất này là người Chị và là người Mẹ chúng ta

“Bảo vệ môi trường là một trong những vấn đề sống còn của nhân loại; là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mọi người.” Ý tưởng đó được lặp đi lặp lại trong các văn kiện của nhà nước về vấn đề này. Tại sao phải bảo vệ môi trường? Các văn kiện đều hướng dẫn rằng: để tạo môi trường sống tốt đẹp hơn, bảo đảm sức khoẻ và chất lượng cuộc sống của người dân... Chúng tôi, những người Công giáo, cũng đồng ý như vậy. Tuy nhiên, ngoài những ý nghĩa đó, chúng tôi còn bảo vệ môi trường vì nhìn nhận trái đất và vũ trụ này như một “người thân” của mình. Người Công giáo yêu trái đất như người Chị và người Mẹ của mình. Cách đây hơn 800 năm, vị Thánh Phanxicô đã mời gọi người Kitô hữu sống tương quan thân ái với trái đất bằng lời hát: “Lạy Thiên Chúa! Chúng con ngợi khen Ngài vì người Chị của chúng con, người Mẹ Trái Đất của chúng con. Mẹ nâng đỡ chúng con và mang lại cho chúng con nhiều hoa trái, những bông hoa xinh đẹp, cây cỏ xanh tươi” (Bài Ca Tạo Vật). Gần đây, Đức Phanxicô, vị đứng đầu Giáo hội Công giáo, cũng nhắc lại ý nghĩa đó trong Thông điệp Laudato Sí. Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy mình không giàu nguồn lực hoặc kỹ năng, nhưng chúng tôi có niềm tin nâng đỡ động lực trong việc tôn trọng trái đất này mà chúng tôi gọi là Ngôi Nhà Chung. Đối với chúng tôi, ngoài việc chăm sóc trái đất này để con người hiện nay và thế hệ tương lai có môi trường đáng sống, chúng tôi còn có nghĩa vụ bảo vệ môi trường vì đó là công trình của Thiên Chúa - Đấng Sáng tạo. Ngài cho con người được cộng tác trong việc bảo vệ và tiếp tục tô điểm cho trái đất này nên tốt đẹp hơn.

2. Cộng đồng địa phương là chủ thể của các hoạt động chăm sóc Ngôi Nhà Chung

Nghĩa vụ bảo vệ môi trường là của mọi tổ chức, mọi thành phần trong xã hội. Ở cấp độ quốc gia, cần có những hướng dẫn cụ thể, thiết thực và minh bạch. Riêng việc thực hiện, thiết tưởng tổ chức phù hợp nhất là các tổ dân phố hoặc cấp tương đương... Đối với người Công giáo, với lợi thế là có hình thức tổ chức của các cộng đoàn địa phương như giáo xứ, giáo họ... chúng tôi sẽ cố gắng vận động các tổ chức đó thực hiện chương trình bảo vệ môi trường, chăm sóc ngôi nhà chung. Thực tế, hiện nay, Caritas Thế giới và Caritas Việt Nam đang phát động chiến dịch mang tên “Together We - Chúng ta Cùng nhau” kéo dài 03 năm, từ 2022-2024, với khẩu hiệu “Hành động hôm nay vì một ngày mai tốt đẹp hơn” (“Together We - act for a better tomorrow"). Chiến dịch nhằm mục đích chăm sóc thiên nhiên và chăm sóc người nghèo. Kết quả của chiến dịch này là thành lập các “cộng đoàn cơ bản” gồm một số gia đình trong khu xóm hoặc trong giáo xứ đế cùng nhau hoạch định và đưa ra những quyết định phù hợp với nhu cầu của địa phương, cũng như giám sát và lượng giá cho các chương trình đó.

3. Tạo sự đồng bộ để đạt kết quả

Gần đây, Caritas Việt Nam đã vận động một số đoàn thể trong Giáo hội Công giáo tham gia chương trình môi trường xanh, bằng cách phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, chương trình đó đã trở nên vô ích! Kinh nghiệm của chúng tôi trong thời gian qua là việc phân loại rác thải chỉ được thực hiện tại cơ sở gia đình, tu viện, giáo xứ... khi nhân viên đến thu rác thì họ bỏ chung vào với nhau, thậm chí còn cho rằng việc phân loại như thế làm rắc rối thêm cho người thu rác! Hơn nữa, khi phân loại rác thải như lon bia, chai nhựa... để phục vụ tái chế, chúng tôi vẫn không được biết nguồn rác tái chế này sẽ đi đâu, công nghệ tái chế như thế nào, có phù hợp với tiêu chuẩn tái chế không? Chúng tôi nghe dư luận nói rằng nguồn rác tái chế đó tập trung về các làng nghề thủ công và công nghệ tái chế lại tiếp tục làm ô nhiễm môi trường!

II. BA KIẾN NGHỊ

1. Bảo vệ môi trường là quyền lợi và trách nhiệm

Thường khái niệm này được giản lược vào quyền bảo vệ môi trường mà ít lưu ý đến quyền được bảo vệ khỏi những tác động của môi trường ô nhiễm, tức là quyền được hưởng một môi trường tốt. Vì thế, chúng tôi kiến nghị các cấp thẩm quyền quan tâm: thứ nhất, giải quyết những tổn thất và thiệt hại gây ra cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tác động bất lợi do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Thứ hai, giúp các cộng đồng này tăng cường khả năng bảo vệ chính mình. Trách nhiệm đó là món nợ sinh thái của các nước giàu đối với các nước đang phát triển (x. Đức Phanxicô, Thông điệp Laudato Sí, s. 51-52). Ở cấp độ quốc gia, chúng tôi đề nghị cần có chính sách rõ ràng quy định trách nhiệm đối với các cơ sở sản xuất; lưu ý các cơ sở này trong khi tạo ra sản phẩm cần thiết cũng dành một ngân sách tương xứng với trách nhiệm của họ để giải quyết những tổn thất và thiệt hại gây ra cho các nạn nhân.

2. Tạo niềm tin để phát huy năng lực hợp tác

Việc dành nguồn lực cho các dự án bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu nhiều khi thiếu minh bạch. Việc hỗ trợ những người bị tổn thương do bị tác động bởi tình trạng ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu còn hạn chế. Do đó, chúng tôi đề nghị chính quyền cần phân bổ nguồn lực hợp lý hơn; giám sát và đánh giá việc thực hiện các dự án trên với sự tham gia của cộng đồng địa phương. Như vậy, người dân mới có thêm niềm tin vào những chương trình hoặc hoạt động bảo vệ môi trường.

3. Phát huy kinh nghiệm và kiến thức địa phương

Tại hội nghị COP27 ở Ai Cập vừa qua, ngành Nông nghiệp được lưu ý như lãnh vực có tác động mạnh trên môi trường. Người Việt Nam chúng ta phần đông gắn liền với cuộc sống nông nghiệp. Do đó, chúng tôi đề nghị các cấp cần hỗ trợ thành phần này hơn nữa theo nguyên tắc bổ trợ, trong việc bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cần mời gọi họ tham gia vào các quyết định nhằm giúp Nông nghiệp có khả năng hơn nữa trong việc thích ứng với việc biến đổi khí hậu. Chính thực tế địa phương sẽ là nguồn lực kinh nghiệm và sáng kiến xây dựng hệ thống lương thực bền vững. Hơn nữa, các ngành khoa học cần phản ánh và tích hợp kinh nghiệm sống cũng như các kiến thức của người dân địa phương trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Chúng tôi nhận thấy rằng cách thức các cộng đồng địa phương áp dụng kiến thức của họ trong việc canh tác và tối đa hóa việc sử dụng các nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương như phân chuồng, thuốc trừ sâu bằng thực vật, phân xanh... không chỉ góp phần tăng năng suất nhưng còn góp phần vào việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác hại trên môi trường. Do đó, trong bối cảnh xã hội kinh tế hiện nay tràn ngập những thông tin quảng cáo, người dân dễ bị lôi cuốn chạy theo những sản phẩm đem lại lợi ích trước mắt nhưng gây tác hại trên môi trường lâu dài. Chúng tôi kêu gọi các cấp thẩm quyền lưu ý các ngành khoa học và công nghệ nghiên cứu; và phổ biến các kinh nghiệm và kiến thức của người dân địa phương phù hợp với môi trường xanh.

Sau cùng, với tư cách là các thành viên của Giáo hội Công giáo, chúng tôi hứa cầu nguyện ơn Trên chúc lành và đồng hành với quý vị cũng như những nỗ lực của dân tộc Việt Nam trong việc chăm sóc Ngôi Nhà Chung này trở nên môi trường xứng đáng cho con người sinh sống.

Xin chân thành cám ơn và trân trọng kính chào quí vị.

Tp. Thủ Đức, ngày 18 tháng 11 năm 2022
(đã ký)

Lm. Giuse Ngô Sĩ Đình, OP.
Giám đốc Caritas Việt Nam

Truyền thông HĐGMVN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây