Khóa Thường huấn các linh mục và phó tế BMT 2017 (1)
Trong thư chung đề ngày 07/10/2016, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ấn định NĂM 2017 LÀ NĂM “CHUẨN BỊ CHO NGƯỜI TRẺ BƯỚC VÀO ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH”, Đức Cha Vinh Sơn, giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột đã ấn định khóa Thường huấn Linh mục và phó tế năm nay 2017 theo chủ đề này. Khóa Thường huấn sẽ do linh mục Luy Nguyễn Anh Tuấn, Chánh Văn phòng HĐGMVN thuyết giảng.
Khóa Thường huấn, do linh mục Luy Nguyễn Anh Tuấn trình bày về đường hướng trong ba năm từ năm 2016-2019 của HĐGMVN là nhắm đến gia đình và Hôn nhân gia đình với những điểm nhấn cho từng năm:
- Năm 2016-2017: Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân;
- Năm 2017-2018: Đồng hành với các gia đình trẻ;
- Năm 2018-2019: Đồng hành với những gia đình gặp khó khăn
Đường hướng đó được triển khai dựa trên Tông Huấn Niềm Vui của Tình Yêu (Amoris Laetitia) của Đức Thánh Cha Phanxicô. Tông huấn được viết và gửi đến toàn thể Giáo Hội Công giáo, cũng như mọi người tin Đức Ki-tô, như là đúc kết những ý kiến, đề nghị của hai Thượng Hội đồng Giám mục : Thượng Hội đồng bất thường và Thượng Hội đồng Giám mục Thường lệ Khóa XIV từ ngày 4 tháng 10 đến 25 tháng10 năm 2015.
Nhằm để các linh mục, giáo dân nắm bắt và quán triệt sâu sắc thông điệp Niềm Vui của Tình Yêu (Amoris Laetitia), khóa Thường huấn cho các linh mục triều, dòng đang phục vụ tại giáo phận BMT, được tổ chức từ 16g00 chiều thứ hai, ngày 13 tháng 02 năm 2017 và kết thúc vào sáng thứ sáu, ngày 17 tháng 02 năm 2017 tại TGM - BMT. Để đào sâu Thông điệp giúp các linh mục giảng dạy, hướng dẫn, tổ chức các khóa giáo lý về Hôn nhân Gia đình cho giáo dân, đặc biệt cho giới trẻ, là những người sẽ và đang đối mặt với những thách thức cám dỗ, những trào lưu ý thức phá đổ nền móng gia đình.
Cha TĐD chầu Thánh Thể khai mạc tuần Thường huấn chiều ngày 13. 02. 2017
Khóa Thường huấn được linh mục Luy Nguyễn Anh Tuấn diễn tiến với những đề tài tổng quát như sau :
- Phần I : Hướng dẫn đọc Tông Thư Niềm Vui của Tình Yêu (Amoris Laetitia)
- Phần II : Chuẩn bị cho người trẻ bước vào đời sống hôn nhân
- Phần III : Vai trò của lương tâm trong những quyết định luân lý liên quan đến gia đình
- Phâng IV : Đề nghị “Tư vấn Giáo Luật cho người ly thân hay ly dị”
Phần I
Trọng Tông huấn “Evangelii Gaudium", ĐTC Phanxicô đã viết rằng: sau hai ngàn năm Chúa Giêsu, một lần nữa, lại trở nên người xa lạ đối với nhiều xứ sở, ngay cả các xứ Tây phương. Vì thế, “chúng ta cần phải thực tế và đừng nghĩ rằng các thính giả của chúng ta ngày nay hiểu toàn bộ nền hậu cảnh của những gì chúng ta đang nói, hoặc họ có khả năng liên hệ điều ta nói với tâm điểm của Phúc âm, vốn là điều trao ban cho nó ý nghĩa, vẻ đẹp, và sự hấp dẫn” (EG 34). Thế nên, cung cách của Đức giáo hoàng không phải là “đổi mới”, mà đúng hơn, là một “hoán cải” thực sự về ngôn ngữ. Mục đích rõ ràng, là bảo đảm việc loan báo Tin Mừng là điều quan trọng và đến được với hết mọi người. Tin Mừng không phải chỉ là chuyện lý thuyết nhưng liên hệ đến đời sống thực tế của người ta. Để nói về gia đình và nói với các gia đình, thách đố đối với chúng ta không phải là thay đổi đạo lý nhưng là hội nhập văn hoá các nguyên tắc chung để sao cho mọi người có thể hiểu và thực hành. Ngôn ngữ của chúng ta cần phải khích lệ và bảo đảm từng bước đi tích cực cho mỗi gia đình thực sự.
Đức giáo hoàng Phanxicô muốn tự diễn đạt bằng một ngôn ngữ khả dĩ mọi thính giả thực sự có thể hiểu được. Điều đó hàm nghĩa phải có sự phân định và đối thoại.
- Sự phân định : là một quá trình thường xuyên mở lòng ra trước Lời Chúa, để đời sống thực tế cụ thể của mỗi người được sáng tỏ; nó giúp ta trở nên mềm mỏng vâng nghe Chúa Thánh Thần, nó thúc đẩy mỗi người chúng ta hành động với hết cả tâm tình yêu thương trong các hoàn cảnh cụ thể…
- Đối thoại : Tư tưởng của Đức Phanxicô là tư tưởng đối thoại. Ngài coi trọng lối tư duy mà ngài gọi là “bất toàn”, và giữ nó trong tư thế rõ ràng mở ra với đối thoại. Nghĩa là không quy ngã, không trừu tượng và không độc thoại…
- Tinh thần bao dung (inclusion): Một sự bao dung gắn liền với những nỗ lực chấp nhận những dị biệt, đối thoại với những người suy nghĩ khác ta, khuyến khích sự thông dự của những người khác biệt nhau về tài năng…Đối thoại và Phân định đan quyện vào nhau “Phân định thiêng liêng truy tìm để nhận ra sự hiện diện của Thần Khí Chúa trong thực tại nhân loại và văn hóa của chúng ta; hạt giống sự hiện diện của Người ddaxddwowcj gieo trong các sự kiện, các thái độ, ước muốn, và trong các cuộc chiến sâu xatrong tâm hồn, trong bối cảnh xã hội, văn hóa và tâm linh. Điều đó có nghĩa là các mục tử có bổn phận phải phân định các hoàn cảnh thật tốt…” (cf. Familiaris Consortio và Sacramentum Caritatis 29).
- Những quan tâm mục vụ : Tình yêu đối sự thật là điểm gặp gỡ căn bản giữa Lề luật và việc chăm sóc mục vụ. Sự thật thì không trừu tượng; sự thật hòa nhập trong hành trình nhân bản và đức tin của mỗi người Ki-tô hữu. Chăm sóc mục vụ không chỉ là một sự áp dụng thần học vào thực tế được chăng hay chớ, nhưng giữ gìn dấu ấn đạo lý nguyên tuyền, có tính mục vụ cơ bản…
- Ngôn ngữ của Lòng thương xót : Làm sự thật xuất hiện trong cuộc sống. Là đặt lại đạo lý vào trong bối cảnh mới ngày nay, nhằm phục vụ cho sứ mạng chăm sóc mục vụ của Hội Thánh. Đạo lý cần phải được diễn giải trong khi liên hệ đếm tâm điểm của Keryma, lời rao giảng Tin mừng tiên khởi của Ki-tô giáo, và dưới ánh sáng của hoàn cảnh mục vụ trong đó nó sẽ được áp dụng, và luôn nhớ rằng luật tối thượng (suprema lex) phải là cứu độ các linh hồn(salus animarum) như khoản cuối của Bộ Giáo Luật nói “... và ơn cứu độ của các linh hồn, vốn phải là luật tối thượng trong Hội Thánh, phải được luôn giữ trước mắt mỗi người” (Bộ Giáo Luật §1752).
Ban VHTT - BMT
Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn, Thư ký HĐGMVN, giảng viên khóa Thường huấn, phụ trách nội dung trong hai ngày thứ Ba và thứ Tư( 14-15. 02. 2017), tiếp tục thuyết trình phần II về việc : "CHUẨN BỊ CHO NGƯỜI TRẺ BƯỚC VÀO ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH”:
Trong thực tế ngày nay, một số người trẻ chỉ quan tâm đến việc tổ chức lễ cưới thật lớn, mà không hiểu biết đầy đủ về trách nhiệm trong đời sống hôn nhân. Một số khác, vì vất vả với cuộc mưu sinh, ít có thời giờ để chuẩn bị kỹ lưỡng cho đời sống hôn nhân họ sắp bước vào. Vì thế, cần khuyến khích người trẻ tham dự những lớp chuẩn bị hôn nhân, đồng thời các giáo xứ phải tổ chức chương trình cho chu đáo”[3]....
Để giúp các cộng đoàn chuẩn bị cho các bạn trẻ bước vào hôn nhân, đặc biệt cho các gia đình, vì thực ra, mỗi người đều chuẩn bị cho cuộc hôn nhân ngay từ lúc sinh ra. […] những người được chuẩn bị kết hôn tốt nhất là những người đã học được từ chính cha mẹ mình thế nào là một hôn nhân Kitô giáo".
Để nhận biết thời kỳ đính hôn, thời gian chuẩn bị hôn phối, là thời gian của ân sủng và tăng trưởng để sống có trách nhiệm, Đức Thánh Cha nhắn nhủ: “Cha khuyến khích các cộng đoàn Kitô hữu nhận ra lợi ích lớn lao chính mình nhận được qua việc nâng đỡ các đôi bạn đã đính hôn khi họ lớn lên trong tình yêu […] các đôi bạn ấy là một nguồn vô giá vì, khi chính họ cam kết lớn lên trong tình yêu và việc tự hiến, họ có thể giúp canh tân công trình xây dựng của toàn thân thể Hội thánh”. Vì thế, cộng đoàn Ki-tô hữu, những người có trách nhiệm cần giúp các đôi bạn chuẩn bị hôn nhân theo Tông huấn Ammoris Laetitia:
1 “Khám phá ra phẩm giá và vẻ đẹp của hôn nhân” (205).
2 Nhận ra “sự hấp dẫn của việc kết hợp hoàn toàn, một sự kết hợp nâng cao và hoàn thiện chiều kích xã hội của sự sống, đem lại cho giới tính ý nghĩa sâu xa nhất của nó và đem lại lợi ích cho con cái bằng cách cho chúng bối cảnh tốt nhất để lớn lên và phát triển” (205).
3 Giúp đôi bạn “mỗi người học cho biết yêu thương chính con người thật ấy mà họ đang có kế hoạch chia sẻ toàn bộ cuộc sống.” (208).
4 Đồng thời có khả năng cắt đứt một quan hệ yêu đương mà thấy trước nguy cơ hôn nhân thất bại. Đôi bạn cần trao đổi bàn luận để biết : “họ chờ mong gì nơi hôn nhân, họ hiểu thế nào về tình yêu và sự cam kết, họ muốn gì nơi nhau và muốn cùng nhau xây dựng một kiểu sống nào. Những bàn luận ấy sẽ giúp họ thấy nếu thật sự họ không có nhiều điểm chung và nhận ra chỉ một mình việc hấp dẫn nhau thôi sẽ không đủ để giữ họ lại với nhau.” Điều cần lưu ý : “Ta đừng bao giờ khuyến khích quyết định kết hôn trừ phi đôi bạn đã phân định những lý do sâu xa hơn sẽ giúp họ bảo đảm được việc cam kết chân thật và ổn định” (209).
5 Cần biết khuyết điểm của nhau. Cần phát huy ưu điểm để quân bình khuyết điểm. Sẳn sàng hy sinh đương đầu với những xung đột bất ngờ xãy đến và quyết tâm mạnh mẽ sẳn sàng chấp nhận thực tế đó. “Cần có khả năng phát hiện ra những tín hiệu nguy hiểm trong mối tương quan của mình và trước khi kết hôn, phải tìm ra các cách đáp trả các tín hiệu ấy cách hiệu quả.” Thực tế cho thấy, đôi bạn có thể có nhiều cái chung “nhưng lại chưa đương đầu với thách thức bộc lộ chính mình và vẫn chưa biết người kia thật sự là ai” (210).
6 Hiểu rõ lễ cưới không phải là đoạn kết, hôn nhân là hành trình kéo dài suốt đời với khả năng đương đầu mọi thử thách gian nan
CHUẨN BỊ CHO VIỆC CỬ HÀNH HÔN LỄ
Giúp đôi bạn trẻ ý thức được sự cam kết trọng đại như việc bày tỏ ưng thuận kết hôn, và sự kết hợp nên một của hai người là dấu chỉ tình yêu của Con Thiên Chúa làm người kết hợp vơi Hội Thánh trong giao ước tình yêu. Điều quan trọng là hướng dẫn họ biết cầu nguyện và suy niệm các bài đọc Thánh Kinh. Giúp đôi bạn nhận ra tầm quan trọng của gia đình. Gia đình là nơi chốn của yêu thương, gia đình hiện diện tích cực trong cộng đoàn Ki-tô. Giúp đôi bạn nảy nở một niềm tin tưởng đối với cộng đoàn Hội Thánh, hướng họ và đồng hành dọc dài suốt hành trình hôn nhân của mình...
Mỗi buổi chiều từ 15g30 đến 16g30, quý cha thảo luận theo liên giáo hạt, và được đúc kết từ 19g15 đến 20g00 mỗi ngày.
Linh mục đoàn cảm ơn cha giáo Luy Nguyễn Anh Tuấn
Ban VHTT - BMT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn