TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ điệp kỷ niệm Công đồng Vaticanô II

Thứ hai - 10/10/2022 19:37 | Tác giả bài viết: |   726
Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục nói rằng dịp kỷ niệm này là một khoảnh khắc “ân sủng đặc biệt” đối với Thượng Hội đồng.
Sứ điệp kỷ niệm Công đồng Vaticanô II

Ban Tổng Thư ký Thượng HĐGM gửi sứ điệp kỷ niệm Công đồng Vaticanô II

Nhân dịp kỷ 60 năm khai mạc Công đồng Vaticanô II, Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng Giám mục nói rằng dịp kỷ niệm này là một khoảnh khắc “ân sủng đặc biệt” đối với Thượng Hội đồng.

Trong sứ điệp, Ban Tổng Thư ký của Thượng Hội đồng lưu ý rằng bản thân Thượng hội đồng là một “thành quả” của Công đồng, “và thực sự là ‘một trong những di sản quý giá nhất’” (trích lời ĐTC Phanxicô).

Sứ điệp của Ban Tổng Thư ký nhắc lại rằng mục đích của Thượng Hội đồng là “nối dài, trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội, tinh thần của Công đồng Vaticanô II” và “thúc đẩy trong Dân Chúa việc sống tương hợp với giáo huấn của Giáo hội.”

Tiến trình hiệp hành đang diễn ra cũng theo bước Công đồng và bắt nguồn từ thần học của Công đồng Vaticanô II về Dân Chúa. Mặc dù từ “hiệp hành” không xuất hiện trong các văn kiện Công đồng, nhưng khái niệm này đã hiện diện xuyên suốt Công đồng, trong khi ba từ “hiệp thông, tham gia và sứ mạng… là những từ đồng nhất cách đặc biệt với những từ của Công đồng.”

Cuối cùng, sứ điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiệp hành đối với Giáo hội trong tương lai, nhắc lại rằng cả Đức Biển Đức XVI và Đức Thánh Cha Phanxicô đã mô tả sự hiệp hành như một “chiều kích cấu thành” của Giáo hội. Hơn nữa, Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố rằng con đường hiệp hành “là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của Thiên niên kỷ Thứ ba ”.

Văn Yên, SJ - Vatican News

Sau đây là nội dung của Sứ điệp:

SỨ ĐIỆP CỦA BAN TỔNG THƯ KÝ THƯỢNG HỘI ĐỒNG
NHÂN DỊP KỶ NIỆM 60 NĂM KHAI MẠC CÔNG ĐỒNG CHUNG VATICAN II
11. 10. 1962 - 11. 10. 2022


Kỷ niệm 60 năm ngày khai mạc Công đồng Vatican II là một thời khắc ân sủng đặc biệt đối với Thượng Hội đồng, vốn là thành quả của Công đồng, thực sự là một trong những "di sản quý giá nhất" của Công đồng (ĐGH Phanxicô, Tông hiến Episcopalis Communio, ngày 15. 9. 2018, 1). Trên thực tế, Thượng Hội Đồng đã được Thánh Phaolô VI thiết lập vào đầu khóa họp thứ tư và cũng là khóa họp cuối cùng của Công đồng Vatican II (ngày 15. 9. 1965), nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiều Nghị phụ Công đồng.

Mục đích của Thượng Hội đồng đã và đang nối dài tinh thần của Công đồng Vatican II trong đời sống và sứ mạng của Giáo hội, cũng như thúc đẩy Dân Chúa cách sống phù hợp với giáo huấn của Giáo hội, trong nhận thức rằng: Công đồng đại diện cho "ân sủng lớn lao mà Giáo hội được hưởng trong thế kỷ XX" (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, ngày 6. 01. 2001, 57). Nhiệm vụ này còn lâu mới hoàn thành vì việc đón nhận huấn quyền của Công đồng là một tiến trình liên tục, mà ở một khía cạnh nào đó, vẫn còn trong giai đoạn khởi đầu.  

Trong suốt những thập niên này, Thượng Hội đồng đã không ngừng đặt mình phục vụ Công đồng, góp phần vào việc canh tân bộ mặt của Giáo hội, trung thành ngày càng sâu sắc hơn với Kinh Thánh và Thánh Truyền sống động và chăm chú lắng nghe những dấu chỉ của thời đại. Các Đại hội Thượng Hội đồng khác nhau – Đại hội chung thường lệ, Đại hội chung ngoại lệ và Đại hội đặc biệt – theo cách riêng của mình, được thấm nhuần bởi sức sống của Công đồng. Theo thời gian, các Đại hội này đào sâu các giáo huấn, bộc lộ tiềm năng khi đối diện với những tình huống mới, và thúc đẩy sự hội nhập văn hóa giữa các dân tộc khác nhau.

Tiến trình Thượng hội đồng đang diễn ra, tập trung vào "Tính hiệp hành trong Đời sống và Sứ mạng của Giáo hội", cũng nằm trong đường hướng của Công đồng. Khái niệm “Tính hiệp hành” là một chủ đề đồng nhất đã hiện diện xuyên suốt trong Công đồng mặc dù thuật ngữ này không xuất hiện một cách rõ ràng trong các văn kiện Công đồng. Đại hiến chương (Magna charta) của Thượng Hội đồng 2021-2023 là giáo lý của Công Đồng về Giáo Hội, đặc biệt là thần học về Dân Thiên Chúa, một Dân có "địa vị là được vinh dự và tự do làm Con Thiên Chúa, và Thánh Thần ngự trong tâm hồn họ như trong đền thờ” (Hiến chế Lumen Gentium, 9).

Xét cho cùng, ba thuật ngữ "hiệp thông, tham gia và sứ vụ" mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa vào tiêu đề chính của cuộc hành trình hiệp hành như là những từ khóa, vốn là những từ đồng nhất cách đặc biệt với những từ của Công đồng. Giáo hội mà chúng ta được mời gọi để mơ ước và xây dựng là một cộng đoàn những người nam, nữ hiệp nhất với nhau nhờ sự hiệp thông bởi cùng một đức tin, một phép Rửa chung, và một Bí tích Thánh Thể, theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi: những người nam, nữ trong sự đa dạng của các thừa tác vụ và đặc sủng được lãnh nhận, cùng nhau tham gia tích cực vào việc thiết lập Nước Thiên Chúa, với nhiệt thành truyền giáo là mang đến cho mọi người chứng tá vui mừng về Chúa Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của thế giới.

Ngay cả trước khi Giáo hội bước vào cuộc hành trình hiệp hành này, Đức Bênêđíctô XVI đã khẳng định rằng “chiều kích hiệp hành là chiều kích cấu thành của Giáo hội: chiều kích này bao gồm việc mọi dân tộc và nền văn hóa trở nên một trong Đức Kitô và cùng nhau bước đi theo Người, Đấng đã phán: ‘Thầy là đường, là sự thật và là sự sống(Ga 14, 6)” (Kinh Truyền Tin ngày 5. 10. 2008). Tương tự như vậy, nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Thượng Hội đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định rằng con đường hiệp hành, "một chiều kích cấu thành của Giáo hội" và "là con đường mà Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba" (Ngày 17. 10. 2015).

Thành phố Vatican, ngày 10 tháng 10 năm 2022
Một năm sau khi khai mạc Tiến trình Thượng hội đồng 2021-2023

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: synod.va (10. 10. 2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây