TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sứ điệp Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi

Thứ tư - 15/05/2024 08:37 | Tác giả bài viết: Nt. Anna Ngọc Diệp, OP |   284
WHĐ (15.05.2024) – Sáng ngày 14.05, Phòng báo chí Toà Thánh đã công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô dành cho Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ IV, sẽ được cử hành vào ngày 28.07.2024. Sau đây là toàn văn Việt ngữ Sứ điệp của Đức Thánh Cha:
Capture
Capture

SỨ ĐIỆP ĐỨC THÁNH CHA
CHO NGÀY THẾ GIỚI ÔNG BÀ VÀ NGƯỜI CAO TUỔI

LẦN THỨ IV

Ngày 28.07.2024

Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng” (x. Tv 71,9)

Anh chị em thân mến,

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi con cái của mình, không bao giờ. Ngay cả khi tuổi tác của chúng ta ngày càng cao và sức lực suy tàn, khi tóc bạc xuất hiện và địa vị xã hội suy giảm, khi cuộc sống trở nên kém hiệu quả và có nguy cơ trở nên vô dụng. Thiên Chúa không nhìn vào vẻ bề ngoài (x. 1Sm 16,7); Ngài không ngần ngại chọn những người mà trong mắt nhiều người có vẻ tầm thường. Thiên Chúa không loại bỏ bất kỳ hòn đá nào; trái lại, những tảng đá “già nhất” là nền tảng vững chắc để những viên đá “non trẻ” có thể tựa vào, hầu cùng nhau xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng (x. 1Pr 2,5).

Toàn bộ Kinh Thánh là một câu chuyện về tình yêu thành tín của Chúa, từ đó mang lại cho chúng ta điều chắc chắn đầy an ủi rằng: Thiên Chúa luôn luôn tỏ cho chúng ta thấy lòng thương xót của Ngài trong mọi giai đoạn cuộc đời, trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta gặp phải, ngay cả trong sự phản bội của chúng ta. Sách Thánh Vịnh chứa đầy sự ngạc nhiên của tâm hồn con người trước Thiên Chúa, Đấng luôn quan tâm đến chúng ta, dù chúng ta nhỏ bé và chẳng là gì cả (x. Tv 144, 3-4); Các Thánh Vịnh bảo đảm với chúng ta rằng Thiên Chúa đã dệt nên mỗi chúng ta từ trong lòng mẹ (x. Tv 139,13) và Ngài cũng chẳng đành bỏ mặc chúng ta trong cõi âm ty (x. Tv 16,10). Vì vậy, chúng ta có thể chắc chắn rằng, Thiên Chúa cũng sẽ ở bên chúng ta ngay cả khi về già, thậm chí còn gần hơn, vì trong Kinh thánh, tuổi già là dấu chỉ của phúc lành.

Đồng thời, trong sách Thánh Vịnh, chúng ta cũng tìm thấy lời cầu xin khẩn thiết này với Chúa: “Xin đừng sa thải con lúc tuổi đà xế bóng” (x. Tv 71,9). Thật là những lời mạnh mẽ, thậm chí là thiếu tinh tế. Những lời này khiến chúng ta nghĩ đến nỗi đau khổ tột cùng của Chúa Giêsu, Đấng đã kêu lên trên thập giá: "Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Mt 27,46).

Do đó, chúng ta tìm thấy trong Kinh Thánh cả sự chắc chắn về sự gần gũi của Thiên Chúa trong mọi giai đoạn của cuộc đời, lẫn trong nỗi sợ bị bỏ rơi, nhất là khi về già và những lúc đau khổ. Điều này không hề mâu thuẫn. Nhìn xung quanh, chúng ta không khó để thấy những cách diễn đạt này phản ánh một thực tế hiển nhiên ra sao. Sự cô đơn thường là người bạn đồng hành cay đắng trong cuộc sống của ông bà và những người cao tuổi như chúng ta. Khi còn là Giám mục của Buenos Aires, tôi thường đến thăm các viện dưỡng lão và tôi nhận ra rằng những người ở đây hiếm khi có khách đến thăm. Một số đã không gặp người thân của mình trong nhiều tháng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự cô đơn này: tại nhiều nơi, nhất là ở những quốc gia nghèo, người già cảm thấy cô đơn vì con cái họ buộc phải di cư. Tôi cũng nghĩ đến vô số tình huống xung đột. Biết bao người già bị bỏ lại một mình vì đàn ông – thanh niên và người lớn – đã bị kêu gọi ra chiến trường, và phụ nữ, đặc biệt là những bà mẹ có con nhỏ, phải rời bỏ quê hương để đảm bảo sự an toàn cho con cái họ. Tại các thị trấn và làng mạc bị chiến tranh tàn phá, nhiều người già bị bỏ lại một mình; họ là dấu hiệu duy nhất của sự sống ở những khu vực mà tình trạng bị bỏ rơi và cái chết dường như thống trị. Ngoài ra, ở những nơi khác trên thế giới, có một niềm tin sai lầm - bắt nguồn sâu xa từ một số nền văn hóa địa phương - gây ra thái độ thù địch đối với người già, cáo buộc người già là những người dùng đến tà thuật để lấy đi sinh lực của người trẻ; nên trong trường hợp chết yểu, bệnh tật, hoặc vận rủi xảy đến với người trẻ, thì lỗi sẽ thuộc về người lớn tuổi nào đó. Tâm lý này cần phải bị chống lại và loại bỏ. Đó là một trong những thành kiến ​​vô căn cứ mà đức tin Kitô giáo đã giải thoát chúng ta, tuy vậy, thành kiến này vẫn còn đang tiếp tục châm ngòi cho những xung đột thế hệ giữa người trẻ và người già.

Nếu chúng ta nghĩ về điều đó, thì lời cáo buộc cho rằng người già “đánh cắp tương lai của người trẻ” ngày nay hiện diện ở khắp mọi nơi. Điều này cũng xuất hiện dưới những hình thức khác, ngay cả trong các xã hội tiên tiến và hiện đại nhất. Ví dụ, niềm tin hiện nay đã trở nên phổ biến đó là người già tạo gánh nặng cho người trẻ với chi phí cao cho các dịch vụ xã hội mà họ cần, do đó, làm giảm nguồn lực cho sự phát triển của cộng đồng và vì thế, cho sự phát triển của người trẻ. Đây là một nhận thức sai lệch về thực tế. Như thể sự sống còn của người già gây nguy hiểm cho sự sống còn của người trẻ, như thể để ưu ái người trẻ thì cần phải bỏ mặc hoặc thậm chí loại bỏ người già. Xung đột giữa các thế hệ là một sự lừa dối và là thành quả độc hại của nền văn hóa đối đầu. Đặt người trẻ chống lại người già là một hình thức thao túng không thể chấp nhận được: “Điều quan trọng là sự thống nhất giữa các lứa tuổi của cuộc sống, vốn là điểm tham chiếu đích thực để hiểu và đánh giá sự sống của con người một cách toàn diện” (Bài Giáo lý, ngày 23.02.2022).

Thánh Vịnh được trích dẫn trên đây – với lời cầu khẩn đừng bị bỏ rơi khi về già – nói về một âm mưu vây quanh cuộc sống của người già. Những lời này có vẻ cường điệu, nhưng có thể hiểu được nếu chúng ta coi rằng sự cô đơn và bị ruồng bỏ của người già không phải là điều ngẫu nhiên hay không thể tránh khỏi, mà là kết quả của những lựa chọn – mang tính chính trị, kinh tế, xã hội và cá nhân – không nhìn nhận phẩm giá vô hạn của mỗi người, “vượt lên trên mọi hoàn cảnh, và mọi trạng thái hoặc tình huống mà con người có thể gặp phải” (Tuyên ngôn Dignitas Infinita, 1). Điều này xảy ra khi chúng ta mất đi ý thức về giá trị của mỗi người và con người bị đánh giá dựa trên phí tổn của họ, trong một số trường hợp bị coi là quá cao đến mức không thể trả được. Tệ hơn nữa, chính người cao tuổi cuối cùng cũng trở thành nạn nhân của não trạng này; khi họ tự coi mình là gánh nặng và cảm thấy rằng họ cần phải là người trước hết rút lui.

Mặt khác, ngày nay cũng có nhiều người nam, nữ tìm kiếm sự thỏa mãn cá nhân trong một cuộc sống độc lập và tách biệt với người khác nhất có thể. Các thành viên trong nhóm gặp khủng hoảng và chủ nghĩa cá nhân được tôn vinh: việc chuyển từ “chúng ta” sang “tôi” là một trong những dấu chỉ rõ ràng nhất của thời đại chúng ta. Gia đình, thách thức đầu tiên và triệt để nhất chống lại quan điểm cho rằng chúng ta có thể tự cứu mình, đã trở thành một trong những nạn nhân của nền văn hóa cá nhân chủ nghĩa này. Tuy nhiên, khi chúng ta già đi và sức lực của chúng ta suy tàn, thì ảo tưởng về chủ nghĩa cá nhân rằng chúng ta không cần ai và chúng ta có thể sống mà không cần ràng buộc xã hội, sẽ lộ rõ bản chất của nó. Thật ra, chúng ta thấy mình cần mọi thứ, nhưng đến một lúc nào đó trong cuộc đời, chúng ta lại cô đơn, không có sự giúp đỡ nào, không có ai để cậy dựa. Đây là một khám phá nghiệt ngã mà nhiều người mắc phải khi đã quá trễ.

Sự cô đơn và bị bỏ rơi đã trở thành những yếu tố thường xuyên xảy ra trong bối cảnh xã hội ngày nay. Chúng có nhiều nguyên nhân. Trong một số trường hợp, chúng là kết quả của một sự loại trừ có tính toán, một loại “âm mưu xã hội” tồi tệ; ở những trường hợp khác, bi thảm thay, chúng là kết quả của một quyết định mang tính cá nhân. Trong những trường hợp khác nữa, người già phải chấp nhận thực tế này, giả vờ rằng đó là lựa chọn tự do của họ. Chúng ta ngày càng mất đi “hương vị của tình huynh đệ” (Thông điệp Fratelli Tutti, 33); và thậm chí chúng ta khó có thể hình dung ra một điều gì đó khác.

Chúng ta có thể quan sát thấy ở nhiều người lớn tuổi cảm giác cam chịu mà sách Ruth đề cập đến khi kể về câu chuyện của bà Naomi, sau khi chồng và các con bà qua đời, đã khuyên hai cô con dâu là Orpah và Ruth, trở về quê hương và về nhà mẹ của họ (x. R 1,8). Naomi – giống như nhiều người cao tuổi ngày nay – sợ bị bỏ lại một mình, nhưng bà không hình dung được điều gì khác. Là một góa phụ, bà nhận thức được rằng mình chẳng có giá trị gì trong mắt xã hội và tin rằng mình sẽ trở thành gánh nặng cho hai người phụ nữ trẻ còn cả cuộc đời phía trước, vốn không giống như bà. Đây là lý do tại sao Naomi nghĩ rằng tốt nhất nên rút lui, nên chính bà khuyên hai cô con dâu trẻ hãy rời bỏ bà để xây dựng tương lai của họ ở những nơi khác (x. R 1,11-13). Lời của bà Naomi phản ánh những quy ước xã hội và tôn giáo cứng nhắc vào thời đó, vốn là những quy ước dường như đã định đoạt số phận của chính bà.

Ở điểm này, trình thuật Kinh thánh trình bày cho chúng ta hai lựa chọn khác nhau khi đối diện với lời khuyên của bà Naomi, và do đó, khi phải đối diện với tuổi già. Một trong hai cô con dâu, Orpah, cũng yêu mến Naomi, đã hôn bà cách trìu mến, và chấp nhận điều mà đối với cô, dường như là giải pháp khả thi duy nhất, đó là đi theo con đường riêng của mình. Trong khi đó, Ruth không rời xa Naomi nhưng trước sự ngạc nhiên của mẹ, đã nói rằng: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ” (R 1,16). Ruth không ngại thách thức những phong tục tập quán và lối suy nghĩ cố hữu. Cô cảm thức được rằng người phụ nữ lớn tuổi này cần mình, và với lòng can đảm, cô chọn ở lại bên cạnh Naomi, và bắt đầu cuộc hành trình mới cho cả hai. Đối với tất cả chúng ta, vốn đã quen với ý tưởng rằng sự cô đơn là một định mệnh không thể tránh khỏi, Ruth dạy chúng ta rằng để đáp lại lời cầu xin “Đừng bỏ rơi tôi”, người ta có thể nói: “Tôi sẽ không bỏ rơi bạn”. Ruth không ngần ngại phá vỡ điều tưởng chừng như là một thực tế bất biến: sống đơn độc không phải là giải pháp thay thế duy nhất! Không phải ngẫu nhiên mà Ruth - người vẫn ở bên cạnh bà lão Naomi - là tổ tiên của Đấng Mêsia (x. Mt 1,5), của Chúa Giêsu, Đấng Emmanuel - “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”-, Đấng mang đến sự gần gũi của chính Thiên Chúa và tiếp cận mọi người, thuộc mọi lứa tuổi và mọi hoàn cảnh sống.

Sự tự do và lòng can đảm của Ruth mời gọi chúng ta bước đi trên một lộ trình mới. Chúng ta hãy theo bước chân của Ruth. Chúng ta hãy lên đường cùng với người phụ nữ trẻ ngoại bang này và với bà cụ Naomi, chúng ta đừng ngại thay đổi những thói quen và hãy tưởng tượng về một tương lai khác cho tuổi già của chúng ta. Mong sao chúng ta biết ơn tất cả những người, dù phải hy sinh rất nhiều, đã noi gương Ruth trong việc chăm sóc một người già hoặc chỉ đơn giản là thể hiện sự gần gũi hàng ngày của họ với người thân hoặc người quen không còn ai khác. Ruth đã chọn ở lại bên Naomi, và sau đó đã được chúc phúc với một cuộc hôn nhân hạnh phúc, với con cháu, nhà cửa. Điều này luôn luôn xảy ra: khi gần gũi với người cao tuổi và nhìn nhận vai trò không thể thay thế của họ trong gia đình, trong xã hội, và trong Giáo hội, chúng ta cũng sẽ nhận được nhiều quà tặng, nhiều ân sủng, và nhiều phúc lành!

Trong Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ IV này, chúng ta hãy thể hiện tình yêu dịu dàng của chúng ta đối với ông bà và những người lớn tuổi trong gia đình chúng ta. Chúng ta cũng hãy dành thời gian với những người đang ngã lòng và không còn hy vọng rằng một tương lai khác sẽ có thể xảy ra. Thay vì thái độ coi mình là trung tâm dẫn đến sự cô đơn và bị bỏ rơi, chúng ta hãy thể hiện trái tim rộng mở và nét mặt vui tươi của những người có can đảm để nói “Tôi sẽ không bỏ rơi bạn”, và bắt đầu một lộ trình khác.

Các ông bà và những người cao tuổi thân mến, tôi gửi phép lành kèm theo lời cầu nguyện của tôi tới tất cả anh chị em, và tới những người thân thiết với anh chị em. Xin anh chị em cũng đừng quên cầu nguyện cho tôi.

Rôma, Đền thờ Gioan Lateranô, ngày 25 tháng 04 năm 2024

PHANXICÔ

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP

Dòng Đa Minh Thánh Tâm

Chuyển ngữ từ: vatican.va (14. 05. 2024)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây