TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Lễ Các Thánh Nam Nữ

“Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời thuộc về họ.” (Mt 5, 1-12a)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tiếp kiến chung 8/11/2023

Thứ tư - 08/11/2023 23:45 | Tác giả bài viết: |   378
Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư 8/11/2023, Đức Thánh Cha tiếp tục chủ đề “Lòng say mê loan báo Tin Mừng.
Tiếp kiến chung 8/11/2023

Tiếp kiến chung 8/11/2023 - ĐTC Phanxicô: khi rao giảng Phúc Âm, chúng ta được “Phúc Âm hóa”

Trình bày chứng tá của Đấng Đáng kính Madeleine Delbrêl, Đức Thánh Cha nói rằng Đấng Đáng kính Madeleine dạy chúng ta rằng khi rao giảng Phúc Âm, chúng ta được “Phúc Âm hóa”, được Phúc Âm biến đổi.

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung vào sáng thứ Tư 8/11/2023, Đức Thánh Cha tiếp tục chủ đề “Lòng say mê loan báo Tin Mừng. Lòng nhiệt thành tông đồ” với chứng tá của Đấng Đáng kính Madeleine Delbrêl, một phụ nữ Pháp. Cô đã cùng với những người bạn đồng hành sống hơn ba mươi năm trong một khu dân cư thuộc tầng lớp lao động ở Paris. Lựa chọn sống ở những vùng ngoại vi này đã giúp cô khám phá ra tình yêu của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày và làm cho những người ở xa nhất biết đến tình yêu đó bằng một lối sống đơn giản và huynh đệ. Cô có thể cảm nghiệm được rằng “chính nhờ loan báo Tin Mừng mà chúng ta được Tin Mừng hóa”.

Đức Thánh Cha nhận định rằng cuộc đời và các suy tư của Madeleine cho chúng ta thấy rằng Chúa hiện diện trong mọi hoàn cảnh và Người kêu gọi chúng ta trở thành những nhà truyền giáo ở đây và bây giờ, chia sẻ cuộc sống với mọi người, tham gia vào những niềm vui cũng như nỗi buồn của họ. Đặc biệt, cô dạy chúng ta rằng môi trường tục hóa cũng giúp chúng ta hoán cải và củng cố đức tin của mình.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha 

 Anh chị em thân mến chào anh chị em!
Trong số rất nhiều chứng nhân về lòng say mê loan báo Tin Mừng, hôm nay tôi trình bày hình ảnh một phụ nữ Pháp thế kỷ XX, đó là Tôi tớ đáng kính của Chúa, Madeleine Delbrêl. Cô sinh năm 1904 và mất năm 1964, là một nhân viên xã hội, nhà văn và nhà thần bí, sống hơn ba mươi năm ở vùng ngoại ô nghèo và tầng lớp lao động của Paris. Bị choáng ngợp bởi cuộc gặp gỡ Chúa (qua thị kiến), cô viết: “Một khi chúng ta đã biết lời Chúa, chúng ta không có quyền không đón nhận; một khi lời Chúa được đón nhận, chúng ta không có quyền không để lời Chúa được sống nơi mình, một khi Lời Chúa đã nhập thể nơi chúng ta, chúng ta không có quyền giữ lời Chúa cho riêng mình: từ lúc đó chúng ta thuộc về số những người sống Lời Chúa” (La santità della gente comune, Milan 2020, 71).

“Linh đạo của chiếc xe đạp”: chỉ đứng vững khi di chuyển

Sau thời niên thiếu sống trong thuyết bất khả tri - không tin vào điều gì -, khoảng vào năm hai mươi tuổi, Madeleine gặp Chúa, bị ấn tượng bởi chứng tá của một số bạn bè có đức tin. Sau đó, cô bắt đầu tìm kiếm Chúa, biểu lộ nỗi khao khát sâu sắc mà cô cảm thấy trong lòng mình, và đi đến chỗ hiểu rằng “sự trống rỗng biểu hiện sự lo âu trong lòng của cô” chính là Thiên Chúa đang tìm kiếm cô (Abbagliata da Dio. Corrispondenza 1910-1941, Milano 2007, 96). Niềm vui đức tin dẫn cô đến việc lựa chọn một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa, trong lòng Giáo hội và giữa lòng thế giới, chỉ đơn giản bằng cách chia sẻ trong tình huynh đệ cuộc sống của “người dân đường phố”. Cô thưa với Chúa Giêsu một cách thi vị: “Để được ở với Chúa trên con đường của Ngài, cần phải đi, ngay cả khi sự lười biếng nài xin chúng con ở lại. Chúa đã chọn chúng con để ở trong một trạng thái quân bình kỳ lạ, một sự quân bình chỉ có thể được thiết lập và duy trì trong chuyển động, chỉ trong đà tiến. Hơi giống một chiếc xe đạp, không thể đứng vững nếu không chạy […] Chúng ta chỉ có thể đứng vững được bằng cách tiến lên, di chuyển, trong sự thúc đẩy của lòng bác ái”. Đó là điều mà cô gọi là “linh đạo của chiếc xe đạp” (Umorismo nell'Amore. Mediatazione e poesie, Milan 2011, 56). Chỉ khi đi, khi chạy, chúng ta mới sống trong sự cân bằng của đức tin, là một sự mất cân bằng, nhưng nó là như vậy: giống như một chiếc xe đạp. Nếu bạn dừng lại, nó sẽ ngã.

Mang Chúa đến cho những người chưa tìm thấy Người

Đức Thánh Cha nói tiếp: Với tấm lòng không ngừng đi đến với tha nhân, Madeleine để mình bị thách thức bởi tiếng kêu của người nghèo. Cô cảm thấy rằng Thiên Chúa Hằng Sống của Phúc Âm phải cháy bỏng trong chúng ta cho đến khi chúng ta mang danh của Người đến với những người chưa tìm thấy Người. Trong tinh thần này, hướng về những biến động của thế giới và tiếng kêu than của người nghèo, Madeleine cảm thấy được kêu gọi “sống tình yêu của Chúa Giêsu một cách trọn vẹn và cụ thể, theo từng chữ, từ dầu của người Samaria nhân hậu đến dấm của đồi Canvê, nhờ đó dâng hiến cho Người tình yêu vì tình yêu […] để, bằng cách yêu Người hết lòng và để mình được yêu đến cùng, hai giới răn quan trọng của đức ái nhập thể trong chúng ta và trở nên một” (La vocation de la charité, 1 , Œuvres complètes XIII, Bruyères-le-Châtel , 138-139).

Được "Phúc Âm hóa"

Cuối cùng, Madeleine chúng ta một điều nữa: qua việc rao giảng Tin Mừng, chúng ta được Phúc Âm hóa, khi loan báo Tin Mừng chúng ta được Tin Mừng hóa. Vì vậy, cô nhắc lại lời Thánh Phaolô: “Khốn cho tôi nếu việc loan báo Tin Mừng không Phúc Âm hóa tôi”.

Môi trường tục hóa thúc đẩy chúng ta xem xét lại đức tin của mình

Khi nhìn vào chứng tá Tin Mừng này, chúng ta cũng học được rằng trong mọi hoàn cảnh, hoàn cảnh cá nhân hay xã hội của cuộc đời chúng ta, Chúa hiện diện và kêu gọi chúng ta sống trong thời đại của mình, chia sẻ cuộc sống của người khác, hòa nhập vào những niềm vui và nỗi buồn của thế giới. Đặc biệt, cô dạy chúng ta rằng ngay cả những môi trường tục hóa cũng giúp chúng ta hoán cải, bởi vì việc tiếp xúc với những người không có đức tin thúc đẩy người có đức tin liên tục xem xét lại cách tin của mình và khám phá lại đức tin trong sự cốt yếu của nó (xem Noi delle strada, Milan 1988, 268tt).

Chớ gì Madeleine Delbrêl dạy chúng ta sống đức tin trong “hành động”, có thể nói, đức tin này hiệu quả đến nỗi mọi hành vi đức tin đều trở thành một hành vi bác ái trong việc loan báo Tin Mừng. Cảm ơn anh chị em!

Cầu nguyện cho các quốc gia đang có chiến tranh

Vào cuối buổi tiếp kiến chung, một lần nữa Đức Thánh Cha kêu gọi một nền hòa bình công bằng cho các quốc gia đang có chiến tranh. Đức Thánh Cha nói: “Xin Chúa mang đến cho chúng ta một nền hòa bình công bằng”.

Ngài mời gọi các tín hữu nhớ đến và cầu nguyện cho các dân tộc trên thế giới đang chịu cảnh chiến tranh và đau khổ do chiến tranh. Ngài mời gọi đừng quên dân tộc Ucraina đang bị giày xéo và dân tộc Palestine và Israel.

Nhớ đến rất nhiều người đang đau khổ, các trẻ em, các bệnh nhân, những người già và nhiều người trẻ thiệt mạng, Đức Thánh Cha nhắc rằng “Chiến tranh luôn là một thất bại”. Ngài nhắc các tín hữu đừng quên điều này.

Đức Thánh Cha đã liên tục đưa ra lời kêu gọi hòa bình, chấm dứt chiến tranh, tìm kiếm các giải pháp cho các cuộc xung đột trên thế giới, tại Ucraina với cuộc chiến tranh xâm lược của Nga, và bây giờ là tại Gaza trong cuộc xung đột Israel và Hamas.

Vatican News 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây