TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Câu chuyện thằng chiêm bao

20/03/2023 02:47:59 |   744

Câu chuyện thằng chiêm bao

ccct 200323a

 

Câu chuyện thằng chiêm bao hay sự tích ông Giuse được thuật lại trong Sách sáng thế, chương 37, như sau:

Ông Giacóp sống trong đất mà cha của ông đã trú ngụ, là đất Canaan.

Giacóp mến thương Giuse hơn mọi đứa con khác, vì ông sinh ra Giuse trong lúc tuổi già. Ông may cho Giuse một chiếc áo nhiều mầu. Các anh của Giuse thấy cha mình thương Giuse hơn mọi đứa con, nên sinh lòng ghen ghét và không thể nói chuyện thân mật với Giuse.

Giuse chiêm bao, cậu thuật lại cho các anh, khiến họ càng ghét cậu thêm. Cậu nói với họ: “Xin nghe em kể giấc chiêm bao của em. Em thấy chúng ta đang bó những bó lúa ở giữa đồng, thì bó lúa của em vươn dậy, đứng thẳng lên, còn những bó lúa của các anh bao quanh và sụp xuống lạy bó lúa của em.” Các anh bảo cậu: “Mày muốn làm vua làm chúa thống trị chúng tao sao?” Và họ càng ghét cậu thêm vì những chiêm bao và những lời nói của cậu. Một lần khác cậu lại chiêm bao và kể cho các anh. Cậu nói: “Em lại chiêm bao. Em thấy mặt trời, mặt trăng và mười một ngôi sao đang sụp xuống lạy em.” Cậu kể lại cho cha và các anh, nhưng cha cậu mắng cậu và nói: “Giấc chiêm bao mày đã thấy là gì? Tao, mẹ mày và các anh mày lại phải đến sụp xuống đất lạy mày sao?” Các anh ghen với cậu, còn cha cậu thì ghi nhớ điều ấy.

Khi các anh Giuse đi chăn những đoàn chiên của cha mình tại Sikem, thì Giacóp nói với Giuse: “Có phải các anh con đang chăn chiên ở Sikem không? Con hãy lại đây, cha sai con đi tìm các anh con”.

Giuse đi tìm các anh mình và gặp các anh tại Ðôtain. Khi các anh thấy Giuse từ đằng xa tiến lại gần, họ liền âm mưu tìm cách giết Giuse. Họ nói với nhau rằng: “Này thằng chiêm bao đến kia rồi, anh em hãy lại đây, chúng ta bắt giết nó, ném xác nó xuống một cái giếng cạn và nói nó bị thú dữ ăn thịt, rồi xem các điềm chiêm bao của nó sẽ ra sao?”

Ruben nghe nói thế, liền định cứu Giuse khỏi tay anh em, nên nói rằng: “Chúng ta đừng giết nó, đừng làm đổ máu, song ném nó xuống giếng nơi hoang vu này, và như thế, tay các em không phải vấy máu”. Ruben nói như thế, vì có ý muốn cứu Giuse khỏi tay các anh em, để đem Giuse về cho cha mình. Khi Giuse vừa đến gần, các anh liền cởi áo dài Giuse đang mặc, và bắt ném xuống giếng cạn.

Ðang khi các ông ngồi ăn bánh, thì thấy một đoàn người Ismael từ Galaad tiến về Ai-cập, các con lạc đà của họ chở đầy hương liệu, nhựa thơm và dầu thơm. Giuđa nói với các anh em rằng: “Chúng ta giết em chúng ta và giấu máu nó đi, thì có ích lợi gì? Tốt hơn là chúng ta đem bán nó cho người Ismael và tay chúng ta không phải vấy máu, vì Giuse là em ruột thịt chúng ta”. Các anh em nghe theo lời Giuđa, nên khi các người lái buôn từ Mađian đi ngang qua đó, các ông kéo Giuse lên khỏi giếng và đem bán cho các người Ismael với giá hai mươi đồng bạc, và họ dẫn Giuse sang Ai-cập.

Mới đây, ngày 18/3, trong buổi tiếp kiến 150 bạn trẻ của “Dự án Policoro”, Đức Thánh Cha khích lệ các bạn trẻ làm chính trị theo mẫu gương của ông Giuse trong Cựu Ước, người đã bị anh em bán sang Ai Cập, và không làm chính trị như vua Akháp, người đã cướp vườn nho của người nghèo Navốt.

Trước hết, câu chuyện vườn nho của Navốt; vua Akháp muốn chiếm để mở rộng vườn nho của mình. Khi Navốt không đồng ý vì đó là tài sản thừa kế, nhà vua đã nổi giận và hành xử như một đứa trẻ hư hỏng, cùng với người vợ tìm cách giết Navốt qua một cáo buộc sai sự thật.

Akháp đại diện cho chính trị tồi tệ, không theo đuổi công ích nhưng tìm lợi ích riêng và sử dụng mọi cách để thỏa mãn chúng. Akháp không phải là một người cha, nhưng là một ông chủ, và lãnh đạo dân chúng bằng thống trị.

Đức Thánh Cha nói tiếp câu chuyện thứ hai, ông Giuse bị anh em bán sang Ai Cập. Mặc dù bị đối xử tệ hại, bất công, nhưng Giuse không tìm kiếm lợi ích cá nhân; ông trở thành người của công chúng, người kiến tạo hòa bình, tạo nên những mối quan hệ có khả năng đổi mới xã hội.

Tin Mừng ngày thứ Sáu tuần II Mùa Chay (Mt 21, 33-43. 45-46), Thánh Matthêu thuật lại dụ ngôn Chúa Giêsu đối đáp cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh; đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa.

Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy.

Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết.

Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?

Trong Cựu Ước có kể câu chuyện về vua Đavít như sau: khi vua Đavít đã thỏa mãn nhục dục với Bathsêba, vợ của vị tướng Uria. Không dừng lại ở đó, ông đã tìm cách phủ lấp chuyện đồi bại của mình bằng cách đẩy Uria ra mặt trận ác liệt, ở đó, vị tướng này chắc chắn sẽ tử trận, và sự việc đúng như kế hoạch thâm độc mà nhà vua đã hoạch định.

Nghe biết sự tình, tiên tri Nathan đến kể cho vua nghe một câu chuyện nhằm cảnh báo nhà vua. Ngài kể: một anh nhà giàu kia có rất nhiều chiên, nhưng khi có khách, thì lại truyền lệnh cho quân lính sang nhà hàng xóm bắt con dê của họ để làm thịt ăn mừng. Điều đáng nói là người hàng xóm này chỉ có duy nhất một con dê là tài sản của anh ta. Nghe đến đây, Vua Đavít tức giận và tuyên bố một câu xanh rờn: thằng đó phải chết! Nghe thấy thế, tiên tri Nathanel chỉ thẳng vào mặt vua và nói: “Thằng đó chính là vua!” Đến đây, nhà vua mới giật mình nhận ra tội lỗi của ông và ăn năn sám hối.

Ở đời, ai cũng có một cái tôi rất lớn được xây dựng bằng thành trì của sự kiêu ngạo, tự phụ, tự tôn, luôn coi mình là hơn người khác. Thế nên, bản thân rất khó nhận ra con người thực chất của chính mình để sám hối. Dụ ngôn: Những tá điền sát nhân” nói về những người làm công ác nhân, thất đức khi đối xử bất nhân với những người được chủ sai đến. Sự bất nhân của họ còn được sử dụng ngay với chính con của ông chủ, họ đã giết luôn đứa con thừa tự hòng chiếm đoạt vườn nho. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào? -Thưa: “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”.

Trong cuộc sống hôm nay, nhiều khi vì lòng tham, vì ghen ghét, vì dục vọng chúng ta cũng vô tình hay cố ý gây đã nên tội lỗi làm phiền lòng Chúa, phiền lòng anh em. Đức Thánh Cha nhắn nhủ: Đừng tìm lợi ích riêng và sử dụng mọi cách để thỏa mãn chúng như Akháp. Hãy sống theo mẫu gương của ông Giuse, trở thành người của công chúng, người kiến tạo hòa bình, tạo nên những mối quan hệ có khả năng đổi mới xã hội.

Mùa Chay, Chúa mời gọi chúng ta hãy quay về để được cứu độ. Chiều thứ Sáu ngày 17/3/2023, khi cử hành nghi thức thống hối “24 giờ cho Chúa”, sau mỗi lời xưng thú tội lỗi, Đức Thánh Cha mời các tín hữu cùng lặp lại lời cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Xin Chúa nhậm lời chúng con.

Vũ Đình Bình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây