TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

ĐC Phêrô Nguyễn Huy Mai – P2

03/12/2022 04:00:36 |   999

Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai – Giám mục tiên khởi Giáo phận Ban Mê Thuột

ĐC Mai

 

Sơ lược tiểu sử:
Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai
Sinh ngày 03 tháng 7 năm 1913 tại làng Khuyến Lương, Hà Nội (nay thuộc phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội), là con cả trong một gia đình có bảy người con.

Năm 1929, tu học tại Tiểu Chủng viện Hoàng Nguyên.
Năm 1930, du học tại Chủng viện Saint Sulpice Paris, nước Pháp do Giám mục Pierre Gendreau (Đông, 1892 – 1935), Giám mục Hà Nội, giới thiệu.
Lãnh nhận chức phó tế ngày 21 tháng 12 năm 1940 tại Nhà thờ Saint-Sulpice, Paris, thuộc Tổng giáo phận Paris.
Thụ phong linh mục ngày 29 tháng 6 năm 1941 tại Thánh đường Notre-Dame de Paris, Tổng giáo phận Paris do ĐHY Emmanuel Suhard.
Năm 1947, trở về Việt Nam, được bổ nhiệm làm Phó xứ Chánh tòa Hà Nội.
Năm 1952, Chánh xứ Chánh tòa Hà Nội, kiêm Giám đốc Tiểu chủng viện Piô XII của Giáo phận Hà Nội, kiêm Tổng Đại diện Giáo phận.
Năm 1954, di cư vào Nam, nhập tịch Giáo phận Kontum dưới thời Đức Cha Paul Seitz Kim.

Ngày 22 tháng 6 năm 1967, Đức Giáo hoàng Phaolô VI ban sắc lệnh thiết lập Giáo phận Ban Mê Thuột và bổ nhiệm linh mục Nguyễn Huy Mai làm Giám mục Chánh tòa tiên khởi qua sắc chỉ Qui Dei Benignitate.

Lễ tấn phong Giám mục cử hành tại Sài Gòn ngày 15 tháng 8 năm 1967 do Đức Khâm sứ Tòa Thánh Angelo Palmas chủ phong; Đức Cha Paul Seitz Kim, Giám mục chính tòa Giáo phận Kon Tum và Đức Cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi, Giám mục Chánh tòa Giáo phận Đà Nẵng, phụ phong.

Khẩu hiệu Giám mục: “Ngài cần phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”.

Ngày 22 tháng 8 năm 1967, tân Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai chính thức nhận sứ vụ tại Giáo phận Ban Mê Thuột.

Ngày 25 tháng 3 năm 1968, Đức Cha Phêrô ban hành Văn thư số C. 200/68 sáng lập Chủng viện Lê Bảo Tịnh, bổ nhiệm linh mục Augustinô Nguyễn Văn Tra làm Giám đốc tiên khởi.

Năm 1969, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai xin cải tổ Dòng Mến Thánh Giá, và chính thức thiết lập Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình tại buổi lễ tổ chức ngày 31 tháng 5 năm 1969.

Cũng trong thời gian này, Đức Cha Phêrô thành lập các ban chuyên trách: Ban Phụng vụ và Thánh nhạc Sắc tộc, Ban Giáo lý Sắc tộc, thành lập các Trung tâm Công giáo Sắc tộc tại Đăk Lăk, Quảng Đức, Phước Long. Ngài mở các Trường trung, tiểu học, các chẩn y viện, cô nhi viện, nhà dưỡng lão, quán cơm xã hội...

Năm 1974, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai và Tổng giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền được Hội đồng Giám mục Việt Nam cử đi tham dự Thượng Hội đồng Giám mục. Trong chuyến đi, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai cũng đã có dịp tiếp kiến riêng Đức giáo hoàng Phaolô VI.

Ngày 11 tháng 3 năm 1975, Đức Hồng y Quốc vụ khanh Jean Villot gửi điện tín đến Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai để báo tin việc Giáo hoàng Phaolô VI tuyên bố cầu nguyện cho Giáo phận Ban Mê Thuột và đau buồn trước tình hình chiến sự tại Việt Nam.

Ngày 5 tháng 4 năm 1975, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai cử hành nghi thức Tấn phong Giám mục cho Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa tại nhà nguyện Dòng Nữ Vương Hòa Bình.

Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai được các Giám mục bầu chọn làm Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam từ năm 1989 đến năm 1992.

Đức Cha Phêrô sống giản dị và khó nghèo. Gia sản của ngài chỉ là tủ sách đạo đức, các tờ nhật báo, tuần san và nguyệt san ở quầy sách Tòa Giám mục... Ngài sử dụng đồ đạc tiết kiệm: cây kim cũ có từ trước năm 1936, áo bạc màu thì lộn trái để mặc. Ngoài cuộc sống giản dị, tiết kiệm ngài còn có các đức tính: khiêm tốn, khó nghèo, đúng giờ, cương nghị và bộc trực.

Ngày 23 tháng 7 năm 1990, khi đang dâng lễ tại Hội dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình, sức khỏe của ngài có biểu hiện xấu, phải vịn ghế để tiến lên bàn thờ. Sau đó, kết quả xét nghiệm xác định ngài bị ung thư máu tình trạng rất trầm trọng.

Ngày 4 tháng 8 năm 1990, Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai qua đời tại Tòa Giám mục Ban Mê Thuột, hưởng thọ 77 tuổi, 49 năm Linh mục, 23 năm Giám mục.

Thánh lễ an táng Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai cử hành tại Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột ngày 8 tháng 8 năm 1990. Thi hài của Đức Cha Phêrô được chôn cất trong Thánh đường này theo ý nguyện của ngài.

Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực, Giám mục kế vị, đã nói về cuộc đời Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai, như sau: “Đức Cha Phêrô đã dồn mọi nỗ lực cũng như hoạt động của ngài vào mục tiêu truyền giáo. Ngài chỉ ôm ấp một nguyện vọng là làm sao cho Danh Chúa được rao truyền, được lan rộng nơi người Kinh, nơi anh em Sắc Tộc: Rhadé, Mường, Nùng, Thái, M’nông và S’Tiêng… ở rải rác khắp nơi trên miền đất Cao Nguyên nầy. Ngay trong mấy năm đầu về Giáo phận, Đức Cha đã đến thăm viếng từng giáo xứ, giáo họ, các Buôn, Sóc để củng cố đức tin cho mọi người”.

Vũ Đình Bình


NGƯỜI PHẢI LỚN LÊN CÒN TÔI PHẢI NHỎ ĐI
[31.05.2007 15:43]

Khi nhắc tới Đức Cha Phê-rô Nguyễn Huy Mai, Giám Mục tiên khởi Giáo phận Ban Mê Thuột, chúng ta liên tưởng tới một con người nhỏ bé nhưng thật là vĩ đại. Sự vĩ đại ở đây mang tầm vóc đáng kính mà ngay cả những kẻ đối đầu với Ngài trong những ngày nhiễu nhương, khi Giáo phận rơi vào hoàn cảnh bi đát, bị gây khó khăn nhiều mặt, cũng phải nể sợ vì sự cứng rắn và lập trường kiên định của con người nhỏ bé này.

Ngày 22-6-1967, Ðức Thánh Cha Phaolô VI ban Sắc Chỉ Qui Dei Benignitate thiết lập giáo phận Ban Mê Thuột. Cùng sắc chỉ, Ðức Phaolô VI bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Huy Mai làm Giám Mục tiên khởi Giáo phận. Ngài được tấn phong ngày 15-8-1967. Tiếp nhận Giáo phận  Ban Mê Thuột được tách ra từ Giáo phận Kontum và một phần của Giáo phận Đà-lạt. Trong những năm cuối của thập niên 60, chiến tranh tại miền Nam leo thang,  Ban Mê Thuột cũng nằm chung trong số phận đó. Người ta biết tới  Ban Mê Thuột là địa danh có đặc sản cà-phê nổi tiếng nhưng vẫn hình dung đây là nơi rừng thiêng nước độc và đã từng là nơi đày ải các tù nhân chính trị.

Giữa cảnh rừng núi hoang vu, mở ra trước mắt vị Giám Mục tiên khởi muôn vàn khó khăn. Ngài đã từng ra nhiều Thư Chung đề cập tới trách nhiệm truyền giáo, trong đó Thư Chung số sáu đã khẳng định: “Khi chịu phép rửa tội, ta phải có trách nhiệm truyền giáo. Việc truyền giáo phải tiệm tiến từ từ như vết dầu loang”. Lời giáo huấn này đã trở thành tâm niệm cho tất cả mọi người trong Giáo phận, anh phu xe, chị bán hàng rong, người công nhân, những viên chức đều ý thức việc truyền giáo. Có những người tới bệnh viện xin rửa tội cho những trẻ sơ sinh cũng như bệnh nhân hấp hối. Trong buổi ban sơ của Giáo phận đã dấy lên một tinh thần tông đồ nhờ lời giáo huấn của chủ chăn...

Ngày 25/03/1968, Ngài sáng lập Chủng viện Lê Bảo Tịnh và đặt cha Augustinô Nguyễn Văn Tra làm Giám đốc, nhưng mãi tới ngày 22/07/1968, khi cha Phao-lô Nguyễn Văn Hòa từ Giáo Hoàng Học Viện Piô X ở Ðà Lạt về thay thế làm Tuyên uý Dòng Nữ Vương Hòa Bình thì cha Augustinô mới dành toàn tâm cho Chủng viện. Trong thời gian này Chủng viện được xây dựng tại Cây số 5. Có lẽ lớp Vô Nhiễm, lớp đầu tiên của Chủng viện đã được đón nhận nhiều sự quan tâm ưu ái của vị Giám Mục tiên khởi. Lớp đầu tiên này trong khi chờ Chủng viện xây cất thì đã ăn học tại Tòa Giám Mục, hàng ngày được vị chủ chăn chăm sóc dạy bảo. Đương thời mọi người nể trọng Đức Cha Phê-rô vì Ngài có học vấn uyên bác và xuất thân từ Ðại học Sorbonne, Paris, đồng thời Ngài là bạn đồng môn với nhiều chính trị gia lỗi lạc, nhưng điều đáng được ca tụng nhất đó là sự kiên định giữ vững lập trường Giáo Hội của Ngài.

Trong những năm đầu của thập niên 70, chiến sự tại ba tỉnh  Ban Mê Thuột, Quảng Đức, Phước Long trở nên căng thẳng hơn, hệ thống đường bộ hầu như bị cắt đứt, việc kinh lý tới các hạt xa xôi của Giáo phận bị gián đoạn. Điều hành Giáo phận trong thời buổi chiến tranh quả thật gian nan vất vả, tuy thế mọi công việc vẫn tiến hành trôi chảy... Tiếp tới là biến cố năm 1975 làm phá sản chế độ chính trị tại miền Nam, đồng thời làm đảo lộn tất cả những dự định chưa thành của một Giáo phận còn non trẻ. Kể từ đây mọi sinh hoạt tôn giáo đều được diễn ra trong âm thầm lặng lẽ. Vị chủ chăn phải đau lòng chứng kiến những hoàn cảnh bi đát khi mà Giáo Hội đang sống trong cơn thử thách.

Tháng 10/1977, Chủng viện bị trưng thu, số Chủng sinh còn lại phải chuyển về Toà Giám Mục.

08/04/1978, Chủng viện bị thanh lọc lần thứ hai.

29/06/1983, Chủng viện hoàn toàn bị giải tán.

Trong hoàn cảnh ly tán, vị Cha chung của Giáo phận ngậm đắng nuốt cay, lòng người xót xa nhưng vẫn kiên quyết khẳng định: “Con người Lê Bảo Tịnh sẽ không dừng lại ở thời khắc này mà sẽ ra đi khắp bốn phương”. Một điều không tưởng trong hoàn cảnh lúc ấy đã trở thành lời tiên tri báo trước mà giờ đây đã thành sự thật.

Những câu chuyện mà người đời truyền tụng về vị Giám Mục này xem ra nhiều lắm. Có một lần Ngài bị mời làm việc tại một cơ quan chính quyền, tiếp Ngài là một cán bộ còn rất trẻ. Vị cán bộ này xưng với Ngài là anh-tôi, vị Giám Mục già mỉm cười hỏi lại cán bộ: “Có lẽ tuổi tôi phải bằng tuổi cha anh mà anh gọi tôi bằng anh, thì tôi phải gọi anh bằng gì”? Tính khí cương trực thẳng thắn của con người nhỏ bé này đã làm cho quyền lực phải khiếp sợ. Việc thuyên chuyển các linh mục thời điểm ấy luôn gặp phải những trở ngại, nhưng Ngài cương quyết không nhượng bộ... Cuối cùng giải pháp chấp thuận việc “Cung Hiến Thánh Đường” nhà thờ Chính Tòa được đưa ra như để xoa dịu và công nhận Đức Giám Mục Giáo Phận là cha xứ Chính Tòa...

Năm 1981, Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực được tấn phong, chuẩn bị cho một giai đoạn chuyển tiếp mà đấng tiền nhiệm đã vạch ra. Trong những năm tháng cuối đời Ngài càng bộc lộ lập trường kiên định. Sự rắn rỏi, tinh thần bất khuất của Ngài đã củng cố tinh thần đức tin cho Giáo Phận một cách mãnh liệt.

Năm 1990, Thiên Chúa đã đưa Ngài về an nghỉ trong lòng tổ phụ Abraham giữa bao tiếc thương của muôn người cộng với lòng ngưỡng mộ và sự kính trọng cao quý...

Thời gian qua chưa lâu, nhưng Giáo Phận đã có nhiều thay đổi. Kỳ vọng cho tương lai của Giáo Hội luôn được thể hiện bằng niềm tin. Đức Cha Phê-rô Nguyễn Huy Mai đã có niềm tin mãnh liệt vào sự tác động của Chúa Thánh Thần. Ngài ra đi trong thời điểm khó khăn nhất của Giáo Phận. Con người nhỏ bé mà vĩ đại này nằm xuống đã để lại cho đời sau di sản tinh thần to lớn và lập trường kiên định. Hình ảnh của vị Giám Mục tiên khởi đứng giữa đồng lúa chín vàng, tay nâng niu bông lúa đã để lại ấn tượng sâu sắc, luôn nhắc nhở chúng ta trách nhiệm truyền giáo. Ngài đã trở nên nhỏ bé trong Đức Kytô để Giáo Phận mỗi ngày một lớn lên.

Hoàng Công Nga


THƯƠNG NHỚ CHA

Tháng Bảy trời mưa lất phất. Buồn. Nỗi buồn nhớ thương. Tháng Tám trời cũng mưa. Nỗi buồn thêm da diết. Nhớ thương Cha nằm đó. Giữa lòng Nhà Thờ. Bình dị. Cô đơn.

Nhớ mùa xuân 75, khi chiến tranh đang diễn ra tại Ban Mê Thuột, tôi cũng được đưa vào rừng cùng những người anh lớn tuổi. Sau vài ngày trong rừng, anh em được đưa lên xe Molotova, chạy suốt đêm, lên đồi xuống suối như vượt Trường Sơn. Ngày tuổi dại ấy, tôi chẳng suy nghĩ được điều gì. Tuổi thơ thật khờ khạo. Những ngày ấy vẫn lưu lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Những kỷ niệm thân thương.

Suốt đêm băng rừng vượt suối. Sáng tinh mơ, mọi người được thả xuống ở vùng đất xa lạ. Hỏi ra mới biết đó là nghĩa trang Phan Bội Châu. Chủng viện thì xa. Tòa Giám Mục thì gần. Anh em dự tính về Tòa Giám Mục với vị Cha chung yêu dấu. Khi biết Ngài đang ở Dòng Nữ Vương Hòa Bình, trên một ngọn đồi, cuối đường Lê Văn Duyệt (nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh), anh em đến chào Ngài.

Hôm sau, tôi được hân hạnh tháp tùng Cha lội bộ đi thăm Nhà thờ cha Bianchetti (nay là Nhà thờ Mẫu Tâm). Ở đó, Cha thu dọn Mình Thánh Chúa và rước về Nhà Dòng. Khi trở lại, anh em đã về chủng viện. Một mình bơ vơ giữa Dòng nữ. Chiến tranh đang diễn ra nên Cha không dám để tôi một mình trở lại chủng viện. Vài ngày sau, Cha trở về Tòa Giám Mục, tôi cũng đã theo Cha về đó. Tòa Giám Mục Ban Mê Thuột, 70 Phan Chu Trinh, cũng là hộ khẩu thường trú đầu tiên của tôi.

Như một mục tử, dẫu chiến tranh đang diễn ra, Cha đi thăm các nơi, nhất là những nơi có nhà nguyện đặt Mình Thánh Chúa. Tôi còn nhớ, một lần, hai cha con lội bộ và chuyện trò rôm rả, để tránh đi cái hoang lạnh chết chóc của chiến tranh, trên đường vào Buôn Akõ Dhông (tên gọi khác là buôn Akõ Thôn, buôn Cô Thôn), đến nhà nguyện của các nữ tu dòng Biển Đức. Cha cất giữ Mình Thánh Chúa, và lặng lẽ quay về. Những bước chân trở về. Lặng lẽ. Buồn hiu hắt. Để xua tan không khí hoang vắng. Tôi gợi chuyện. Cha đáp lời bằng một cái nhìn... yêu thương. À, thì ra, Thiên Chúa hiện diện nơi đây. Chúng ta phải kính thờ. Ôi, tuổi trẻ ngây ngô và khờ khạo.

Tháng Tám trời mưa. Trời mưa buồn. Nỗi buồn da diết.

Nhớ lại cách đây 29 năm. Trời tháng Tám mưa buồn. Mưa da diết. Những hạt mưa như những giọt nước mắt khóc thương Cha. Ngày Cha ra đi. Trời cũng đổ mưa. Thương tiếc một vị mục tử -tử vì đạo đã lặng lẽ về với Chúa. Ngày an táng, mọi người đến với Cha, với cờ xí ngập đường. Với những vành khăn tang trắng trên đầu. Lặng lẽ, khóc thương. Trong đám tang, tôi cũng cờ xí trong tay. Đưa tiễn Cha. Đám tang như một cuộc diễn hành đức tin. Một đức tin kiên vững giữa ba đào thử thách. Một đám tang ‘hoành tráng’. Một đám tang yêu thương.

Cha chọn Nhà thờ Chính Tòa làm nơi yên nghỉ. Giữa lòng Nhà Thờ. Nơi giáo dân qua lại. Cha lặng lẽ nằm đó, để mọi người bước qua. Đời người mục tử dấn thân cho đoàn chiên. Chết cho đoàn chiên.

Cha nằm đó lặng lẽ. Lặng lẽ đến quạnh quẽ.

Hằng tuần, thậm chí hằng ngày, tôi vào Nhà thờ dâng thánh lễ. Cầu nguyện với tất cả mọi ý nguyện mà mình nhớ. Còn Cha, nằm đó, lặng lẽ. Họa hoằn, tôi mới thấy một bó hoa đặt trên mộ hoặc có người cầu nguyện trước mộ Cha.

Cha cô đơn. Cô đơn ngay trong ngôi nhà của mình. Cô đơn ngay giữa đoàn chiên bao yêu dấu! Bao ngày giỗ đến rồi đi. Ai nhớ, ai thương?

Cha vẫn ở đó. Giữa đoàn chiên. Lặng lẽ. Một mình. Cô đơn. Cô đơn như thân phận của mình!

Ngày mai, ngày giỗ lại đến. Mấy ai nhớ đến Cha!!!

Ban Mê Thuột, 03.8.2019
Nguyễn Thái Hùng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây