TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa

“Bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2,16-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Dinh Tổng Trấn Philatô, nơi xét xử Đức Giêsu

19/04/2021 07:39:26 |   1496

Dinh Tổng Trấn Philatô, nơi xét xử Đức Giêsu

 
Sáng sớm chúng tôi đi bộ tiến vào cổng Jaffa. Từ đó, chúng tôi rẽ vào những con đường nhỏ hẹp gồ ghề để theo lối tắt vào nhà Dòng các sơ Đức Bà núi Sion. Nơi đây theo các nhà khảo cổ là dinh Philatô, cùng với nhiều khu vực phụ cận khác nhau như các phòng ốc, tòa án, chỗ tắm và cả khu vực buôn bán. Chính khu vực này cũng là nơi diễn ra phiên tòa xét xử Đức Giêsu; và sau đó Ngài vác thập giá dọc theo “Via Dolorosa - Đường Thập Giá” đến ngọn đồi Golgotha.

Theo đó, chủ đề cho ngày thứ hai của chúng tôi là: Kết thân với Đức Giêsu. Tại sao lại kết thân với Đức Giêsu tại một địa điểm mà Người đang bị kết án, đứng trước cái chết khủng khiếp trên thập giá?

Tôi lấy lại bình tĩnh để hỏi Chúa đâu là điều cần thiết cho tôi lúc này? Thực ra động từ kết thân “intimate” là hành động đáp lại của con người sau khi chính Thiên Chúa muốn kết thân với con người và tự tỏ lộ Ngài ra cho chúng ta trước. Tình yêu Thiên Chúa từ ngàn đời đã muốn cứu độ và muốn cho con người được sống và sống dồi dào. Từ nguyên thủy Thiên Chúa đã có một tình bạn với ông bà nguyên tổ. Từ khi ông A-đam và bà E-và nghe lời cám dỗ của con rắn ăn trái cấm, họ xấu hổ và sợ hãi vì nhận ra mình trần truồng, nên họ cũng lẩn trốn Thiên Chúa (St 3,9-10). Tội lỗi khiến họ phá vỡ mối giao hảo đó, một tình bạn giữa Đấng Sáng Tạo và thụ tạo. Hậu quả là họ xa lìa Thiên Chúa. Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc, không ngừng kết thân với con người. Khi Đức Giêsu mang lấy thân phận con người, và mang đến ơn cứu độ cho loài người nơi Đức Giêsu, con người được trao cho khả năng kết thân và yêu mến Thiên Chúa trong hành trình bước theo thầy Giêsu. Đó là tình yêu đối thần, kết thân với Đấng Siêu Việt.

Do đó, tôi xin được ơn kết thân với thầy Giêsu mỗi ngày sâu đậm hơn. Nhất là khi tôi được diễm phúc đứng trên phần đất mà ngày xưa chính Đức Giêsu đã hiện diện để nghe lại câu chuyện về Vị mục tử Nhân Lành.

1. Thầy Giêsu muốn kết thân với con người

Một khoảng đất gần với dinh Philatô, sát với con đường Thánh Giá[1], gợi lên cho tôi chân dung vị mục tử dám sống chết vì đoàn chiên. Đây là nơi người ta đã lên án đóng đinh Đức Giêsu vào Thập giá. Trong bối cảnh này, tôi được mời gọi để chiêm ngắm chân dung thầy Giêsu là mục tử muốn kết thân và sống chết vì đoàn chiên. Cả cuộc đời Thầy, cả Tin Mừng Cựu Ước lẫn Tân Ước đều diễn tả, trình bày một Thiên Chúa luôn khao khát ở với con người, được làm bạn, được yêu thương và cứu độ từng người. 

Nhớ có lần thầy Giêsu diễn tả tình yêu của Thiên Chúa cụ thể nơi Người mục tử, tôi hạnh phúc vì thấy mình thật may mắn là con chiên của Thầy. Mục tử và đàn chiên là hình ảnh dễ thấy nơi quê hương của Chúa. Là mục tử chăm sóc đoàn chiên, Thầy gọi tên từng con, Thầy nhớ từng thân phận của con chiên. Rồi ngày qua tháng lại, sáng Thầy dẫn chúng ra đồng cỏ xanh tươi, chiều về Thầy đưa chúng vào chuồng nghỉ ngơi bồi dưỡng[2].

Khi chiên ra khỏi chuồng, vị mục tử đi trước và chiên đi sau, vì chiên nhận biết tiếng của chủ. Trong hành trình đó, chiên không sợ sói dữ tấn công, không sợ chủ loại bỏ khỏi đàn, vì đó là chủ tốt lành. Chủ xem sự sống của con chiên cũng như chính sự sống của mình. Hơn nữa, nếu cần chủ sẽ thí mạng sống mình vì đoàn chiên. Chủ không muốn để mất một con chiên nào, vì đó là đoàn chiên mà Chúa Cha trao cho mục tử Giêsu coi sóc.

Tình yêu của thầy Giêsu luôn đi bước trước để mở đường cho con chiên bước vào. Ngài là cánh cửa rộng mở chào đón nhiều con chiên đến và ở lại trong mối tương quan kết thân với Ngài. Đó là sứ mạng và là căn tính của Thầy. Ngài là tình yêu và đến thế gian để ở cùng con người, muốn kết thân cá vị với từng người. Thầy muốn biết tôi và bạn thật nhiều, thật sâu và thật sự. Ngài biết chúng ta như Chúa Cha biết Thầy, như Thầy biết Chúa Cha.

Bước theo Thầy, chắc ai cũng ít nhiều nhận ra tình yêu của Thầy không chỉ bằng lời nói yêu thương, bằng Lời hằng sống, nhưng bằng cả hành động tận căn. Nơi đó có vị mục tử đang vác thập giá tiến ra pháp trường. Trong cảnh huống ấy, Thầy không ngừng muốn kết thân, yêu mến con người cho đến hơi thở cuối cùng trên thập giá. Nơi đó, thánh giá hình chữ “T” Người nằm giang tay chữ “Y”, cho bạn và tôi một định nghĩa trọn hảo về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người.

Tại sao thầy Giêsu chọn cái chết trên thập giá để diễn tả tình yêu, diễn tả lòng khát khao kết thân với con người? Tôi chưa hiểu hết được. Phải chăng đó là một mầu nhiệm? Tôi hỏi Thầy. Thầy vẫn lặng im và bước đi với thập giá trên vai trên con đường ghồ ghề, giữa dòng người náo nhiệt. Một tình yêu Thầy viết bằng giá máu, bằng mạng sống để kết thân với con người. Bởi nghĩa cử diễn tả tình yêu ấy có sức mạnh rửa sạch tội lỗi của con người, mang con người về tình trạng nguyên tuyền của buổi đầu trước khi tội lỗi đi vào mặt đất. Phải chăng đó cũng là lý do Vị Mục Tử nhân lành đang vác thập giá để chịu chết thay cho cả nhân loại.

Không chỉ chiên trong đàn, Thầy cũng muốn kết thân với những con chiên khác không thuộc ràn này. Những con chiên bơ vơ không người chăn dắt, hoặc bị kẻ trộm bắt cắp con chiên. Ước mơ của Thầy là chỉ có một đoàn chiên và một mục nhân lành. Khi đó ai cũng có thể ca lên như lời vua Đa-vít năm xưa:

“Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” (TV 23)

Đó là món quà ân huệ của những con chiên được Thiên Chúa kết thân làm bạn hữu. Phúc thay vì thầy Giêsu mời gọi ta tiến vào mối tương quan thần linh, để được hạnh phúc đời đời.

Tuy nhiên, hạnh phúc là vậy, sung túc là thế nhưng đi theo Chúa, đáp lại tiếng mời gọi kết thân với Chúa, luôn đòi tôi trả giá. Anh thanh niên giàu có đã sa sầm nét mặt khi Thầy trìu mến mời anh bán gia tài cho người nghèo và đến theo Thầy, kết thân với Thầy. Giu-đa Ít-ca-ri-ốt muốn kết thân với Thầy nhưng sau cùng không hiểu Thầy và đã bán Thầy. Các môn đệ thân tín đã chạy hết chẳng mấy người ở lại trong cuộc khổ nạn của Thầy. Tệ hơn nhiều người đâu thèm quan tâm đến một Đức Giêsu nào đó mà người Công giáo đang tôn thờ.

Rồi trong đời dương thế Vị mục tử nhân lành Giêsu muốn hy sinh mạng sống vì đoàn chiên, có người cho Thầy bị quỷ ám, kẻ nghĩ Thầy mất trí. Trước đó nhiều lần có kẻ tố cáo Thầy là kẻ phạm thượng, dám nhận mình là Con Thiên Chúa, dám gọi Thiên Chúa là Cha. Họ không muốn kết thân với thầy Giêsu.

Trong hoàn cảnh khi Thầy kể dụ ngôn này, sau đó người ta ồn ào bàn tán. Họ đến từ nhiều thành phần khác nhau, thuộc ràn chiên có, không thuộc ràn chiên có. Tôi đợi hỏi riêng Thầy: “Làm sao con có thể kết thân mới Thầy, nên bạn hữu của Thầy?” Bây giờ và lúc này, tôi và bạn lắng nghe Thầy trả lời vì Thầy lúc nào cũng muốn hồi âm với bạn và tôi sớm bao nhiêu có thể.

Thầy vỗ vai hỏi lại tôi: “Tại sao con lại xin ơn đó, Ta luôn ban cho con mà, vì Ta yêu con và đã muốn kết thân với con từ khi con mới hoài thai?” Tôi gãi đầu ấp úng: “Vì khi kết thân với Thầy, con phải đi theo con đường của Thầy, con đường ghồ ghề nhỏ hẹp chẳng mấy ai đi!” Tôi nhìn về phía dinh Philatô và ngoái ra phía con đường thập giá, trầm tư nguyện cầu.

2. Ước ao kết thân với thầy Giêsu

Như đã nói kỳ Linh thao này thật đặc biệt, khác với tất cả những lần linh thao trước. Tôi chiêm ngắm thầy Giêsu trên từng mảnh đất Thầy đi qua, từng con người đến với Thầy và từng lời Thầy rao giảng. Trong nhà thờ “Này là Người – Ecce Homo” được cho là chính nơi diễn ra phiên tòa xử án Đức Giêsu, tôi được gọi để đáp lại lời mời kết thân với thầy Giêsu. Theo đó, thay vì chiêm ngắm những gì diễn ra ở đây vào lúc thầy bị xử án, tôi được chiêm ngắm hình ảnh người phụ nữ xức dầu thơm cho thầy Giêsu, một ghi thức chỉ dành cho thi hài người chết. (Mt 26,6-13, Mc 14,3-9, Ga 12,1-8, Tin Mừng  thánh Luca không thuật lại câu chuyện này.)

Trong câu chuyện này, tôi lắng nghe những động từ diễn tả tình yêu của người phụ nữ muốn kết thân với thầy Giêsu.

a. Đến gần

Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô “quay” lại câu chuyện dưới cùng một nội dung. Tại làng Bêtania ở nhà ông Simon Cùi, một phụ nữ không được nêu danh mang một bình bạch ngọc đựng dầu thơm đắt tiền đến gần Đức Giêsu. “Đến gần” là động từ quan trọng để tạo nên mối tương quan. Cuộc gặp gỡ trở nên thân mật và các mối tương quan ngày càng sâu đậm, luôn mời gọi người ta đến gần và gặp gỡ.

Trong khi Đức Giêsu đang dùng bữa với nhiều người, ai cũng ngạc nhiên đến lạ lùng vì một phụ nữ đến gần Đức Giêsu. Vào thời ấy cũng như thời nay, người nữ đến gần nam giới (hoặc ngược lại) là chuyện bất thường. Thậm chí họ còn bị cấm đoán không cho tương quan với người khác giới. Nam nữ thọ thọ bất tương thân. Đó là luật khắt khe. Vô tình hay cố ý luật này tạo nên bức tường ngăn cản người ta đến gặp nhau, gặp thầy Giêsu. Nếu muốn gặp được Thầy, buộc cô phải vượt bức tường ấy. Nguy hiểm cho cô và cho cả Thầy nữa. Trong khi đó, Tin Mừng  thánh Gioan nêu người phụ nữ đích danh là cô Maria, một trong những “cục cưng của Chúa Giêsu”. Cô Maria đã được ngồi gần ngay dưới chân Thầy để lắng nghe lời Thầy. Maria dễ dàng hơn so với người phụ nữ ẩn danh kia, khi xức dầu thơm lên chân của Thầy. Vì là gia đình luôn chào đón Thầy nên cô hẳn nhiên được ở gần Thầy rồi. Đó là ân huệ dành cho ba chị em nhà Mác-ta.

Trong khi đó, Tin Mừng Mát-thêu và Mác-cô nêu bật bước khởi đầu ngoạn mục của người nữ bí danh này. Tình yêu cho cô động lực để dám đương đầu với mọi sự, vì cô biết đến gặp Thầy có thể khởi đầu một cuộc đời tươi đẹp. Do đó cô rón rén đến gần Thầy với bình dầu quý giá ngát hương: hương thơm của dầu cam tùng nguyên chất, hương thơm của tấm lòng cô muốn dành cho Thầy, hương của một mối tương quan thân thiết với Thầy.

b. Đụng chạm

Phải thừa nhận rằng động từ này biến nghĩa nhiều giữa một thời đại tục hóa. Đụng chạm khiến người ta liên tưởng đến những chuyện bậy bạ. Đến với tha nhân, đặc biệt người khác giới với tà ý thì động từ trên hẳn dễ đưa người ta vào con đường phạm đến điều răn thứ sáu. Rồi trong những năm gần đây, ngay cả việc đụng chạm, tiếp xúc với trẻ em cũng luôn bị đặt thành vấn đề ở nhiều nước vốn liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em. Nhưng thử hỏi ngôn ngữ của tình yêu là gì nếu thiếu những đụng chạm, tiếp xúc.

Tạm gác vấn đề còn gây nhiều tranh cãi ấy qua một bên. Tôi cảm phục người phụ nữ đến xức dầu thơm cho Đức Giêsu. Gặp được Đức Giêsu, cô đổ dầu thơm lên đầu Người. Cô Maria trong Tin Mừng Gioan thì xức dầu thơm lên chân Người, rồi lấy tóc mình mà lau. Cách chung họ phải “đụng chạm”, được xức dầu cho Người như cử chỉ diễn tả tình yêu của người môn đệ với Thầy Chí Thánh sắp phải chết vì nhân loại.

Trở lại với thánh địa, chúng ta lại càng thấy “đụng chạm” có sức mạnh cho chúng ta được gần Thiên Chúa là Đấng vô hình. Hằng ngày đông đảo khách hành hương đến những nơi thánh để chụng chạm, đặt lên đó nụ hôn để tỏ lòng tôn kính. Chẳng hạn như chỗ Chúa sinh ra tại nhà thờ Giáng Sinh, nơi chân Thánh giá, nơi liệm xác Chúa, nơi mồ thánh, dấu chân Chúa lên trời, v.v luôn có nhiều người đụng chạm với lòng sốt mến nguyện cầu. Mỗi lần được đụng chạm những nơi ấy tôi cũng được thêm lòng sốt mến, và xin với Thầy Chí Thánh đụng chạm đến chính cõi lòng, tâm hồn của mình. Để từ đó, như lời xác tín của người phụ nữ năm xưa: “Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu.” (Mc 5,28).

c. Lắng nghe

Đức Giêsu có bực mình khi người phụ nữ xức dầu cho mình không? Lạ thay Ngài lại khen ngợi nghĩa cử mà người phụ nữ này đang làm. Ngài bênh vực cô ta khi nghe mấy kẻ ngồi quanh đó than phiền tiếc của. Bởi chính cô đã lấy dầu thơm ướp xác Thầy, để chuẩn bị ngày mai táng của Thầy. Hơn nữa Chúa còn cho thấy những việc cô ta đang làm sẽ được người đời nhớ mãi. Nhớ về một người phụ nữ quả cảm tốt lành muốn được kết thân với thầy Giêsu. Thế là cô có cơ hội lắng nghe những lời tiên báo về cái chết của Chúa, nghe về một tin vui đáng hãnh diện khi người đời sẽ nhớ đến cô. Từ ngày hôm đó, cô được mời gọi để theo, lắng nghe và yêu mến thầy Giêsu.

d. Kết thân

Tôi muốn khép lại ngày câu chuyện kết thân với Chúa bằng một lời nguyện xin ơn kết thân.

“Chúa chủ động đi tìm con, dẫu con là kẻ lạc ràn, tội lỗi. Dẫu con là ai, Ngài vẫn muốn đưa về. Trong đoàn chiên, Ngài chủ động kết thân, bày tỏ ân tình giữa mục tử và chiên con, giữa thầy và trò, giữa Thiên Chúa và thụ tạo. Ngài làm mọi cách để diễn tả tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nghĩ hoài con không hiểu hết tại sao Thầy hy sinh mạng sống vì đoàn chiên. Rồi khi Chúa phục sinh, mọi điều trở nên mới trong mối dây liên kết giữa con người với Đấng Phục Sinh. Ngài hằng ở trong con, muốn làm bạn với con. Xin cho con ý thức và cảm nghiệm sống động ơn huệ ấy, để con cũng được thôi thúc kết thân với Ngài trên hành trình bước theo Ngài. Amen.”


Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

 
Kỳ tới: Đến Nhà Thờ Kinh Lạy Cha

 


[1] Hiện nay khu vực dưới tầng hầm của nhà Dòng các sơ Sion.

[2] Khi thăm Đất Thánh, người ta dễ hình dung vì sao một đồng cỏ xanh tươi bên bờ suối mát lại quan trọng cho đoàn chiên. Giữa hoang mạc khô cằn, thời tiết khắc nhiệt như ở Isarel, vị mục tử có thể dẫn chiên đến đồng cỏ xanh rì là hồng phúc lớn cho chiên. Đó đích thực là thiên đàng tại thế cho đoàn chiên.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây