TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lại nói về Thánh lễ trực tuyến (online)

08/03/2022 10:15:00 |   1144

Lại nói về Thánh lễ trực tuyến (online)
 

ccct 090322b


Thánh lễ online, có nguy cơ làm suy giảm đạo đức của giới trẻ? Đó là tựa đề bài viết của tác giả Nguyễn Vĩnh Căn mới đây đăng trên website Giáo xứ Châu Sơn. Tác giả tỏ ra quan ngại khi thánh lễ online có nguy cơ tiếp diễn dài dài ảnh hưởng đến việc sống đạo của giới trẻ. (https://giaoxuchauson.vn/)

Thực ra, thánh lễ online không làm suy giảm đạo đức của giới trẻ mà tạo cho họ cũng như nhiều tín hữu khác một thói quen xem lễ “qua loa”. Dần dà, hình thành một ý niệm sai lạc về Thánh lễ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống đạo của cộng đồng dân Chúa. Thực tế cho thấy, khi đã có Thánh lễ cộng đồng nhưng nhiều người ở sát cạnh nhà thờ vẫn chọn xem lễ trực tuyến. Vừa xem lễ, vừa nhâm nhi cà phê, vừa tán gẫu, vừa bán hàng,… Thật là thuận và lợi!?

Tác giả Nguyễn Vĩnh Căn chỉ ra nhiều lợi ích của thánh lễ online, như: “Chỉ cần bật TV là có thánh lễ ngay trong nhà mình mà khỏi phải mất công đi đến nhà thờ. Xem thánh lễ online nghiêm trang và sốt sắng hơn xem lễ nhà thờ, vì gần gũi, một mình một TV nên nghe các bài đọc và bài giảng rất rõ ràng. Trong khi xem lễ nhà thờ, âm thanh trong nhà thờ loãng ra, nghe các bài đọc không rõ. Không gian trong nhà thờ lại đông người, nên dễ bị lo ra và chia lòng chia trí hơn thánh lễ online”. (https://giaoxuchauson.vn/)

Lm Giuse Phạm Thành Long cũng có nhận xét: Nhiều giáo dân, nhất là các bạn trẻ xem ra “thích” hình thức dự lễ trực tuyến hơn là tham dự Thánh lễ trực tiếp, vì một số lý do sau đây:

(1)- Không phải “lăn tăn” nhiều về chuyện ăn mặc, điểm trang. Mặc sao cũng được, miễn lịch sự tí là ok.

(2)- Không phải mất thời gian để di chuyển từ nhà mình đến nhà thờ, nhất là những hôm trời mưa gió.

(3)- Không phải lo trễ giờ lễ, bị cha xứ hoặc mấy vị chức sắc nhìn khó chịu.

(4)- Không phải sợ hết chỗ ngồi, hoặc ngồi trong cảnh nóng bức chật chội, đặc biệt là những ngày lễ trọng.

5- Không phải “xem” mãi một Thánh lễ, mà có thể chọn khung giờ và kênh phát tùy thích. Nay có thể bật kênh này, mai có thể bật kênh khác để “xem”: cha giảng hay, ca đoàn hát tốt, cung thánh nhà thờ đẹp,...

(6)- Không phải ngồi chịu trận vì bài giảng lễ của “cha nhà mình” nhiều khi vừa dai vừa dở, hoặc giảng thì ít mà la mắng thì nhiều.

(7)- Không phải “lo” chuẩn bị tiền bỏ quả, hoặc tiền quyên góp.

(8)- Không phải “áy náy” về việc rước lễ, nếu mình đang có tội trọng mà chưa kịp đi xưng, v.v… (http://gpphanthiet.com/)

Tác giả Nguyễn Vĩnh Căn nhận định: “Xem thánh lễ online trong gia đình ngày lễ Chúa Nhật, buổi đầu còn sum họp cả gia đình đông vui. Nhưng rồi dần dà, lớp trẻ tách rời ra mỗi người xem thánh lễ riêng phòng và ở nhiều khung giờ khác nhau. Thậm chí là xem thánh lễ trên ĐTDĐ. Vậy thì làm sao cha mẹ có thể kiểm soát con cái có xem lễ hay không?” (https://giaoxuchauson.vn/)

Cha mẹ không thể kiểm soát việc con cái có xem lễ online hay không, bởi, giới trẻ bây giờ rất nhạy bén với thời đại. Mặc dù không xem lễ, chúng vẫn lướt qua một chút, rồi “like”, rồi “thả tim”, rồi “subscribe”,… Và, chúng có thể nói vanh vách rằng, Thánh lễ của Giáo phận nào có lượt truy cập cao nhất, hay có thời lượng ngắn nhất, hoặc có nhiều comments tương tác “hot” nhất,… Mặc dù không xem lễ, chúng vẫn có thể đánh giá, cha nào giảng dài, giảng dai, cha nào giảng hay, giảng dở,… nhưng khi hỏi nội dung thế nào thì lại mù tịt!!!

Do đó, trong tông huấn Christus Vivit, Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý: “Tôi nhắc lại rằng tất cả mọi người, nhưng nhất là người trẻ, thường xuyên phải tiếp xúc với thứ văn hoá zapping (Chú thích: “zapping” là động tác dùng bộ điều khiển từ xa để bấm chuyển kênh truyền hình liên tục). Chúng ta có thể vừa lướt xem hai hoặc ba màn hình, đồng thời lại vừa tương tác với các khung cảnh ảo khác. Nếu không biết khôn ngoan phân định, chúng ta có thể dễ dàng trở thành những con rối, phó mặc cho những trào lưu chóng qua”. Và “điều này càng quan trọng hơn khi có điều gì đó mới mẻ xuất hiện trong đời sống chúng ta, bấy giờ chúng ta phải phân định xem liệu đó có phải là rượu mới do Thiên Chúa đem đến hay chỉ là một ảo ảnh lừa dối bởi tinh thần thế gian hoặc tinh thần của ma quỷ”.

Đức Hồng y Sarah khẳng định rằng: “Cần khẩn thiết trở lại sự bình thường của đời sống Ki-tô giáo với nhà thờ là nhà và cử hành phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ, như ‘đỉnh điểm mà các hoạt động của Giáo hội hướng đến và đồng thời cũng là nguồn sức mạnh của Giáo hội’ (Sacrosanctum Concilium, 10).”

Thật vậy, tham dự Thánh lễ trực tuyến (online) là một trong những phương thế nuôi dưỡng đời sống đức tin và trở thành một thói quen tốt lành của các tín hữu trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh.

Tuy nhiên, hiện nay cả nước đang thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Các nhà thờ đã có Thánh lễ cộng đồng. Thánh lễ trực tuyến (online) không còn nữa. Chỉ còn vài Giáo phận duy trì Thánh lễ trực tuyến (dành cho bệnh nhân) giúp những người già yếu, đau bệnh, nuôi con nhỏ, hoặc hoàn cảnh khó khăn hạn chế (đang phải cách ly vì nghi nhiễm dịch bệnh Covid-19,...) có thể hiệp thông.

Vậy, hãy trở lại với Thánh lễ cộng đồng! Trở lại với Bí tích Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh đời sống Kitô hữu”. Thánh Thể là khởi nguyên và cùng tận của đời sống tâm linh, vừa là con đường vừa là cùng đích của người môn đệ Chúa Kitô.

Thánh Tôma Aquinô đã nói rằng tất cả các Bí tích khác chứa đựng quyền năng của Chúa Kitô (virtus Christi) còn Bí tích Thánh Thể chứa đựng chính Chúa Kitô (ispe Christus). Chính nơi Thánh Lễ mà chúng ta được ban đặc ân lãnh nhận tặng phẩm có một không hai này. Chính nơi Thánh Lễ chúng ta nhận được thứ lương thực không thể thiếu trong đời sống Kitô hữu. Vì không có Thánh Thể, tâm linh chúng ta chết đói.

Thánh Lễ là nơi dành riêng để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Trong Phụng vụ Lời Chúa, qua các bài đọc, đặc biệt bài Tin Mừng, chính Chúa Kitô nói với chúng ta. Trong Phụng vụ Thánh Thể, chính Chúa Giêsu hiến dâng Mình và Máu của Người cho chúng ta hưởng dùng.

Thánh Lễ cộng đồng chính là nơi chúng ta đến với nhau để làm thành một cộng đoàn hiệp nhất. Khi chúng ta cầu nguyện, ca hát, và xướng đáp với nhau, chúng ta nhận ra căn tính của mình là Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Giêsu.

Hãy trở lại với Thánh lễ! Hãy đến nhà thờ tham dự Thánh lễ trực tiếp. Vì đó chính là của lễ hy sinh dâng lên Chúa Cha, hiệp với Hy tế Thập giá của Đức Kitô, mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Hãy trở lại với Thánh lễ! Trở lại với Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu của chúng ta.

Vũ Đình Bình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây