TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXIX Thường Niên -Năm B

“Con Người đến để ban mạng sống Mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. (Mc 10, 35-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lòng tốt

01/02/2023 05:36:19 |   661

LÒNG TỐT

ccct 010223a

 

Một hôm, đang đi trên đường, một người đàn ông bỗng nhìn thấy trên cột điện có một mảnh giấy viết mấy dòng chữ. Tò mò, anh ta đến gần để đọc thì thấy nội dung thế này: “Hôm qua, tôi có đánh rơi tờ 10 ngàn trên con đường này nhưng vì mắt tôi không nhìn rõ nên không thể tìm ra nó. Vì thế, nếu ai có nhìn thấy thì hãy cho tôi xin lại nhé. Đây là địa chỉ của nhà tôi...”

Sau khi đọc xong, người đàn ông nghĩ 10 ngàn chẳng phải là số tiền lớn, nếu ai đó đánh mất có 10 ngàn thôi mà còn phải cất công viết lên cột điện để xin lại thì có lẽ là đối với họ, đây là số tiền rất lớn. Có lẽ họ không may mắn có được một cuộc sống dễ dàng. Chính vì thế, người đàn ông đã tìm đến đúng địa chỉ đã ghi trên cột điện rồi gõ cửa. Ra mở cửa cho anh là một bà lão mù lòa. Sau khi hỏi han, anh biết rằng bà lão chỉ sống có một mình trong ngôi nhà này mà không có chồng hay con cháu gì.

- “Bà ơi, cháu nghe nói bà đã đánh rơi một tờ 10 ngàn, hôm nay cháu nhặt được nó nên đến để đưa lại cho bà”, người đàn ông cất lời.

- Bà lão vừa nghe nói như thế, đôi mắt lại rưng rưng như muốn khóc. Sau đó, bà từ từ nói với anh: “Từ hôm qua đến bây giờ đã có gần 100 người tìm đến nhà tôi, ai cũng nói như anh. Tôi không hiểu chuyện này là sao. Tôi không biết chữ, mắt cũng gần như mù lòa, chẳng nhìn thấy gì cả. Tôi cũng không đi ra đường để mà đánh rơi tiền. Thế nhưng lại có ai đó viết rằng tôi đánh rơi tiền ở giữa đường. Ban đầu có người nói như vậy với tôi, tôi còn không tin nhưng cả chục người rồi mấy chục người cứ tìm đến đây, hết người nọ đến người kia nói với tôi cùng một câu như anh thì tôi đã hiểu ra rồi. Có người tốt bụng nào đó thương cái thân già này nên đã viết như vậy nhưng tôi cũng không ngờ là trên đời này lại có nhiều người tốt đến thế...”.

Vừa nói, bà lão lại vừa khóc, nhất định không nhận tiền của người đàn ông. Thế nhưng người đàn ông cũng nhất định không chịu rời đi. Cuối cùng, bà lão đồng ý nhận số tiền nhỏ bé và cảm ơn anh ta, kèm theo một điều kiện là anh ta phải vứt mảnh giấy dán trên cột điện kia.

Người đàn ông đồng ý, song khi quay lại chỗ cây cột điện, anh ta bất ngờ nghĩ: “Hẳn là khi nhận tiền, bà lão mù cũng đã yêu cầu tất cả mọi người phải vứt tờ giấy đó đi, song nó vẫn cứ ở trên đó. Vậy thì sao mà mình phải vứt chứ?”.

Và rồi, vừa đi người đàn ông lại nghĩ tới người đầu tiên đã viết những dòng chữ trên cột điện. Người đó mới thực sự là ân nhân của bà cụ, cũng là ân nhân của anh và những người khác. Người đã giúp họ có cơ hội để giúp đỡ một người đang cần đến nó và cho mọi người thấy rằng cuộc đời này thực ra vẫn còn rất nhiều người tốt.

Trong lúc bóng tối đau khổ đang bao trùm con người, thì đây đó vẫn sáng lên những hành động đẹp, dù chỉ một chút le lói. Đó là nơi có nhiều tâm hồn đồng lòng ngước mắt lên trời và kêu: “Abba, Lạy Cha”. Đó cũng là nơi có nhiều người biết nhìn nhận phẩm giá “người” của anh chị em mình. Tất cả coi nhau là anh em, con cùng một Cha. Họ chia sẻ cho nhau những ân phúc, và không kêu trách tiêu cực. Họ nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa nơi những người nghèo khổ, những người bị gạt ra bên lề. Và đó là niềm hy vọng, để con người tiếp tục tiến bước trong cuộc đời này.

Thật vậy, chúng ta đã thấy những hành động đẹp tự phát trong mùa dịch Covid-19. Riêng tại tỉnh Đăk Lăk đã có trên 50 chuyến xe tải chở hằng trăm tấn rau củ quả và nhu yếu phẩm giúp bà con các tỉnh thành phía nam đang trong tâm dịch. Những sáng kiến không ai có thể nghĩ tới: cây gạo ATM, mô hình “siêu thị mini không đồng”, những tủ bánh mì “ai cần thì nhận”, những suất ăn các tình nguyện viên cung cấp cho bà con ở những vùng bị cách ly. Những chai nước, những lít xăng, những phong bì gởi tặng bà con trên đường về quê… Người người nhà nhà ở khắp nơi mọi miền tổ quốc đã chung tay chia sẻ cơm bánh, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, thể hiện tinh thần “lá lành đùm lá rách” cho những giai đoạn khó khăn khi đồng bào mình gặp tai ương dịch bệnh hoành hành.

Giữa sa mạc cằn cỗi, một cụm cỏ hay một cánh hoa dại là cả một bầu trời hy vọng cho những người lạc lõng. Giữa sa mạc nóng cháy, một tiếng suối róc rách là cả một nguồn hy vọng tràn trề cho những ai đang đói khát... Giữa một xã hội khô cằn tình người, giữa một xã hội mà những giá trị tinh thần đạo đức đã bị bóp nghẹt; chứng từ của những người có niềm tin cần thiết hơn bao giờ hết. Giữa biển khơi mù mờ, có biết bao kẻ chới với đang cần một chiếc phao của của chữ tín, của lòng thành, của lòng quảng đại, của sự tha thứ...

Người Kitô hữu phải sống thế nào để người ta có thể nói: Niềm tin vào cuộc sống, ý nghĩa của cuộc đời vẫn còn cháy sáng giữa xã hội. Người Kitô hữu phải sống thế nào để người ta có thể nói: Thiên Chúa vẫn tiếp tục yêu thương con người. Người Kitô hữu phải sống thế nào để người ta có thể nói: Con người vẫn có thể yêu thương nhau và sống cho nhau. Người Kitô hữu phải sống thế nào để người ta có thể nói: Tôn giáo không là thuốc phiện mê hoặc quần chúng, nhưng là sức mạnh để cải thiện xã hội.

LÒNG TỐT đang rất cần cho tôi, cho anh, cho em và cho chúng ta. Cho cuộc đời này, để tình người nở hoa. 

02/02/2023
HỒNGLONG

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây