Nếu cuộc trần này không có Chúa!
Nếu cuộc trần này không có Chúa
Hoang mang con biết đi về đâu
Bến đỗ mịt mù trong sương ảo
Ai sẽ đưa con chính lộ vào..
Thánh Địa Giêrusalem vào một ngày đẹp trời… Cư dân nơi đây đang chú tâm về sự xuất hiện của những vị khách lạ. Họ là các nhà khoa học hàng đầu thế giới về khảo cổ và y học, cùng với đông đảo phóng viên của các hãng truyền thông nổi tiếng như BBC, Fox New, Times… Tập thể này đang chuẩn bị làm một chuyện động trời: Khai quật mộ Chúa Giêsu!
Trong cái nóng thiêu đốt da thịt của vùng Trung đông, cùng với tính chất quan trọng của công việc nên ai nấy đều rất căng thẳng. Sau một ngày làm việc, cuộc họp báo được truyền hình trực tiếp toàn thế giới vào lúc 8h tối với bài phát biểu của vị trưởng đoàn khai quật. Bằng gương mặt hết sức căng thẳng, ông tuyên bố: “Đã tìm thấy xương người trong mộ Chúa”. Tin sét đánh cho gần 2 tỷ người trên thế giới. Như vậy Đức Giêsu là con người lịch sử có thật đã chết nhưng… không sống lại. Câu kết luận chắc ai cũng đã rõ, ông Giêsu này không hề Phục sinh như lời Kinh Thánh nói nên hoàn toàn không phải là Thiên Chúa.
Một bầu khí hoang mang, thất vọng nhanh chóng lan ra khắp thế giới. Ánh đèn trong các nhà thờ vụt tắt. Chuông lặng thinh trong không gian im lìm. Đức Thánh Cha từ chức và giải thể Vatican. Các hồng y, giám mục, linh mục, tu sĩ…lần lượt cởi áo lễ áo dòng, thất thểu cất bước ra khỏi các nơi thờ tự, tu viện.
Bình an và hy vọng rời xa con người, và thay vào đó là bản năng của loài vật trỗi dậy. Làm gì còn thiên đàng và hỏa ngục, làm gì còn thưởng phạt đời sau! Con người lao vào hưởng thụ, giành giật, tranh đoạt nhau để thỏa mãn cuộc sống ngắn ngủi này, vì chết rồi là chấm hết. Chiến tranh bạo loạn triền miên, thế giới chìm trong u tối của tất cả những gì trước đây người ta gọi là tội lỗi.
Gần một năm sau sự kiện khai quật mộ, vị trưởng đoàn nay đang hấp hối trên giường bệnh. Ông gọi người phụ tá lại và yêu cầu người này cho ông được gặp truyền thông lần cuối trước khi chết. Trước ống kính được truyền hình trực tiếp toàn cầu, ông thú nhận đã dàn dựng nên sự kiện chấn động này. Những mẩu xương trong mộ Chúa đã được ông cùng cộng tác viên của mình tìm cách đưa vô từ rất lâu trước khi tiến hành khai quật mộ.
Và cũng giống như lần trước, tin tức lan truyền với tốc độ chóng mặt. Người ta cảm tưởng như hôm nay mặt trời chiếu sáng gấp nhiều bình thường. Tiếng chuông, tiếng thánh ca vang dội địa cầu. Các phẩm trật Giáo hội, những tu sĩ nam nữ trong gương mặt rạng rỡ, họ chạy để được nhanh chóng trở về nơi mà một năm trước đây họ đã thất thểu cúi đầu rời bỏ. Chiến trường ngưng tiếng súng. Người ta thấy rõ sự thay đổi trên ngương mặt của nhau, nét rạng ngời của tình thương và hy vọng đã dần thay thế cho sự lạnh lùng của loài dã thú.
Câu chuyện tưởng tượng đầy màu sắc của điện ảnh, nhưng nó nói lên một viễn cảnh: Hậu quả nếu cuộc sống này không có Thiên Chúa sẽ như thế nào. Có thể nói, động lực để chúng ta thăng tiến mỗi ngày, để con người khát khao tìm kiếm những giá trị cao cả của cuộc sống chính là nơi Thiên Chúa. Riêng điều này thôi cũng đã đủ khẳng định Đức Giêsu Phục Sinh là điều không thể chối cãi.
Những ngày vừa qua cả thế giới dõi mắt trông về Paris, Pháp. Vụ hỏa hoạn nhà thờ Đức Bà xét về mặt tự nhiên là một tổn thất vô cùng lớn, đây được xem là tinh hoa trí tuệ con người từ ngàn năm trước. Nhưng thử hỏi những giọt nước mắt, nỗi xót xa mà người dân Pháp cùng biết bao người trên thế giới biểu lộ, có phải chỉ tiếc thương cho điều ấy không? Chắc chắn không phải chỉ có vậy.
Từ sâu thẳm tâm hồn những Kitô hữu đang nguội lạnh, sự kiện này như dấu chỉ Chúa gửi đến nhắc nhở họ, nhất là nó lại diễn ra chỉ ít ngày trước Tuần Thánh. Tiếng chuông của mọi nhà thờ trong nước Pháp đã đồng loạt cất lên. Cảm thức đức tin của dân tộc này đã được khơi dậy. Hình ảnh những khuôn mặt thẫn thờ, trên tay là chuỗi tràng hạt cùng đôi dòng nước mắt chảy dài. Hình ảnh những bạn trẻ quỳ gối sốt sắng cầu nguyện… có ai biết rằng rất nhiều trong số đó đã lâu rồi không còn biết đến nhà thờ và các nghi lễ. Người ta xôn xao về bức ảnh Chúa Giêsu xuất hiện trong đám cháy và coi đó như phép lạ. Đó chắc chắn là Chúa Phục Sinh. Đó cũng chắc chắn là một phép lạ của đức tin đã diễn ra nơi chính tâm hồn mỗi người dân Pháp.
Cuộc trần này thực sự luôn có Chúa Phục Sinh hiện diện.
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
(19/04/2020)