TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nếu nhắm mắt nghĩ về Cha Mẹ…

25/12/2023 05:58:27 |   508

Nếu nhắm mắt nghĩ về Cha Mẹ…

tbd 201123a


Trong thánh lễ mùng hai tết cầu cho ông bà tổ tiên ở đất thánh quê tôi, một cha đồng hương đang mục vụ bên Mỹ được mời chia sẻ Lời Chúa. Trong bài giảng, ngài kể chuyện tết Tây ở Mỹ đi thăm viện dưỡng lão. Một bà cụ cầm tay ngài khóc kể rằng bà có ba đứa con: một đứa 21 năm, một đứa 17 năm, và đứa còn lại cũng hơn chục năm rồi chưa một lần đến thăm bà. Cả ba đều có vợ con và vẫn mạnh khỏe, bà biết rõ vậy.

Một câu chuyện quá buồn để nói lên mặt trái của xã hội được cho là văn minh hiện đại.

Tạ ơn Chúa, người Việt Nam chúng ta hầu hết rất trọng đạo hiếu. Cứ nhìn vào thánh lễ Cầu cho Các Đẳng Linh Hồn ngày 02/11 và lễ Kính Nhớ Tổ Tiên Mùng 2 Tết sẽ thấy tinh thần hiếu nghĩa, cách riêng của người Công giáo sâu đậm thế nào.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều điều để ưu tư và nhắc nhở nhau giữ gìn chữ Hiếu, nhất là trong thời mà Chủ Nghĩa Cá Nhân và Cái Tôi của mỗi người ngày càng được đề cao và cổ xúy.


Gần 20 năm làm chú dự tu, thầy xứ và linh mục, tôi được mục vụ nhiều vùng truyền giáo của hai tỉnh An Giang và Kiên Giang. Quan sát văn hóa sống của người lương địa phương và người Công giáo, nhất là xứ đạo vùng Cái sắn, tôi nhận thấy có sự khác biệt khá rõ trong sinh hoạt gia đình những ngày tết:

Trong các ngày tết ở xóm người lương địa phương xe chạy đầy đường, người đi mua sắm, du lịch, lễ hội đông nghẹt. Năm tôi coi giáo họ Xẻo Dinh, ba ngày tết đường ra lộ chính kẹt xe có khi vài tiếng, điều mà suốt năm không bao giờ thấy. Trái lại, về các xứ đạo Công giáo lại rất yên tĩnh êm ả. Cụ thể ở xứ Long Bình quê tôi, ba ngày tết đếm không được mấy chiếc xe chạy trên đường.

Có sự khác biệt khá rõ về văn hóa gia đình: Một bên là Bung ra, bên kia thì Quy tụ. Quan niệm sống cũng khác: Một bên làm vất vả cả năm, giờ lễ tết nghỉ ngơi, du lịch, mua sắm… Bên kia thì xa nhà xa quê hương đã lâu, nay nghỉ ngơi chỉ mong được đoàn tụ, quây quần bên gia đình, xứ đạo…

Bên nào cũng có cái lý hay, nhưng thực tế có một điều rất buồn trong văn hóa “bung ra”: Ông bà cha mẹ già là những người thiệt thòi và cô đơn nhất. Cả năm con cháu đi xa, trông ngóng dịp lễ tết đoàn tụ thì nó lại tiếp tục đi. Già cả rồi hy vọng ngày tết nó cho vài đồng mua thuốc, thực phẩm… thì nó đem tiền đi đổ vào ăn uống, mua sắm, tiêu xài cá nhân hết.

Ngày tết năm ấy đi thăm những người già nghèo bệnh, lì xì các cụ chút vui xuân. Chụp hình đăng Facebook một bà cụ sống trong căn nhà lá tồi tàn, hàng tháng nhận gạo nhà thờ giúp, thì thấy một comment: “Dưới gầm giường có thùng bia kìa cha ơi!”. Hôm sau ghé hỏi ai mua bia uống vậy, bà cụ nói đứa cháu ở xa về ghé thăm, nó mời bạn bè đến nhậu. Hỏi vậy nó về có giúp bà chút gì không, nói không cha ạ, nó nhậu xong rồi đi luôn… Thùng bia giá trị bằng mấy tháng tiền gạo của bà.

Rất nhiều bạn trẻ xa nhà vất vả mưu sinh, ngày tết về quê với gia đình lại xem giá trị thiêng liêng này chỉ là cái phụ, cái chính là tụ tập bạn bè, ăn nhậu… Nhậu hứng lên vung tiền mua bia, thuê dàn nhạc hát hò inh ỏi. Làm công nhân lương không bao nhiêu, một vài lần hứng khơi tiêu tán cả năm tích trữ. Ông bà cha mẹ già không trông mong con cháu hỗ trợ được gì, có được là tiếng cười nói vài ngày xuân rộn ràng hơn những ngày còn lại của năm mà thôi.

Nhớ hồi học cấp I, bài thơ NÓI VỚI EM của Vũ Quần Phương được tôi yêu thích nhất, cho đến bây giờ mỗi lần đọc vẫn còn xúc động. Có lẽ mấy dòng cuối bài thơ đủ để mỗi người chúng ta suy gẫm về chữ hiếu mà tiếp tục phát huy, hay ý thức sửa đổi lại cách sống của mình với ông bà cha mẹ.

Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày
Tay bồng bế sớm khuya vất vả
Mắt nhắm rồi lại mở ra ngay”.

 

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
(07/02/2020)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây