TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Những người mắc kẹt ở Mariupol

22/04/2022 07:13:25 |   1102

Những người mắc kẹt ở Mariupol

Từ bức thư xin ĐTC trợ giúp của những người mắc kẹt ở Mariupol

Một nhà báo Ucraina đã chuyển thư kêu cứu đến Đức Thánh Cha với chữ ký của “các bà mẹ, các bà vợ và con của họ”, những người sống sót vẫn còn bị mắc kẹt trong thành phố Mariupol bị Nga phá huỷ. Nội dung thư nói về những đau khổ mà người dân phải chịu trong suốt thời gian qua ở thành phố Mariupol: Bị tấn công liên tục, thành phố biến thành tro tàn, trở thành tâm chấn của một thảm họa nhân đạo chưa từng có tại châu Âu ở thế kỷ 21.

Trong thư có đoạn viết: “Thưa Đức Thánh Cha, vẫn còn có thể trợ giúp những người đau khổ ở Mariupol. Các nữ bác sĩ và những người làm bếp cùng với con cái của họ cho biết có hàng trăm thường dân và binh lính bị thương, không được chăm sóc y tế do cạn kiệt các loại thuốc”.

Theo tác giả lá thư, khi bắt đầu cuộc chiến, những người này nghĩ rằng sống với quân đội họ sẽ an toàn, có thực phẩm, nước uống và được chăm sóc y tế. Trái lại, điều tưởng chừng là thành lũy nay trở thành địa ngục, họ đang chết dần vì không có thức ăn và nước uống.

Thư viết tiếp: “Các phụ nữ, trẻ em và những người bị thương không đáng phải chết như thế trước mắt thế giới. Sự giúp đỡ di tản của Đức Thánh Cha dành cho những người này sẽ thực sự là một hành động của người cha, của một vị mục tử nhân lành, và của lòng thương xót. Thành luỹ cuối cùng của hy vọng”.

Sứ điệp Phục Sinh Urbi et Orbi -2022, ĐTC đã nói: Đức Giêsu, Đấng bị đóng đinh, đã sống lại! Ngài ngự đến giữa những người đang thương khóc cho Ngài; họ đang trốn trong nhà cách lo âu và sợ hãi. Ngài đến giữa họ và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19). Ngài cho họ thấy những vết thương ở tay, ở chân, và vết thương nơi cạnh sườn: không phải là ma, mà là chính Ngài, là Đức Giêsu, Đấng đã chết trên thập giá và đã ở trong mồ. Trước con mắt ngờ vực của các môn đệ, Ngài lặp lại: “Bình an cho anh em!” (câu 21).

Xét theo bức thư cầu cứu đến từ thành phố Mariupol thì sao?

ĐTC nói tiếp: Chúng ta đã phải gồng gánh hai năm đại dịch, vốn để lại những dấu ấn nặng nề. Tưởng rằng đã đến lúc cùng nhau bước ra khỏi đường hầm, chung tay, chung sức, chung lòng... Vậy mà, chúng ta lại đang cho thấy mình không có tinh thần của Chúa Giêsu mà vẫn còn đó tinh thần của Cain, người coi Abel không phải như một người anh em, mà như một đối thủ, và đã nghĩ cách loại bỏ người em của mình. Chúng ta cần Thập giá Phục sinh để tin vào chiến thắng của tình yêu, để hy vọng vào khả năng hòa giải. Ngày nay hơn bao giờ hết chúng ta cần Ngài, Đấng đến giữa chúng ta và tiếp tục nói với chúng ta: “Bình an cho anh em!”

Chỉ có Ngài mới làm được điều đó. Ngày nay chỉ mình Ngài có quyền công bố hòa bình cho chúng ta. Chỉ có Đức Giêsu, vì Ngài mang những thương tích, vốn là những thương tích của chúng ta. Những thương tích Ngài mang là những thương tích nhân bội của chúng ta: của chúng ta và chính chúng ta chất các thương tích đó lên cho Ngài bởi những tội lỗi, bởi sự cứng lòng, bởi sự thù hận huynh đệ tương tàn; và của chúng ta vì Ngài mang chúng cho chúng ta, Ngài đã không hủy bỏ chúng khỏi Thân thể vinh hiển của Ngài, Ngài muốn giữ chúng, mang chúng trong mình mãi mãi. Chúng là dấu ấn không thể xóa nhòa của tình yêu Ngài dành cho chúng ta, là lời cầu bầu trường cửu để Cha trên trời có thể nhìn thấy chúng và thương xót chúng ta cũng như toàn thể thế giới. Những vết thương trên thân thể của Chúa Giêsu Phục Sinh là dấu chỉ của cuộc chiến mà Ngài đã chiến đấu và chiến thắng cho chúng ta, bằng vũ khí của tình yêu, để chúng ta có được hòa bình, trở nên hòa bình, và sống trong hòa bình. (trích Sứ điệp Phục Sinh Urbi et Orbi -2022).

Nhìn đất nước Ucraina đang bị tàn phá, ĐTC đau xót nguyện cầu: Giữa đêm trường của đau khổ và chết chóc khủng khiếp này, cầu cho một bình minh mới của niềm hy vọng sẽ sớm trỗi dậy! Cầu mong hòa bình được lựa chọn. Mong người ta không tìm cách phô diễn sức mạnh nắm đấm trong khi dân chúng đang đau khổ. Làm ơn! Đừng đứng về phía chiến tranh, tất cả chúng ta hãy cùng nhau cất lên tiếng hiệu triệu cho hòa bình, từ ban công cho tới đường phố! Hòa bình! Ai có trách nhiệm với các quốc gia, hãy lắng nghe tiếng kêu vì hòa bình của nhân dân. Hãy lắng nghe câu hỏi đáng lo ngại được đặt ra bởi các nhà khoa học cách đây gần 70 năm: “Chúng ta sẽ chấm dứt nhân loại hay nhân loại biết từ bỏ chiến tranh?” (Tuyên ngôn Russell-Einstein, ngày 9 tháng 7 năm 1955).

Theo tin chiến sự từ Ucraina, ngày hôm nay 22/4, Quân đội Nga và các lực lượng hỗ trợ, tiếp tục tiến vào bên trong nhà máy thép Azovstal, lực lượng Ucraina có khoảng 2.000 binh sĩ, phải rút xuống hầm ngầm để tránh sự truy sát.

Báo Nga Pravda cho biết, cuộc đột kích vào nhà máy thép Azovstal có sự tham gia của binh sĩ Nga, lực lượng dân quân vùng Donbass và lực lượng Chechnya. Trước đó, ông Putin đã ra lệnh cho ngừng các hoạt động truy kích ở các khu vực hầm ngầm nhằm bảo đảm tính mạng cho các binh sĩ Nga.

Nhà máy thép Azovstal tọa lạc ở khu đất rộng 11km2, với nhiều tòa nhà, lò luyện kim, cùng “mê cung” các con đường và hầm ngầm. Nhà máy Azovstal được Liên Xô xây dựng từ năm 1930, để có thể đảm bảo khả năng sản xuất ngay cả trong điều kiện chiến tranh.

Bên dưới nhà máy có 6 tầng công trình ngầm, dài khoảng 24km được xây dựng bằng bê tông cốt thép kiên cố. Những đường hầm này thiết kế một cách khá phức tạp với trần là lớp bê tông cốt thép dày 8 mét đủ sức chịu được một cuộc tấn công bằng bom hạt nhân chiến thuật. Hệ thống cung cấp điện, nước, thoát nước, dây cáp ngầm… của nhà máy Azovstal được bố trí trong các đường hầm này. Các đường hầm ở Azovstal được cho là thông với nhau, nhưng không thông sang thành phố lân cận. (theo Guardian).

Như vậy, những người sống sót dưới hầm ngầm khác gì ở địa ngục? Người dân Ucraina bất lực, cả thế giới bất lực đứng nhìn cái ác đang hiện hữu, đang gây đau thương tang tóc cho nhân loại, cho anh em mình, sao? Liên Hiệp Quốc như là “một gia đình các quốc gia” cũng chỉ biết đứng nhìn thôi, sao?

Liên Hiệp Quốc là một tổ chức quốc tế được thành lập vào ngày 24/10/1945, sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Lúc khởi đầu, tổ chức quốc tế này có 50 quốc gia thành viên, và hiện nay có 193 quốc gia tham gia. Liên Hiệp Quốc có sứ mạng duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, phát triển quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, hợp tác giải quyết các vấn đề quốc tế, thúc đẩy tôn trọng nhân quyền và đại diện cho trung tâm dung hợp các sáng kiến quốc gia.

“Trong cuộc chiến ở Ucraina hiện nay, chúng ta đang chứng kiến sự bất lực của các Tổ chức Quốc tế”. Những lời của Đức Thánh Cha tại buổi tiếp kiến thứ Tư hàng tuần vào ngày 6 tháng 4 vừa qua đã khơi dậy một tiếng vang lớn trên thế giới. Đức Thánh Cha đã có những lời nhận xét buồn: “Sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, đã có nỗ lực đặt nền tảng cho một lịch sử hòa bình mới, nhưng tiếc là chúng ta đã không học được bài học lịch sử cũ, sự cạnh tranh giữa các cường quốc vẫn tiếp tục”.

Trong sứ điệp video nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hiệp Quốc, ngày 25/9/2020, Đức Thánh Cha nói: “Dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên Hiệp Quốc là cơ hội để tái khẳng định mong muốn của Tòa Thánh đối với tổ chức này. Tòa Thánh mong muốn Liên Hiệp Quốc là một dấu hiệu và công cụ thực sự của sự hiệp nhất giữa các quốc gia và phục vụ toàn thể gia đình nhân loại”.

Liên Hiệp Quốc được thành lập để gắn kết các quốc gia lại với nhau, là cầu nối giữa các dân tộc; chúng ta hãy sử dụng nó để biến thách thức mà chúng ta đang đối diện thành cơ hội để cùng nhau xây dựng, thêm một lần nữa, tương lai mà chúng ta mong muốn”.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Thế giới đầy xung đột của chúng ta, ngày nay hơn bao giờ hết, cần Liên Hiệp Quốc trở thành một phòng thực nghiệm ngày càng hiệu quả cho hòa bình. Điều này có nghĩa là các thành viên của Hội đồng Bảo an, đặc biệt là các Thành viên Thường trực, phải hành động với sự thống nhất và quyết tâm cao hơn”.

Mọi cuộc chiến đều mang đến những hậu quả liên quan đến toàn thể nhân loại: từ đau thương và bi kịch của những người tị nạn cho đến khủng hoảng kinh tế và lương thực mà các dấu hiệu đã lộ ra rõ ràng. Đối diện với những dấu hiệu tiếp diễn của chiến tranh, và trước những thất bại đau đớn của cuộc đời, Đức Kitô, Đấng chiến thắng tội lỗi, chiến thắng sự sợ hãi và cái chết, khuyên nhủ chúng ta đừng đầu hàng sự dữ và bạo lực.

Vùng chiến sự Mariupol.

Chúa tôi ơi! thật kinh hoàng.

Kinh hoàng khi thấy người người thương vong.

***

Hàng ngàn người thương vong,

Bởi hỏa tiễn siêu thanh.

Bởi tiêm kích, cường kích,

Trang bị đầy “bom chùm”

của Nga Sô.

Bom chùm thả bừa bãi,

Hỏa tiễn nã liên hồi,

Mười phút lại một đợt,

Bất kể ngày hay đêm...

***

Mariupol... Mariupol...

Thành phố ĐỨC MARIA,

Chỉ sau vài “pass” bom chùm,

Buồn ghê!

Giờ đã như là nghĩa trang.

Xác người nằm chết ngổn ngang,

Xác người nằm chết tràn lan bên đường.

Xác người chết trong giáo đường,

Giáo đường tên “Mẹ hồn xác lên trời”...

CHÚA ƠI! (thơ Huan Dung)

Chúng ta hãy để mình chiến thắng bằng ơn bình an của Đức Kitô Phục sinh! Hòa bình sẽ khả thi, hòa bình là bổn phận, hòa bình là trách nhiệm hàng đầu của tất cả mọi người!

Vũ Đình Bình

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây