TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Sướng - Khổ

09/02/2023 07:40:53 |   599

Sướng - Khổ
 

ccct 090223a

 


Có một câu hỏi được đặt ra trong một buổi tọa đàm như sau: “Bạn hãy chứng minh rằng bạn khổ”.

Người thứ nhất, một người đàn ông chừng sáu mươi, chứng minh: Tôi lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Bố mẹ tôi quanh năm ‘bán mặt cho đất – bán lưng cho trời’. Vì nhà nghèo nên tôi phải nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền mưu sinh. Nghĩ mà tủi thân!...

Người thứ hai, một phụ nữ trung niên, dẫn chứng: Tôi là người kém sức khoẻ. Từ nhỏ đã hay đau yếu. Mỗi lần trái gió trở trời là tôi lại xụt xịt. Rất là khó chịu!...

Người thứ ba, một thanh niên tuổi chừng hai mươi, viết ngay không chần chừ: Tôi chẳng có tài cán gì. Giữa đám đông bạn bè, tôi chẳng biết ca hát. Mấy đứa bạn cứ trêu chọc bảo tôi giọng ngang như cua bò. Bực tức và chán ghê!...

Người thứ tư một bạn trẻ toan đặt bút xuống viết thì khựng lại. Rồi anh suy nghĩ có vẻ rất căng thẳng. Cuối cùng, quyết định nộp giấy trắng.

Kết quả cuộc thi: Ba người đầu tiên được 1 điểm an ủi vì đã có… công viết. Còn người thứ tư thì phải lên gặp thầy để trình bày rõ lý do tại sao lại để giấy trắng.

Trong giờ sửa bài, giáo sư nhận xét chung:

+ Các bạn không được điểm cao vì bài các bạn không thể hiện được tư duy sâu sắc. Các bạn chỉ liệt kê những điều không như ý xảy ra trong cuộc đời. Ai cũng làm được như thế. Thực ra nó không đủ chứng minh rằng các bạn khổ vì góc nhìn đó quá hẹp.

Rồi giáo sư quay sang người thứ tư và hỏi:

+ Tại sao bạn để giấy trắng?

- Thưa giáo sư, thoạt đầu em cũng có khuynh hướng vội vàng liệt kê như mọi người. Nhưng em chợt giật mình…
+ Sao bạn lại giật mình?

- Dạ, xin cho phép em đứng lên trước lớp để trình bày được dễ dàng hơn.

Thế rồi cậu khập khiễng bước lên trên. Quay xuống nhìn mọi người, cậu nở một nụ cười thân thiện. Người ta thấy mặt cậu một bên bị nám đen. Cậu nói:

- Hồi em còn nhỏ, bố mẹ phải đi làm ngoài đồng, chỉ có chị em và em ở nhà. Một hôm, chị đang nấu cơm thì bị cháy nhà. Như quý vị thấy, em bị phỏng nặng, bây giờ vẫn còn dấu cháy trên mặt. Năm em lên bảy, bố em qua đời. Một buổi em đi học, một buổi em phải đi bán vé số ở khu chợ gần nhà để phụ mẹ. Cách đây ít năm, trên đường đi nhà thờ về, có một chú kia nhậu say lái xe tông vào em khiến chân em bị tật từ hồi đó. Bây giờ mỗi khi trời trở lạnh, chân em cũng khá đau. Gần đây, em thú thật là em yêu một người con gái, nhưng em thế này thì làm sao xứng với người ta được!

+ Nhưng sao bạn không viết những điều đau khổ này vào bài thi?

- Dạ không, vì em giật mình. Giật mình khi em chợt nhớ lại lời của bạn em trong nhà thờ hôm Chúa Nhật. Anh ấy nói với mấy người nghèo khổ rằng: “Anh em thật có phúc.” Thế là em khựng lại để suy nghĩ.

Rồi em nhận ra: để chứng minh em thực sự khổ thì em phải chứng minh cho được rằng em không có gì để hạnh phúc.

Mọi người càng chăm chú. Vị giáo sư lên tiếng:

+ Hay! Xin lỗi bạn, tôi không phải là Kitô hữu, vậy cho tôi hỏi anh bạn gì gì đó của bạn nói như thế nào về việc may phúc khiến bạn thay đổi cách nhìn như thế?

- Dạ thưa giáo sư, bạn em tên là Giêsu. Anh ấy nói: “Mắt anh em thật có phúc vì được thấy những điều đang thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe những điều đang nghe. Nhiều người mong mỏi được như anh em mà không được.” (Mt 13:16-17).

Thưa giáo sư, lúc ấy em chợt nhìn thấy và nghe được nhiều điều may mắn trong cuộc sống của em. Em có mẹ, có chị. Nhà em tuy chẳng kín cổng cao tường nhưng đùm bọc nhau ấm áp. Em có trái tim biết rung động. Em có lòng quảng đại. Em có lương tâm. Em có bạn bè nói chuyện. Em có nhiều người cầu nguyện cho em. Em được đi học. Em có trí khôn để nhận ra trong cái xui có cái hên, tức là trong nghịch cảnh có ân sủng.

Và cũng vì lớn lên trong cảnh khó khăn, em thấy mình biết cảm thương với người nghèo hơn. Vì mang tật nguyền trên mình, em hiểu được nỗi đau của tha nhân. Vì thấy mình giới hạn, em đặt niềm tin vào Chúa nhiều hơn. À, cuối tuần nào em cũng được cùng mẹ và chị đi lễ với bà con chòm xóm để nghe Lời Chúa.

Vì thế em không thể chứng minh là em khổ.

Bạn ơi! Cuộc đời có hạnh phúc không phải là cuộc đời có đầy dẫy những niềm vui lớn như trúng số, làm nên, thành đạt… mà chính là cuộc đời được dệt bằng nhiều niềm vui nho nhỏ. Bạn đi bộ một quãng đường dài, gặp một bóng mát, bạn ngồi xuống nghỉ, gió hây hây lòng bạn phơi phới, đó là niềm vui nhỏ. Rồi đứng lên đi nữa, thấy bà già xách nặng bạn mang dùm, bà già móm mém cười cám ơn, lòng bạn thấy vui vui. Về tới nhà các em bé ùa ra đón, kể chuyện tíu tít, lòng bạn thấy vui vui; rồi mệt quá bạn leo lên giường, nằm duỗi ra cho giãn gân cốt, ôi chao khỏe quá! Tất cả những niềm vui nho nhỏ ấy là hạnh phúc của cuộc đời. Nếu bạn không biết nhìn khía cạnh lạc quan để vui sống thì con đường các bạn đi sẽ toàn gặp những chuyện bực mình, bất mãn vì không có gì làm bạn thỏa mãn cả.

Sao lúc nào trên mặt bạn cũng điểm những nếp nhăn nheo, sao trên môi bạn không lúc nào thấy nở được một nụ cười? Sao đêm nào bạn cũng khóc than? Đôi mắt lúc nào cũng đăm chiêu mang một mối sầu viên mãn?

Sao bạn không say sưa nhìn ngắm những ánh sáng tưng bừng của buổi sớm, nhất là những buổi rạng đông lộng lẫy của mùa xuân? Sao bạn không khoan khoái khi đứng trước một cảnh trăng sao dầy đặc của mùa hạ? Sao bạn không mở rộng lòng mình ra để đón nhận một điệu nhạc, một cung đàn qua chiếc máy phát thanh bên nhà hàng xóm?

Có biết bao điều hạnh phúc trong cuộc sống này mà bạn không cảm nhận được:

Một đứa trẻ chào đời chưa biết nói biết cười, chỉ biết khóc nhưng lại mang đến cho người mẹ những giọt nước mắt của hạnh phúc vô bờ. Còn gì thiêng liêng và quí giá cho bằng giây phút một hài nhi bé bỏng được nằm gọn trong vòng tay âu yếm của người mẹ. Và rồi lớn lên một chút, khi được thấy những bước đi tập tễnh đầu tiên hay bập bẹ cất tiếng gọi mẹ, gọi ba là cũng đủ niềm vui hạnh phúc ngập tràn.

Cuộc đời này ngoài tình cảm gia đình: cha mẹ con cái, còn có sự ấm áp của tình yêu, của tình bạn tri kỷ. Ấm áp không phải khi bạn đóng cửa và chui vào chăn, mà khi bạn mở toang cửa sổ, nhìn ra bên ngoài; chắc chắn sẽ có điều thú vị sưởi ấm lòng bạn. Ấm áp không phải khi ngồi bên đống lửa, mà là bên cạnh người bạn thương yêu. Ấm áp không phải khi bạn mặc một lúc hai, ba áo, mà là khi bạn đứng trước gió lạnh, từ phía sau đến có ai đó khoác lên bạn một tấm áo choàng. Ấm áp không phải khi bạn đội chiếc mũ len, mà là khi đầu bạn dựa vào một bờ vai tin cậy. Ấm áp không phải khi bạn dùng hai tay xuýt xoa, mà là khi tay ai kia khẽ nắm lấy bàn tay bạn. Ấm áp không phải khi bạn nói “ấm quá”, mà là khi có người thì thầm với bạn: “Có lạnh không?”. Ấm áp chưa hẳn là khi bạn ôm ai đó thật chặt, mà là khi ai đó khoác vai bạn thật khẽ và đi cùng với bạn một đoạn đường. Và ấm áp là khi mùa thu qua, cái lạnh ùa về… Có một ai đó khẽ thì thầm vào tai bạn: “Chúc ấy một mùa đông ấm áp!”.

Hãy vui lên để cảm nhận hạnh phúc đến từ cuộc sống diệu kỳ này. Đời là một bài thơ do ta tự ý đặt; đời là một cung đàn do ta tự hòa tấu. Sầu, thương, ai, oán là do ta mà thôi.

“Phần nhiều chúng ta cho mình là sung sướng ra sao thì sẽ sung sướng như vậy” (A.Lincoln).

Hồng Long

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây