TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ta làm lại từ đầu…

18/06/2024 03:06:30 |   561

Ta làm lại từ đầu…
 

QL 180624a

 

Nhạc phẩm “Giã Từ Vũ Khí” của Nhật Ngân vẽ nên một khung trời đầy ước mơ hạnh phúc của người chiến sĩ sau chiến tranh gian khổ đau thương. Khát khao thật giản đơn mà những nơi bình yên đâu đâu cũng có: Trả nghĩa tình đồng đội, một mái ấm gia đình, vui thú điền viên, thăm viếng người thân…

Dù không khốc liệt như chiến tranh, Covid cũng đủ sức phá tan bao nếp sống yên lành. Cũng phân biệt dịch – giặc, chiến sĩ – quân thù, pháo đài xanh – vàng – đỏ… Cũng sợ hãi, đói khổ và chết chóc. Cũng ngăn cách, chia ly và vĩnh viễn mất nhau. Cũng chán nản, bất lực và buông rơi đời mình trong tuyệt vọng.

Những tháng ngày dịch bệnh đau thương đó rồi sẽ qua. Như chàng chiến binh ngày bình trở về, nhiều người trong chúng ta cũng phải làm lại từ đầu:

- Trở lại thói quen sinh hoạt đạo đức: Bỏ lễ lâu quá dễ thành thói quen và làm nguội lạnh tâm hồn. Với nhiều người, giữ luật Hội thánh Xưng tội – Rước lễ khi cộng đồng sinh hoạt trở lại không phải là điều dễ dàng.

- Tinh thần phục vụ và cống hiến: Nhân cách hóa Virus thành Giặc đã phân biệt bạn và thù giữa người với nhau. Hô hào biến gia đình thành pháo đài, mỗi người là chiến sĩ… nên ai nấy hùng hổ đấu tranh, không thì cũng thủ thế thủ thân, ki bo cho mình và cảnh giác chung quanh. Hoàn cảnh chắc chắn làm gia tăng lối sống ích kỷ nơi nhiều người, vốn đã quen ngồi nhận trợ cấp hoặc thừa nước đục thả câu kiếm lợi. Hun đúc tinh thần phục vụ công ích sau dịch sẽ là một thách đố lớn.

- Xã hội tính nơi trẻ em: Những cậu ấm cô chiêu bất đắc dĩ (vì gia đình sinh ít nên bảo bọc kỹ), bình thường vốn được nuông chiều và ít giao tiếp. Dịch bệnh không tiếp xúc ai, các em chỉ quanh quẩn bên cha mẹ và smartphone, ít hoạt động thể lý, chỉ làm theo ý mình, gia tăng thời gian trên không gian ảo… nên tiềm ẩn nguy cơ tự kỷ rất lớn. Đẩy các em ra khỏi “pháo đài gia đình” là thách đố to lớn cho các bậc phụ huynh.

- Tăng cường sức khỏe thể chất và tinh thần: Nhiều tháng chôn chân trong căn nhà nhỏ bé ngột ngạt, hầu hết vòng bụng to ra và bắp chân bé lại. Ngày nào cũng nơm nớp lo bệnh, nghe tin chết chóc, hù dọa phạt… tinh thần con người suy nhược. Dăm ba chục tuổi còn động lực cải thiện, tứ tuần trở lên kêu giảm mỡ không đơn giản, lại thêm cái lo nó ăn vào não…

- Cuối cùng, củng cố niềm tin cả đời lẫn đạo:

Đối với Đạo: Rất nhiều người sẽ mất niềm tin vào Chúa. Bởi họ quen cuộc sống yên lành, quen muốn gì được đó, quen thờ Chúa theo ý mình… Dịch bệnh làm đảo lộn tất cả cái “quen” này: Chúa không còn theo ý tôi, vậy thờ Người làm gì? Một cuộc thanh lọc niềm tin để sửa sai và củng cố.

Đối với đời: Dịch bệnh phơi bày những quả bom nổ và dối trá cho cả thế giới chiêm ngưỡng. Dù sao cũng vì lợi ích chung, chúng ta phải chấp nhận nó để vượt qua khó khăn. Với tinh thần cầu tiến, chúng ta hy vọng vào một xã hội tương lai bớt ảo và gian dối lọc lừa, cùng chung tay xây dựng cho quê hương văn minh và phồn vinh hơn.

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây