TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Thời của Lộng Ngôn

15/04/2024 08:34:41 |   362

Thời của Lộng Ngôn

QL 160424a


Khi nói đến lộng ngôn, chúng ta thường liên tưởng đến những người hay ăn nói bạt mạng, ít xít ra nhiều; hay những người thích dùng từ “đao to búa lớn”, không đúng thực tế, sai sự thật. Vấn nạn này đang trở thành một điều rất thường thấy trong xã hội Việt Nam qua lời ăn tiếng nói, trong câu chữ ngôn từ… nhan nhản trên các báo đài.

Chưa thời kỳ nào mà người Việt mình giỏi như bây giờ! Đâu đâu cũng thấy thần thánh: Nào là thần tượng thần đồng, nào là thánh hài, thánh ăn, thánh chửi… thậm chí cả thánh sim! Siêu phẩm, kỷ lục gia, idol nhiều như lá mùa thu.

Chưa thời kỳ nào mà dân Việt ý thức cao như bây giờ! Những từ như: Tự ý thức phê bình, Nghiêm túc kiểm điểm, Rút kinh nghiệm sâu sắc… được dành cho mọi trường hợp sai phạm, cho những cá nhân thân mang đầy trọng trách vô tình… gây hậu quả nghiêm trọng.

Chưa lúc nào dân ta tốt như thời nay! Đâu đâu cũng học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức…


Chưa kể đến đầy dẫy những câu nói bất hủ cũng những người có trí thức, địa vị trong xã hội: Xây biệt phủ nhờ một thời chạy xe ôm, nấu rượu, làm chổi đót…, đánh người thì là gạt tay trúng má, sản xuất thuốc giả thì nói không phải giả mà chỉ là thuốc không có khả năng trị bệnh…

Gần một trăm năm trước trong tác phẩm Thi Nhân Việt Nam, hai tác giả Hoài Thanh và Hoài Chân có đoạn nhận định: “Đời chúng ta mất bề rộng ta tìm bề sâu, nhưng càng đi sâu càng lạnh…”. Lời phê bình tư tưởng văn học, nhưng lại thấy rất đúng với thời cuộc hiện tại. Một xã hội chú trọng phát triển bề rộng, thích hoành tráng, thích thành tích, thích nổi… khiến không biết bao người rơi vào lộng ngôn, xảo ngữ. Bây giờ bừng tỉnh lại, hô hào nhau phát triển bền vững, giáo dục toàn diện, chú trọng đạo đức… cái sâu này e rằng càng đi càng lạnh. Lạnh vì không có lý tưởng và cùng đích.

Nhạc sĩ Vũ Thành An thời chưa thành con cái Chúa, ông ngụp lặn trong cái sâu lạnh lẽo này: “Ta lần mò leo mãi không qua được vách sầu…”. “Ô hay tại sao ta sống chốn này quay cuồng mãi hoài có gì vui” (Đời Đá Vàng). Không có lý tưởng cao cả và hướng đến cùng đích cuộc sống, cái đi sâu của chúng ta chỉ thêm giá lạnh tâm hồn. Hay ta cứ “thôi thì thôi để mặc mây trôi, ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan”!. Mặc phận đời, kệ phận người…

Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
(08/11/2020)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây