TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Từ câu chuyện Chiếc Ghế Trống

21/06/2023 10:58:35 |   443

TỪ CÂU CHUYỆN CHIẾC GHẾ TRỐNG

ccct 220623a


Vào một ngày nọ, cô con gái của một ông lão 80 tuổi đến gặp Cha xứ nhờ cầu nguyện cho người cha của cô ta. Khi linh mục đến nhà, ông thấy một người đàn ông đang nằm trên giường, đầu được kê trên hai chiếc gối và kế bên giường ông ta là chiếc ghế trống. Cha xứ nghĩ rằng chắc có lẽ ông biết trước sự viếng thăm của mình, nên hỏi “Tôi nghĩ chắc ông biết tôi sẽ đến thăm ông hôm nay phải không?”

“Không, ông là ai vậy?” Ông lão trả lời. “Tôi là linh mục mới được thuyên chuyển về đây,” Cha xứ trả lời, “Tôi thấy chiếc ghế trống ông để đây, nên cứ nghĩ rằng ông biết tôi sẽ đến thăm ông.” “Ồ, chiếc ghế này à,” Ông lão vẫn nằm trên giường trả lời, “Cha có thể làm ơn đóng cửa phòng lại giùm con được không?” Mặc dù cảm thấy bối rối trước lời đề nghị của ông lão, nhưng Cha vẫn khép cửa lại. “Con chưa bao giờ kể cho ai nghe về việc này, kể cả đứa con gái của con”. Ông lão nói “Thật tình, từ nhỏ đến lớn, con chưa bao giờ biết phải cầu nguyện như thế nào.”

“Ở nhà thờ, con đã thường nghe các Cha nói rất nhiều về sự cầu nguyện, nhưng chưa bao giờ con hiểu nó như thế nào cả.” “Dần dần, con cảm thấy chán nản khi phải cầu nguyện,” ông lão kể tiếp, “cho đến một ngày cách đây khoảng bốn năm, một người bạn thân nhất của con bảo con rằng,  “Cầu nguyện đơn giản chỉ là một cuộc trò chuyện với Chúa. Tôi đề nghị như vầy: anh ngồi trên một chiếc ghế, đặt một chiếc ghế trước mặt và tin rằng Chúa Giêsu đang ngồi đối diện ở đó và nghe anh trò chuyện. Đừng sợ hãi gì cả, vì Chúa đã hứa là “Ta ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.”

“Anh cứ thử trò chuyện với Chúa, đơn giản như cách mà anh và tôi đang nói chuyện với nhau như vầy”. “Thế là con đã thử làm theo cách anh bạn con đã chỉ, và con rất thích. Con đã thường cầu nguyện nhiều giờ mỗi ngày. Nhưng con phải cẩn thận. Nếu con gái con phát hiện con đang nói chuyện với một chiếc ghế trống, nó sẽ hoảng sợ tưởng con mắc bệnh tâm thần, hoặc là sẽ đem gửi con vào nhà dưỡng lão ngay thôi.” Cha xứ rất cảm động về câu chuyện và khuyến khích ông lão tiếp tục bước đi trong niềm tin của mình. Sau đó linh mục cầu nguyện cho ông và trở về nhà thờ.

Hai ngày hôm sau, cô con gái của ông lão gọi điện báo cho Cha xứ biết rằng cha của cô ta đã qua đời vào buổi trưa hôm đó. “Ông ra đi bình an không?” Linh mục hỏi. “Vâng, khi con chuẩn bị rời khỏi nhà lúc khoảng hai giờ chiều, ba con gọi con đến bên giường của ông, kể cho con nghe một câu chuyện vui cũ rích đã kể rồi, và hôn lên má con. Khi con trở về từ cửa hàng, con phát hiện ra rằng cha con đã qua đời. Nhưng có một điều rất lạ, thật là khó hiểu. Hình như trước khi qua đời, ba con cố gắng tựa đầu mình và yên nghỉ trên chiếc ghế bên cạnh giường.”

Cha xứ rất xúc động. Ông lão với niềm tin rất đơn sơ đã sống trong sự tương giao rất mật thiết với Chúa. Và khi ông lìa đời, ông đã tin chắc mình được tựa đầu vào Chúa để nghỉ yên.
https://httlsaigon.org/duong-linh/cau-chuyen-duc-tin/chiec-ghe-trong/



Sự ra đi sẽ là phúc nếu cảm nhận được niềm tin: “khi Chúa thương gọi con về”; mà còn hơn thế nữa, cái phúc của người tín hữu là được Chúa dang tay đón ở tận cuối con đường. Ông lão đã được Chúa đón đi khi còn đang vui vẻ trò chuyện với Ngài.

Trong mùa dịch Covid, nỗi buồn vì không được tới nhà thờ dâng lễ hằng ngày đã không còn là một bất hạnh nữa. Nó chỉ giúp ta điều chỉnh lại cuộc sống, thay đổi tư duy và nếp nghĩ của mình. Chúa vẫn hiện diện ở trước mặt ta, mặt dầu là Thánh lễ trực tuyến, nhưng mọi lễ nghi ta vẫn tham dự đầy đủ, ta vẫn được nghe Lời Chúa hằng ngày, vẫn có thể cầu nguyện và hiệp thông với vị chủ tế và cộng đồng ở khắp mọi nơi (có khi lên đến vài chục ngàn, hàng trăm ngàn người). Với con mắt hữu hình, chỉ cần cây Thánh giá ở trước mặt ta là đủ để ta cảm nhận Chúa đang hiện diện ở trước mặt mình. Có một linh mục khi đi “làm việc’ vẫn cầm theo cây thánh giá và cầu nguyện mươi phút trước khi giao tiếp.

Thánh lễ mời gọi ta tiến bước theo Chúa.

Tiến bước theo Chúa để hiểu rằng hành trình không kết thúc tại cổng thành Giêrusalem với đám đông ngưỡng mộ, với cành lá và quần áo trải thảm đường đi, nhưng kết thúc trên Núi Sọ với thập giá, với những lời nhục mạ, với hai tội nhân đồng hành. Chúa Giêsu không xưng vương trước đám đông cuồng nhiệt nghênh đón, nhưng lại xưng vương trước mặt Philatô, khi tay đã bị trói, khi thân thể đã tan nát không còn hình tượng con người, khi đã mất hết uy tín, đứng trước vành móng ngựa như một phạm nhân. Danh hiệu là Vua chỉ được chính thức ghi bằng chữ viết khi Người bị treo trên thập giá.

Tiến bước theo Chúa để dứt khoát lựa chọn cho mình một con đường.

Đường vào Giêrusalem chỉ có một và rộng thênh thang. Mọi người đều tụ tập và cùng chung lối bước. Nhưng đường lên Núi Sọ chật hẹp và chia ra muôn ngả. Mỗi người đi theo con đường của mình. Đường Giêrusalem đông vui và phấn khởi vì mọi người ca hát tưng bừng. Nhưng đường lên Núi Sọ thật buồn thảm, chỉ có tiếng roi vọt, tiếng than khóc, tiếng chửi rủa. Đường vào Giêrusalem mọi người đều theo Chúa, mọi người đều là môn đệ Chúa. Nhưng đường lên Núi Sọ chỉ còn ít người theo Chúa. Có những người đã phản bội. Có những người đã trốn chạy. Có những người đã chối bỏ Thầy. Đường vào Giêrusalem có con lừa chở Chúa. Nhưng đường lên Núi Sọ Chúa phải vác thánh giá một mình. Đi theo Chúa trên đường vào Giêrusalem thì dễ dàng và vui vẻ. Nhưng theo Chúa trên con đường Núi Sọ mới thật chông gai.

Lạy Chúa, xin cho con luôn tiến bước theo Chúa trên mọi nẻo đường Chúa đi. Xin thêm sức cho con để con kiên trì theo Chúa trên đường lên Núi Sọ. Amen.

Hồng Long

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây