Vùng Kênh cần xây gì?
Quê tôi có nhiều tên gọi nổi bật: “Vùng Cái Sắn”, “Ấp Chiến Lược” hay “Con Kênh”. Lịch sử nhớ ơn Tổng thống Ngô Đình Diệm và các cha cố đưa dân từ miền Bắc vào Nam 1954. Khi mới vào rất khổ cực để khai phá một vùng hoang vu, phèn mặn... Sức người đào những con kênh rộng hàng chục mét, chạy dài gần 20km, hai bên bờ kênh dân làm nhà ở, phía sau khoảng 2km là đồng lúa chia đều cho mỗi bên. Kênh này tiếp giáp kênh kia và được đặt tên theo Alphabet từ A đến H; theo số thứ tự từ 1 – 10…
Vùng kênh toàn tòng với gần 100 ngàn người Công Giáo. Mỗi kênh trung bình từ 4 đến 8 nhà thờ chia đều từ đầu đến cuối. Thế mạnh của các kênh là nền giáo dục Ki-tô giáo: Hầu hết các gia đình đều sống tích cực và an lành, rất nhiều người đi tu, rất nhiều người cống hiến cho xã hội trong các lãnh vực chuyên môn… Công sức do các linh mục khôn xiết kể.
Thế nhưng theo thời đại công nghiệp, Vùng Kênh đang dần trở thành “miền đất chết”. Chết ở đây là nền kinh tế nông nghiệp không phát triển, tỉ lệ di dân rất cao. Đất ruộng ngày càng giảm giá trị, kéo theo sự bất ổn nặng nề cho cuộc sống nông dân, nhất là những gia đình đông con. Ví dụ nhà tôi 7 người với 8 công đất, nếu không học hành và ra đi lập nghiệp thì bây giờ là hộ nghèo đói ăn. Tỉ lệ di dân cao đồng nghĩa với xứ đạo không còn sinh động, hoành tráng như trước nữa, không còn cảnh lễ ngồi kín nhà thờ, sinh hoạt đoàn thể đông đảo, nhộn nhịp...
Giáo xứ giảm người, thiếu sức sống cùng với nhà thờ nhà xứ theo năm tháng đã xuống cấp và mục nát. Rất nhiều linh mục về phụ trách các xứ đạo này trong khoảng hơn chục năm nay nặng mình trong vấn đề xây dựng. Nhà Chúa thì không thể tầm thường! Càng hoành tráng bao nhiêu thì càng xứng đáng và được tiếng… Vấn đề đặt ra là sự “xứng tầm” đó có phù hợp với vùng đất không phát triển về kinh tế và ngày càng ít người do di dân hay không?
Xứ đạo vài ba trăm người toàn già và con nít. Xứ đạo nhen nhóm di dân do thất mùa và dịch bệnh ngay cả số ít các gia đình còn sót lại… Nhưng chúng ta vẫn xây nhà thờ hàng chục tỷ, nhà xứ, các tượng đài và công trình hoành tráng! Các đấng sẵn sàng mua bất cứ lô đất nào kề bên nhà thờ với lý do nhu cầu mục vụ. Xét về độ hoành tráng bên ngoài của giáo xứ thì không chê đâu được, nhưng xét về sức sống và lợi ích của giáo xứ thì trái ngược hoàn toàn.
Khi xưa tôi mới dự tu, cha giáo tôi giờ là Giám mục Giáo phận chia sẻ rằng: “Mua được một lô đất cho giáo xứ dưới kênh, đồng nghĩa với việc giáo xứ mất đi vài hộ gia đình…”. Mà thực tế là thế. Càng hoành tráng, buộc phải an ninh và tường rào cao, giáo dân hầu hết thuộc giới bình dân cảm thấy bị ngăn cách, nhà thờ trở thành pháo đài. Nhà thờ to, giáo dân ít ngồi thưa thớt bên dưới, ai cảm thấy được sự hoành tráng!
Tôi thiết nghĩ, tập trung nguồn lực xây nhà thờ nên hướng đến các khu vực phố thị và khu công nghiệp. Đừng nghĩ những nơi đó giầu có dư tiền xây dựng. Những nơi đó luôn đón lượng di dân rất lớn và nhu cầu mục vụ ngày càng cao. Tôi có dịp đi dâng lễ ở Tân Hưng (Tân Thới Hiệp), giáo xứ với hàng chục ngàn giáo dân nhưng nhà thờ cũ rích, tồi tàn lâu nay vẫn chưa gom đủ kinh phí xây dựng. Tuy vậy nơi này vẫn luôn mở lòng cho các cha nơi khác đến xin giúp đỡ.
Giáo hội luôn kêu mời con cái thờ Chúa trong sự trưởng thành. Thiết nghĩ những cái gì thuộc hình thức bên ngoài, tôn sùng cá nhân, mị dân.. luôn là nguy cơ cho Giáo hội của Chúa mà ai trong chúng ta cũng biết hậu quả.
Lm. Giuse Nguyễn Đức Thịnh
(03/07/2020)