TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Yêu Thương và Tha Thứ

23/02/2023 02:35:30 |   708

Yêu Thương và Tha Thứ

ccct 230223a

 

Chuyện “Nghìn lẻ một đêm” của Ba Tư có kể lại một phiên tòa như sau:      

Có hai người anh em ruột nọ bắt trói được thủ phạm giết cha mình. Họ lôi kéo tên sát nhân đến trước quan tòa và yêu cầu xét xử theo luật mắt đền mắt răng đền răng. Kẻ sát nhân đã dùng đá để ném chết cha của họ, thì hắn cũng phải bị ném đá theo như luật đã qui định.      

Trước mặt quan tòa, tên sát nhân đã thú nhận tất cả tội lỗi của mình. Nhưng trước khi bị đem xử, hắn chỉ xin một ân huệ: đó là được trở về nhà trong vòng 3 ngày để giải quyết việc gia đình. Sau thời hạn đó hắn sẽ trở lại để chịu bị ném đá chết.

Quan tòa xem chừng như không tin lời cam kết của tên tử tội. Giữa lúc quan tòa đang do dự, thì trong đám đông những người tham dự phiên tòa, có một người giơ tay cam kết: “Tôi xin đứng ra bảo đảm cho lời cam kết của tử tội. Nếu sau 3 ngày, hắn không trở lại, tôi sẽ chết thế thay cho hắn”.   

Tên tử tội được tự do trong 3 ngày. Sau đúng kỳ hạn, giữa lúc mọi người đang chờ đợi để chứng kiến cuộc hành quyết, hắn hiên ngang bước ra giữa pháp trường và dõng dạt tuyên bố: “Tôi đã giải quyết mọi việc trong gia đình. Giờ đây, tôi xin trở lại đây để chịu tội. Tôi muốn trung thành với lời cam kết của tôi để người ta sẽ không nói: Chữ TÍN không còn trên mặt đất này nữa”.         

Sau lời phát biểu dõng dạt của kẻ tử tội, người đàn ông đứng ra bảo lãnh cho hắn cũng ra giữa đám đông và tuyên bố: “Phần tôi sở dĩ tôi đứng ra bảo lãnh cho người này, là vì tôi không muốn để cho người ta nói: Lòng QUẢNG ĐẠI không còn trên mặt đất này nữa”.  

Sau 2 lời tuyên bố trên, đám đông trở nên thinh lặng. Dường như ai cũng cảm thấy được mời gọi thể hiện những gì là cao quý nhất trong lòng người... 

Từ giữa đám đông hai người thanh niên bỗng tiến ra và nói với quan tòa: “Thưa ngài, chúng tôi xin tha cho kẻ đã giết cha chúng tôi, để người ta sẽ không còn nói: Lòng THA THỨ không còn hiện hữu trên mặt đất này nữa”.

Câu chuyện thật ý nghĩa, chúng ta có thể nhận ra rằng tha thứ giúp cho chúng ta đóng lại những đau thương, bất công trong quá khứ và nhìn nhận các sự việc rõ ràng để buông bỏ. Tha thứ giúp cho chúng ta mở rộng lòng yêu thương, giúp cho ta nhìn lại chính mình đã làm hao phí năng lượng khi đánh mất lòng khoan dung.

Tha thứ là cả một quá trình, không phải chỉ là chuyện một sớm một chiều. Hãy cho bản thân thời gian để chấp nhận mọi chuyện và học cách tha thứ. Tha thứ là một hành động cao cả mà chúng ta phải học hỏi suốt đời. 

Tha thứ thực sự có lợi cho sức khoẻ và hạnh phúc của ta. Đừng coi nhẹ việc cứ ôm đồm những ấm ức trong người, rồi một ngày có thể ta sẽ phát bệnh vì những “cục tức” ấy. Tha thứ không phụ thuộc vào việc người khác phải chủ động xin lỗi ta. Ta học cách tha thứ là vì bản thân chứ không phải vì họ, bạn không cần bất cứ điều gì từ họ để bắt đầu tha thứ.      

Để yêu thương ta ần phải biết tha thứ, và để học tha thứ ta cần có lòng yêu thương.
Trong thực tế cuộc sống, tình yêu vị tha thường rất giới hạn. Theo quan niệm chung, yêu thương cũng phải có qua có lại chứ. Chúng ta biết rằng ngay cả anh chị em hay những bà con ruột thịt trong gia đình yêu nhau đã khó, yêu thương những người hàng xóm lại khó hơn và yêu thương kẻ thù thì khó gấp bội. Chúa Giêsu đã dạy chúng ta yêu thương mọi người và yêu cả kẻ thù. Chúa đã nêu gương cho chúng ta qua chính cuộc sống và cái chết của Ngài. Ngài đã yêu hết mọi người, cả kẻ thù và đã tha thứ tất cả lỗi lầm của họ. Chúa đã chấp nhận chịu mọi cực hình oan trái đến chết để mang ơn cứu độ và sự tha thứ. Với sức tự nhiên của con người, chúng ta khó vượt qua những yếu đuối của bản năng. Bản năng đòi sự công bằng tự nhiên: mắt đền mắt, răng đền răng là lẽ thường. Vì trong bản năng của con người có một động lực tiềm ẩn của sự báo thù do tội nguyên tổ. Khi chúng ta giận dữ thì cơn giông bão hận thù và ghen tương nổi lên trong lòng như một khao khát đốt cháy tâm can. Chúng ta rất khó cầm lòng để có sự bình tĩnh mà xét xử hơn thiệt. Người ta thường nói giận mất khôn là đúng lắm. Những giận hờn, thù ghét chua cay và những gian dối che phủ mất lòng nhân ái. Hành động khi giận dữ dễ đưa đến những hậu qủa tác hại vô lường.

Khi thực hành được lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ tìm thấy sự yêu thương hòa giải thật tuyệt vời. Khi thương yêu tha thứ, chúng ta không mất mát gì cả, mà còn được lợi gấp trăm. Ai cũng hiểu biết yêu là như thế đấy, nhưng đi vào thực hành tha thứ với con người cụ thể thì còn một khoảng cách cần lấp đầy.  

Có thể nói rằng “tha thứ cho người khác chính là tha thứ cho chính mình”, vì khi chúng ta buông bỏ lòng thù hận, sẽ giúp cho tâm mình luôn bình an. Tâm bình an sẽ là chất liệu để tạo dựng nên lòng yêu thương bác ái cho mình và cho con người. Và thực ra điều khó nhất không phải là chấp nhận tha thứ cho người khác mà là tha thứ cho bản thân.  

23/02/2023
HỒNG LONG

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây