TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Phục Sinh - Năm B

Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,1-10)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bài giảng Tĩnh huấn Gia đình Công giáo 2011

Thứ sáu - 28/05/2021 22:58 | Tác giả bài viết: GM Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản |   684
Bài giảng Tĩnh huấn Gia đình Công giáo 2011

Tĩnh huấn Gia đình Công giáo Giáo phận (29/12/2011)

Chủ đề: Gia đình sống đức tin

Anh chị em thân mến,

Trong câu chủ đề của ngày tĩnh huấn hôm nay có 03 nhóm từ nổi bật: gia đình, sống, và đức tin.

Gia đình là một cộng đoàn bao gồm nhiều thành phần: vợ, chồng, cha mẹ, con cái. Gia đình là một tổ ấm, nơi đó con người có thể trao ban tình yêu hỗ tương cho nhau, trao ban sự sống, giáo dục con người, và lưu truyền những giá trị tốt đẹp. Bởi vì gia đình là một cộng đoàn bao gồm những con người có suy nghĩ, có tự do, nên mọi thành phần trong gia đình cũng cần được học hỏi cách sống chung, học cách đón nhận người khác, học cách tha thứ… và nhất là cùng nhìn về một mục đích chung: đem lại hạnh phúc cho chính mình và cho những người thân yêu của mình. Để có được một gia đình hạnh phúc như thế, những nỗ lực theo cách tự nhiên của con người mà thôi thì chưa đủ, cần phải có ơn Chúa nữa.

Đức tin “chỉ hồng ân siêu nhiên được ban cho tín hữu, để họ gắn bó trọn vẹn và tự do với Thiên Chúa, và đón nhận những chân lý do Ngài mạc khải trong Đức Giêsu Kitô”1. Nhờ đức tin, Thiên Chúa thâm nhập vào trong lý trí của con người. Ngài bày tỏ mình như là chân lý cho lý trí con người. Ngài mời gọi con người chia sẻ cuộc sống với Ngài. Nhờ biết nhìn về Chúa như là chân lý, là khuôn mẫu cho đời sống của mình, đức tin trở thành ngọn đèn soi sáng cho lý trí của con người biết lựa chọn điều đẹp lòng Chúa, biết sống theo ý Ngài. Đức tin là món quà Thiên Chúa ban tặng để con người có được mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và với tha nhân. Vì thế, đức tin trở thành nguyên lý giúp người Kitô hữu sống đẹp lòng Chúa và sống hạnh phúc trong cuộc đời này.

Trong đời sống của người Kitô hữu, đức tin vào Thiên Chúa giúp con người biết nhìn xa hơn những thực tại đang xảy ra trong đời sống thường ngày, để hiểu rằng cái đang xảy ra trước mắt chỉ là một khía cạnh hay thay đổi của một thực tại bền vững hơn. Tình yêu Thiên Chúa có thể làm biến đổi con người, cũng như những thực tại thiên nhiên. Trong kinh nghiệm của cá nhân, cũng như của Giáo Hội, người Kitô hữu tin vào thiện chí, vào sự hoán cải, vào sự biến đổi của con người khi gặp Chúa. Kinh nghiệm của Nathanael, của người phụ nữ Samarie, của những người lính đóng đinh Chúa, của thánh Phaolô, cho chúng ta thấy được sức mạnh của ơn Chúa trên con người. Và vì thế, chúng ta tiếp tục hy vọng vào thiện chí của con người.

Chính nhờ sống đức tin, mà người Kitô hữu không nản lòng, buông xuôi, đầu hàng trước những khó khăn, thách đố trong đời sống gia đình hiện nay. Nhờ đức tin mà các thành viên trong gia đình, dẫu cho phải đang sống trong thử thách, vẫn thấy rõ và trung thành với ơn gọi và trách nhiệm của mình, vì biết chắc rằng họ đang cùng với Chúa Giêsu thánh hoá chính đời sống gia đình họ.

Gia đình sống đức tin, là cả gia đình công giáo, mọi thành viên trong gia đình biết nhìn về Chúa Giêsu như là gương mẫu của mọi lời nói, suy nghĩ, lựa chọn, hành động. Chính lòng yêu mến Chúa Giêsu là ánh sáng và chất dinh dưỡng nuôi sống gia đình công giáo.

Trong buổi gặp gỡ hôm nay, chúng ta cùng nhau tìm hiểu 03 điểm: bản chất của hôn nhân Kitô giáo, Bổn phận gia đình Kitô hữu: đào tạo một cộng đồng các ngôi vị, làm thế nào vượt qua những thử thách để trung thành với ơn gọi của gia đình Kitô hữu.

1/ Bản chất của hôn nhân Kitô giáo:

GL Điều 1055 -  §1. Do giao ước hôn nhân, một người nam và một người nữ tạo thành một sự hiệp thông trọn cả cuộc sống; theo bản tính tự nhiên, giao ước ấy hướng về lợi ích của đôi bạn, cũng như đến việc sinh sản và giáo dục con cái; Chúa Kitô đã nâng giao ước hôn nhân giữa hai người đã được rửa tội lên hàng bí tích.

§2. Vì thế, giữa hai người đã được rửa tội không thể có khế ước hôn nhân thành sự, nếu đồng thời không phải là bí tích.

Tông huấn về gia đình viết như sau:

“Như thế hôn nhân của những người đã chịu phép rửa tội trở nên biểu trưng thật của giao ước mới và vĩnh cửu được ký kết trong máu Đức Kitô. Thánh Thần mà Chúa đã đổ tràn xuống, ban cho họ một trái tim mới và làm cho cả người nam và người nữ có khả năng yêu thương nhau như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta. Tình yêu vợ chồng đạt tới sự sung mãn là tình bác ái vợ chồng mà do bản chất, là phương thế độc đáo và riêng biệt giúp các đôi vợ chồng tham dự vào tình bác ái của Đức Kitô, Đấng trao ban chính mình trên thập giá, và cũng nhờ đó họ được mời gọi sống tình bác ái của Người.” (FC 13).

“Nhờ tính cách bí tích của hôn nhân, đôi bạn được liên kết với nhau một cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được. Khi người này thuộc về người kia, họ thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Kitô với Hội Thánh Ngài, qua dấu chỉ bí tích.

Như vậy đôi bạn là lời nhắc nhở thường xuyên cho Hội Thánh về điều đã xảy ra trên thập giá. Họ là nhân chứng cho nhau và cho con cái về ơn cứu độ mà bí tích đã làm cho họ được dự phần. Hôn nhân cũng như mọi bí tích khác, là một sự nhớ lại, một sự hiện tại hoá và một lời tiên tri về biến cố cứu độ “Là một sự nhớ lại, bí tích ban cho họ ân sủng và trao cho họ bổn phận phải làm nhớ lại những kỳ công của Thiên Chúa và làm chứng về những kỳ  công ấy trước mặt con cái họ, là một sự hiện tại hoá, bí tích ban cho họ ân sủng lẫn bổn phận phải thực hành trong hiện tại giữa họ với nhau và giữa họ với con cái, những đòi hỏi của một tình yêu tha thứ và cứu chuộc; là một lời tiên tri, bí tích ban cho họ ân sủng và bổn phận sống và làm chứng về mối hy vọng sẽ được gặp gỡ Đức Kitô sau này”.

Như từng bí tích trong bảy bí tích, hôn nhân cũng là một biểu tượng thật của biến cố cứu độ, nhưng theo cách thế riêng. “Đôi bạn dự phần vào đó với tư cách là đôi bạn, là hai vợ chồng, đến nỗi hậu quả đầu tiên và tức khắc của bí tích hôn nhân không phải là ân sủng siêu nhiên nhưng là mối dây liên kết hôn nhân Kitô giáo, là việc hai người thông hiệp với nhau theo cách thức đặc biệt Kitô giáo, bởi vì sự thông hiệp ấy diễn tả mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô và mầu nhiệm giao ước của Ngài. Và nội dung của việc tham dự vào sự sống Đúc Kitô cũng rất đặc biệt: “Tình yêu vợ chồng bao gồm một toàn thể tính trong đó có đủ mọi yếu tố cấu tạo nên ngôi vị: tiếng gọi của thân xác và của bản năng, sức mạnh của cảm năng và của lòng yêu mến, khát vọng của tinh thần và của ý chí, tình yêu ấy nhắm đến một sự hiệp nhất sâu xa về ngôi vị, một sự hiệp nhất, vượt qua sự kết hợp thành một thân xác, đưa đến chỗ chỉ còn một trái tim, một linh hồn; tình yêu ấy đòi hỏi sự bất khả phân ly và sự trung thành trong việc trao hiến cho nhau một cách dứt khoát, mở ngõ cho việc sinh sản (x. Thông điệp Sự sống con người, số 9). Tắt một lời, đó chính là những đặc tính thông thường của mọi tình yêu vợ chồng nhưng với một ý nghĩa mới mẻ, một ý nghĩa không những thanh luyện và củng cố đặc tính ấy, nhưng còn nâng chúng lên cao đến độ biến chúng trở thành lời diễn tả những giá trị thật sự của Kitô giáo”. (FC 13)

2/ Bổn phận gia đình Kitô hữu: đào tạo một cộng đồng các ngôi vị

Tình yêu, nguồn mạch và sức mạnh của sự hiệp thông: “Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các ngôi vị: đôi bạn là nam và nữ, cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông, trong một cố gắng bền bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị”. (FC 18)

Sự hiệp thông vợ chồng là sự hiệp nhất không thể phân ly: “Sự hiệp thông vợ chồng ăn rễ sâu từ trong sự bổ túc tự nhiên giữa người nam và người nữ, và được nuôi dưỡng nhờ ý chí của đôi bạn đích thân muốn chia sẻ với nhau toàn thể dự phóng cuộc đời của họ, chia sẻ với nhau điều họ có và điều họ là: bởi đó, một sự hiệp thông như thế là kết quả và là dấu hiệu của một đòi hỏi nhân bản sâu xa. Nhưng trong Chúa Kitô, Thiên Chúa nắm lấy cái đòi hỏi đó, củng cố nó, thanh luyện nó và nâng nó lên cao, bằng cách dùng Bí Tích Hôn Phối mà đưa nó đến chỗ toàn thiện: Chúa Thánh Thần được đổ tràn xuống khi cử hành bí tích, đã trao tặng cho đôi bạn Kitô hữu một sự hiệp thông mới, hiệp thông trong tình yêu là hình ảnh sống và thực của sự duy nhất hết sức độc đáo đang làm cho Hội Thánh trở thành thân mình mầu nhiệm không thể phân chia của Đức Kitô.

Ơn của Thần Khí là luật sống cho đôi bạn Kitô hữu và đồng thời là hơi thở hướng dẫn họ để mỗi ngày họ phát huy được thể xác, tính tình, con tim, trí tuệ ý chí, linh hồn, hầu biểu lộ cho Hội Thánh và cho thế giới thấy sự hiệp thông mới mẻ về tình yêu do ân sủng Đức Kitô ban tặng”. (FC 19)

Một sự hiệp thông bất khả phân ly: “Sự hiệp thông vợ chồng được đánh dấu không những do sự duy nhất nhưng còn do tính chất bất khả phân ly của nó: “Sự kết hợp mật thiết, việc hai người tự hiến cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi họ kết hợp với nhau cách bất khả phân ly”.

Hội Thánh có một bổn phận căn bản - như các nghị phụ của Thượng Hội Đồng đã làm - là phải tái khẳng định thật mạnh mẽ giáo lý về sự bất khả phân ly của hôn nhân đối với những người ngày nay đang nghĩ rằng thật khó và hơn nữa thật không sao có thể liên kết với một người suốt đời, và đối với những người đang bị cuốn theo một nền văn hoá từ chối sự bất khả phân ly của hôn nhân và có khi còn công khai khinh bỉ việc đôi bạn cam kết sống trung thành với nhau, thì còn phải nhắc lại lời loan báo vui mừng về tính cách dứt khoát của tình yêu vợ chồng này, là tình yêu đặt nền tảng và tìm được sức mạnh nơi Đức Kitô”. (FC 20)

Và Đức Thánh Cha nói thêm về vai trò làm chứng của gia đình công giáo trong thế giới này: “Ngày nay, làm chứng về giá trị cao quí của sự bất khả phân ly trong hôn nhân và của lòng chung thuỷ vợ chóng là một trong những bổn phận quan trọng nhất và cấp bách nhất của các đôi bạn Kitô hữu. Vì thế hiệp ý với tất cả các anh em của tôi đã cùng tham dự THĐGM, tôi ca ngợi và khích lệ đông đảo tất cả các đôi bạn, mặc dù gặp những khó khăn to lớn, vẫn giữ gìn và phát triển sự bất khả phân ly quí báu ấy: làm thế họ đã khiêm tốn và quả cảm đảm nhận trách nhiệm đã trao cho họ là trở nên dấu chỉ trong thế giới - một dấu chỉ kín đáo và quí giá, đôi khi bị thua chước cám dỗ nhưng rồi lại được đổi mới không ngừng - dấu chỉ về sự trung tín không biết mỏi mệt của tình yêu mà Thiên Chúa và Đức Giêsu Kitô đã có đối với tất cả mọi người và đối với từng người. Và cũng còn phải đánh giá cao lời chứng của những người chồng, nguời vợ bị bạn đời của mình rẫy bỏ mà nhờ đức tin và niềm hy vọng Kitô giáo, vẫn không tái hôn: như thế, họ đã nêu lên được một lời chứng đích thực cho sự trung thành mà thế giới ngày nay đang cần đến biết bao. Vì thế, các chủ chăn và tín hữu trong Hội Thánh phải khích lệ và giúp đỡ họ được kiên trì trong hướng ấy.” (FC 20)

3/ Vượt qua mọi thử thách

Trong hoàn cảnh xã hội đầy những thay đổi, phức tạp, hiện nay, người Kitô hữu cần phải có một nhận định sáng suốt và một đức tin mạnh mẽ. Cần phải biết nhận định và hành động theo Tin Mừng. Cần phải để cho đức tin soi chiếu vào sự hiểu biết của chúng ta, nghĩa là biết để cho đức tin hướng dẫn. Sống dưới cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa và tập cho mình có một lương tâm ngay thẳng, lương tâm công giáo, để cho dù sống trong bất kỳ hoàn cảnh nào, mình vẫn xử sự theo đức tin và lòng bác ái Kitô giáo.

Đôi khi, tội lỗi làm cho cách suy nghĩ của chúng ta trở nên ích kỷ. Cách lý luận của sự tự ái, của sự báo thù, có khuynh hướng thắng thế, muốn thay thế cho lý luận của tình yêu mà chúng ta được mời gọi làm chứng. Đừng nản lòng trước sự dữ, trước sự cứng lòng của người khác. Hãy biết nghĩ đến quyền lợi của cả gia đình, của những người bé nhỏ dễ bị tổn thương. Hãy có trách nhiệm với điều mình đã cam kết, với người mà mình đã từng yêu thương. Chúa Giêsu luôn đồng hành bên cạnh những khó khăn, những hy sinh của chúng ta. Vì chính Ngài đã nói: “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).

Gm. Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản - Gm Banmêthuột

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây