TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Vợ chồng trong linh đạo hôn nhân

Thứ sáu - 28/05/2021 22:48 | Tác giả bài viết: Lm. Minh Anh, GP. Huế |   1088
Vợ chồng trong linh đạo hôn nhân

QUAN HỆ VỢ CHỒNG TRONG LINH ĐẠO HÔN NHÂN

1. Nên thánh trong bậc vợ chồng trước tiên có nghĩa là sống một cách sung mãn ơn gọi làm vợ, làm chồng. Nói đến ơn gọi làm vợ, làm chồng tức là nói đến mối quan hệ giữa hai người nam nữ để nên thánh và giúp nhau nên thánh trong bậc vợ chồng.

Hai người phối ngẫu cần phải hiểu rõ và xây dựng mối quan hệ nam nữ ấy dựa trên ánh sáng của Lời Chúa. Đó là điều chúng tôi xin trình bày sau đây.

Mặc khải của Chúa về mối quan hệ nam nữ vượt lên trên quan niệm truyền thống cũng như những đòi hỏi của xã hội hiện đại.

Theo quan niệm truyền thống trong bất cứ xã hội và văn hóa nào, người đàn ông vẫn luôn được xem là chủ của gia đình; xã hội ngày nay vẫn còn bám chặt vào truyền thống ấy. Nhiều người vẫn còn ứng xử theo phương châm chồng chúa vợ tôi, phu xướng phụ  tuỳ, hoặc là “dạy vợ từ lúc ban sơ mới về”. Hiện nay, với sự lớn mạnh của phong trào nữ quyền, người đàn bà được coi là bình đẳng với người đàn ông trong tất cả mọi lãnh vực, ngay cả trong nội bộ của Giáo Hội. Sự bình đẳng giữa nam nữ cũng được hiểu như là một phủ nhận những khác biệt về chức năng giữa hai phái. Chính vì phủ nhận sự khác biệt về chức năng đó mà nhiều người tranh đấu cho phụ nữ được làm linh mục.

Quan niệm của Kitô giáo dựa trên mạc khải về mối quan hệ giữa nam nữ hoàn toàn vượt lên trên nhãn giới trên đây. Chúng ta có thể nói quan niệm ấy được tóm gọn trong lời của thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Êphêsô đoạn 5, 21 như sau: “Anh em hãy phục tùng nhau trong niềm kính sợ Chúa”.

2. Qua câu nói trên, chúng ta thấy trong quan hệ vợ chồng, vấn đề đặt ra không phải ai là người chủ, ai là người cầm đầu, mà chỉ còn là phải phục vụ nhau, giúp đỡ nhau, hy sinh cho nhau, trao ban cho nhau mà thôi.

“Trong niềm kính sợ Chúa” có nghĩa là tìm kiếm những gì là phải đạo và đúng đắn theo thánh ý Chúa. Bởi vì chỉ trong ý muốn của Chúa con người mới có thể phục vụ tha nhân một cách đúng đắn. Nói đến niềm kính sợ Chúa, thánh Phaolô chỉ có ý nói rằng, tinh thần đích thực của sự phục tùng nhau giữa vợ chồng không phải là sợ hãi hay nô lệ hay bất cứ một tính toán nào khác nhưng là tự nguyện và yêu thương. Ai phục vụ vì sợ hãi người đó là nô lệ. Ai phục vụ vì yêu thương người đó sẽ lớn lên trong nhân cách.

Không có tình yêu thương vô vị lợi thì phục vụ chỉ là một thứ ích kỷ trá hình. Yêu thực sự là yêu như Chúa Giêsu yêu. Cũng chính thánh Phaolô đã giải thích: “Chúa Giêsu là Đấng đã trao ban chính mình cho Giáo Hội để làm cho Giáo Hội nên thánh thiện, để thanh tẩy Giáo Hội, nhờ đó Giáo Hội trở nên không tỳ vết. Những người chồng cũng phải yêu thương vợ mình như thế”.

3. Một cách cụ thể khi một người chồng phục tùng vợ trong niềm kính sợ Chúa, thì  điều đó không có nghĩa là người đó trở thành một người đàn ông nhu nhược hay một người đàn ông bị chế giễu như một người sợ vợ. Thái độ đó chỉ đồng nghĩa với phục vụ yêu thương quên mình mà thôi. Đó là cái nhìn mới mẻ của Tân Ước về mối quan hệ nam nữ.

Thực ra, khi nói đến sự phục tùng nhau giữa hai vợ chồng, Tân Ước không hề chối bỏ vai trò làm chủ của người chồng mà bất cứ xã hội nào cũng công nhận. Đối với các tín hữu Kitô, vấn đề không là chối bỏ vai trò làm chủ gia đình của người chồng mà chính là giải thích vai trò ấy theo tinh thần của Tin Mừng.

Như vậy, theo tinh thần của Tin Mừng thì thế nào là làm chủ trong gia đình? Thưa, chính là cư xử với vợ như Chúa Giêsu đối với Giáo Hội của Ngài, nghĩa là yêu thương và trao ban chính mình. Chúa Giêsu đã yêu thương Giáo Hội đến độ hy sinh chính mạng sống của Ngài. Ngài thể hiện quyền làm chủ trên Giáo Hội không bằng quyền bính mà chỉ bằng sự phục vụ. Ngài đã từng nói với các môn đệ: “Ai muốn làm lớn trong các con, người đó hãy trở nên người rốt hết”.

Trong quan hệ vợ chồng cũng thế, vai trò làm chủ của người chồng trong gia đình không có nghĩa là sai khiến, ra lệnh, mà chính là phục vụ trong yêu thương và quên mình.

Ngày nay, thay cho quan niệm truyền thống về vai trò làm chủ gia đình của người chồng, nhiều người đề cao sự bình đẳng trong quan hệ vợ chồng. Theo tinh thần Tin Mừng, phải hiểu sự bình đẳng ấy như thế nào? Nguyên tắc mà thánh Phaolô đưa ra vẫn còn giá trị: “Anh em hãy phục tùng nhau trong niềm kính sợ Chúa”. Ngày nay, có thể thánh nhân sẽ viết lại như sau: “Bình đẳng. Đồng ý, nhưng bình đẳng trong việc phục vụ hỗ tương, chứ không trong quyền bính”.

Nếu cả hai người đều muốn làm chủ một lúc hoặc tranh nhau xem ai làm chủ trong gia đình, thì chắc chắn họ sẽ luôn ở trong tình trạng xung đột. Nói tóm lại, theo tinh thần của Tin Mừng, quan hệ vợ chồng thiết yếu là một quan hệ của tình thương, phục vụ hỗ tương và quên mình. Nên thánh trong bậc vợ chồng chính là xây dựng mối quan hệ ấy theo tinh thần Tin Mừng mà thánh Phaolô đã đề ra.

Tác giả: D. WAHRHEIT (Lm. Minh Anh, GP. Huế tổng hợp biên tập)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây