TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bộ Phong thánh và tiến trình phong thánh

Thứ năm - 10/06/2021 20:20 | Tác giả bài viết: |   1118
Việc tuyên phong chân phước và phong thánh có ý nghĩa gì đối với Giáo hội và đời sống của các tín hữu? Tiến trình này được thực hiện như thế nào?

Bộ Phong thánh và tiến trình tuyên phong chân phước và phong thánh

Việc tuyên phong chân phước và phong thánh có ý nghĩa gì đối với Giáo hội và đời sống của các tín hữu? Tiến trình này được thực hiện như thế nào? Bộ Phong thánh đóng vai trò nào trong các tiến trình này? Và những chi phí cho việc tiến hành án phong chân phước hay phong thánh? Những câu hỏi này đã được Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, trình bày trong cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News vào ngày 31/5/2021.

Các thành viên của Giáo hội có thể đạt tới sự thánh thiện

Mọi tín hữu đều được mời gọi nên thánh (Lumen Gentium). Ngay từ ban đầu Giáo hội đã cảm thấy cần nhìn nhận những chứng tá gương mẫu và chính thức nhìn nhận sự trung thành của họ với sứ điệp Tin Mừng. Việc Giáo hội chính thức nhìn nhận sự thánh thiện của một cá nhân Kitô hữu là một truyền thống có từ lâu đời. Ngay từ những ngày đầu của Giáo hội, khi có tin loan truyền về một vị tử đạo nào đó, hay về một ai đó đã sống Tin Mừng cách gương mẫu, họ được đề nghị như gương mẫu sống cho mọi người và là người cầu bầu trước mặt Chúa cho nhu cầu của các tín hữu. Có những tiến trình theo giáo luật và quy luật trong việc tuyên bố rằng một người là một vị thánh. Nhưng điều chính yếu và căn bản đó là: Giáo hội luôn luôn tin rằng các thành viên của Giáo hội có thể đạt tới sự thánh thiện và họ phải được biết đến và được đề xướng cho các tín hữu tôn kính cách công khai.

"Danh tiếng về sự thánh thiện"

Theo tiến trình của việc tuyên phong chân phước và phong thánh cho Các Tôi Tớ Chúa, Bộ Phong Thánh hỗ trợ các giám mục trong quá trình điều tra liên quan đến việc tử đạo hoặc việc dâng hiến mạng sống và các phép lạ của một tín hữu Công giáo, những người mà khi còn sống, khi sắp qua đời và cả sau khi qua đời, được xem là thánh thiện, hoặc do tử đạo hoặc do hiến dâng cuộc sống của họ. Trong mọi trường hợp, điều cần thiết là họ luôn có một “danh tiếng về sự thánh thiện” đích thực, lan rộng và lâu dài, hoặc được cộng đoàn Kitô giáo tin rằng họ đã sống một cuộc sống toàn diện, đã thực thi nhân đức Kitô giáo và cuộc sống của họ đã sinh hoa trái thiêng liêng.

Công việc của tập thể

Đằng sau việc tuyên bố một vị thánh là một sự dấn thân tập thể làm việc cần mẫn kéo dài hàng năm, đôi khi hàng thập kỷ. Tiến trình phức tạp này đòi hỏi sự tham dự của nhiều người với những kỹ năng khác nhau. Được ban hành vào năm 1983, các tiêu chuẩn mới quy định về Phong Thánh đã rút ngắn đáng kể thời gian cần thiết cho một quy trình tuyên phong chân phước và phong thánh. Trong quá khứ, cần phải đợi 50 năm sau khi vị Tôi Tớ Chúa qua đời thì mới bắt đầu nghiên cứu về cuộc đời, các đức tính hoặc sự tử đạo của họ. Ngày nay thì khác. Tuy nhiên, thời gian của án phong chân phước hay phong thánh phụ thuộc vào nhiều yếu tố: một số là yếu tố nội tại (sự phức tạp của chính con người các vị, hoặc của giai đoạn lịch sử mà họ đã sống); những yếu tố khác thuộc ngoại tại (sự sẵn sàng, sự chuẩn bị hoặc sẵn sàng của những người làm việc cho từng án phong: thỉnh nguyện viên, cộng tác viên bên ngoài, nhân chứng, v.v.).

Những người tham gia

Mỗi án phong có số người tham gia khác nhau: các nhân chứng cung cấp lời khai trong các giai đoạn của giáo phận có thể lên đến vài chục. Ngoài ra còn có một số đông những người khác và các chuyên gia tham gia. Mỗi quy trình tuyên phong chân phước và phong thánh đều có các bước riêng: điều tra, lấy lời khai, soạn thảo Positio – tập hồ sơ đúc kết, việc kiểm tra được tiến hành bởi các cố vấn thần học, và tùy theo án phong, có thể có các nhà cố vấn lịch sử. Sau đó, cần có thời gian để tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế khi có thể có phép lạ chữa lành bệnh cần kiểm tra. Sau khi hoàn thành tất cả và mỗi bước đều được chấp thuận, hồ sơ sẽ được trình bày trước phiên họp của các thành viên của Bộ Phong thánh. Một khi toàn bộ quá trình đã được kết thúc, Đức Giáo hoàng là người đưa ra quyết định cuối cùng. Vị Tổng trưởng Bộ Phong thánh đệ trình các án phong khác nhau để ngài chấp thuận.

Thực sự có rất nhiều án phong (hiện tại, các án đang được tiến hành ở Roma là gần 1.500, trong khi các án đang ở cấp giáo phận là hơn 600). Không phải tất cả các án phong đều có kết quả tích cực. Điều này cho thấy sự nghiêm túc của quá trình này. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những người không được đề nghị cho các tín hữu tôn kính không phải là những người gương mẫu về chứng tá cuộc sống của họ.

Con số đông đảo các vị thánh: Sức sống của Giáo hội ở mọi thời đại

Con số rất nhiều lễ tuyên phong thánh và phong chân phước được Bộ Phong thánh đề xướng là một dấu chỉ cho thấy sức sống của Giáo hội ở mọi thời đại. Trong 50 năm vừa qua, nhờ tiến trình đơn giản hơn nên số người được đề nghị cho các tín hữu tôn kính cũng gia tăng. Họ đến từ mọi châu lục và thuộc mọi thành phấn Dân Chúa. Những lợi ích thiêng liêng và mục vụ trong 50 năm kể từ khi thành lập Bộ Phong Thánh (1969) là rất đặc biệt: tính đến cuối năm 2020, có tổng số 3.003 vị được chân phước và 1.479 vị thánh. 

Thông thường Bộ Phong Thánh có hai Phiên họp thường lệ mỗi tháng và bốn án phong được xem xét trong mỗi phiên. Do đó, ước tính số án phong được hoàn tất mỗi năm là từ 80 đến 90. Dữ liệu này và các dữ liệu khác có thể được truy cập tại trang web của Bộ Phong thánh (http://www.causesanti.va/it.html), nơi cung cấp cho mọi người quyền truy cập dễ dàng và đầy đủ vào tất cả thông tin về Bộ Phong thánh và tiến trình phong thánh. Cho đến nay, ngoài các tài liệu và ấn phẩm chính, trang web còn chứa hơn một ngàn mục về các vị chân phước và các vị thánh của bảy triều đại Giáo hoàng cuối cùng, được bổ sung với các hình ảnh, các trích dẫn, tiểu sử, bài giảng, liên kết bên ngoài và tài liệu truyền thông đa phương tiện.

“Nhà máy sản xuất thánh”

Có một thành ngữ vui để gọi Bộ Phong thánh, đó là “nhà máy sản xuất thánh”. Theo Đức Hồng y Semeraro, cách diễn đạt này thậm chí có thể phát huy tác dụng, nếu nó được hiểu theo nghĩa tích cực, nghĩa là đó là nơi mà mọi người làm việc để có được sự trình bày nghiêm túc và trung thực về những người đáng được đề nghị là gương mẫu của sự thánh thiện. Mặc dù số lượng ứng viên khá nhiều, nhưng điều này không làm giảm đi tính chính xác, sâu sắc và thẩm quyền của Bộ Phong thánh.

Tiến trình 

Bắt đầu với “danh tiếng về sự thánh thiện và các dấu hiệu” được nhận biết bởi dân Chúa, cuộc điều tra bắt đầu với giai đoạn đầu tiên trong giáo phận (tiến trình mở án, chứng từ và tài liệu được thu thập, một tòa án được thành lập với các chuyên gia thần học và lịch sử). Một khi án phong được gửi đến Roma, một tường trình viên được chỉ định cho án phong, vị này sẽ hướng dẫn thỉnh nguyện viên chuẩn bị tài liệu tổng hợp các bằng chứng thu thập được trong giáo phận để tái tạo lại chính xác cuộc sống của và chứng minh các nhân đức hoặc sự tử đạo của vị được đề nghị tuyên phong cũng như danh tiếng về sự thánh thiện của họ và các dấu hiệu của sự thánh thiện của vị Tôi tớ Chúa. Đây là Positio. Tập sách này sau đó sẽ được nghiên cứu bởi một nhóm các nhà thần học và, trong trường hợp của “án cổ xưa” (liên quan đến một ứng cử viên sống cách đây rất lâu và không có nhân chứng), cũng sẽ được nghiên cứu bởi một Ủy ban Lịch sử. Nếu những phiếu này là phiếu thuận, hồ sơ sẽ được đệ trình lên cho các Hồng Y và Giám mục của Thánh bộ phán quyết tiếp theo. Cuối cùng, nếu những vị này cũng đồng thuận, thì Đức Thánh Cha có thể cho phép ban hành Sắc lệnh về các nhân đức anh hùng hoặc tử đạo hoặc việc dâng hiến mạng sống của Tôi tớ Chúa; vị này sau đó trở thành Đấng Đáng kính. Vị này được công nhận là đã thực thi các nhân đức Kitô giáo (nhân đức hướng thần: tin, cậy và mến; các nhân đức trụ: khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ; những nhân đức khác: nghèo khó, khiết tịnh, vâng lời, khiêm tốn, v.v.) đến mức độ “anh hùng”, hoặc đã trải qua một cuộc tử đạo đích thực, hoặc đã hy sinh mạng sống của mình theo các yêu cầu mà Bộ Phong thánh đã nêu ra.

Phong chân phước là giai đoạn trung gian trong tiến trình phong thánh. Nếu ứng viên được tuyên bố là tử đạo, vị đó sẽ trở thành Chân phước ngay lập tức, nếu không thì cần phải có phép lạ được công nhận nhờ sự chuyển cầu của ngài. Nói chung, phép lạ này là một sự chữa lành được một Ủy ban Y tế gồm các bác sĩ chuyên khoa, cả những người tin và không tin, xác nhận là không thể giải thích được về mặt khoa học. Đầu tiên, các cố vấn thần học và sau đó là chính các Hồng y và Giám mục của Bộ Phong Thánh cũng tuyên bố về những phép lạ này và Đức Thánh Cha cho phép ban hành sắc lệnh liên quan đến phép lạ. Để được phong thánh, nghĩa là để một người có thể được tuyên bố là một vị thánh, thì phải có một phép lạ thứ hai xảy ra sau lễ phong chân phước và được cho là nhờ sự chuyển cầu hiệu quả của Chân phước.

Chi phí

 Dưới nhiều khía cạnh khác nhau, một án phong chân phước là một quá trình phức tạp và chi tiết. Do đó, có những chi phí nhất định liên quan đến công việc của các ủy ban, việc in ấn tài liệu, các cuộc họp của các chuyên gia (lịch sử và thần học có nhiệm vụ nghiên cứu tài liệu hoặc các bác sĩ khi có phép lạ). Bộ Phong thánh luôn chú ý đến việc giới hạn các chi phí để yếu tố kinh tế có thể không là trở ngại cho sự tiến triển của các án phong. Theo nghĩa này, các quy tắc hành chính được Đức Thánh Cha phê chuẩn vào năm 2016 đảm bảo sự quản lý minh bạch và thường xuyên. Được tài trợ bằng nhiều cách khác nhau, một “Quỹ Liên đới” do Bộ quản lý đã được thành lập cho những án phong có ít nguồn lực hơn. Bộ cũng đang nghiên cứu các cách hỗ trợ khác. Chi phí của Toà Thánh dành cho công việc này trong năm 2021 là khoảng 2 triệu euro.

Hồng Thuỷ - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây