Sáng Chúa Nhật 23/5/2021, tại bàn thờ tuyên xưng đức tin trong đền thờ thánh Phê-rô, Đức Thánh Cha đã chủ sự lễ trọng Chúa Thánh Thần hiện xuống.
Sau hơn một năm kể từ khi đại dịch bùng phát, đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha lại cử hành Thánh lễ tại bàn thờ này. Tuy thế, do đại dịch vẫn còn nên các tín hữu tham dự Thánh lễ vẫn phải giữ khoảng cách và tuân theo các quy định an toàn sức khỏe. Có khoảng 30 Hồng y, hơn 20 giám mục, và một số linh mục cùng đồng tế với Đức Thánh Cha trong Thánh lễ.
Trong bài giảng Đức Thánh Cha khai triển lời Chúa Giê-su hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ: “Đấng Bảo Trợ sẽ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha” (Ga 15,26). Đức Thánh Cha giải thích hai ý nghĩa bao hàm trong từ “Đấng Bảo Trợ”: Đấng An ủi và Đầng Bầu chữa.
1. Đấng Bảo Trợ là Đấng An ủi
Đức Thánh Cha lưu ý rằng khi gặp khó khăn chúng ta thường tìm sự an ủi. Nhưng chúng ta thường tìm sự an ủi nơi trần thế, là thứ chóng tan biến. Còn Chúa Giê-su lại ban cho chúng ta sự an ủi từ thiên quốc, đó là Chúa Thánh Thần, “Đấng An ủi tốt nhất.”
Đức Thánh Cha giải thích: “Những an ủi của thế gian giống như những liều thuốc giảm đau: chúng xoa dịu chốc lát, nhưng không chữa lành điều ác chúng ta mang trong lòng. Chúng có thể xoa dịu chúng ta, nhưng không chữa lành. Chúng xoa dịu trên bề mặt, ở cấp độ giác quan chứ không phải trái tim. Chỉ người khiến chúng ta cảm thấy được yêu thương như là chính mình, mới có thể mang lại bình an cho tâm hồn."
Mở lòng mình với Chúa Thánh Thần
"Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa, thực hiện điều này: Người ngự xuống trong tâm hồn chúng ta; là Thần Khí, Người hoạt động trong tâm hồn chúng ta... Người là tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng không bỏ rơi chúng ta; bởi vì ở bên những người cô đơn chính là nguồn an ủi đối với họ.” Từ đó Đức Thánh Cha khích lệ rằng “nếu bạn cảm thấy bóng tối của sự cô đơn, nếu bạn mang trong lòng một tảng đá bóp nghẹt niềm hy vọng, nếu bạn có một vết thương cháy bỏng trong lòng, nếu bạn không tìm thấy lối thoát, hãy mở lòng mình với Chúa Thánh Thần.”
Ma quỷ hạ chúng ta xuống, còn Thánh Thần nâng chúng ta lên
Nhắc lại lời thánh Bonaventura, “nơi hoạn nạn khó khăn hơn, Chúa Thánh Thần mang lại niềm an ủi lớn hơn, không giống như cách của thế giới: nó an ủi và tâng bốc khi mọi sự xuôi thuận, nhưng trong nghịch cảnh, nó lại nhạo cười và lên án chúng ta”, Đức Thánh Cha lưu ý rằng ma quỷ trước hết tâng bốc chúng ta và khiến chúng ta cảm thấy bất khả chiến bại, sau đó nó ném chúng ta xuống đất và khiến chúng ta cảm thấy sai lầm. Trong khi ma quỷ làm mọi cách để hạ chúng ta xuống, thì Thần Khí của Đấng Phục Sinh muốn nâng chúng ta lên.
Chúa Thánh Thần biến đổi các tông đồ
Đức Thánh Cha đưa ra ví dụ về các tông đồ: “Họ đơn độc và lạc lõng, họ ở sau những cánh cửa đóng kín, họ sống trong sợ hãi và bị tất cả những yếu đuối và thất bại của họ chế ngự. Những năm tháng ở với Chúa Giê-su không thay đổi họ. Nhưng sau khi họ nhận được Chúa Thánh Thần mọi thứ thay đổi: vẫn còn đó các vấn đề và khiếm khuyết, nhưng họ không còn sợ chúng hay những kẻ muốn làm hại họ. Họ cảm thấy được an ủi trong lòng và muốn sự an ủi của Chúa lan rộng ra bên ngoài. Trước đây họ sợ hãi, bây giờ họ chỉ sợ mình không làm chứng cho tình yêu đã nhận được. Chúa Giê-su đã nói tiên tri: Thánh Thần “sẽ làm chứng về Thầy; cả anh em nữa cũng hãy làm chứng”(Ga 15,26-27).
Chúng ta được kêu gọi trở thành người bảo trợ
Lời Chúa Giê-su có nghĩa là chúng ta cũng được gọi làm chứng trong Chúa Thánh Thần, nghĩa là trở thành người bảo trợ, người an ủi, không phải bằng những diễn văn hoàn tráng nhưng là đến gần, không phải chỉ nói cho qua cho có, nhưng bằng cầu nguyện và sự gần gũi. Đức Thánh Cha nói: “Đấng Bảo trợ nói với Giáo hội rằng hôm nay là thời gian của sự an ủi. Đây là thời điểm loan báo Tin Mừng cách vui tươi hơn là chiến đấu chống lại ngoại giáo. Đó là thời gian để mang niềm vui của Đấng Phục sinh, không phải thời gian phàn nàn về bi kịch tục hóa. Đó là thời gian để đổ tràn tình yêu vào thế giới, nhưng không mang lấy tính thế tục. Đây là lúc để làm chứng cho lòng thương xót hơn là khắc sâu các quy tắc và chuẩn mực. Đây là thời gian của Đấng Bảo Trợ.”
2. Chúa Thánh Thần - Đấng Bảo Trợ - cũng là Đấng Bào chữa
Vào thời Chúa Giê-su, thay vì biện hộ cho bị cáo, người bào chữa thường ở gần và nói vào tai bị cáo những lý lẽ để biện hộ. Đức Thánh Cha nói rằng Đấng Bảo trợ, Thần Chân lý (câu 26) cũng làm như thế. “Người không thay thế chúng ta, nhưng bảo vệ chúng ta khỏi sự giả dối của điều ác bằng cách truyền cảm hứng cho những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Người thực hiện nó một cách tinh tế, không ép buộc chúng ta, Người đề xuất nhưng không áp đặt.”
3 đề nghị của Chúa Thánh Thần
Trái ngược với Chúa Thánh Thần, thần dối trá “cố gắng ép buộc chúng ta, nó muốn chúng ta tin rằng chúng ta buộc phải nhượng bộ trước những gợi ý xấu và sự thúc đẩy của tính xấu. Do đó, Đức Thánh Cha mời gọi tín hữu đón nhận ba đề nghị đặc trưng của Đấng Bảo trợ, của Đấng Bào chữa của chúng ta. Đây là ba loại thuốc giải độc cơ bản chống lại nhiều cám dỗ đang phổ biến ngày nay.
“Sống hiện tại”
Trước hết là “sống hiện tại”, không phải quá khứ hay tương lai. Đức Thánh Cha nói: “Đấng Bảo trợ khẳng định sự quan trọng trổi vượt của ngày hôm nay, chống lại sự cám dỗ để mình bị tê liệt bởi sự cay đắng và hoài tưởng quá khứ, hoặc chú tâm đến sự bất định của ngày mai và sợ hãi về tương lai. Thần Khí nhắc chúng ta về ơn sủng của thời khắc hiện tại. Không có lúc nào tốt hơn cho chúng ta: bây giờ, ở đây và hiện tại là thời điểm duy nhất để thực hiện điều tốt, để biến cuộc sống của chúng ta thành quà tặng. Hãy sống hiện tại!”
“Tìm kiếm sự toàn thể"
Lời khuyên thứ hai của Chúa Thánh Thần là “tìm kiếm sự toàn thể”. Toàn thể, chứ không phải là từng phần. Đức Thánh Cha nói: “Chúa Thánh Thần không uốn nắn những cá nhân đơn độc, nhưng tạo chúng ta thành một Giáo hội trong nhiều đặc sủng đa dạng, trong một sự hiệp nhất không bao giờ đồng nhất. Đấng Bảo Trợ khẳng định sự trỗi vượt của sự toàn thể . Chúa Thánh Thần thích hành động trong cộng đoàn và mang lại sự mới mẻ.”
Đức Thánh Cha đưa ra ví dụ về các tông đồ: Họ rất khác nhau, có những tư tưởng chính trị đối lập, thế giới quan khác nhau. Nhưng khi nhận được Thánh Thần, họ không đặt quan điểm của con người lên đầu nhưng là “toàn thể”, là kế hoạch của Thiên Chúa. Từ đó Đức Thánh Cha nhận định: “Ngày nay, nếu chúng ta lắng nghe Thánh Thần, chúng ta không chú trọng đến những người bảo thủ và những người tiến bộ, những người theo chủ nghĩa truyền thống và những người canh tân, cánh tả và cánh hữu: nếu đây là những tiêu chí, có nghĩa là Thánh Thần bị lãng quên trong Giáo hội. Đấng Bảo trợ thúc đẩy sự hiệp nhất, đồng lòng, hài hòa trong đa dạng. Người cho chúng ta thấy chúng ta là các chi thể của cùng một Thân thể, là anh chị em của nhau. Chúng ta hãy tìm kiếm sự toàn thể!”
"Đặt Thiên Chúa lên trước cái tôi của bạn"
Lời khuyên cuối cùng của Chúa Thánh Thần là “Đặt Thiên Chúa lên trước cái tôi của bạn.” Đức Thánh Cha nhận định: “Đây là bước quyết định của đời sống thiêng liêng, điều không phải là tổng hợp của thành công và công trạng của chúng ta, nhưng là sự cởi mở khiêm hạ với Chúa. Chỉ khi chúng ta làm cho mình trống rỗng, bỏ cái tôi của mình đi, thì chúng ta mới có chỗ cho Chúa; chỉ khỉ chúng ta tín thác vào Người chúng ta mới tìm lại được chính mình; chỉ khi nghèo khó trong tinh thần chúng ta mới trở nên giàu có Chúa Thánh Thần.”
Theo Đức Thánh Cha, điều này cũng đúng với Giáo hội. “Chúng ta không cứu độ ai và cũng không cứu chính chúng ta bằng sức lực của chúng ta. Nếu chúng ta đặt ưu tiên vào các dự án, cơ cấu, kế hoạch cải cách của chúng ta, chúng ta sẽ chỉ quan tâm đến hiệu quả, chúng ta sẽ chỉ nghỉ theo chiều ngang và sẽ không mang lại hoa trái. Giáo hội không phải là một tổ chức của con người, nhưng là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã mang ngọn lửa của Thần Khí đến thế gian và Giáo Hội được đổi mới bằng ân sủng, bằng sức mạnh của lời cầu nguyện, bằng niềm vui của sứ vụ và bằng vẻ đẹp xóa bỏ nghèo khổ. Chúng ta hãy đặt Chúa lên hàng đầu!”
Trở thành thừa sai an ủi, người bảo trợ thương xót
Kết thúc bài giảng, Đức Thánh Cha cầu nguyện: “Lạy Chúa Thánh Thần, Thần Khí Bảo trợ, xin an ủi tâm hồn chúng con. Xin biến chúng con trở thành những thừa sai an ủi của Chúa, những người bảo trợ thương xót dành cho thế giới. Lạy Đấng Bào chữa của chúng con, vị Cố vấn ngọt ngào của linh hồn, xin làm cho chúng con trở nên chứng tá của Chúa về “hiện tại”, nên các ngôn sứ của hiệp nhất cho Giáo hội và nhân loại, và các tông đồ đâm rễ sâu trong ân sủng của Người, Đấng tạo dựng và canh tân mọi sự.”
Hồng Thủy - Vatican News