TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

“Tuần lễ Đỏ” -vinh danh Kitô hữu chịu bách hại

Thứ tư - 06/12/2023 05:52 | Tác giả bài viết: Hồng Thủy - Vatican News |   515
Năm nay sự kiện “Tuần lễ Đỏ” diễn ra từ ngày 19 đến 26/11
“Tuần lễ Đỏ” -vinh danh Kitô hữu chịu bách hại

“Tuần lễ Đỏ” - tuần lễ vinh danh các Kitô hữu chịu bách hại vì đức tin

“Bách hại Giáo hội là một điều có thật”. Năm nay sự kiện “Tuần lễ Đỏ” diễn ra từ ngày 19 đến 26/11, cùng với một số sự kiện đặc biệt được tổ chức để nhấn mạnh đến hoàn cảnh khó khăn của các Kitô hữu bị bách hại ở Trung Đông, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi.


“Bách hại Giáo hội là một điều có thật”

Đó là điều Cha Lawrence Ssimbwa, người Uganda, nói với các tín hữu trong sự kiện "Đêm Chứng nhân" tại Bogota hôm 22/11 vừa qua. Thật vậy, các Kitô hữu nói chung luôn là đối tượng của các cuộc bách hại. Theo phúc trình của tổ chức Open Doors - Những cánh cửa mở - được công bố hồi đầu năm nay, trên thế giới có hơn 360 triệu Kitô hữu chịu bách hại, nghĩa là cứ 7 Kitô hữu thì có một người chịu bách hại. Trong năm 2022 vừa qua có 5.621 Kitô hữu bị sát hại, 4.542 người bị bắt giữ và 5.259 người bị bắt cóc.

Sự bách hại Kitô hữu nổi bật ở Bắc Hàn, sau đó đến một số quốc gia ở Phi Châu, nơi phần lớn theo Hồi giáo và không khoan dung đối với các Kitô hữu. Các Kitô hữu ở Nigeria và Pakistan gặp nguy hiểm nhất bởi vì ở những nước này có nhiều bạo lực chống các Kitô hữu.

Một điều đáng chú ý, báo cáo của một số tổ chức cho thấy các tội ác chống lại Kitô giáo hiện nay đang gia tăng tại Châu Âu, nơi có đa số Kitô hữu. Trong năm 2022 có 748 vụ chống Kitô giáo được ghi nhận tại Châu Âu, tức là tăng 44% so với năm 2021.

 “Tuần lễ Đỏ”

Để giúp thế giới nâng cao nhận thức về tình trạng bách hại Kitô hữu trên thế giới, từ năm 2015, vào tháng 11 hàng năm, nhiều tòa nhà, tượng đài và nhà thờ trên khắp thế giới được chiếu ánh sáng màu đỏ để vinh danh các Kitô hữu bị bách hại, chịu đau khổ vì đức tin của họ. Đó là sự kiện “Red Week” (Tuần lễ Đỏ), được tổ chức bởi Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, một tổ chức trực thuộc Tòa Thánh. Theo tổ chức này, màu đỏ gợi lên màu máu của hàng triệu [vị tử đạo Kitô giáo] đã đổ ra.

Sự kiện “Tuần lễ Đỏ” được thực hiện lần đầu tiên vào năm 2015 khi Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” chiếu sáng tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Rio de Janeiro để vinh danh các Kitô hữu bị bách hại ở Iraq.

Năm nay sự kiện “Tuần lễ Đỏ” diễn ra từ ngày 19 đến 26/11, cùng với một số sự kiện đặc biệt được tổ chức để nhấn mạnh đến hoàn cảnh khó khăn của các Kitô hữu bị bách hại ở Trung Đông, Châu Á, Châu Mỹ Latinh và Châu Phi.

Theo tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, có hơn 10.000 người tham gia các hoạt động Tuần lễ Đỏ ở nhiều quốc gia khác nhau. Hàng triệu người nhìn thấy các tòa nhà và tượng đài được chiếu sáng màu đỏ.

Đảm bảo các Kitô hữu không bị lãng quên

Trong một tuyên bố ngày 6/11/2023, Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” nói rằng “Trong một thế giới ngày càng bị đánh dấu bởi xung đột, cuộc đàn áp các Kitô hữu và sự xói mòn quyền tự do tôn giáo phổ quát có thể không được chú ý. Mục tiêu sáng kiến của tổ chức, bao gồm chiếu sáng màu đỏ các tượng đài và tòa nhà trên khắp thế giới, là đảm bảo họ không bị lãng quên”.

Những thách đố đối với các Kitô hữu ở nhiều nơi trên thế giới đang gia tăng. Theo Báo cáo Tự do Tôn giáo năm 2023 của Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, được công bố vào tháng 6, trong năm ngoái (2022), hơn một nửa dân số thế giới đang sống ở các quốc gia vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo. Báo cáo của tổ chức này cho biết “cuộc bách hại dữ dội trở nên gay gắt và tập trung hơn, đồng thời những trường hợp những người vi phạm không bị xử phạt cũng ngày càng tăng”.

Bà Maria Lozano, phát ngôn viên của tổ chức cho biết: “Có một sự xói mòn nghiêm trọng về quyền tự do tôn giáo trên toàn cầu, và chúng tôi nghĩ rằng điều này không thể không được chú ý”.

Tượng Chúa Kitô Cứu Thế ở Rio de Janeiro, một số lâu đài ở Slovakia, tòa nhà Quốc hội Áo và Nhà thờ Thánh Patrick ở Melbourne, Úc, chỉ là một vài trong số rất nhiều địa danh lịch sử và quan trọng được chiếu ánh sáng màu đỏ để tôn vinh các Kitô hữu tử đạo thời hiện đại và các tín hữu bị bách hại trên toàn cầu.

Theo thông cáo báo chí của tổ chức tại Ý, nhiều tòa nhà tại Vatican và một số tòa nhà và địa danh của chính phủ Ý, bao gồm cả Đấu trường Colosseo ở Roma, cũng được chiếu ánh sáng màu đỏ.

Vương quốc Anh

Tại Vương quốc Anh, nhiều nhà thờ được chiếu ánh sáng đỏ và một số sự kiện và cuộc biểu tình đã được tổ chức vào “Thứ Tư Đỏ” vào ngày 22/11/2023 để thu hút sự chú ý đến những đau khổ ở Châu Phi và đặc biệt là Nigeria.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6, Đức cha Wilfred Anagbe nói với trang thông tin CNA rằng tự do tôn giáo ở Nigeria tiếp tục trở nên tồi tệ trong những năm gần đây, với các vụ thảm sát, giết người, bắt cóc và đe dọa xảy ra hàng ngày.

Hồi tháng 1 năm nay, Cha Isaac Achi, một linh mục phục vụ trong Giáo phận Công giáo Minna, Nigeria, đã bị những kẻ cướp thiêu chết trong nhà thờ giáo xứ của ngài. Thứ Sáu Tuần Thánh ngày 7/4, 43 người đã thiệt mạng và nhiều người khác bị thương trong một vụ tấn công tại một trường tiểu học ở Ngban.

Đức cha Anagbe nói: “Nếu bạn xem video, bạn sẽ chỉ khóc. Họ đến và tàn sát tất cả”.

Theo International Christian Concern, 90% tổng số Kitô hữu bị giết vì đức tin vào năm 2022 là người Nigeria.

Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” tại Vương quốc Anh đã tổ chức một Thánh lễ đặc biệt vào thứ Tư tại Nhà thờ Thánh George ở Southwark để tôn vinh Giáo hội đau khổ ở Châu Phi. Thánh lễ được cử hành bởi Đức Tổng Giám mục Miguel Maury Buendía, Sứ thần Tòa Thánh tại Vương quốc Anh.

Các nhà tổ chức cũng đã bắt đầu chiến dịch cầu nguyện, đọc kinh Mân Côi cho Châu Phi và gây quỹ cho Giáo hội Châu Phi đang bị đàn áp.

Vienna, Áo

Tại Áo, tổ chức này đã tổ chức một cuộc diễu hành vào ngày 15/11 tại quảng trường Thánh Stephano ở thủ đô Vienna để bày tỏ tình liên đới với các Kitô hữu bị bách hại.

Wolfgang Sobotka, chủ tịch Quốc hội Áo, đã lên tiếng ủng hộ các cuộc biểu tình ở Vienna và trên khắp đất nước trong một tuyên bố của tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” hôm 15/11. Ông Sobotka nói: “Bằng cách chiếu sáng Nghị viện, tôi muốn nêu gương với tư cách là chủ tịch Quốc hội Áo để nâng cao nhận thức trong cuộc chiến chống lại cuộc bách hại các Kitô hữu. Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc người ta trở thành nạn nhân của bạo lực và áp bức vì đức tin của mình!”

“Đêm Chứng nhân” tại Bogotá, Colombia

“Đêm Chứng nhân” cũng là một sáng kiến ​​của tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, được tổ chức trong Tuần lễ Đỏ (#RedWeek). Trong sự kiện được tổ chức ở Bogotá (Colombia) vào đêm 23/11/2023, Cha Lawrence Ssimbwa, người Uganda, nhà truyền giáo dòng Consolata, người đã làm việc mục vụ ở Colombia được 15 năm, đã được mời chia sẻ kinh nghiệm của mình với những người quan tâm.

Cha nói: “Tôi đến từ Châu Phi và ở Nigeria, phía bắc Nigeria, (cuộc đàn áp) là một thực tế. Một người, vì là người Công giáo, là nạn nhân của những người Hồi giáo cực đoan, vì đi lễ, làm dấu thánh giá hoặc lần hạt Mân Côi”.

Cuộc tử đạo trắng

Tuy nhiên, cha cảnh báo rằng cũng có “cuộc bách hại tôn giáo” ở Colombia, và nhắc lại cuộc tấn công năm 2022 nhằm vào Nhà thờ Chính tòa Bogotá, khi một nhóm các nhà hoạt động vì nữ quyền cố gắng đốt các cửa của nhà thờ trong một cuộc tuần hành ủng hộ việc phá thai.

Hiện tại, cha là cha xứ giáo xứ Thánh Martín de Porres, ở Buenaventura, một cảng nằm trong khu vực Valle del Cauca, thuộc Thái Bình Dương của Colombia và là nơi Giáo hội đồng hành với các cuộc đối thoại của chính phủ với băng nhóm tội phạm Shottas và Spartans đang tranh chấp khu vực.

Theo nghĩa đó, trong một ghi chú được chia sẻ với trang thông tin ACI Prensa, tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ chi nhánh Colombia giải thích rằng mặc dù Tuần lễ Đỏ “được thực hiện để nâng cao nhận thức về các Kitô hữu bị bách hại” nhưng “điều quan trọng là phải nói về một cuộc tử đạo khác, một cuộc tử đạo không đổ máu, một cuộc tử đạo trắng”.

“Trong những cuộc tử đạo này, những người nam nữ của Giáo hội cống hiến mọi thứ để mang Lời Chúa, mang lại niềm hy vọng đích thực của Chúa Kitô cho những người không có gì (…) làm việc ở những nơi mà chưa ai nghe nói đến hoặc nơi không ai muốn; công việc của họ diễn ra thầm lặng và thường không dễ nhận ra”.

Vì lý do này, “Đêm Chứng nhân” năm 2023 có những chứng từ của Cha Lawrence Ssimbwa và Sơ Mercy Mendoza, người Venezuela thuộc Dòng Đaminh, là nhà truyền giáo ở Santa Genoveva de Docordó, tỉnh Chocó, và cung cấp đào tạo cho những người trẻ gặp nguy hiểm.

Giáo hội vẫn luôn hiện diện

Trong “Đêm Chứng Nhân”, Cha Ssimbwa đã chia sẻ chứng từ của mình trước khi lần hạt Mân Côi. “Ở Buenaventura, tôi làm việc tại một giáo xứ có năm khu dân cư, những khu bị ảnh hưởng bởi bạo lực” và nơi "giới trẻ thấy mình không có lối thoát”. Cha nói với những người có mặt rằng ở thành phố cảng đó “nhiều người trẻ không có cơ hội học hành, vào đại học”, và thậm chí “người ta còn thấy những người trẻ bị các nhóm tội phạm tuyển mộ”.

Và mặc dù “nhiều người trẻ không thể tự do đi lại để phát triển tài năng của mình vì bạo lực”, niềm hy vọng vẫn được duy trì “nhờ có Giáo hội ở đó, thông qua các nhà truyền giáo, các linh mục và các giáo lý viên”. Theo nghĩa đó, cha nhấn mạnh thành tích của một nhóm 21 bạn trẻ đã có thể chống lại cám dỗ tuyển mộ của các băng nhóm tội phạm.

Cha Ssimbwa cho biết: “Mặc dù các tổ chức khác có thể bỏ rơi (dân chúng), Giáo hội vẫn luôn hiện diện”. Vì lý do này, cha nhắc lại lời kêu gọi cầu nguyện cho các linh mục, nhà truyền giáo và giáo dân làm việc tại các vùng như Buenaventura. Cha nói: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội đang bị bách hại, chúng ta hãy cầu nguyện cho Giáo hội ở những nơi đầy thử thách, để đức tin của chúng ta phát triển và chúng ta có thể chia sẻ đức tin đó với những người khác”.
 

Hồng Thủy - Vatican News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây