TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm C

“Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa”. (Lc 3, 1-6)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bí tích Thánh Thể mạc khải tình yêu Thiên Chúa dành cho bạn

Thứ bảy - 20/11/2021 08:15 |   1696
Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu tuyệt hảo. Lẽ dĩ nhiên, các bí tích khác cũng đều là những tặng phẩm và dấu chứng thể hiện tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thế nhưng trong bí tích Thánh Thể, chúng ta còn nhận được nhiều hơn thế, chúng ta lãnh nhận chính Cội Nguồn của mọi ơn thiêng, lãnh nhận chính Thiên Chúa.
Bí tích Thánh Thể mạc khải tình yêu Thiên Chúa dành cho bạn

 

 
  •  
    •  


BÍ TÍCH THÁNH THỂ MẠC KHẢI TÌNH YÊU THIÊN CHÚA DÀNH CHO BẠN
Thánh Peter Julian Eymard


WHĐ (20.11.2021) – Bí tích Thánh Thể là bí tích của tình yêu tuyệt hảo. Lẽ dĩ nhiên, các bí tích khác cũng đều là những tặng phẩm và dấu chứng thể hiện tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Thế nhưng trong bí tích Thánh Thể, chúng ta còn nhận được nhiều hơn thế, chúng ta lãnh nhận chính Cội Nguồn của mọi ơn thiêng, lãnh nhận chính Thiên Chúa. Để rồi trong việc Rước Chúa, chúng ta đặc biệt học biết luật yêu thương mà Thiên Chúa đã tỏ bày cho con người, đồng thời lãnh nhận được ân ban đặc biệt trong tình yêu. Và trên hết, chúng ta được thực hành và lãnh nhận hiệu lực của tình yêu.

Trước hết, chúng ta cần biết tình yêu là gì? Tình yêu là một tặng phẩm. Đó là lý do tại sao Chúa Thánh Thần, Đấng cũng bởi tình yêu mà phát xuất từ Ngôi Cha và Ngôi Con là một Tặng phẩm thần thiêng đích thực.

Chúng ta nhận ra tình yêu bằng cách nào? Bằng cách xem những gì tình yêu đem lại cho chúng ta. Hãy xem những gì Thiên Chúa ban cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể: tất cả ân sủng của Ngài, tất cả những gì thuộc về Ngài đều dành cho chúng ta; Ngài ban chính Ngài, nguồn mọi ân sủng, cho chúng ta. Việc Rước lễ cho phép chúng ta xứng đáng tham dự vào vinh quang của Thiên Chúa và giúp chúng ta nhận ra tình yêu mà Ngài dành cho chúng ta, bởi lẽ, trong Thánh Thể, chúng ta lãnh nhận một ân ban hoàn hảo và tròn đầy.

Bạn đã bắt đầu yêu thương người mẹ của mình như thế nào? Nằm sâu trong con người bạn là một hạt giống, một bản năng yêu thương, nó chẳng có dấu hiệu gì bên ngoài. Tình yêu của người mẹ đã đánh thức nó; người mẹ ấy hết lòng chăm sóc bạn, chịu đựng mọi khó nhọc và hy sinh bản thân vì bạn. Chính sự trao ban quảng đại này đã khiến bạn nhận ra tình yêu của mẹ mình. Cũng vậy, bằng việc hiến trọn chính Ngài cho bạn một cách đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đã chứng tỏ một cách chắc chắn Ngài yêu bạn bằng một mối tình riêng biệt và muôn thuở. Dĩ nhiên, cả những người khác cũng được Thiên Chúa yêu thương như vậy, giống như cách người ta cùng chung chia sự ấm áp của những tia nắng mặt trời, mỗi người đều có thể tận hưởng bao nhiêu tùy ước muốn.

Luật yêu thương này được chính Thiên Chúa khắc ghi trong lòng chúng ta mỗi khi chúng ta đón rước Mình Thánh Chúa. Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã viết các lề luật của Người trên những bia đá, còn với Luật Mới, Thiên Chúa ghi khắc từng nét trong tâm hồn chúng ta bằng lửa tình yêu của Người. Ôi! người không biết Bí tích Thánh Thể là không biết đến tình yêu Thiên Chúa. Nhiều lắm là họ chỉ biết được vài tác động nào đó của bí tích Thánh Thể, như kẻ ăn xin nhận thấy sự quảng đại của người giàu có qua vài đồng tiền mà anh ta nhận được. Thế nhưng, trong bí tích Thánh Thể, người Kitô hữu nhận thấy mình được Thiên Chúa yêu với tất cả sức mạnh tình yêu của Ngài, với trọn bản thân Ngài. Vì thế, nếu bạn muốn thật sự biết được tình yêu của Thiên Chúa dành cho bạn, thì hãy đón rước Thánh Thể, và trở về với nội tâm bạn. Vậy thôi, không cần tìm thêm bất kỳ dấu chỉ hay chứng cớ gì nữa!
Rước Lễ mang lại cho chúng ta ân sủng của tình yêu. Để có thể yêu Chúa Giêsu như bạn hữu, chúng ta cần một ân sủng đặc biệt. Và mỗi khi đến với chúng ta, Chúa Giêsu lại mang theo ân sủng này, đồng thời Người đặt để chính Mình Người vào nơi tâm hồn chúng ta. Trước khi trao ban Thánh Thể cho các môn đệ, Chúa Giêsu không hề yêu cầu các môn đệ yêu Người như Người đã yêu thương họ; và Người cũng chẳng hề nói với họ: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”, vì điều này thật khó hiểu và bất khả thi đối với các môn đệ. Nhưng sau khi trao ban Thánh Thể cho các môn đệ, Chúa Giêsu không còn tỏ bày cách đơn giản, như “Mến Chúa; yêu người”, nhưng, Người nói anh em “hãy yêu mến Thầy như tình bạn hữu thân thiết, yêu với một tình yêu trở thành cuộc sống và là lẽ sống của anh em.” “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ,… nhưng là bạn hữu.” (Ga 15,15).

Nếu bạn không đón nhận Mình Thánh Chúa, bạn chỉ có thể yêu Chúa của mình như một Đấng Sáng Tạo, một Cứu Chúa hay một Đấng thưởng phạt mà không thể xem Người là Bạn hữu của mình. Tình bạn phải được đặt nền tảng trên sự hiệp thông và bình đẳng nhất định. Những điều này chỉ được nhận thấy nơi bí tích Thánh Thể. Tôi xin hỏi bạn, liệu có người nào dám tự gọi mình là bạn hữu của Thiên Chúa và tin rằng mình hoàn toàn xứng đáng với tình cảm đặc biệt của Ngài? Kẻ tôi tớ sẽ bị xem là phạm thượng nếu dám xử sử với chủ mình như bạn hữu, kẻ ấy phải chờ đến khi ông chủ ban cho anh ta quyền làm điều đó, khi ông chủ gọi anh ta trước bằng tên cách thân tình như một người bạn.

Khi Thiên Chúa đích thân tìm đến dưới mái nhà chúng ta và chia sẻ với chúng ta sự sống, phẩm giá và vinh quang của Ngài. Thiên Chúa đã thật sự đi bước trước trong cuộc đời chúng ta, vậy nên, chúng ta không còn phải do dự, nhưng đầy đủ lý lẽ để gọi Ngài là Bạn hữu. Chính vì thế, sau bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói với các Tông Đồ rằng: “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.” (Ga 15,15).

Sau đó, Chúa Giêsu thậm chí còn tiến xa hơn nữa; Người hiện ra với bà Maria Mađalêna và nói rằng: “Hãy đi gặp anh em Thầy.” Thật khó hiểu, chuyện gì đang diễn ra vậy? Anh em của Chúa Giêsu ư? Phải chăng đó là một danh hiệu quá cao quý? Dù rằng, các Tông Đồ mới chỉ được Rước Lễ duy nhất một lần, Người đã gọi họ là anh em của mình! Vậy thì điều gì sẽ xảy ra cho những người thường xuyên đón rước Mình Thánh Chúa như chúng ta?

Bây giờ, có ai lo lắng vì yêu Chúa với một tình mến quá yếu đuối không? Thật là tốt khi run sợ trước khi Rước lễ, khi suy nghĩ về thân phận của mình và về Đấng mà bạn sắp lãnh nhận, bạn cần lòng thương xót của Ngài. Thế nhưng sau đó, hãy vui lên! Không hề có chỗ cho lo sợ, ngay cả sự khiêm tốn cũng phải nhường chỗ cho niềm hoan hỷ. Hãy nhìn xem Giakêu đã vui mừng ra sao khi Chúa Giêsu đón nhận tấm lòng hiếu khách của ông, và lòng sốt mến của ông đã được bừng lên thế nào bởi chính sự đón nhận này; Giakêu sẵn sàng làm mọi việc hy sinh để chuộc lại tội lỗi của mình.

Càng năng lãnh nhận Mình Thánh Chúa, tình yêu trong bạn càng được nhen nhóm, con tim bạn càng rộng mở; khi cường độ của ngọn lửa mến thánh thiêng này tăng lên, lòng yêu mến của bạn cũng sẽ ngày càng nồng nhiệt và mềm dịu. Chúa Giêsu ban xuống cho chúng ta ân sủng tình yêu của Người. Chính Người đã đến để thắp lên ngọn lửa tình yêu trong tim chúng ta. Bằng cách thường xuyên ghé thăm, Người dưỡng nuôi lửa ấy cho đến khi nó bùng cháy và thiêu đốt mãnh liệt. Đây quả thực là “ngọn lửa thiêng liêng thiêu đốt tâm can chúng ta”. Và nếu chúng ta cứ tuân theo như vậy, thì ngọn lửa này sẽ chẳng bao giờ tàn, bởi nó không được nuôi dưỡng bởi chúng ta, mà do chính tay Đức Giêsu Kitô, Đấng ban cho lửa ấy sức mạnh và tác động của Người. Đừng dập tắt lửa tình yêu bằng tội lỗi, và nó sẽ chảy mãi muôn đời.
Hãy năng chạy đến với Nguồn Lửa thánh thiêng để thăng tiến ngọn lửa nhỏ bé trong tim bạn, và nếu cần hãy đến mỗi ngày! Liệu rằng ngọn lửa có cháy tiếp nếu bạn không chăm sóc cho nó?

Đón nhận Mình Thánh Chúa cũng giúp chúng ta rèn luyện đức ái. Chỉ trong bí tích Thánh Thể, tình yêu chân chính và toàn hảo mới tìm thấy định nghĩa tròn đầy của nó. Nếu một ngọn lửa không thể lan tràn, nó sẽ bị lịm tắt. Bởi Thiên Chúa luôn khát mong chúng ta yêu mến Người, và Người cũng thấu hiểu giới hạn nơi mỗi người chúng ta, thế nên Thiên Chúa luôn khỏa lấp chúng ta bằng tình yêu của Người. Chính Thiên Chúa bước đến và yêu thương chúng ta trước. Nhờ đó, chúng ta trở thành đối tượng yêu thương của Người. Không hề có sự chuyển tiếp tiệm tiến, mà ngay lập tức chúng ta được cùng trú ngụ trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao hành động yêu thương tốt đẹp và nhiệt thành nhất mà chúng ta có thể dâng lên Thiên Chúa là lời tạ ơn. Chúng ta đang ở rất gần Ngài, hãy thổ lộ con tim mình cho Ngài ngay lúc này và yêu mến Ngài nồng nhiệt hơn.

Đừng quá cố gắng để thực hành hết nhân đức này đến nhân đức khác. Hãy để Thiên Chúa lớn lên trong bạn, hãy bước đi cùng với Ngài. Hãy dành cho Thiên Chúa một vị trí trung tâm trong cõi lòng bạn, và sự thăng tiến thiêng liêng của bạn sẽ được nhân lên gấp bội. Đồng hành với Chúa, bạn sẽ nhận được thành quả to lớn hơn nhiều so với tự sức mình nỗ lực thăng tiến các nhân đức của bản thân.

Hãy đón nhận Thiên Chúa và giữ Ngài ở lại bao lâu bạn có thể. Hãy tạo khoảng trống trong tâm hồn bạn cho Thiên Chúa. Hành động yêu thương toàn hảo nhất chính là việc để cho Chúa Giêsu làm triển nở và thăng tiến một linh hồn. Chắc chắn, tình yêu trải qua thống hối và đau khổ thì tuyệt diệu và đáng được thưởng công; nhưng trái tim bị đè nén bởi tình yêu đó, bị nhấn chìm trong suy nghĩ về sự hy sinh liên tục, phải chịu đựng được. Cũng vậy, theo chiều hướng khác, trái tim đó sẽ được mở rộng cách tự do và hoàn toàn, trái tim cho thấy hạnh phúc của nó.

Đối với những ai không đón nhận Mình Thánh Chúa, những lời này hoàn toàn vô nghĩa, nhưng hãy cứ để người đó dìm mình trong lửa mến thánh thiên, họ sẽ thấu hiểu được.

Và cũng là chưa đủ nếu chỉ đơn thuần tin vào Bí tích Thánh Thể, chúng ta còn phải tuân theo lệnh truyền tình yêu của bí tích cực thánh này. Vì trên hết, Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình yêu, Thiên Chúa khát mong chúng ta quảng đại sẻ chia tình yêu và kín múc nguồn sống từ đó. Vì vậy, hãy chạy đến với Chúa Giêsu vì tình yêu dành cho Người! Chúng ta hãy chạy đến trong khiêm tốn, và để tình yêu, hoặc ít là khát mong yêu thương dẫn lối và trở thành nguồn động lực của chúng ta. Hãy khao khát tuôn đổ trái tim chúng ta vào trong Trái Tim Chúa, hãy cho Ngài thấy tình yêu dịu dàng của chúng ta. Để rồi, chúng ta sẽ nhận biết được chiều sâu của tình yêu đang ngự trị trong Bí tích Thánh Thể.

Quang Sáng chuyển ngữ từ catholicexchange.com (02.8.2021)




https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/bi-tich-thanh-the-mac-khai-tinh-yeu-thien-chua-danh-cho-ban-44088

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây