TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lý do Chúa Kitô là Vua

Thứ hai - 15/11/2021 21:15 | Tác giả bài viết: |   1482
Giáo hội đánh dấu việc kết thúc năm phụng vụ bằng việc cử hành lễ trọng Chúa Kitô Vua.
Lý do Chúa Kitô là Vua

LÝ DO CHÚA KITÔ LÀ VUA
(Hiểu ý nghĩa vương quyền qua bài Tin mừng Gioan của Lễ Chúa Kitô Vua)

WGPNT (15.11.2021) - Giáo hội đánh dấu việc kết thúc năm phụng vụ bằng việc cử hành lễ trọng Chúa Kitô Vua. Lễ này tương đối mới so với những ngày lễ khác trong năm phụng vụ. Đức Giáo hoàng Piô XI thiết lập vào năm 1925 bằng Thông điệp Quas Primas.

Thông điệp này là lời đáp trả cho chủ nghĩa dân tộc và thế tục đang phát triển khắp châu Âu và những nơi khác trên thế giới. Người ta lo sợ và tuyệt vọng. Họ bám lấy bất cứ ai cho họ hy vọng hay bất kỳ hướng đi nào thoát khỏi cảnh hỗn loạn này. Họ hướng về những nhà độc tài đang lên, là những người sau cùng được biết đến như Mussolini, Hitler và Stalin.

Giáo hội và giáo huấn luân lý đã bị xem là lỗi thời và không còn phù hợp với thế giới hiện đại. Vì vậy, việc thiết lập lễ Chúa Kitô Vua nhằm tuyên bố rằng Đức Giêsu Kitô chính là vị vua tối cao duy nhất. Chúa Kitô là vua và là thủ lãnh tinh thần của chúng ta, Đấng thống trị bằng sự thật và tình yêu.

Trong chính thời đại chúng ta, chủ nghĩa dân tộc và thế tục dường như đang gia tăng nhiều nơi khắp thế giới. Những mâu thuẫn nội bộ khiến Giáo hội rất khó hướng dẫn và tạo niềm hy vọng. Trong nhiều cách thức, Giáo hội dường như cũng đang dùng những phương pháp giống như những người xem tôn giáo đã lỗi thời và chỉ là một công cụ chính trị khác để thực thi quyền bính và sự thống trị trên kẻ khác.

Trong hoàn cảnh như vậy, có lẽ điều cuối cùng chúng ta cần làm là qui chiếu về Đức Giêsu Kitô là vua. Chẳng phải điều đó sẽ không chỉ xác nhận Giáo hội xa cách thế nào với thế giới hiện đại hay sao? Có lẽ chúng ta cần tìm hiểu vấn đề này cẩn thận hơn trước khi đưa ra đánh giá tiêu cực về sự kiện Đức Giêsu Kitô là Vua.

Tất cả chúng ta đều có cách hiểu riêng về ý nghĩa đại diện cho hai hạn từ vương quyền và hoàng gia. Hai khái niệm này tương hợp với các chế độ quân chủ thời Trung cổ và còn tồn tại cho đến ngày nay như những hình thức lãnh đạo không có thực quyền ở một vài quốc gia. Đó không phải là hình thức điều hành đất nước mà hầu hết các quốc gia ngày nay mong muốn quay lại. Điều thú vị là chính Đức Giêsu cũng không say mê các vua chúa và hoàng tộc trong suốt cuộc đời và sứ vụ của mình.

Hãy nhớ lại Tin mừng Gioan, ngay sau khi Đức Giêsu cho hơn năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá: “Đức Giêsu biết họ sắp đến bắt mình mà tôn làm vua, nên Ngài lại lánh mặt, đi lên núi một mình” (Ga 6,15). Đức Giêsu và những người khiến Ngài phải lánh đi có cách hiểu khác nhau về việc làm vua.

Bài Tin mừng Gioan lễ Chúa Kitô Vua

Bài Tin mừng cho lễ trọng Chúa Kitô Vua năm nay là Ga 18,33–37. Tập chú kĩ vào bối cảnh đoạn văn này, chúng ta sẽ thấy Đức Giêsu vừa bị một toán lính cùng thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pharisêu bắt giữ. Ngài sắp trải qua một cuộc tra hỏi của quan Phongxiô Philatô. Vì thế, sau khi bị điệu đến trước thượng tế Caipha, Đức Giêsu bị dẫn tới dinh tổng trấn. Dinh này là nơi ở của quan Philatô nên các nhà lãnh đạo Do Thái sẽ không vào vì sợ bị nhiễm uế và không thể ăn Lễ Vượt Qua.

Sự thanh sạch theo nghi thức quan trọng hơn mạng sống của một con người vô tội. Lý do Đức Giêsu được dẫn đến quan Philatô vì người Do Thái không có quyền kết án tử hình. Vì vậy, giới chức Do Thái muốn Philatô làm việc này cho họ. Tuy nhiên, Philatô chẳng hứng thú gì khi dây vào cuộc tranh cãi mà ông xem là thuộc nội bộ tôn giáo. Do đó, ông muốn biết Đức Giêsu bị kết tội gì và tại sao các nhà lãnh đạo Do Thái không tự mình xử lý. Philatô muốn tránh xa toàn bộ vụ này.

Philatô không có thành tích tốt về việc xử lý hiệu quả những xung đột như thế. Ông biết Rôma đang để mắt kỹ đến ông. Do đó, ông hỏi trực tiếp Đức Giêsu: “Ông có phải là Vua dân Do Thái không?”

Đức Giêsu từ chối trả lời trực tiếp Philatô, thay vào đó, Ngài hướng câu hỏi về phía Philatô: “Ngài tự ý nói điều này hay những người khác đã nói với ngài về tôi?”

Những diễn biến vừa xảy ra thật quan trọng cần lưu ý. Đức Giêsu đã rất khôn ngoan khi lật ngược tình thế và bây giờ Ngài đang hỏi lại Philatô. Sự đảo ngược này sẽ tiếp tục suốt toàn bộ trình thuật. Bây giờ, Philatô và giới chức Do Thái bị xét xử, còn Đức Giêsu lại là người chất vấn. Đây là nét độc đáo trong trình thuật cuộc Khổ nạn theo thánh Gioan.

Vương quốc Nước Trời

Cuối cùng Đức Giêsu cũng trả lời Philatô, thay vì nói mình là vua, Ngài nói về vương quốc Nước Trời, vốn không thuộc về thế gian này. Nước ấy không nhận quyền bính từ thế gian hay những giá trị mà Philatô và các nhà lãnh đạo Do Thái trình bày.

Nước Trời là nơi Thiên Chúa ngự trị. Đó là cộng đoàn những người thuộc về Thiên Chúa và sự thật, họ đáp trả tiếng Đức Giêsu, nhờ đó sẵn sàng nhìn thấy và tiến vào Vương quốc đó. Tuy nhiên, cả Philatô và các nhà lãnh đạo Do Thái đều không công nhận địa vị vua dân Do Thái của Đức Giêsu.

Chắc chắn, Philatô và giới chức Do Thái lo sợ rằng Đức Giêsu thực sự đang tranh giành vương quyền thế gian. Tuy nhiên, trong suốt sứ vụ công khai của mình, Đức Giêsu không bao giờ hăng hái với quan niệm đấng Mêsia có xen lẫn với những hy vọng của con người và những khát vọng trần thế. Bất cứ ai nhận mình là một vị vua như vậy sẽ tự đặt mình vào thế đối nghịch với chính quyền Rôma. Đức Giêsu luôn cho thấy Ngài không chút quan tâm về điều này.

Philatô làm mọi cách để Đức Giêsu nhận mình là vua. Vì Đức Giêsu đã nói một cách công khai về vương quốc, nên Philatô hỏi thêm: “Vậy ông là vua sao?”

Đức Giêsu nhanh chóng bác bỏ kết luận này của Philatô và chuyển cuộc đối thoại sang vấn đề quan trọng là sứ mạng của Ngài. Đức Giêsu không đến thế gian để nắm quyền chính trị dưới hình thức vương quyền, nhưng đến để làm chứng cho sự thật và những ai thuộc về sự thật đều nghe tiếng Ngài (x. Ga 18,37).

Rõ ràng, Đức Giêsu thích tự nhận mình là chứng nhân cho sự thật hơn là một vị vua. Vì vậy, Philatô đáp lại Đức Giêsu bằng câu hỏi nổi tiếng: “Sự thật là gì?” Với lời đáp này, Philatô tỏ ra ông chẳng nghe hay hiểu chút nào về Đức Giêsu. Ông không nhận ra Sự Thật đang hiện diện ngay trước mặt mình.

Làm chứng cho sự thật

Một số người gặp Đức Giêsu khi Ngài thi hành sứ vụ sẽ công nhận Ngài là vua. Họ đang tìm kiếm người kế vị vua Đavít vĩ đại, sẽ lãnh đạo dân chiến thắng đế quốc Rôma.

Đức Giêsu luôn tránh những đề nghị như vậy, và Ngài không bao giờ tự nhận tước hiệu vua. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận Ngài là vua, nhưng chỉ theo một cách thức độc đáo. Nếu Đức Giêsu được xem là vua thì cũng rõ ràng rằng Ngài không có được ngai vàng bằng cách tiếm ngôi hay để người khác chiếm ngai vàng cho mình.

Ngài thi hành ơn gọi làm vua là để làm chứng cho sự thật. Tin mừng Gioan nói rõ rằng con đường dẫn đến việc tung hô vương quyền và được suy tôn phải đi qua cái chết trên thập giá của Đức Giêsu. Ngài sẽ bị đóng đinh không phải vì đã làm điều dữ, mà vì đã công khai và cởi mở làm chứng cho sự thật.

Đức Giêsu thực thi vương quyền qua việc làm cho thế giới nhận biết Thiên Chúa, làm chứng cho sự thật và lôi kéo tất cả những ai thuộc về sự thật vào Vương quốc độc nhất của Ngài.

Cơ hội giảng dạy và rao giảng

Vậy nhân ngày lễ trọng Chúa Giêsu Kitô – Vua vũ trụ, chúng ta có được cơ hội gì để giảng dạy và rao giảng?

Cách thực hành tốt nhất là theo sự hướng dẫn của Đức Giêsu, đặc biệt như được trình bày nơi Tin mừng Gioan. Ở đây, chúng ta nhận thấy Đức Giêsu và Philatô đều sử dụng hạn từ “vua”, nhưng không có nghĩa là họ cùng hiểu như nhau. Philatô luôn tập trung vào vị vua và vương quyền theo khía cạnh chính tri. Cốt lõi của tất cả đều là tìm kiếm quyền lực và sự thống trị. Phần lớn của vấn đề này nằm nơi hạn từ “vương quyền”.

Đức Giêsu dùng những hạn từ giống như Philatô nhưng lại có cách hiểu khác. Ngài xác định lại ý nghĩa việc làm vua cùng với một vương quốc. Chỉ có thể nhìn thấy vương quyền mà Ngài đại diện từ viễn tượng thập giá.

Tuy nhiên, để thấy được điều đó đòi hỏi phải có đức tin. Đức Giêsu tuyên bố rằng vương quyền và vương quốc của Ngài không thuộc về thế gian này. Điều đó nghĩa là chúng không thể được đồng hóa với bất kỳ vương quốc trần gian nào – dù ở quá khứ, hiện tại hay tương lai. Vương quốc mà Đức Giêsu sẽ mang lại phải đi qua cái chết và sự phục sinh của vua Giêsu. Động lực ở đây là sự quy phục hoàn toàn chứ không phải là sự thống trị. Đó là từ bỏ mạng sống chứ không phải là tước đoạt mạng sống của người khác. Vương quốc của Đức Giêsu không giống với bất kỳ vương quốc nào mà thế gian công nhận hay ngưỡng mộ.

Mặc khải sự thật

Sứ mạng làm vua của Đức Giêsu là mặc khải sự thật của Thiên Chúa cho thế giới. Ngài thi hành sứ mạng này bằng việc làm chứng cho sự thật. Ngài được tán dương là vua và suy tôn là Thiên Chúa qua cái chết trên thập giá. Thập giá là ngai vàng của Đức Giêsu. Ngài sẽ bị đóng đinh không phải vì làm điều dữ nhưng vì làm chứng cho sự thật một cách công khai và cởi mở.

Đức Giêsu sinh ra là để làm chứng cho sự thật. Và đây cũng phải là sứ mạng của tất cả những ai muốn trở thành môn đệ của Đức Giêsu.

Ngày nay, sự thật liên tục bị tấn công. Nhà văn George Orwell được gán cho câu nói này: “Một xã hội càng đi trệch khỏi sự thật thì càng ghét những người nói lên sự thật”.

Đây chắc chắn là kinh nghiệm của Đức Giêsu cũng như của những môn đệ trung thành với Ngài ngày hôm nay. Đức Giêsu xác định lại vương quyền và vương quốc bằng kiểu nói làm chứng cho sự thật. Sách Giáo lý của Hội thánh Công giáo ghi rõ: “Làm chứng là lưu truyền đức tin bằng lời nói và việc làm. Làm chứng là một hành vi của đức công bằng nhằm thiết lập chân lý hoặc làm cho chân lý được nhận biết” (số 2472).

Làm chứng cho sự thật chính là trọng tâm của vương quyền Đức Giêsu – điều này được gặp thấy rất rõ nơi lời của Đức giáo hoàng Phanxicô: “Các vương quốc trên trần gian này đôi khi được giữ vững nhờ sự kiêu ngạo, cạnh tranh và áp bức; trong khi đó, Vương quốc của Đức Kitô là ‘vương quốc của công lý, tình yêu và hòa bình’... Đối với người Kitô hữu, nói đến quyền lực và sức mạnh có nghĩa là ám chỉ đến quyền năng của Thập giá và sức mạnh của tình yêu Đức Giêsu: một tình yêu luôn bền vững, trọn vẹn, ngay cả khi vấp phải sự chối bỏ, và nó được thể hiện như sự thành toàn của một cuộc sống hướng đến sự suy phục trọn vẹn của bản thân vì lợi ích nhân loại” (Huấn dụ của Đức Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền tin, Lễ Chúa Kitô Vua, ngày 22/11/2015).

Ban học tập ĐCV Sao Biển chuyển ngữ từ thepriest.com (15/10/2021)

Lm. Eugene Hensell, OSB.

Nguồn: giaophannhatrang.org

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây