TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Chứng nhân hay phản chứng

Chủ nhật - 14/04/2024 08:15 | Tác giả bài viết: Lm. Anmai, CSsR |   539
Nhìn lại thực tại, nếu người Kitô hữu sống tốt, sống đúng với Tin Mừng Phục Sinh và làm chứng về những điều này như Chúa nói thì chắc chắn sẽ có người theo đạo vì cung cách sống tốt. Ngược lại, chúng ta thấy số người tin vào Chúa ngang qua đời sống của chúng ta không có là bao.
Chứng nhân hay phản chứng
CHỨNG NHÂN HAY PHẢN CHỨNG ?

Sứ điệp của Đức Kitô Phục Sinh đó là : “Anh em là chứng nhân cho những điều ấy !”.

Những điều ấy là những điều gì ? Xin thưa phải chăng đó là chứng về một Đức Kitô phục sinh. Một Đức Kitô đã bị người ta giết chết nhưng nay đã phục sinh và người chứng là người minh chứng cho điều đó.

Như Kinh Tin Kính mà chúng ta vẫn đọc trong Lễ Chúa Nhật và Lễ Trọng, đặc biệt trong đêm vọng Phục Sinh chúng ta tuyên xưng đó là gì ? Là tin Chúa Cha là Đấng tạo thành trời đất. Là tin Đức Kitô sinh xuống làm người, chịu chết và sống lại. Là tin Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống. Là tin mầu nhiệm các Thánh thông công. Là tin xác loài người ngày sau sống lại. Là tin vào sự sống đời sau.

Niềm tin mà ai đó tuyên xưng là cứu cánh của đời người đó như trong thư gửi tín hữu Roma : Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giê-su là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ.

Thư gửi Roma tiếp : Quả thế, có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ. Thế nhưng trong lòng cũng như ngoài miệng chưa đủ. Niềm tin ấy phải là niềm tin thực hành chứ không ở trên môi miệng của người tuyên xưng.

Lời tuyên xưng đức tin mà người tín hữu tuyên xưng nếu đọc chậm mất vài phút nhưng để sống lời tuyên xưng ấy đòi buộc người tín hữu sống lời tuyên xưng ấy suốt cả đời, từng giây từng phút trong cuộc đời : Đức tin không có việc làm là đức tin chết !

Niềm tin vào Đức Kitô phục sinh được người tin diễn tả ngang qua đời sống của mình bằng lời ăn tiếng nói và nhất là hành động. Ai nào đó nói rằng tin vào Đức Giêsu mà không sống giới răn của Chúa thì chỉ là thanh la phèng phèng mà thôi. Tin thì phải yêu và yêu thì mới gọi là tin.

Thật vậy, trong đời sống thường ngày, dấu chỉ đơn giản nhất mà người ta có thể nhận ra người tín hữu là tín hữu thật sự tin Chúa là người yêu thương anh chị em đồng loại vì Chúa đã nói : Cứ dấu này người ta nhận ra anh em là môn đệ của Thầy đó là anh em hãy yêu thương nhau. Nếu như ai không yêu thương nhau thì người đó phá vỡ điều răn của Thầy.

Thực tế cuộc sống, ta sống tình yêu Chúa và tình yêu với anh chị em đồng loại như thế nào ?

Với Chúa xem chừng ra dễ ! Dễ là vì ta nói với Chúa và Chúa nghe và Chúa thì không ai thấy nên có khi dễ nói lắm. Ngược lại, với anh chị em đồng loại, nói lời yêu thương, sống lời yêu thương lại là chuyện khác. Cần có biểu hiện ngang qua đời sống chứ không dừng lại ở lời nói.

Và, điều này, mỗi chúng ta có thể kiểm chứng ngang qua cuộc đời của chúng ta. Ở gia đình, ở cộng đoàn chúng ta đang ở, chúng ta có sống mầu nhiệm yêu thương không ? Hay chúng ta là tác nhân của sự bất hòa, của sự hiềm khích.

Ở trong nhà thì không ai làm vừa lòng, ra ngoài đường thì người ta thấy ớn. Ở trong gia đình thì không bao giờ hy sinh làm cho người khác hài lòng. Ra đường thì hơn thua đấu đá tranh giành chỗ nhất chỗ nhì. Tham gia ca đoàn, hội đoàn thì làm ra cái vẻ ta đây và bao giờ cũng thích thể hiện. Không đi tu theo kiểu bên Phật Giáo nhưng ai ai cũng có pháp danh là thích thể hiện. Luôn luôn thích thể hiện mình để rồi tôn cái tôi của mình lên. Khi tôn cái tôi của mình lên cũng là lúc đánh mất đi cái sự hiệp nhất trong hội đoàn và trong cộng đoàn.

Thực tế mà nói, sau khi nghe những câu chuyện buồn về sự tranh giành, bất hòa trong ca đoàn và hội đoàn, người viết nhận được phản hồi chua xót : Giờ ở đâu cũng vậy Cha ơi ! Và có người nhắn : Sau Phục Sinh này con xin rút lui ra khỏi ca đoàn. Sau Lễ, con xin rút lui ra khỏi hội đoàn. Rồi có người rút chân ra khỏi phận vụ trong Hội Đồng Giáo Xứ vì bất hòa với Cha Xứ hay người này người kia.

Nếu sống bất hòa như thế có phải là làm chứng về Đức Kitô Phục Sinh hay không ?

Có khi bi đát là trong cái Đại Lễ mừng Chúa Phục Sinh đó người ta phân tán nhau vì không có sự hiệp nhất và yêu thương. Khi không sống, không bày tỏ tình yêu thương và hiệp nhất phải chăng là chứng nhân cho Tin Mừng Phục Sinh.

Chúa Phục Sinh mình phải sống khác chứ ! Chúa Phục sinh rồi thì mình phải sống với con người mới mang hình ảnh của Đức Kitô Phục Sinh chứ ! Nếu mừng Lễ Phục sinh mà mình cứ khư khư với cái con người cũ và cái tôi của mình thì xem chừng việc mừng Lễ Phục Sinh như là mừng một lễ hội hay một biến cố nào đó trong cuộc đời vì không thay đổi đời mình.

Làm chứng cho Đúc Kitô Phục Sinh luôn là lời mời gọi trong cuộc đời của người Kitô hữu.

Thực tế, chúng ta nhìn lại tỷ lệ người Công Giáo, chúng ta dù muốn dù không cũng phải suy nghĩ. Cái tỷ lệ người Công Giáo xem chừng ra không tăng trưởng. Có chăng là tăng theo dân số tự nhiên vì rửa tội theo Cha Mẹ là người Công Giáo hay như là rửa tội để làm đám cưới. Sau đám cưới thì không biết có sống đạo và giữ đạo hay không nữa ?

Nhìn lại thực tại, nếu người Kitô hữu sống tốt, sống đúng với Tin Mừng Phục Sinh và làm chứng về những điều này như Chúa nói thì chắc chắn sẽ có người theo đạo vì cung cách sống tốt. Ngược lại, chúng ta thấy số người tin vào Chúa ngang qua đời sống của chúng ta không có là bao.

Khi chết, Chúa sẽ không hỏi chúng ta có bao nhiêu cái bằng, bao nhiêu căn nhà và bao nhiêu tiền trong tài khoản. Chúa sẽ không hỏi chúng ta về những điều đó nhưng Chúa sẽ hỏi chúng ta về lòng tin cũng như lời chứng của chúng ta. Trong khi đó, chúng ta vẫn cứ đi tìm cái gì đó trong cai cõi tạm này. Cứ mãi miết đi tìm cái cõi tạm để rồi không còn thời gian và tâm trí đi tìm Chúa nữa.

Hãy nhớ lại lời mời gọi của Chúa để cân chỉnh cuộc đời của chúng ta. Chúng ta phải trả lẽ trước mặt Chúa lời của Chúa dặn : Anh em là chứng nhân cho những điều này.

Lm. Anmai, CSsR

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây