TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật IV Mùa Vọng -Năm C

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. (Lc 1, 39-45)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Cử hành Thánh Thể: Bài 2 - Quy tụ

Thứ hai - 16/10/2023 19:43 | Tác giả bài viết: |   712
Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.

WHĐ (16.10.2023) - Ngày 5 tháng 8 năm 2023, Ủy ban Phụng tự Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thông báo về chương trình Đào tạo phụng vụ cho Dân Chúa gồm: (1) Thực hành mục vụ và (2) Kiến thức phụng vụ. Để đào sâu hiểu biết về kiến thức phụng vụ, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu loạt bài về cử hành Thánh Thể do linh mục Giuse Phạm Đình Ái, SSS tổng hợp và biên soạn.
 

BÀI 2: QUY TỤ

vn171023b

I/ VĂN KIỆN

Vì chưng, dân này là dân Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng giá máu Đức Kitô, được Chúa quy tụ, được lời Chúa nuôi dưỡng, là dân được kêu gọi để dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của toàn thể gia đình nhân loại, là dân, trong Chúa Kitô, dâng lời tạ ơn về mầu nhiệm cứu độ, khi dâng hy lễ của Chúa Kitô; và, sau hết, là dân liên kết với nhau nên một, nhờ việc thông hiệp với Mình và Máu Đức Kitô. Dân này, mặc dầu từ nguồn gốc đã là thánh, nhưng nhờ tham dự ý thức, tích cực và hữu hiệu vào mầu nhiệm Thánh Thể, sẽ liên lỉ tấn tới trên con đường thánh thiện.” (Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [QCSL], số 5).

II/ LỊCH SỬ

Trước thế kỷ IV, Thánh lễ không có nghi thức mở đầu (Apologia, số 67). Ngay cả phụng vụ thứ Sáu Tuần Thánh trước năm 1955, xét như một bằng chứng còn sót lại, Thánh lễ theo nghi lễ Rôma cũng chỉ bắt đầu với những Bài đọc Kinh Thánh.[1]

Trong khoảng thế kỷ IV –VIII, chung chung, Thánh lễ được mở đầu bằng buổi canh thức cầu nguyện với nhiều lời kinh khác nhau, sau đó, Đức Giám mục sẽ đọc lời nguyện kết thúc.

Từ thời Cựu Ước, dân Chúa đã khao khát nguyện xin được vào cư ngụ (quy tụ) trong nhà Chúa hay trên núi thánh của Chúa (Tv 15,1-2). Trong thời Tân Ước, Chúa Giêsu dạy dân chúng quy tụ lại mà cầu nguyện (Mt 18,20). Thế rồi, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, những người theo Chúa cũng tề tựu ở một nơi nhân ngày lễ Ngũ tuần (Cv 2,1).

Đầu thế kỷ II, sách Didache khuyên các tín hữu “hãy quy tụ lại với nhau vào ngày của Chúa để bẻ bánh và dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa....”[2] Cũng trong thế kỷ này, thánh Justinô mô tả rằng “vào ngày, gọi là ngày mặt trời (Chúa nhật), tất cả những người ở thành thị cũng như ở thôn quê đều họp lại một nơi...đó là ngày Thiên Chúa biến đổi bóng tối thành ánh sáng...và là ngày Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Độ chúng ta sống lại từ cõi chết.” [3]

Giống như thời Hội Thánh sơ khai, trong Ngày của Chúa [hay Chúa nhật], chúng ta họp nhau lại / quy tụ lại trong thánh đường để lắng nghe Lời Chúa và tham dự Hy lễ Tạ ơn, để kính nhớ cuộc thương khó, tử nạn và phục sinh vinh hiển của Chúa Giêsu, đồng thời cảm tạ Thiên Chúa, vì Ngài đã dùng sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô mà tái sinh chúng ta trong niềm hy vọng sống động (x. 1P 1,3; PV 106).

III/ Ý NGHĨA

Mục đích của nghi thức đầu lễ là quy tụ cộng đoàn và hình thành cộng đoàn nên một dân của Chúa Kitô, được hiệp thông với nhau cũng như chuẩn bị lòng trí chúng ta lắng nghe Lời Chúa và lãnh nhận Thánh Thể cho xứng đáng.[4]

Có thể nói, Thánh lễ bắt đầu vào lúc chúng ta quyết định đến với nhau để cử hành tình yêu của Chúa. Chúng ta đến với nhau từ những phương trời khác nhau, từ những hoạt động và hoàn cảnh khác nhau… Tuy nhiên, chúng ta đến với nhau không phải như những cá thể biệt lập hay những như người quan sát câm lặng, chỉ có mặt để “xem lễ” (PV 48; Ep 2,19-22), mà là cuộc quy tụ thành:

- Một cộng đoàn phụng tự với tư cách là con cái Thiên Chúa, là dân thánh, dân riêng của Chúa (x. 1Pr 2,9-10), là những anh chị em tín hữu trong gia đình của Thiên Chúa, là những người được cứu chuộc, đến đây để cảm nếm trước bàn tiệc cánh chung (x. QCSL 24).[5]

- Một cộng đoàn đức tin bởi vì chúng ta tin rằng Thiên Chúa đã và đang hành động trong lịch sử nhân loại, cách đặc biệt hơn, Ngài vẫn can dự vào lịch sử chính cuộc đời của mỗi người. Đây là một cuộc tụ họp do Chúa Kitô và nhân danh Chúa Kitô, Đấng luôn luôn đi trước dẫn đầu Hội Thánh, Đấng vô hình nhưng thực sự làm chủ tế trong Thánh lễ, chính Người tập hợp dân tư tế của Người (x. 1 Pr 2,9); Đấng hướng dẫn chúng ta trên hành trình về đất hứa mới, nơi chúng ta được hiệp thông với Đức Kitô và với nhau.[6]

IV/ SUY NIỆM[7]

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tìm kiếm thánh nhan Ngài trong Thánh lễ, nhưng Ngài lại ẩn khuất dưới bức màn của các biểu tượng, ẩn dụ và thi ca. Chúng con đến nơi thánh này để tìm kiếm Chúa, nhưng thay vì tỏ mình ra cho chúng con, Ngài lại cho chúng con thấy một đoàn dân đang được quy tụ. Tại sao anh chị em chúng con lại ở đây? Bởi vì Chúa đã quy tụ chúng con. Chúa đã làm như thế, để rồi nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, hợp nhất với Chúa Thánh Thần, chúng con có thể tôn thờ Chúa Cha trong thần khí và sự thật.

Có những khuôn mặt thân quen, nhưng cũng nhiều người xa lạ. Chúng con tìm kiếm thánh nhan Chúa, nhưng Chúa lại tỏ cho chúng con thấy một đoàn dân quy tụ về đây từ muôn phương và Chúa muốn chúng con nhìn thấy Chúa ở trong họ!

Có lẽ câu ngạn ngữ này thật đúng ở đây “thân quá hóa nhờn” hay “gần chùa gọi bụt bằng anh”. Làm thế nào chúng con có thể diện kiến dung nhan Chúa nơi những người chúng con quen biết? Chúa muốn chúng con cảm nhận sự hiện diện của Chúa ở nơi những người này sao? Chúng con phải nhìn ngắm Chúa đằng sau bức màn yếu đuối và ích kỷ của họ sao? Lạy Chúa, Chúa đang thử thách đức tin của chúng con khi Chúa chỉ dạy chúng con rằng họ là biểu tượng của Chúa; họ là anh chị em của Chúa?

Vâng, chúng con tin, bởi vì tất cả những người ở đây đều thuộc về thân mình mầu nhiệm của Chúa; bởi vì đây là mầu nhiệm của Hội thánh, một Hội thánh mà Chúa đã hòa giải rồi nhưng vẫn còn cần phải tiếp tục hòa giải nữa. Xin giúp chúng con chấp nhận chân lý này: Giáo hội thì thánh thiện nhưng vẫn gồm những tội nhân. Xin hãy giúp chúng con nhận ra thực tại của Hội thánh nơi những người đã được tắm gội trong ánh sáng ân sủng của Chúa nhưng có thể vẫn còn đang ngồi trong tăm tối và bóng tử thần.

Vì thân mình mầu nhiệm của Chúa mà chúng con gia nhập hàng tư tế hầu dâng lên Chúa Thánh lễ mỗi ngày. Những ai đang than khóc, xin Chúa an ủi họ và lau sạch những giọt lệ của họ bằng bàn tay cảm thương của Chúa. Những ai đang mừng vui hạnh phúc, xin Chúa gìn giữ họ an lành bằng sự chăm sóc đầy tình thương của Chúa, đừng để bất kỳ tai họa nào biến niềm vui của họ thành ưu sầu. Những ai đang phải xa nhà xa quê: lạy Chúa, xin hãy đồng hành với họ và trở thành nơi trú ngụ của họ, vì Chúa không xa lạ đối với những kẻ bị cô đơn hay bị xa lánh. Có những người đang vui thú cùng đi với gia đình và bạn bè: xin Chúa hãy dự phần vào niềm hạnh phúc của họ, như Chúa đã từng hoan hỷ bên những bạn hữu của Chúa ở Betania.

Lạy Chúa, xin cũng nhớ đến những ai không thể đến tham dự Thánh lễ cùng với chúng con. Chắc họ thật tình chú tâm đến tiếng gọi mời của Chúa, họ cũng muốn dành thời khắc nghỉ ngơi này với chúng con, nhưng họ vẫn phải lai lưng làm việc để kiếm kế sinh nhai, thậm chí cả trong ngày Chúa nhật. Nếu không làm việc hôm nay, có thể họ chẳng có gì để sinh sống. Xin dạy chúng con, trong khi hưởng thụ những giây phút cuối tuần, biết quan tâm đến những anh chị em có cùng một nhu cầu và quyền lợi như chúng con, nhưng lại không thể ngừng nghỉ lao tác để nghỉ ngơi vì đang lâm cảnh nghèo nàn và túng quẫn. Lạy Chúa, Chúa đã không lơ là với chim trên trời hay hoa huệ ngoài đồng: xin đừng để cho những anh chị em nghèo túng phải thất vọng về tình yêu quan phòng của Chúa và cũng đừng để họ không đón nhận được những hồng phúc của Chúa trên trần gian này. Amen.

 

 


[1] X. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration (Collegeville: The Liturgical Press, 1997), 104.

[2] Didache 14, trích lại trong Lucien Deiss, Sring-time of the Liturgy, dg. Matthew J. O’Connell (Collegeville: The Liturgical Press, 1979), 93-94.

[3] Justin Martyr, First Apology, 67, trích lại trong Lucien Deiss, Sring-time of the Liturgy, 93-94.

[4] X. James P. Moroney, The Mass Explained (New Jersey: Catholic Book Publishing Corp., 2008), 37.

[5] Dominic E. Serra, “Theology of the Latin Text and Rite”, trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal (Collegeville:  The Liturgical Press, 2011), 126. 

[6] Suy tư Thần học và Mục vụ Chuẩn bị cho Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 50 tại Dublin, Ireland (10 – 17/06/2012).

[7] Anscar J. Chupungco, OSB, Meditations on the Mass (Quezon: Claretian Publications and Flipside Publishing, 2013), dg. Giuse Phạm Đình Ái, SSS.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây