TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXV Thường Niên -Năm B

“Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”. (Mc 9, 29-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

 Đối diện với thăng thiên

Thứ ba - 10/05/2022 11:04 |   1017
 Đối diện với thăng thiên

 Đối diện với thăng thiên

doi dien voi su thang thien 768x492

 

Ronald Rolheiser, 2022-05-02

Một người bạn của tôi, khá yếm thế về Giáo hội, gần đây đã nói: “Thể chế Giáo hội ngày nay đang cố đưa ra bộ mặt tốt nhất trước sự thật nó đang chết dần. Về căn bản, Giáo hội đang cố gắng đối diện với cái chết”.

Điều ông muốn nói, Giáo hội thời nay, như người đang cố đấu tranh để chấp nhận căn bệnh nan y, đang cố tái định hình một hình ảnh của mình để cuối cùng có thể thích nghi với chuyện không thể nghĩ đến nỗi, đó là cái chết của chính mình.

Ông nói đúng khi cho rằng Giáo hội thời nay đang cố tái định hình một hình ảnh của mình, nhưng ông đã sai về chuyện mà Giáo hội đang cố đối diện. Cái mà giáo hội đang cố đối diện thời này, không phải là cái chết, mà là sự thăng thiên. Cái cần tái định hình trong hình dung của chúng ta thời nay cũng giống như điều cần định hình trong hình dung của các tông đồ trong bốn mươi ngày giữa biến cố phục sinh và thăng thiên. Một lần nữa, chúng ta cần hiểu cách để buông bỏ một thân thể của Chúa Kitô để thân thể đó thăng thiên rồi chúng ta có thể cảm nhận sự Hiện xuống. Đâu là điểm quan trọng cấp bách trong chuyện này?

Trong mầu nhiệm vượt qua, thăng thiên là chuyện chúng ta ít hiểu nhất. Rõ ràng chúng ta thấy được ý nghĩa của cái chết và phục sinh của Đức Kitô, cũng như sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần trong lễ Hiện Xuống. Nhưng chúng ta ít hiểu hơn về thăng thiên.

Bốn mươi ngày giữa Phục Sinh và Hiện Xuống, không phải là thời gian thuần vui mừng đối với các tông đồ. Đó là thời gian của vui mừng, đúng, nhưng cũng là thời gian của mơ hồ, nản lòng và mất đức tin. Trong những ngày trước sự thăng thiên, các tông đồ quá đỗi vui mừng mỗi khi họ được gặp Chúa phục sinh của mình, nhưng hầu hết thời gian, họ hoang mang, nản lòng và đầy hoài nghi, vì họ không được thấy sự hiện diện mới của Đức Kitô trong những chuyện xảy ra quanh họ. Có lúc, họ hoàn toàn từ bỏ, như thánh Gioan đã kể lại, họ trở lại với cuộc sống trước đây, đi đánh cá ngoài khơi.

Tuy nhiên, trong thời gian đó, Chúa Giêsu dần dần tái định hình hình dung của họ. Cuối cùng, họ hiểu được sự thật, rằng có một sự đã chết đi, nhưng có một sự khác còn phong phú hơn nhiều đã sinh ra, và giờ họ cần từ bỏ cách thức mà trước đây Chúa Giêsu đã hiện diện với họ ngỏ hầu Ngài có thể hiện diện với họ theo một cách mới. Thần học và linh đạo về thăng thiên, căn bản gói gọn trong những lời này: Từ chối bám chặt vào những gì từng có, buông bỏ nó để có thể nhận ra sự sống mới chúng ta đang sống và đón nhận sinh khí của sự sống ấy. Các phúc âm nhất lãm dạy cho chúng ta điều đó khi mô tả cảnh thăng thiên, khi Chúa Giêsu trong thân xác chúc lành mọi người rồi bay về trời. Thánh Gioan cũng cho chúng ta một thần học như thế, nhưng theo hình ảnh khác. Ngài nêu lên chuyện này khi mô tả cảnh Chúa Giêsu gặp Maria Magdalena vào buổi sáng Phục Sinh, khi Ngài bảo: “Maria, đừng giữ ta!”

Hôm nay, giáo hội đang cố đối diện sự thăng thiên, chứ không phải cái chết. Tôi có thể dễ dàng thấy bạn tôi mơ hồ chuyện gì, bởi vì mọi sự thăng thiên đều bao hàm cái chết và sự sinh ra, mà chuyện đó có thể gây nhiều mơ hồ. Vậy thì, thật sự, hội thánh thời nay là thế nào?

Edward Schillebeeckx từng cho rằng chúng ta đang sống trong cùng sự nản lòng của các tông đồ tiên khởi trong thời gian giữa cái chết của Chúa và lúc họ nhận ra Ngài đã phục sinh. Chúng ta có cùng cảm nhận, hoài nghi và mơ hồ của họ trên đường Ê-mau. Đức Kitô mà chúng ta từng biết đã bị đóng đinh và chúng ta không thể nhận ra Chúa Kitô đang đi giữa chúng ta, đang sống hơn bao giờ hết, dù theo một cách khác. Do đó, cũng như các môn đệ trên đường Ê-mau, chúng ta cũng thường bước đi cúi gầm mặt, mang một đức tin hoang mang, chúng ta cần Đức Kitô xuất hiện trong một hình hài mới để tái định hình những hình dung của chúng ta để chúng ta có thể nhận ra Ngài đang hiện ra với chúng ta.

Tôi nghĩ Schillebeeckx đúng về chuyện này, nhưng tôi lại có cách nói khác. Giáo hội ngày nay đang trong khoảng thời gian giữa phục sinh và thăng thiên, cảm nhận sự nản lòng đáng kể, với những hình dung hợp với một nhận thức cũ về Đức Kitô, không thể nhận ra Đức Kitô rõ ràng trong giây phút hiện tại. Với những ai lớn lên trong một nhận thức đức tin nào đó, thì nhận thức cũ của chúng ta về Đức Kitô đã bị đóng đinh. Nhưng Đức Kitô không chết. Giáo hội không chết. Cả Chúa Giêsu và giáo hội đang rất sống động, bước đi với chúng ta, dần dần tái định hình hình dung của chúng ta, tái diễn giải Kinh thánh cho chúng ta, một lần nữa nói với chúng ta rằng: Không phải Đức Kitô (và Giáo hội) cần chịu nhiều đau khổ sao…

Ngày nay, với nhiều người trong chúng ta, sống trong đức tin chính là ở trong thời gian giữa cái chết của Đức Kitô và sự thăng thiên, dao động giữa niềm vui và nản lòng, cố gắng đối diện chuyện thăng thiên.

Trên con đường đức tin, luôn có tin vui và tin buồn. Tin buồn là nhận thức của chúng ta về Đức Kitô luôn mãi bị đóng đinh. Tin vui là Đức Kitô luôn mãi sống động, vẫn ở với chúng ta theo một cách thâm sâu hơn.

J.B. Thái Hòa dịch

http://phanxico.vn/2022/05/05/doi-dien-voi-thang-thien/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây