TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

 Đức tin hay mê tín, một lựa chọn

Thứ hai - 02/05/2022 21:58 |   1518
Ở thời buổi hiện đại, đức tin và tôn giáo thường bị cho là mê tín phi lý, ngược với lý trí và khoa học. Đức tin có thực sự không tương thích với lý trí không? Điều gì làm đức tin khác với mê tín?
 Đức tin hay mê tín, một lựa chọn

 Đức tin hay mê tín, một lựa chọn

Ở thời buổi hiện đại, đức tin và tôn giáo thường bị cho là mê tín phi lý, ngược với lý trí và khoa học. Đức tin có thực sự không tương thích với lý trí không? Điều gì làm đức tin khác với mê tín?

cath.ch, Christophe Herinckx, nhà báo thần học gia, 2021-09-05

 
 

 

Một số thực hành tôn giáo đối với chúng ta có vẻ nghi ngờ, nhưng nó có thể che giấu một đức tin chân chính | © Marie Stas / Cathobel

Đức tin có phải mê tín không? Nếu câu hỏi là khiêu khích thì nó nhắm gởi đến các tín hữu qua những lời chỉ trích hiện đại. Tuy nhiên, một câu hỏi thích đáng vì các hình thức mê tín đôi khi có thể lén lút len vào việc giữ đạo, như cỏ lùng xen vào lúa tốt. Vậy làm thế nào để phân biệt mê tín với đức tin?

Chỉ trích các tôn giáo

Vào cuối thời Trung cổ của kitô giáo, thuật ngữ “mê tín dị đoan”, “tôn giáo của những người thờ thần tượng” nhằm đối ngược với “đức tin chân chính”, chung chung có nghĩa những người thờ đa thần, được cho là thờ thần giả trong các vật linh thiêng. Sau này, chính người công giáo bị một số người tin lành buộc tội là thờ thần tượng, đặc biệt là thờ Trinh Nữ Maria và các thánh, kể cả tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể, tất cả những điều này bị cho là mê tín dị đoan.

Tóm lại, trong bối cảnh kitô giáo thời Trung cổ và Phục hưng, đức tin được phân biệt rõ ràng với mê tín dị đoan, nếu chỉ xét theo đối tượng tương ứng của chúng: một bên là Thiên Chúa thật, một bên là các thần tượng.

Lý trí và mê tín

Vào thế kỷ 17, sự ra đời của triết học duy lý đã dẫn đến một sự phân biệt khác: phân biệt giữa khoa học và mê tín. Đối với những triết gia được gọi là “Khai sáng” và những người kế tục họ, kiến thức về tự nhiên phải dựa trên quan sát các hiện tượng tự nhiên và lý trí, trái ngược với mê tín, nghĩ rằng mình biết nhưng lại dựa trên niềm tin phi lý trong các lực siêu nhiên. Ví dụ: giông bão là hiện tượng mà nguyên nhân vật lý có thể xác định được, chứ không phải do một vị thần đập búa vào đe…

Với chương trình phát triển một tôn giáo phải phù hợp với lý trí, một số triết gia hiện đại – như Spinoza hay Hegel – đẽo gọt đức tin tôn giáo, đặc biệt là kitô giáo xem đây là mê tín phi lý. Đối với triết gia Feuerbach (1804-1872), niềm tin vào Thượng đế là kết quả của một quá trình mà con người, bị tác động bởi tính hữu hạn, phóng sự khao khát vô hạn của mình lên một thực thể vô hạn tưởng tượng. Triết gia Nietzsche lấy ý tưởng này làm ý tưởng của ông, còn triết gia Marx và Freud sẽ phát triển theo các phê phán về tôn giáo của riêng họ.

Một đức tin hợp lý

Các tư tưởng gia của chủ nghĩa vô thần hiện đại này sẽ làm lung lay đức tin kitô giáo lâu dài. Vì thế các Giáo hội khác nhau ở phương Tây, đặc biệt là các mục tử và thần học gia của họ, sẽ phải đương đầu với một thách thức chưa từng có: làm thế nào để giải thích về đức tin khi nền tảng đầu tiên của nó, là chính sự hiện hữu của Thiên Chúa, được đặt vấn đề một cách triệt để?

Một công việc dài hơi tiếp theo, được đánh dấu bởi nhiều cuộc tranh luận và tranh chấp giữa những người ủng hộ việc hợp lý hóa kitô giáo, những người không còn giữ lại các khía cạnh thuần túy của con người, và những người ủng hộ một đức tin xây dựng trên thẩm quyền duy nhất của “Thiên Chúa mạc khải.”

Đây được gọi là “cuộc khủng hoảng theo chủ nghĩa hiện đại”, cuối cùng dẫn đến sự cân bằng mới giữa khoa học, lý trí và đức tin – một cân bằng mà ngày nay chúng ta vẫn còn gặt hái thành quả.

Về đức tin, một cách chính xác, Giáo hội công giáo đã tái khẳng định, nó không chống lại lý trí, nhưng ngược lại giả định nó. Chỉ những sinh vật được ban tặng cho lý trí, cũng như ý chí và tự do, mới có thể nhận được mặc khải của Chúa qua đức tin.

Một điều vượt ra ngoài lý trí

Từ Công đồng Vatican I (1870-1871), Giáo hội đã long trọng khẳng định, trong một chừng mực nào đó một sự hiểu biết tự nhiên về Thiên Chúa là có thể. Lý trí của con người có thể nhận ra rằng một “nguyên lý” siêu việt là nguồn gốc của vạn vật, dù khi sự siêu việt này vượt quá khoa học nhân văn của chúng ta.

Nói cách khác, lý trí có thể nhận ra… một cách hợp lý rằng có một điều vượt ra ngoài lý trí.

 


 

 

Các Nghị phụ Công đồng Vatican I họp ở Đền thờ Thánh Phêrô

Đây là khi đức tin can thiệp: đón nhận mạc khải của Chúa vô danh, Đấng được biết nơi Chúa Giêsu-Kitô. Đức tin, theo nghĩa này, cho phép lý trí vượt qua chính nó mà vẫn hoàn thiện chính nó. Đức tin mang lại một điều gì đó mà lý trí không thể tự cho mình: một mối quan hệ sống động với Thiên Chúa hằng sống, vượt ra ngoài phạm vi lý trí của con người, nhưng không từ chối lý trí.

Mê tín phi lý

Trong quan điểm này, đức tin do đó không phi lý. Theo nghĩa này, nó rõ ràng nổi bật so với mê tín, giống như một phép ảo thuật. Tự điển Le Petit Robert, quyển tự điển tham khảo của tiếng Pháp, định nghĩa mê tín như sau: “Hành vi phi lý trí, nói chung là theo chủ nghĩa hình thức và quy ước, đối với điều thiêng liêng; thái độ tôn giáo coi như vô tích sự”. Định nghĩa này, trong số rất nhiều định nghĩa khác tiếp nối nhau trong ba thế kỷ, xứng công là đã tổng hợp được.

Mê tín dị đoan thực sự là một “thái độ tôn giáo”, theo nghĩa nó liên quan đến điều “thiêng liêng, nhưng điều thiêng liêng này luôn luôn không được xác định rõ ràng. Đó có thể là một “siêu nhiên” ẩn danh, số phận, may rủi, tình cờ. Nhưng cũng là của một vị thần hoặc một Thiên Chúa… mà người ta cố gắng làm cho thuận lợi, hoặc ngược lại tìm cách tránh xa, qua cử chỉ, nghi thức, qua lời nói có sẵn để dùng. Một cách dùng thường được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà không cần đặt vấn đề về cơ sở của nó.

Lô-gích cho và nhận

Lô-gích này thường gắn liền với niềm tin, mê tín cũng có thể phát sinh từ sự không tin tưởng. Khi không còn đức tin vào Chúa, xu hướng tôn giáo của con người đôi khi hướng đến những điều trần tục nhất: chơi xổ số ngày thứ sáu 13, tránh đi dưới cái thang, hoặc chạm vào gỗ để mọi việc diễn ra tốt đẹp.

Mê tín cũng có thể được phản ánh qua các thực hành rất phức tạp, được tìm thấy trong các nền văn minh quá khứ, và ngày nay. Khi đó nó thể hiện một quan niệm ma thuật trong mối quan hệ của con người với thế giới siêu nhiên hoặc thần thánh. Bằng cách thực hiện một số nghi thức nào đó, đặc biệt là các việc hiến tế, chúng ta nghĩ chúng ta đang hành động trên thần thánh, nhưng đó là phản ứng theo các yêu cầu  đủ loại của chúng ta, theo lô-gích cho và nhận. Đôi khi nghi thức còn được tự nó cho là có hiệu quả, một cách tự động tạo thuận lợi cho “thần thánh”.

Làm chủ so với tin tưởng

Chính thái độ này mà Kinh thánh gần với việc thờ ngẫu tượng, làm cho sức mạnh lời cầu xin của một nam thần hay nữ thần theo hình ảnh con người, để phục vụ ý muốn của con người. Ham muốn quyền lực, giàu có, chiến thắng kẻ thù. Do đó, một thái độ hoàn toàn trái ngược với thái độ tin vào Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, của I-saác và của Gia-cốp… và vào Chúa Giêsu-Kitô.

Khi mê tín cho rằng có thể làm chủ các sức mạnh thần thánh hoặc các lực đen tối cho các mục đích riêng của mình, thì đức tin là tin tưởng vào hành động của Chúa trong chúng ta và cho chúng ta. Khi mê tín muốn bẻ cong đấng siêu nhiên hoặc Thiên Chúa hằng sống theo ý muốn của mình thì đức tin là buông bỏ, là phó mình vào ý chí tình yêu của Đấng đã giải thoát con người, giải thoát chính mình để đi đến hiệp thông với Chúa.

Bề ngoài và đức tin đích thực

Chúng ta đừng nhầm lẫn: mê tín hiểu theo nghĩa này không dành riêng cho các ngẫu tượng không kitô giáo. Cũng như đức tin chân chính có thể được sống bên ngoài kitô giáo. Các hình thức mộ đạo có thể che giấu một hình thức mê tín dị đoan, cũng như một số thực hành mà chúng ta nghi ngờ lại có thể nuôi dưỡng một đức tin chân chính. Chỉ một mình Chúa mới nhìn thấy những gì đang diễn ra trong các tâm hồn, kể cả tâm hồn chúng ta.

Sự cám dỗ mê tín và thờ ngẫu tượng xuyên suốt lịch sử Israel, cũng như của Giáo hội và của tất cả mọi người. Đức tin chúng ta cần thanh tẩy thường xuyên hay đúng hơn để chính mình được thanh tẩy bởi Đấng duy nhất có thể lấp đầy tâm hồn chúng ta, mà ơn vượt quá vô hạn bất cứ điều gì chúng ta có thể mong muốn. Điều quan trọng, và điều này phụ thuộc vào chỉ một mình chúng ta, là chúng ta chọn tin tưởng vào Chúa hay muốn Chúa phục vụ chúng ta.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

http://phanxico.vn/2022/05/01/duc-tin-hay-me-tin-mot-lua-chon/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây