TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Nên thánh dành cho doanh nhân và công nhân

Thứ hai - 31/05/2021 22:46 | Tác giả bài viết: Gm Giuse Vũ Văn Thiên |   789

NÊN THÁNH DÀNH CHO DOANH NHÂN VÀ CÔNG NHÂN

(Chủ đề Mục vụ tháng 10 – 2020 của Tổng Giáo phận Hà Nội)


WGPHN (1.10.2020) – Việt Nam chúng ta là một quốc gia nông nghiệp. Đời sống của người dân bao đời gắn liền với cây lúa, với tứ thời bát tiết thay nhau đắp đổi. Quê hương chúng ta cũng là nơi hằng năm hứng chịu nhiều cơn bão, nhất là miền Trung, nơi “sớm chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Hậu quả là mất mùa, lũ lụt và nhà cửa bị cuốn trôi. Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khắc nghiệt làm cho người dân bao đời chịu cảnh nghèo túng.

Trong xu hướng chung công nghiệp hoá, từ vài thập kỷ trở lại đây, nền kinh tế tại Việt Nam chúng ta đang dần được cải thiện. Tỷ lệ những người nông dân thuần tuý đang giảm mạnh. Nhờ phong trào công nghiệp hoá mà đời sống kinh tế phát triển, người dân bớt nghèo và đời sống dần ổn định. Tại các vùng nông thôn, nhiều công ty xí nghiệp mà chủ đầu tư là người nước ngoài được xây dựng, tạo việc làm cho thanh niên. Một khi thanh niên có việc làm ổn định, những tệ nạn xã hội cũng nhờ đó mà giảm dần. Người ta cũng quý đồng tiền hơn và cẩn thận trong việc sử dụng chi tiêu, vì đồng tiền kiếm được phải đánh đổi bằng mồ hôi và sức lực. Nhờ chính sách mở cửa của nhà nước, nhiều công ty tư nhân đã được thành lập. Trong số này, có những chủ công ty là người Công giáo. Khá nhiều người tín hữu đã thành đạt trong sự nghiệp, đóng góp tích cực vào việc xây dựng quê hương đất nước, tạo việc làm cho nhiều người. Phần lớn những nhà doanh nghiệp công giáo vẫn giữ Đạo và thực hành những bổn phận của người tín hữu. Tuy vậy, cũng có một số doanh nhân xa lánh nhà thờ hoặc không dám công khai nhận mình là người Công giáo, nhất là trong thời bao cấp. Có thể vì sợ ảnh hưởng liên luỵ trong sự nghiệp, hoặc do những thành kiến xuất phát từ quan niệm của chính quyền kỳ thị người Công giáo, hoặc một số cán bộ nhà nước nhìn người Công giáo với ánh mắt ngờ vực thiếu thiện cảm.

Làm thế nào để các doanh nhân sống đức tin trong lãnh vực đầy bon chen nghiệt ngã? Làm sao để giúp anh chị em công nhân, trong đó đa phần là các bạn trẻ, vừa hoà nhập với cuộc sống công nghiệp hiện đại, vừa thực hành Đức tin? Đó là những câu hỏi được đặt ra trong bối cảnh xã hội hôm nay đối với những người có trách nhiệm trong Giáo Hội. Bởi lẽ, người tín hữu bất kỳ sống ở môi trường nào, nếu hiểu biết giáo lý, cũng có thể sống và làm chứng cho Đức tin của mình. Luật của Chúa cũng như luật của Giáo Hội không bắt buộc ai phải giữ những điều vượt quá khả năng của mình. Mục đích của Luật không phải để ràng buộc chúng ta, nhưng để giúp chúng ta nên hoàn thiện.

Tháng Mười dương lịch là tháng nên thánh dành cho anh chị em doanh nhân và công nhân, với mục đích giúp mọi người trong hai lãnh vực này sống Đức tin trong hoàn cảnh cụ thể. Trong tháng này, chúng ta cầu nguyện cho các doanh nhân và công nhân được nên thánh. Ước mong trong môi trường cạnh tranh thường xuyên của các doanh nghiệp và công việc đầy áp lực tại các hãng xưởng, những người làm việc tại đây vẫn lạc quan tin tưởng vào Chúa, tôn trọng công bằng, sống theo lương tâm ngay thẳng và tuân giữ giáo huấn của Chúa trong Tin Mừng.

Giáo lý dạy: lao động không phải công việc nô dịch hay như một hình phạt. Trái lại, lao động là cộng tác với Thiên Chúa để làm cho công trình sáng tạo của Ngài đạt tới mức hoàn hảo. Nói như thế không có nghĩa công trình sáng tạo của Thiên Chúa còn nhiều khiếm khuyết. Đúng hơn phải nói: Thiên Chúa vẫn tiếp tục sáng tạo và làm cho công trình sáng tạo của Ngài tiến dần tới sự hoàn thiện. Mỗi người chúng ta được mời gọi đóng góp phần mình để làm nên sự hoàn thiện đó. Công việc lao động rất phong phú và đa dạng: có những người trực tiếp lao động trên cánh đồng, có người làm việc trong cơ quan, hãng xưởng, công ty, văn phòng, phố chợ. Có người chỉ đơn giản là người nội trợ trong gia đình. Có những người làm việc trong lãnh vực tâm linh, nhằm phụng sự Thiên Chúa và phục vụ mọi người. Trên đời này, không có việc nào là đáng khinh. Trái lại, việc nào cũng là việc tốt, miễn là đem lại những điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội. Chỉ những hành vi trộm cắp, giả dối hoặc trục lợi bất công mới là xấu và đáng lên án.

Đức Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể, là một người lao động. Nhiều người đồng hương với Chúa gọi Người là “Con bác thợ mộc”. Cách gọi thân thương ấy cho thấy Chúa Giêsu rất gần gũi những người chung sống trong làng Nagiarét. Nơi đây, Chúa Giêsu đã miệt mài và âm thầm làm việc để cùng với Thánh Giuse nuôi sống gia đình.

Sống trong cuộc đời, mỗi chúng ta cần có việc làm. Việc làm không chỉ nhằm nuôi sống bản thân và gia đình, mà còn góp phần thánh hoá con người, vì “Nhàn cư vi bất thiện”. Những người rỗi rãi thường hay có hành động không tốt. Vì vậy, người thất nghiệp không chỉ mất nguồn tài chính, mà còn bị lâm vào tình trạng cô đơn, nghi ngờ bản thân và mặc cảm vì bị xã hội loại trừ hoặc như người vô dụng.

Mặc dù có ý nghĩa quan trọng như thế, lao động không bao giờ là mục đích của đời người. Mục đích tối hậu là hạnh phúc của con người, như Chúa Giêsu đã nói: “Ngày Sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabát”. Đối với người tin Chúa, hạnh phúc ấy tối hậu là được gặp gỡ Chúa và được chia sẻ đời sống vĩnh cửu trên thiên đàng. Đức Giêsu cảnh báo người ta đừng để lao động biến họ thành nô lệ. Thánh Gioan Phaolô II Giáo Hoàng đã viết: “Nguồn gốc phẩm giá của lao động được tìm thấy trước tiên nơi chiều kích chủ thể (người làm việc), chứ không phải nơi chiều kích khách thể (việc làm” Mục đích của đời người không phải là tích luỹ của cải, hay tìm kiếm danh tiếng, nhưng để đạt đến sự sống vĩnh cửu với Thiên Chúa, nhờ cầu nguyện, thờ phượng Chúa và yêu mến người thân cận cách tích cực. Người phú hộ trong Tin Mừng, vào lúc anh ta đầy đủ vật chất và cho mình cái quyền tự do hưởng thụ, lại bị Chúa quở trách là đồ ngốc. Nếu Chúa đến gọi linh hồn anh, của cải đầy kho lẫm sẽ để cho ai?

Giáo Hội Công giáo luôn bảo vệ quyền lợi người công nhân. Khởi đi từ Thông điệp Tân Sự (Rerum Novarum của Đức Thánh Cha Lêo XIII từ năm 189, các vị Chủ chăn của Giáo Hội đã công bố rất nhiều giáo huấn mang tính xã hội, mang nội dung lên án việc phân chia xã hội thành các giai cấp, phê phán nạn lương thấp và điều kiện làm việc tồi tệ thường thấy trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hoá. Đức Thánh Cha Lêo XIII đã viết: “Gây áp lực lên người nghèo túng cơ cực, để vơ vét tiền bạc, hoặc thu tích lợi lộc từ hoàn cảnh ngặt nghèo người khác, là hành vi bị tất cả lề luật của Trời và của người lên án. Lừa lọc người khác để tước đoạt khoản lương người ấy xứng đáng được nhận, là một trong những tội mà tiếng kêu báo oán vang vọng đến tận trời” (Trích dẫn trong Docat, số 156)

Nên thánh đối với doanh nghiệp là tôn trọng công bằng và thực thi đạo đức kinh doanh. Kim chỉ nam cho các doanh nghiệp là lời Chúa dạy trong Tin Mừng và giáo huấn về xã hội của Giáo Hội Công giáo. Nhờ giáo huấn về xã hội của Giáo Hội, chúng ta hiểu ý nghĩa của công bằng xã hội, quyền lợi của người công nhân trong lãnh vực y tế, lương bổng, bảo hiểm, vai trò của công đoàn luôn đứng về phía người lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ.

Đối với người tín hữu, đức bác ái và công bằng luôn làm nền tảng và chuẩn mực cho mọi hành vi của con người. “Được khích lệ từ lòng bác ái của Đức Kitô, người Kitô hữu cảm thấy sự thôi thúc phải yêu thương anh em đồng loại. Người đó xem nhu cầu, nỗi đau, và niềm vui của tha nhân như của chính mình” (Thông điệp Mẹ và Thầy, số 25).

Nên thánh đối với người tín hữu là cảm nghiệm về Thiên Chúa và nhận thức về con người. “Khi cảm nghiệm về Thiên Chúa mất đi, thì nhận thức về con người, cũng có khuynh hướng mất theo. Hậu quả tiếp theo là sự vi phạm có hệ thống mọi quy luật luân lý, đặc biệt trong vấn đề sinh tử: tôn trọng sự sống và phẩm giá con người, dần dần làm lu mờ khả năng nhận biết sự hiện diện cứu rỗi và sống động của Thiên Chúa” (Thông điệp Tin Mừng sự sống, số 21). Thiên Chúa ghi khắc luật của Ngài trong lương tâm chúng ta. Tiếng nói của lương tâm cũng là tiếng nói của Chúa, trừ những trường hợp lương tâm lầm lạc hay cố chấp.

Sau cùng, nên thánh đối với doanh nhân và công nhân là chuyên cần sống Đạo, tham dự thánh lễ, thường xuyên lãnh nhận các Bí tích và tham gia các hội đoàn đạo đức. Đối với khá nhiều bạn trẻ công nhân, việc tham dự thánh lễ Chúa nhật là một điều khó khăn, do áp lực của công việc hoặc do thời gian khắt khe eo hẹp. Các bạn có thể sắp xếp thời gian đi lễ chiều thứ Bảy. Trong trường hợp không thể tham dự thánh lễ ngày Chúa nhật và ngày lễ trọng như luật Giáo Hội buộc, các bạn có thể bù vào bằng việc đọc kinh cầu nguyện tại nhà vào thời điểm thích hợp. Hiện tại, có nhiều người Công giáo thành đạt trong lãnh vực kinh tế, trí thức và họ can đảm tuyên xưng Đức tin, nhận mình là người tín hữu. Họ đang giới thiệu một hình ảnh sống động về người Kitô hữu. Quả thật, Kitô hữu là người hướng về đời sau, nhưng không quên đời này. Họ đang được mời gọi xây dựng thế giới hôm nay trở thành phác thảo đời sau.

Nói đến lao động, người tín hữu Công giáo chúng ta có một mẫu gương tuyệt vời là Thánh Cả Giuse. Thánh Giuse được gọi là “Người công chính” và “Người tôi tớ trung thành”. Là một người thợ mộc ở làng quê Nagiarét, thánh Giuse luôn chuyên cần trong công việc, với ý thức đang sống và làm việc dưới cái nhìn yêu thương của Thiên Chúa. Là người chủ gia đình có Chúa Giêsu và Đức Trinh nữ Maria, thánh Giuse làm việc hết mình và cũng yêu thương hết mình. Khi làm việc, người Kitô hữu cần phải ý thức mình đang làm việc dưới ánh mắt yêu thương của Chúa. Ngài hiểu biết những gì chúng ta làm, những lời chúng ta nói và cách chúng ta ứng xử đối với anh chị em. Làm việc với niềm xác tín vào sự hiện diện của Thiên Chúa, với tình yêu thương anh chị em, đó chính là bí quyết giúp chúng ta nên thánh.

Hãy đến cùng Giuse, nơi ngài, chúng ta sẽ được nâng đỡ. Hãy đến cùng Giuse, nơi ngài, chúng ta sẽ được ủi an. Hãy noi gương thánh Giuse, tin cậy tín thác nơi tình yêu của Chúa, nhờ vậy chúng ta sẽ vượt qua mọi gian khó trên đường đời.

Kính chúc Quý Vị và anh chị em luôn bình an mạnh khoẻ, tìm thấy niềm vui trong chính công việc và bổn phận, nhờ vậy chúng ta nên hoàn thiện.

 

+ Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây