TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Những bông hoa của Chúa

Thứ bảy - 29/05/2021 23:28 | Tác giả bài viết: Thiên Triệu |   1146
Những bông hoa của Chúa

Những bông hoa của Chúa

Chuyện kể rằng có một vị vua trồng cạnh lâu đài mình đủ thứ cây và vườn cây của nhà vua có cảnh sắc tuyệt đẹp. Cảnh sắc ấy cũng là nguồn vui và thư giãn cho nhà vua mỗi khi đi dạo. Rồi một ngày kia vua phải đi xa. Khi trở về, ông vội vã ra thăm vườn và hết sức đau lòng khi thấy cây cối đều trơ trụi.

Ông đến gần cây hoa hồng vốn cung cấp những cánh hoa nhan sắc tuyệt vời, và hỏi xem có chuyện gì đang xảy ra. Cây hoa hồng tâm sự: “Tôi nhìn thấy cây táo kia và tự nhủ chẳng bao giờ mình sản sinh được những trái ngon như thế, rồi tôi chán nản và khô héo dần”.

Nhà vua lại đến thăm cây táo đang tàn úa và nghe nó kể lể: “Tôi nhìn cánh hồng kiêu sa đang tỏa hương và tự nhủ sẽ chẳng bao giờ tôi được đẹp đẽ và dễ thương như thế, rồi tôi bắt đầu khô héo”.

Thế rồi nhà vua phát hiện một cánh hoa bé bỏng vẫn tràn đầy sức sống. Khi được hỏi thăm, cánh hoa tâm sự: “Tôi cũng sắp úa tàn vì thấy mình không thể có vẻ đẹp của đóa hồng, cũng chẳng có trái ngon của cây táo, nhưng rồi tôi tự nhủ: Nếu nhà vua, vốn là người giàu có và quyền lực, không muốn tôi có mặt trong cánh vườn này thì ông đã bứng tôi đi từ lâu rồi. Còn nếu nhà vua muốn giữ tôi lại, hẳn là vì ông muốn tôi là tôi chứ không là cái gì khác. Kể từ đó, tôi vui tươi và vươn cao sức sống hết sức có thể”.

Cảm ơn tác giả Khuyết Danh đã gửi cho tôi câu chuyện dễ thương này trong ngày lễ Các Thánh Nam Nữ. Để giúp tôi hiểu thế nào là nên thánh. Có hàng ngàn, hàng vạn, hàng triệu các vị thánh bé nhỏ như những cánh hoa bé bỏng, không có tên trong niên lịch phụng vụ, cũng chẳng được ai biết đến, nhưng các ngài thật sự là những cánh hoa dễ thương trong vườn hoa của Chúa.

Có những cánh hoa “thương xót” nơi các bà mẹ chịu thương chịu khó, âm thầm chăm sóc bảo bọc con bằng cả tấm lòng mẫu tử.

Có những cánh hoa “nghèo khó” nơi những người cha gia đình, vất vả lao động hằng ngày để lo cho gia đình mà vẫn cố giữ lòng ngay thẳng trước những cám dỗ của bạc tiền.

Có những cánh hoa “thanh khiết” nơi các bạn trẻ vẫn giữ tâm hồn trong veo giữa một thời đại không ngừng mời gọi chuyện dục tình.

Có những cánh hoa “công chính” nơi những con người kiên cường sống ngay thẳng và trung thực dù phải chịu bao nỗi oan khiên.

Còn nhiều lắm những cánh hoa như thế. Còn nhiều lắm những vị thánh như thế, đi giữa lòng đời mà không ai biết đến, và Hội Thánh dành hẳn một ngày để tôn vinh các ngài.

Sự tôn vinh đồng hành với lời kêu gọi nên thánh, cũng là lời kêu gọi sống đúng như mình là, trước nhan Thiên Chúa và trước lương tâm của mình. Sự thất bại của cây hoa hồng và cây táo trong câu chuyện là ở chỗ cả hai không chấp nhận chính mình, mà chỉ “đứng núi này trông núi nọ”. Cuối cùng, không những không được như người khác mà chính vẻ đẹp riêng của mình cũng bị tàn lụi.

Nền văn hóa hiện đại hình thành một thang giá trị cho chính nó, thứ thang giá trị được xây dựng dựa trên “cái có” (sở hữu) chứ không phải “cái là” (hiện hữu). Thang giá trị ấy ngày càng thống trị đời sống xã hội, thúc đẩy con người lao vào việc kiếm tìm sở hữu vật chất hơn là hiện hữu tinh thần, dẫn đến những hệ quả hết sức đáng tiếc. Sự kiện một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ném xác bệnh nhân của mình xuống sông Hồng thật ra chỉ là bề mặt của làn sóng rộng lớn trong xã hội: đặt sở hữu vật chất (uy tín xã hội, lợi nhuận) lên trên hiện hữu tinh thần (sự trung thực, lòng thương xót). Lên án ông bác sĩ này là việc ai cũng làm được, nhưng hãy tự hỏi: bản thân mỗi người sẽ phản ứng ra sao khi đối diện với sự cố trên và nhiều sự cố tương tự trong đời sống, dù nhỏ bé hơn. Khi đó sẽ khám phá ra rằng chính mình cũng đang bị chi phối bởi thang giá trị đang thống trị đời sống xã hội ngày nay.

Tám Mối Phúc Chúa Giêsu công bố được gọi là Hiến Chương Nước Trời vì công bố một thang giá trị hoàn toàn mới, một cuộc cách mạng tinh thần. Ở đó, hiện hữu tinh thần được nêu cao hơn hẳn sở hữu vật chất. Các vị thánh là những người sống theo thang giá trị ấy và trở thành những người làm cho thế giới con người xích lại gần hơn thế giới của Thiên Chúa, cũng là thế giới của bình an và hạnh phúc đích thực. Và mỗi Kitô hữu cũng được mời gọi sống theo thang giá trị ấy.

Thiên Triệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây