TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Phụng Tự tại VN trong 55 năm qua (1960-2015)

Thứ năm - 03/06/2021 03:58 | Tác giả bài viết: UB Phụng tự / HĐGMVN |   1169
Phụng Tự tại VN trong 55 năm qua (1960-2015)

Phụng Tự Tại Việt Nam Trong 55 Năm Qua (1960-2015)

Với Sắc chỉ Chư Huynh Đáng Kính (Venerabilium nostrorum) ngày 24 tháng 11 năm 1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã chính thức thành lập hàng Giáo phẩm tại Việt Nam. Tính đến nay là 55 năm. Vì thế cũng là dịp để nhìn lại việc thực thi các giáo huấn của Công Đồng Chung Vatican II, trong đó có việc cử hành và sống phụng vụ tại Việt Nam, nhất là từ sau khi ban hành Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh).[1]

I. ĐỜI SỐNG PHỤNG TỰ TRƯỚC CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Trong thời gian trước Công Đồng Vatican II, tức là trước năm 1962, năm khai mạc Công Đồng, hay cho đúng hơn, trước khi Công Đồng công bố Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), ngày 4 tháng 12 năm 1963, giáo dân tại Việt Nam cũng như toàn thể Giáo Hội trên thế giới, đã tham dự vào việc cử hành phụng vụ được thực hiện theo những sách phụng vụ và nghi lễ từ Công Đồng Trento (1545-1563): Tất cả phụng vụ được cử hành bằng tiếng Latin; các thừa tác viên là linh mục, phó tế, phụ phó tế, và các chức nhỏ như thầy giúp lễ, đọc sách, trừ quỷ và giữ cửa. Ngoài ra còn có chức cắt tóc và các chú giúp lễ. Vai trò của ca đoàn được coi trọng và hát những bài thánh ca trong phụng vụ bằng tiếng Latin và đôi khi là những bài thánh ca đa âm. Lời Chúa cũng được công bố bằng tiếng Latin.

Giáo dân Việt Nam đi “xem lễ”, và cha thì “làm lễ”. Đó là những kiểu nói rất thông thường. Giáo dân đọc những phần kinh được soạn theo các lời giải thích với nghĩa bóng về các nghi lễ vị linh mục làm hay đọc trên bàn thờ; như trước đây, khi linh mục làm 5 dấu thánh giá trong Thánh lễ, thì được hiểu là 5 dấu thương khó của Chúa. Giáo dân không đối đáp với chủ tế. Họ được đưa vào trong mầu nhiệm cử hành qua đức tin, qua bài giảng và các bài giáo lý về Thánh lễ và các bí tích.

Song song với các buổi cử hành phụng vụ, còn có những buổi cử hành các việc đạo đức bình dân rất thịnh hành và giáo dân tham dự cách sốt sắng: như lần hạt, ngắm đàng Thánh giá, giữ các ngày thứ năm, thứ sáu và thứ bảy đầu tháng, các cuộc rước kiệu, giữ các tháng hoa, tháng Mân Côi, ngắm thương khó, các tuần chín ngày, tam nhật, các phiên chầu lượt,…

Các Giám mục cử hành lễ đại triều tại nhà thờ chánh tòa, hay khi đi thăm mục vụ các họ đạo, với những nghi lễ thật trang trọng và có tính cách huyền nhiệm.

Tất cả những điều này, những ai ngày nay sống vào thế hệ sáu mươi có thể nhận ra được cách rõ rệt sự khác biệt giữa việc cử hành phụng vụ trước và sau công cuộc canh tân phụng vụ này.

II. ĐỜI SỐNG PHỤNG TỰ SAU CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Ngày 4 tháng 12 năm 1963, văn kiện đầu tiên của Công Đồng Vatican II được công bố là Hiến chế “Sacrosanctum Concilium” (Phụng Vụ Thánh). Với Hiến chế này, Công Đồng đã muốn đánh giá đúng mức việc cử hành phụng vụ, vì là “chóp đỉnh” mọi sinh hoạt của Giáo Hội và là “nguồn” mọi sức mạnh và ơn thánh cho Giáo Hội.[2] Hiến chế cũng nhấn mạnh tới việc tham gia tích cực của tín hữu vào buổi cử hành phụng vụ.[3] Lời Chúa cũng là một ưu tư lớn của Công Đồng trong các buổi cử hành phụng vụ.[4] Từ đây, sinh hoạt phụng vụ trong Giáo Hội có những đổi thay.

Tại Việt Nam, luồng gió mới này cũng ảnh hưởng sâu xa vào trong đời sống đạo đức của các tín hữu. Năm 1968, Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam đã nhận định như sau trong bản báo cáo gởi cho Hội đồng Thực thi Hiến chế về Phụng vụ: “Công cuộc canh tân phụng vụ do Công Đồng Chung Vatican II quyết định đã được người công giáo miền Nam Việt Nam tiếp nhận với niềm vui mừng và nhiều hiệu quả. Việc áp dụng các chỉ thị liên hệ tới việc canh tân phụng vụ không gặp phải khó khăn cản trở nào. Trái lại, qua việc thay đổi một số nghi thức và nhất là nhờ việc đem tiếng Việt vào trong các buổi cử hành Thánh lễ và các bí tích, các tín hữu tham dự cách tích cực và ý thức…”.[5]

Phụng vụ rất được chú trọng trong đường hướng chung của Giáo Hội địa phương, đặc biệt trong các cử hành và chầu Thánh Thể. Các tín hữu đến nhà thờ vào các Chúa nhật và lễ trọng chiếm khoảng 85%. Nhiều người tham dự các Thánh lễ ngày trong tuần. Các bí tích và đời sống cầu nguyện được xem như những phương tiện hiệu quả để canh tân đời sống, và mang lại sức mạnh nội tâm để nhiệt thành phục vụ Giáo Hội và xã hội.[6]

Người công giáo Việt Nam rất hưởng ứng các truyền thống tông đồ của Giáo Hội, cách riêng trong phụng vụ. Nhìn chung, các cử hành phụng vụ nơi nhà thờ Chánh tòa và các giáo xứ được thực hiện với một lòng tôn kính đặc biệt.

Trong cộng đoàn các Dòng tu, Chủng viện và các nơi chuyên về đào tạo, các đền thánh và nhà tĩnh tâm, các cử hành phụng vụ được chuẩn bị cách chu đáo và được xem như trung tâm của các sinh hoạt hàng ngày.

Có thể nói rằng các cử hành phụng vụ trên khắp đất nước Việt Nam luôn dựa trên những chỉ dẫn trong các sách phụng vụ và quy tắc của Giáo Hội.

Việt Nam không có những vấn đề lớn về phụng vụ. Tuy nhiên, việc tham dự phụng vụ của giới trẻ có vài khó khăn. Các học sinh trung học phải học thêm nhiều môn, việc học thêm chiếm nhiều thời giờ (đây là vấn đề chung của nền giáo dục Việt Nam ngày nay), cho nên người trẻ công giáo ở độ tuổi này không thể tham dự Thánh lễ cách thường xuyên như khoảng mười năm trước đây.

– Cử hành ngày Chúa Nhật: Có nhiều sáng kiến giúp năng động các cử hành phụng vụ, đặc biệt là vào ngày Chúa Nhật. Nhiều nhà thờ ở thành phố phổ biến các tờ bướm ghi các văn bản Kinh Thánh và các bài suy niệm để giúp giáo dân có phương tiện học hỏi Lời Chúa và tham dự cách tích cực hơn vào các cử hành. Thông thường, các ca đoàn chuẩn bị tốt các bài hát thích hợp cho mỗi cử hành. Cộng đoàn phụng vụ thưa kinh rập ràng và sốt sắng, cách riêng trong lời đáp lại các ý nguyện của lời nguyện tín hữu. Nhiều nơi tổ chức dâng lễ với vũ điệu.

– Các sùng kính bình dân: những hình thức sùng kính bình dân phổ biến nhất là việc tôn kính Thánh Thể, Thánh Tâm, Lòng Chúa Thương xót. Mỗi giáo xứ có các đoàn thể như Thiếu Nhi Thánh Thể, Legio Mariae, Dòng ba Đức Bà Núi Cát Minh, Dòng ba Phanxicô, Dòng ba Đaminh, Các Bà mẹ Công giáo, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm, Mến Thánh Giá Tại thế. Thành viên của các đoàn thể này đóng một vai trò quan trọng trong việc năng động các cử hành phụng vụ tại giáo xứ.

III. CÁC BẢN DỊCH PHỤNG VỤ

Năm 1968, Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam đã xin Tòa Thánh một số năng quyền và một số điểm để thực thi ngay trước khi các sách phụng vụ và các nghi thức được Tòa Thánh tu chính và công bố. Chúng ta sẽ lần lượt nhìn lại sinh hoạt phụng vụ này.

1. Tiếng Việt

Với Sắc Lệnh (Decretum typicum) mang số @ Prot. 787/64 ngày 15-6-1964,[7] Tòa Thánh cho phép Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam được dùng tiếng Việt và một số ngôn ngữ khác của các dân tộc ít người, trong các buổi cử hành phụng vụ theo như các chỉ thị của Hiến chế về phụng vụ và của Tòa Thánh.[8] Từ đây lần lượt các bản dịch sang tiếng Việt đã được thực hiện, theo như các sách phụng vụ Latin được công bố cho toàn thể Giáo Hội.

a. Sách Lễ (Missale Romanum)

– Năm 1965, một số bản dịch tạm và hiện có đã được phép dùng ngay, trong khi chờ đợi các sách phụng vụ Latin được tu chính và công bố theo chỉ thị của Công Đồng Vatican II, như bản dịch “Các thư Thánh Phaolô và các Phúc âm” cho ngày Chúa Nhật, do nhà in Tân Định ấn hành; “Sách Lễ nhỏ” do linh mục P.A.X. và tủ sách Ra Khơi ấn hành; “Sách Lễ” do nhà xuất bản An-Phong ấn hành; “Sách Lễ” do nhà xuất bản Hiện Tại ấn hành.[9]

– Ngày10-9-1965, Tòa Thánh đã cho phép dùng tiếng bản xứ trong các phần của Thánh lễ: các thánh ca riêng cho từng lễ nghi, các lời nguyện và các Kinh Tiền Tụng.[10]

– Ngày 1-2-1968, Tòa Thánh chuẩn y bản tiếng Việt Các Lời nguyện chung ngày Thứ sáu Tuần thánh.[11]

– Ngày 22-4-1971, Tòa Thánh chuẩn y bản dịch tiếng Việt Sách Lễ Rôma theo ấn mẫu Latin thứ nhất, được tu chính sau Công Đồng Vatican II.[12]

– Ngày 7-4-1988, Tòa Thánh đã chuẩn y cho phép dùng tạm bản văn Thánh lễ tiếng Việt kính Thánh Anrê Dũng Lạc, linh mục, và các Bạn tử đạo.[13]

– Ngày 3-11-1988, Tòa Thánh đã chuẩn y cho phép dùng tạm bản văn Thánh lễ tiếng Anh và tiếng Pháp, kính Thánh Anrê Dũng Lạc, linh mục, và các Bạn, tử đạo.[14]

– Ngày 24-11-1999, Tòa Thánh đã chuẩn y bản văn Thánh lễ và Các bài đọc Sách Thánh dùng trong Năm Thánh 2000.[15]

Ngoài ra còn một số bản dịch tiếng Việt khác cũng được Tòa Thánh chuẩn y, như:

– Cho tỉnh Dòng Đaminh: cho dùng tạm bản dịch Việt Nam một vài phần của Nghi thức cử hành Thánh lễ, theo Nghi thức Dòng Đaminh.[16]

– Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế: chuẩn y bản dịch tiếng Việt bản văn các lễ riêng của Dòng.[17]

– Miền Việt Nam các Cha Lazarist và Nữ Tử Bác ái Thánh Vinh Sơn: chuẩn y bản dịch tiếng Việt bản văn các lễ riêng của Dòng.[18]

Năm 1971, Ủy Ban Phụng Tự của Hội Đồng Miền Nam Việt Nam đã cho in và phát hành 24.000 Sách lễ hằng ngày và 25.000 Sách lễ ngày Chúa Nhật; 10.000 cuốn Nghi thức cử hành Bí tích Thêm sức.[19]

b. Nghi thức cử hành Thánh lễ (Ordo Missae)

– Ngày 1-2-1968, chuẩn y bản dịch tiếng Việt Lễ Quy Rôma (Canon Romanus).[20]

– Ngày 17-6-1968, chuẩn y bản dịch các Kinh tiền tụng mới.[21]

– Ngày 30-7-1969, chuẩn y bản dịch Nghi thức cử hành Thánh lễ với Giáo dân.[22]

– Ngày 7-1-1994, chuẩn y bản dịch tạm thời các Kinh Nguyện Thánh Thể dùng trong Thánh lễ cử hành với trẻ em, Thánh lễ Hòa giải, Thánh lễ cầu theo các nhu cầu khác nhau.[23]

– Ngày 10-05-2005, chuẩn y bản dịch Nghi thức Thánh lễ.[24]

c. Sách bài đọc trong Thánh lễ (Lectionarium Missae)

– Ngày 1-4-1970, Tòa Thánh chuẩn y bản dịch tiếng Việt Sách các Bài đọc trong Thánh lễ, Mùa chay và Mùa Phục Sinh. Sau đó là các phần khác của Sách Bài đọc trong Thánh lễ.[25]

d. Các sách cử hành bí tích và á bí tích

– Ngày 15-4-1964 và 27-2-1965, một số bản dịch tạm và hiện có đã được phép dùng ngay để cử hành các bí tích và á bí tích, trong khi chờ đợi các sách phụng vụ Latin được tu chính và công bố theo chỉ thị của Công Đồng Chung Vatican II, như bản dịch của Hiện tại để cử hành bí tích Rửa tội, Hôn phối và nghi thức an táng; bản văn của Tòa Giám mục Vĩnh Long để cử hành bí tích thêm sức; bản văn của các Cha Dòng Chúa Cứu thế ấn hành để dùng khi nhắn nhủ và giảng trong Nghi thức Truyền chức.[26]

– Ngày 15-5-1967, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức Thêm sức.[27]

– Ngày 15-05-1967, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức cử hành bí tích hôn phối.[28]

– Ngày 15-05-1967, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức làm phép dầu dự tòng, dầu bệnh nhân và dầu thánh.[29]

– Ngày 15-05-1967, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức đón tiếp giám mục tại giáo xứ.[30]

– Ngày 01-02-1968, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức xức dầu bệnh nhân và việc mục bệnh nhân.[31]

– Ngày 31-1-1969, cho phép dùng tạm bản dịch tiếng Việt một số các chúc lành theo Sách Các Phép Roma.[32]

– Ngày 30-07-1969, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức truyền chức phó tế và linh mục (ấn bản mẫu lần thứ nhất).[33]

– Ngày 30-07-1969, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức cử hành bí tích hôn phối.[34]

– Ngày 1-4-1970, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức Bí tích rửa tội trẻ con.[35]

– Ngày 21-11-1970, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức an táng.[36]

– Ngày 11-1-1972, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức Thêm sức.[37]

– Ngày 11-01-1972, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức làm phép dầu dự tòng và dầu bệnh nhân, và dầu thánh.[38]

– Ngày 07-04-1972, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức thánh hiến các trinh nữ.[39]

– Ngày 07-04-72, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức khấn dòng.[40]

– Ngày 10-07-1973, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức đặt thừa tác vụ đọc sách, giúp lễ; Nghi thức tiếp nhận vào hàng các ứng viên lên chức phó tế và linh mục; Nghi thức chấp nhận bậc độc thân.[41]

– Ngày 13-3-1974, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức Khai Tâm Kitô giáo cho người lớn.[42]

– Ngày 03-10-1974, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức về việc rước lễ và tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể ngoài Thánh lễ.[43]

– Ngày 04-12-1974, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức Truyền chức giám mục (ấn bản lần thứ nhất).[44]

– Bản dịch Sách Nghi Thức truyền chức giám mục, linh mục và phó tế (ấn bản mẫu lần thứ II) đã được Hội đồng Giám mục Nam Việt Nam cho phép dùng tạm, theo đặc ân của Tòa Thánh ban cho.[45]

– Ngày 04-12-1974, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức xức dầu bệnh nhân và việc mục vụ bệnh nhân.[46]

– Ngày 09-12-1982, chuẩn y bản dịch Sách Nghi Thức đội triều thiên tượng Đức Mẹ.[47]

– Ngày 11-12-1982, chuẩn y bản dịch Công thức giải tội cho từng cá nhân.[48]

– Ngày 17-8-1983, chuẩn y bản dịch công thức giải tội cho nhiều người cùng lúc (giải tội tập thể).[49]

– Ngày 12-12-1985, theo đơn xin của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Tòa Thánh ban cho mọi linh mục và các thừa tác viên được ủy quyền cử hành Bí tích Rửa Tội đặc ân có thể theo công thức đơn sơ trong khi rửa tội cho người lớn. Đặc ân này có giá trị cho đến khi hoàn cảnh cho phép cử hành theo Nghi thức thông thường.[50]

– Ngày 20-02-2008, chuẩn y bản dịch Nghi thức cử hành hôn nhân.[51]

e. Các Giờ kinh Phụng vụ

– Ngày 15-4-1964 và 27-02-1965, Tòa Thánh đã cho phép các Tu sĩ Nam Nữ dùng tạm bản dịch: Kinh nhật tụng nhỏ kính Đức Trinh nữ Maria, do Nhà xuất bản Hiện tại và Mai-Lâm Đoàn Văn Thăng ấn hành.[52]

– Ngày 28-11-1968, chuẩn y bản dịch các thánh vịnh trong cuốn sách “Đức Kitô Lời ca muôn thuở” của Cha An Sơn Vị (Huế 1966).[53]

– Ngày 07-04-1988, chuẩn y để dùng tạm bản dịch bản văn các giờ kinh phụng vụ kính Thánh Anrê Dũng Lạc, linh mục, và các Bạn tử đạo.[54]

– Ngày 24-04-1988, chuẩn y để dùng tạm thời bản dịch tiếng Việt bản văn Phần chung Phụng vụ giờ kinh và Phần chung các thánh tử đạo.[55]

2. Tiếng Bahnar

Ngày 3-12-1968, Tòa Thánh chuẩn y bản dịch tiếng Bahnar các lễ Chúa Nhật và một số lễ khác, Nghi thức cử hành Thánh lễ (Ordinarium Missae) Lễ Quy Rôma (Canon Romanus)được dùng tại Giáo phận Kontum.[56]

3. Tiếng Churu

Ngày 30-4-1966, Tòa Thánh chuẩn y bản dịch tiếng Churu Nghi thức cử hành Thánh lễ (Ordinarium Missae), nghi thức rảy nước thánh (ritus aspersionis aquae benedictae) và nghi thức ban phép lành của Giám mục (ritus benedictionis pontificalis) dùng tại Giáo phận Đà Lạt.[57]

4. Tiếng K’Ho

Ngày 30-04-1966, Tòa Thánh chuẩn y bản dịch tiếng K’Ho Nghi thức cử hành Thánh lễ (Ordinarium Missae), nghi thức rảy nước thánh (ritus aspersionis aquae benedictae), nghi thức ban phép lành của Giám mục (ritus benedictionis pontificalis), Sách lễ Rôma các ngày Chúa Nhật và một số lễ, các ngày trong tuần Mùa Chay; Nghi thức an táng và Thánh lễ an táng, được dùng tại Giáo phận Đà Lạt.[58]

Ngày 3-11-1966, Tòa Thánh phê chuẩn bản dịch tiếng K’Ho phần các lễ các Thánh (Commune Missarum Sanctorum) và nghi thức cử hành bí tích Thêm sức (ritus confirmationis), được dùng tại Giáo phận Đà Lạt.[59]

5. Tiếng K’Ho-pom

Ngày 18-11-1971, Tòa Thánh phê chuẩn bản dịch tiếng K’Ho-pom Nghi thức cử hành Thánh lễ (Ordo Missae), được dùng trong Giáo phận Đà Lạt.[60]

6. Tiếng Pháp

Ngày 15-6-1964 và 27-2-1965, Tòa Thánh cho phép dùng tiếng Pháp trong phụng vụ tại Việt Nam. Sách bài đọc: Lectionnaire Latin-francais; bản văn dùng cho các phần khác để cử hành Thánh lễ: Các bản văn đã được thẩm quyền hợp pháp của vùng nói tiếng Pháp chuẩn y.[61]

7. Tiếng Anh

Ngày 15-6-1964 và ngày 27-2-1965, Tòa Thánh cho phép dùng tiếng Anh trong phụng vụ tại Việt Nam. Sách bài đọc: bản văn do “Confraternity of Christian Doctrine”; bản văn dùng cho các phần khác để cử hành Thánh lễ: Các bản văn đã được thẩm quyền hợp pháp của vùng nói tiếng Anh chuẩn y.[62]

8. Tiếng Trung Hoa

Ngày 15-6-1964 và ngày 27-2-1965, Tòa Thánh cho phép dùng tiếng Trung Hoa trong phụng vụ tại Việt Nam. Bản văn dùng cho các phần khác để cử hành Thánh lễ: Các bản văn đã được thẩm quyền hợp pháp của vùng nói tiếng Pháp chuẩn y.[63]

Cùng những ngày này, Tòa Thánh cũng cho phép dùng các sách để cử hành các bí tích và á bí tích bằng tiếng Anh, Pháp và Trung Hoa, trong đó cũng đã cho phép dùng bản dịch được các thẩm quyền liên hệ chuẩn y.[64]

Một vài nhận xét

Cho tới năm 1973, hầu hết các sách phụng vụ tiếng Latin (ấn bản mẫu) được tu chính sau Công Đồng Vatican II đã được dịch sang tiếng Việt. Phải công nhận là bản dịch chưa hoàn hảo, vì nhiều lý do, như thiếu chuyên môn làm việc thường xuyên, thiếu thời giờ, rồi các khó khăn từ sau năm 1975. Nhưng các bản dịch này là những kết quả tích cực đã thực hiện tại Việt Nam.

Những cuốn chưa được dịch hoặc chưa được chuẩn y, như Ordo paenitentiae (1973) [62]; Ordo dedicationis ecclesiae et altaris (1978); Ordo Lectionum Missaeeditito typica altera(1981); De Benedictionibus (1984); Caeremoniale Episcoporum (1984); Collectio Missarum de Beata Maria Virgine et Lectionarium pro Missis de Beata Maria Virgine (1986); De Exercismis et supplicationibus quibusdam (1999), Liturgia HorarumOfficium lectionis (các bài đọc Kinh thánh và các Giáo phụ).

Ngày nay, Hội đồng Giám mục đã cho tu chính lại dần dần các bản dịch trước đây, bắt đầu với Sách lễ Rôma (1992) và hiện thời đang xem xét lại bản văn này và sẽ cập nhật hóa theo Sách Lễ Rôma, ấn bản mẫu lần thứ III.

IV. VĂN BẢN PHỤNG VỤ TIẾNG VIỆT

Ngày 07-01-1994, Tòa Thánh đã chấp thuận tạm thời bản văn tiếng Việt Thánh lễ dịp Tất Niên và Tân Niên âm lịch;[65] Thánh lễ Tết Trung Thu;[66] và Lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam.[67]

Năm 1988, dịp phong thánh cho 117 vị Tử đạo tại Việt Nam, Tòa Thánh cũng đã phê chuẩn bản văn tạm thời Thánh lễ các Thánh Tử đạo.[68]

Ngoài ra còn một số bản văn phụng vụ tiếng Việt khác cũng Tòa Thánh chấp thuận như: Tại Giáo phận Đà Nẵng, ngày 12-06-2000, có bản văn tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp Lời nguyện nhập lễ kính Chân Phước Anrê Phú Yên, tử đạo.[69]

Trong kinh nguyện Thánh thể

Tòa Thánh cũng đã phê chuẩn việc thêm vào Kinh nguyện Thánh Thể lời cầu cho các người quá cố với công thức như sau: “… đặc biệt các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ, và thân bằng quyến thuộc chúng con…”.

V. CÁC THÍCH NGHI TRONG PHỤNG VỤ

Chúng ta thử điểm lại một số các điểm thích nghi trong Nghi lễ cử hành Thánh lễ mà thẩm quyền Giáo Hội tại Việt Nam đã quyết định.

1. Về lễ nghi

Vào năm 1974, Ủy ban Giám mục về Phụng vụ, vào ngày 25-09-1974, đã ra thông cáo như sau:[70]

“Ủy ban Giám mục về Phụng vụ xin trân trọng thông báo: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, trong phiên họp ngày 12-6-1974, tại Tu viện Phước Sơn, Thủ Đức, đã đồng ý cho các nơi thí nghiệm những điểm sau đây:

1/. Có thể bái gối hoặc cúi mình.

2/. Có thể sử dụng tiếng tôi, chúng tôi, hoặc chúng con.

3/. Có thể xông hương như xưa nay, hoặc bỏ hương vào lư, hoặc đốt hương nén (nhang), và cắm vào bát hương.

Những gì Hội đồng Giám mục chưa cho phép (như cho rước lễ trong tay…) các nơi chưa được phép áp dụng”.

Vào năm 1992, Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã ra thông cáo do Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm, Chủ tịch, ký tại Đà Lạt ngày 1-1-1992, với những thích nghi như sau:

– Ở số 4 qui định: Trong các Thánh lễ:

a/. Dùng kiểu “cúi mình” thay cách “bái gối”.

b/. Dùng chữ “con” thay chữ “tôi” trong các kinh, trừ trong kinh “Cáo mình” và kinh “Tin kính” (Sách lễ sau này, in sao thì đọc như vậy).

c/. Có thể hoặc dùng “bình hương” hoặc “xông hương”, hoặc dùng “lư hương” và “dâng hương”.

d/. Phụ nữ được đọc bài sách Thánh (trừ bài Phúc âm, là dành cho Phó tế hoặc Chủ tế, và đọc tại chỗ được chỉ định như nam giới. Cả hai phải mang y phục đoan trang, xứng đáng.

e/. Có thể chỉ đọc hai bài sách Thánh, khi phải đọc 3 bài (nhưng luôn giữ bài Phúc âm). Và xướng: Trích Sách… hoặc Thư… Phúc âm hoặc Tin Mừng Đức Giêsu Kitô theo Thánh…

f/. Về lời nguyện chung: trong khi chờ đợi Hội đồng Giám mục công bố một số bản mẫu mới, Hội đồng Giám mục xin mỗi Giáo phận cố gắng soạn thảo một bản mẫu để tạm dùng trong Giáo phận và để góp phần xây dựng các bản mẫu chung sau này cho tất cả các Giáo phận.

g/. Trong việc ban bình an và biểu thị bình an, chủ tế và cộng đoàn Giáo Hội trao nhận bình an trong câu chúc: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”. Đ/. “Và ở cùng Cha”. Và không làm cử chỉ khác. Còn sau câu “Anh (chị) em hãy chúc bình an cho nhau”, nói với cộng đoàn hiện diện, thì:

+ Chủ tế ban hoặc trao hôn bình an cho mấy vị đồng tế đứng gần (và cho phó tế) bằng kiểu áp má một lần và nói: “Bình an của Chúa ở cùng cha (thầy)”; “Và ở cùng cha”.

+ Các vị đồng tế khác cũng làm như vậy cho nhau.

+ Giáo dân quay vào và cúi chào nhau để biểu thị bình an và bác ái.

– Ở số 6 qui định: “Hội đồng Giám mục sẽ chỉ thị về các bài hát, đặc biệt các bài ca nhập lễ, dâng lễ, hiệp lễ, Kinh Lạy Cha trong các Thánh lễ cũng như về cung hát của Chủ tế và các thừa tác viên”.

Theo hai Thông cáo này, chúng ta đã nhận ra được một số điểm thích nghi đem vào trong Nghi thức cử hành Thánh lễ, theo văn hóa và truyền thống Việt Nam.

 

UB Phụng tự / HĐGMVN

 


[1] Công Đồng Vatican II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium (Phụng Vụ Thánh), 4-12-1963.

[2] x. Ibid., số 7.

[3] x. Ibid., số 14 và các chỗ khác.

[4] x. Ibid., số 24.

[5] Bản Tường trình của Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam gởi Tòa Thánh, x. Notitiae4 (1968), 265-266.

[6] x. Thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, năm 2001, số 21.

[7] @ là ký hiệu để chỉ các bản dịch tiếng Việt của các sách phụng vụ trước Công Đồng Vatican II. Tòa Thánh chuẩn y cho phép dùng tạm cho tới khi các sách phụng vụ được tu chính theo các chỉ thị của Công Đồng Vatican II và được dịch sang tiếng bản xứ.

[8] x. Notitiae 1 (1965), 52-53.

[9] Các sắc lệnh số @ Prot. 787/64, ngày 15-4-1964 và @ Prot. 787/65, ngày 27-2-1965, Notitiae 1 (1965) 52-53.

[10] @ Prot. 3436/65, Notitiae 1 (1965) 324-325.

[11] Sắc lệnh số @ Prot. A. 54/68, x. Notitiae 4 (1968) 92.

[12] Sắc lệnh số Prot. 953/71, x. Notitiae 7 (1971) 257.

[13] Sắc lệnh số Prot. CD 269/88, x. Notitiae 24 (1988) 327.

[14] Sắc lệnh số Prot. CD 1413/88, Notitiae 24 (1988) 874.

[15] Sắc lệnh số Prot. 2673/99/L, x. Notitiae 35 (2000).

[16] Sắc lệnh số @ Prot. 2863/65, ngày 16-6-1965, x. Notitiae 1 (1965) 201.

[17] Sắc lệnh số @ Prot. A. 369/67, ngày 12-06-1967 và Prot. n. 436/67, ngày 24-06-1967, x. Notitiae 3 (1967) 334.

[18] Sắc lệnh số @ Prot. A. 191/69, ngày 31-01-1969, x. Notitiae 5 (1969) 73.

[19] Bản báo cáo của Hội Đồng Giám Mục Miền Nam Việt Nam gởi Tòa Thánh, năm 1972, x. Notitiae 8 (1972) 72-75.

[20] Sắc lệnh số @ Prot. A. 54/68, x. Notitiae 4 (1968) 92.

[21] Sắc lệnh số @ Prot. A. 204/68, x. Notitiae 4 (1968) 230.

[22] Sắc lệnh số Prot. 884/69, x. Notitiae 5 (1969) 357.

[23] Sắc lệnh số Prot. 2446/93/L, x. Notitiae 30 (1994) 324.

[24] Sắc lệnh số Prot. 2228/03/L.

[25] Sắc lệnh số Prot. 1519/70, x. Notitiae 7 (1970) 269.

[26] Các sắc lệnh @ Prot. 787/64 và Prot. 787/65, x. Notitiae 1 (1965) 52-53.

[27] Sắc lệnh số @ Prot. A. 344/67, x. Notitiae 3 (1967) 215.

[28] Sắc lệnh số @ Prot. A. 344/67, x. Notitiae 3 (1967) 215.

[29] Sắc lệnh số @ Prot. A. 344/67, x. Notitiae 3 (1967) 215.

[30] Sắc lệnh số @ Prot. A. 344/67, x. Notitiae 3 (1967) 215.

[31] Sắc lệnh số @ Prot. A. 54/68, x. Notitiae 4 (1968) 92.

[32] Sắc lệnh số @ Prot. A. 109/69, x. Notitiae (1969) 70.

[33] Sắc lệnh số Prot. 884/69, x. Notitiae 5 (1969) 357.

[34] Sắc lệnh số Prot. 884/69, x. Notitiae 5 (1969) 357.

[35] Sắc lệnh số Prot. 1519/70, x. Notitiae 6 (1970) 269.

[36] Sắc lệnh số Prot. 3659/70, x. Notitiae 7 (1971) 56.

[37] Sắc lệnh số Prot. 2190/71, x. Notitiae 8 (1972) 111.

[38] Sắc lệnh số Prot. 2190/71, x. Notitiae 8 (1972) 111.

[39] Sắc lệnh số Prot. 506/72, x. Notitiae 8 (1972) 141.

[40] Sắc lệnhh số Prot. 506/72, x. Notitiae 8 (1972) 141.

[41] Sắc lệnh số Prot. 677/73, x. Notitiae 9 (1973) 254.

[42] Sắc lệnh số Prot. 676/73, x. Notitiae 10 (1974) 234.

[43] Sắc lệnh số Prot. 2153/74, x. Notitiae 10 (1974) 400.

[44] Sắc lệnh số Prot. 116/74, x. Notitiae 11 (1975) 105.

[45] Sắc lệnh số Prot. 117/74, x. Notitiae 11 (1975) 105.

[46] Sắc lệnh số Prot. CD 1192/82, x. Notitiae 19 (1983) 19.

[47] Sắc lệnh số Prot. 1133/82, x. Notitiae 19 (1983) 19.

[48] Sắc lệnh số Prot. CD 306/83, x. Notitiae 19 (1983) 563.

[49] Sắc lệnh số Prot. CD 1599/85, x. Notitiae 22 (1986) 10.

[50] Sắc lệnh số Prot. 1407/06/L.

[51] Các Sắc lệnh số @ Prot. 787/64, và Prot. 787/65, x. Notitiae 1 (1965) 52-53.

[52] Sắc lệnh số @ Prot. A. 413/68.

[53] Sắc lệnh số Prot. CD 269/88, x. Notitiae 24 (1988) 394.

[54] Sắc lệnh số Prot. CD 5879/88, x. Notitiae 24 (1988) 394.

[55] Sắc lệnh số Prot. A. 418/68.

[56] Sắc lệnh số Prot. 1226/66.

[57] Sắc lệnh số Prot. 1226/66.

[58] Sắc lệnh số Prot. 2811/66.

[59] Sắc lệnh số Prot. 97/71.

[60] Sắc lệnh số Prot. 787/64 và và số Prot. 787/65, x. Notitiae 1 (1965) 52-53.

[61] Các sắc lệnh số Prot. 787/64 và Prot. 787/65, x. Notitiae 1 (1965) 52-53.

[62] Các sắc lệnh số Prot. 787/64 và Prot. 787/65, x. Notitiae 1 (1965) 52-53.

[63] x. Notitiae 1 (1965) 52-53.

[64] Về Ordo paenitentiae, chúng ta mới thấy có bản dịch hai công thức tha tội cho từng cá nhân và tha tội tập thể như chúng ta thấy trên đây. Toàn bộ cuốn Ordo paenitentiae chưa được dịch ra tiếng Việt.

[65] x. Sách Lễ tiếng Việt, năm 1992, tr. 1037-1045.

[66] Ibid., tr. 1046-1047.

[67] Ibid., tr. 736-737. Sắc lệnh số Prot. 2444/93/L.

[68] Sắc lệnh số Prot. CD 269/88, ngày 07-04-1988. Bản văn tiếng Latin Thánh lễ này đã được đưa vào trong Sách Lễ Rôma tiếng Latin.

[69] Sắc lệnh số Prot. 399/00/L.

[70] Gm. Giuse Phạm Văn Thiên, “Thông cáo số 06/74 của Ủy ban Giám mục về Phụng vụ”, trong Phụng Vụ 24 (1974) 7.

 

http://catechesis.net/index.php/than-hoc/phung-vu-bi-tich/phung-vu-tong-quat/2785-phung-tu-tai-viet-nam-trong-55-nam-qua-1960-2015

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây