TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm B

“Bà góa nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết”. (Mc 12, 38-44)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Hòa rượu với nước trong thánh lễ

Thứ năm - 03/06/2021 03:16 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Phạm Đình Ái, sss |   1498
Hòa rượu với nước trong thánh lễ

Hòa rượu với nước trong thánh lễ

Nghi thức cử hành

Theo Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma (QCSL) số 141 và Nghi thức Thánh Lễ (OM) số 23: Tại bàn thờ, vị tư tế tiếp nhận đĩa thánh có bánh; rồi hai tay cầm đĩa, nâng lên cao một chút (aliquantulum elevatam) mà đọc thầm: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên bánh trường sinh cho chúng con” đoạn đặt đĩa có bánh trên khăn thánh. Sau đó, người giúp lễ trao các bình rượu, nước cho vị tư tế đứng phía cạnh bàn thờ, vị tư tế rót rượu và một chút nước vào chén thánh, đọc thầm: “Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Ðấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con” (QCSL số 142 và OM 24). Trở lại giữa bàn thờ, vị tư tế hai tay cầm chén, nâng cao một chút (aliquantulum elevatam) mà đọc nhỏ tiếng: “Lạy Chúa là Chúa Cả trời đất, chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con rượu này là sản phẩm từ cây nho và công lao của con người, chúng con dâng lên Chúa để trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con” (OM 25), rồi đặt chén trên khăn thánh, tùy nghi đậy tấm che hay không.1 Nếu không hát khi dâng tiến lễ phẩm hay không chơi đàn, thì vị tư tế được phép, khi dâng tiến bánh và rượu, đọc to tiếng những công thức chúc tụng, và cộng đoàn tung hô: “Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời” (QCSL 142).

Vài nét lịch sử và ý nghĩa nghi thức

Việc hòa nước vào rượu là một tập tục đã có trong phụng vụ cổ xưa ở cả Đông lẫn Tây phương. Đây cũng là một thực hành quen thuộc trong xã hội thuở xưa. Trước hết là vì lý do thực tiễn: bấy giờ người ta thường làm ra rượu nguyên chất rất mạnh để có thể giữ được lâu, bởi thế mỗi khi muốn uống rượu, người uống thường phải pha thêm nước vào nhằm mục đích giảm nồng độ của rượu để có thể uống được và để cảm thấy rượu ngon hơn: “Cũng như chỉ uống nguyên rượu hoặc nguyên nước thì không tốt, nhưng uống rượu có pha nước thì mới ngon lành và thú vị; cũng vậy, nếu trình thuật được xếp đặt gọn gàng và hấp dẫn thì làm sướng tai người đọc truyện” (2 Mcb 15,39).2
Trong Kitô giáo, các tín hữu thời Giáo hội sơ khai vẫn theo tập tục này khi cử hành Thánh Thể. Sau này, phụng vụ giải thích hành vi hòa nước vào trong rượu mang tính biểu tượng như sau:

1] Bên Tây phương: việc hòa chung nước vào rượu tượng trưng cho sự kết hợp làm một giữa các tín hữu với Chúa Kitô, là Đầu Nhiệm thể Hội Thánh (Dz 1320), rượu tiếp nhận nước như thế nào thì Chúa Kitô cũng tiếp nhận chúng ta và cả tội lỗi chúng ta vào trong Ngài như vậy. Vào thế kỷ VIII, trong Điệp xướng tôn vinh Đức Maria, người ta đọc thấy lời ước nguyện này: “Như nước và rượu trong chén thánh không thể nào tách rời được, vì thế xin cho chúng con đừng bao giờ tách rời khỏi Chúa Cha và Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và Con Chiên Cứu Độ”.3

Ngay từ thế kỷ II, khi tường thuật về Nghi thức Thánh lễ, thánh Justinô đã nhắc tới việc pha nước vào rượu: “Rồi một người sẽ mang bánh và một chén rượu đã hòa với nước lên cho vị chủ tọa trên anh em” 4.

Trong một bức thư của thánh Cyprianô thành Carthage hồi thế kỷ III (200/210-258), ngài viết: “Chúng ta biết rằng nước tượng trưng cho các tín hữu trong khi rượu tượng trưng cho máu Đức Kitô. Khi nước được kết hợp với rượu trong chén thánh, các tín hữu được nên một với Đức Kitô; những người tin (muôn dân = Giáo hội) được tham dự và hợp nhất với Ngài là Đấng họ tin” (Lá thư 63); Ngài cũng viết cho Cecilius: “Nếu ai đó chỉ dâng rượu, rượu khởi sự để trở thành máu của Đức Kitô, thì không có chúng ta; Cũng vậy, nếu chỉ dâng nước, thì chỉ có dân chúng mà không có Đức Kitô. Nhưng khi cả hai được hòa trộn và hòa nhập với nhau bởi sự nên một khăng khít, Bí tích thiên đàng và thiêng liêng được hoàn tất”. 5

Lời giải thích này có nền tảng trong sách Khải huyền 17,15, trong đó thánh Gioan coi nước tiêu biểu cho muôn dân.

2] Bên Đông phương thì nhấn mạnh đến hình ảnh máu và nước từ cạnh sườn Chúa chảy ra. Vì thế, khi pha nuớc vào rượu người ta đọc câu 19, 34 trích trong Tin Mừng Gioan: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Chúa. Tức thì, nước cùng máu chảy ra…”6. Sự kiện này biểu trưng cho ngày khai sinh Giáo hội và các Bí tích.7 Công đồng Florence (1439) và Trentô (1545 -1563) yêu cầu các tư tế phải hòa nước vào rượu trong chén thánh vừa vì có lẽ Đức Kitô đã làm như thế, vừa vì máu và nước từ cạnh sườn Người chảy ra khi Người chịu treo trên thập giá. Phát biểu của Công đồng không phải là giáo huấn về đạo lý đức tin nhưng chỉ ra sự đồng ý về biểu tượng này trong các Giáo hội khác nhau của cả bên Đông lẫn bên Tây phương, cụ thể là Giáo hội Armenia và La Mã.8

3] Rượu và nước còn tượng trưng cho thiên tính (rượu) và nhân tính (nước) của Chúa Giêsu, hoặc là mối hiệp thông giữa Chúa Kitô (rượu) và Giáo hội (nước). Cũng có thể hiểu về mầu nhiệm Nhập thể: Con Thiên Chúa làm con của loài người để con của loài người trở nên con Thiên Chúa. Ơn gọi của chúng ta là được thông dự vào sự sống thần linh của Đức Kitô, để trở nên “người dự phần vào bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1,4).9 Đó là lý do ngày xưa Giáo hội dùng lời kinh: “Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Ðấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con” (OM 24) làm Lời nguyện Nhập lễ trong lễ Giáng sinh nhằm kính mừng sự hiệp nhất giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại nơi Chúa Kitô.

Sách Ordo Romanus I (thế kỷ VIII) có chứa lời hướng dẫn thầy phụ phó tế tiếp nhận nước và trao cho vị tổng phó tế. Vị này đổ nước vào trong chén rượu theo hình Thánh giá.10 Sách lễ 1474 thì ghi lại lời nguyện đi kèm với việc hòa nước vào rượu. Năm 1523, Luther đã chất vấn việc sử dụng nước hòa vào với rượu vì cho rằng đó chỉ là sáng kiến của loài người, do đó không nên là một nghi thức bắt buộc.11 Thế nhưng, theo tinh thần của Công đồng Trentô, Sách lễ 1570 vẫn giữ lại và nhấn mạnh nghi thức này với lời nguyện kèm theo như đã có trong Sách lễ 1474. Lời nguyện này đã được rút vắn lại kể từ Sách lễ 1970.12

Ngày nay, khi pha nước vào rượu linh mục đọc thầm kinh: “Nhờ dấu chỉ nước hòa rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Ðấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con.” (OM 24). Kinh này gợi lại bài thánh ca trong thư của thánh Phaolô gởi cho Philiphê: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,8). Kinh này do Đức Lêô I soạn [trong sách Sacramentarium Leonianum] để làm Lời nguyện Nhập lễ trong lễ Giáng sinh là lễ mừng sự hiệp nhất giữa bản tính Thiên Chúa và bản tính nhân loại nơi Chúa Kitô, mở rộng ra đến Bí tích Thánh Thể. Điều này phù hợp với quan niệm của Gíao hội Đông phương như đã nói trên.13

Đổ nước vào tất cả chén rượu hay chỉ một chén?

Nếu sử dụng một chén thánh trong thánh lễ thì việc hòa nước vào rượu thật đơn giản. Tuy nhiên, trong trường hợp phải sử dụng nhiều chén thánh trong thánh lễ đồng tế hay thánh lễ cho rước lễ dưới hai hình, vị tư tế hay phó tế làm nhiệm vụ hòa nước vào rượu thường bị ngập ngừng đắn đo không biết chắc chắn phải đổ nước vào tất cả các chén hay không? Câu trả lời được tìm thấy trong bức thư của Đức Tổng Giám mục J. Augustino Di Noia, OP đề ngày 30/4/2012 (Prot. N. 1193/11/L). Với vai trò là Thư ký của Bộ Phụng tự Thánh và Kỷ luật Bí tích bấy giờ, ngài khẳng định quan điểm của Bộ này là chỉ cần đổ chút nước vào chén rượu được sử dụng bởi chủ tế là đủ [theo đòi hỏi của Giáo luật điều 924 # 1: “Hy lễ Thánh Thể phải được cử hành bằng bánh và rượu có pha chút nước”]. Ngài nói thêm, tất nhiên, sẽ không bị coi là sự lạm dụng phụng vụ nếu đổ nước vào tất cả các chén rượu khác. Dầu phát biểu như vậy, tác viên Thánh Thể nên chọn cách thực hành thứ nhất, nghĩa là là chỉ cần đổ chút nước vào chén rượu được sử dụng bởi chủ tế, vì nghi thức hòa nước vào rượu không quan trọng đến nỗi phải kéo dài thêm bằng cách đổ nước vào từng chén rượu.

Hơn nữa, tại những nơi tuân giữ việc cho rước lễ dưới hai hình với cả chục chén rượu được mang lên thì thực hành thứ hai trở thành phức tạp không cần thiết. Bởi thế, một cách cụ thể, trong phần chuẩn bị lễ vật, bên cạnh việc đặt tất cả bình thánh trên bàn thờ, vị đồng tế hay thầy phó tế nên đặt tất cả các chén rượu trên bàn thờ trước ngoại trừ chén rượu được sử dụng bởi chủ tế. Với chén rượu này, đứng ở vị trí gần chủ tế, vị đồng tế hay thầy phó tế sẽ đổ một chút nước vào trước khi trao cho chủ tế. Như vậy, cho dẫu có sử dụng nhiều chén rượu trong thánh lễ, cách thực hành này sẽ làm cho phần chuẩn bị lễ vật trở thành đơn giản hơn như thể chỉ có một chén rượu mà thôi.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS

________________________________________
1 Kevin W. Irwin, Responses to 100 Questions on The Mass (New Jersey: Paulist Press, 1999), 84.
2 Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith (Washington DC: FDLC, NE, 2003), 67; A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ (knhxb, knxb), 54.
3 Adoft Adam, Eucharistic Celebration: The Source and Summit of Faith (Minnesota: A Pueblo Book, The Liturgical Press,1994), 59.
4 Justin, First Apology 67. Trích lại trong Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 54.
5 Ad Caecilianum 13, trích lại từ Jean Yves Garneau, SSS, Discovering the Eucharist, trans. Conrad Goulet, SSS (Makati: St. Paul Publications, 1991), 101; từ Paul Turner, The Supper of the Lamb, 54.
6 Trần Đình Tứ, Phụng vụ Thánh lễ (Sài Gòn: ĐCV Thánh Giuse, 1997), 105.
7 Adoft Adam, Eucharistic Celebration: The Source and Summit of Faith, 59.
8 Johannes H. Emminghaus, The Eucharist - Essence, Form, Celebration (Minnesota: The Liturgical Press, 1997), 164.
9 Lawrence J. Johnson, The Mystery of Faith, 67; Edward Sri, A Biblical Walk through the Mass (Pennsylvania: Ascension Press, 2011), 89.
10 OR I: 80, trích lại trong Paul Turner, The Supper of the Lamb, 54.
11 Xc. Luther’s Works, vol. 53, Liturgy and Hymns, edited by Ulrich s. Leupold (1965, 1973, Fortress Press, Philadelphia), 26-27.
12 Paul Turner, The Supper of the Lamb, 54.
13 Xc. A. M. Roguet, Tìm hiểu Thánh lễ, 55.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây