TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

CN34TNb - Đức Giêsu Kitô, Vua Vũ Trụ

“Quan nói đúng: Tôi là Vua”. (Ga 18, 33b-37)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tính dục mầu nhiệm

Thứ hai - 31/05/2021 22:08 | Tác giả bài viết: Gm Louis Nguyễn Anh Tuấn |   681

TÍNH DỤC MẦU NHIỆM


WHĐ (24.6.2020) – Con người được tạo dựng có nam có nữ. Hai người khác giới nhưng cùng một bản tính người, gọi là nhân tính. Nhân tính họ có chung ấy là đồng nhất tính hay căn tính (identity) của con người. Còn giới tính nam và nữ khác biệt là dị biệt tính (difference). Họ có chung một căn cước lưỡng tính được biểu lộ ra là một người nam hoặc một người nữ.

1. Tại sao lại có sự khác biệt nam nữ ấy? Ý nghĩa của sự dị biệt giới tính là gì?

Giới tính (hay phái tính) làm nên sự khác biệt. Giới tính tạo nên một giới hạn trong bản tính nhân loại vốn luôn luôn và chỉ tồn tại trong tư cách như là một người nam (giống đực) hoặc như là một người nữ (giống cái). Không bao giờ và cũng sẽ không bao giờ có một ai đó với đầy đủ nhân tính toàn thể độc lập, mà chỉ có thể là một phần (hay một khía cạnh) của nhân tính ấy, như là nam hay là nữ, mà thôi. Nơi đầu tiên biểu lộ sự phân chia này là thân xác. Giới tính khác biệt này thâm nhập khắp thân xác đến tận cùng các tế bào. Cha mẹ góp phần di truyền cho con từ trong thai mẫu đã xác định thai nhi là nam hay nữ.

Dị biệt giới tính không là giới hạn duy nhất của con người. Giới hạn là số phận của con người, một hoàn cảnh đặc thù của tình trạng thụ tạo vốn hữu hạn vì nó chỉ tham dự vào Hữu thể chứ không là toàn thể Hữu thể. Thế nhưng sự giới hạn ấy có ích cho con người vì buộc nó phải cởi mở ra trong tương giao phụ thuộc để đón nhận cái mình còn thiếu và được bổ túc cho phong phú. Giới tính nam-nữ dị biệt của con người thuộc về tình trạng giới hạn ấy của hữu thể hữu hạn, cũng là một thiện ích của tình trạng hữu hạn này. Chính sự giới hạn ấy sẽ giúp con người vươn tới sự thành toàn viên mãn của mình. Theo nghĩa đó, tình trạng bất tất mong manh là dấu chỉ và là cơ hội để hướng ta về tha nhân. Người nam và người nữ tìm kiếm nhau để gặp nhau, hiến thân cho nhau và kết hợp nên một mầu nhiệm khôn thấu. Sự dị biệt giới tính như là một giới hạn nhân học kêu gọi và chuẩn bị cho một quan hệ giúp ta sống tương trợ bổ túc, nhờ sự trao hiến cho nhau trong một xương một thịt.

Chính sự giới hạn bởi dị biệt giới tính này làm nổi bật hình ảnh của Thiên Chúa trong mối quan hệ nam-nữ. Chính nó khiến cho người nam và người nữ có thể phản chiếu imago Dei: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình […]. Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Ta không thể khẳng định điều ấy nơi các hữu thể thuần túy thiêng liêng, vì họ hoàn hảo hơn xét theo yếu tính tồn hữu của họ, họ không cần được bổ túc và hội ngộ trong một kết hợp nhất thể lưỡng cực (dual unity) như loài người. Mỗi hữu thể thuần thiêng đã thể hiện trọn vẹn loài của mình. Như vậy, dẫu hoàn hảo hơn loài người vì gần Hữu thể thần linh hơn, nhưng hữu thể thuần thiêng lại kém là hình ảnh Thiên Chúa hơn người nam và người nữ, qua sự trao hiến cho nhau.

2. Tính dục: một cơ hội cho quan hệ

Giới tính phân li hai con người nam và nữ khác biệt và đánh dấu sự dị biệt tính dục. Thế nhưng, họ không tồn tại để mà chia li và sống đơn độc, điều đó trái nghịch với ý nghĩa của thân phận thụ tạo của họ. Sự giới hạn đặc trưng của họ bộc lộ một sự khiếm khuyết cần được lấp đầy, đó là tha nhân, một con người khác. Làm thế nào để lấp đầy khoảng trống này? Phải có một quan hệ khả dĩ giúp họ vượt qua được nỗi cô đơn của mỗi người như thế nào đó để họ gần gũi, lôi cuốn, chinh phục, yêu thương, dâng hiến và kết hợp nên một với nhau. Tính dục – quy định bởi giới tính – liên quan trước hết đến cấu hình thể xác của một nhân vị, là nam hay nữ và từ đó liên hệ đến chức năng của thân xác ấy như khả năng tương quan và dâng hiến cho nhau đến mức tạo sinh.

Tính dục bén rễ trong thân xác con người từ khi tượng thai, một thân xác đã phân giới, là nam hay là nữ, quy định bởi nhiễm sắc thể, được phát triển lớn dần cùng với hệ sinh dục, các nội tiết tố, cơ quan sinh dục, não bộ và tâm lý thay đổi theo các giai đoạn tùy giới tính. Tính dục không chỉ là những hoạt động sinh dục[1], không chỉ là sinh lý, mà bao gồm rộng hơn nhiều liên quan đến toàn bộ thân xác, đánh dấu nơi phần lớn những bộ phận cơ thể nhạy cảm và những phần phát triển thứ yếu của ngoại hình như giọng nói, tóc tai, da dẻ, ngực, …, bao hàm toàn thể phạm vi tâm-thể-lý của con người. Nhưng tính dục có tầm quan trọng đặc biệt vì qua đó diễn đạt tình yêu dâng hiến trọn vẹn và mở ra với sự sống.

Hẳn là, tính dục của thân xác không phải là một sự kiện phù phiếm, nhưng là một dữ kiện cơ bản và nền tảng của thực tại làm phát triển và nội tâm hóa căn tính của ta[2]. Chính khởi đi từ thân xác phân giới (thân xác của một người nam, của một người nữ) sống trong bối cảnh những tương quan liên vị phong phú mà chủ thể phát triển dần đến mức trưởng thành giới tính nam/nữ của mình, và từ đó khẳng định căn cước giới tính của mình (là đàn ông hay đàn bà) và cùng với nó khẳng định căn tính ngôi vị của mình (tôi là một người đàn ông hay tôi là một người đàn bà)[3]-[4]. Thai nhi phải thực hiện một quá trình dài và nhọc nhằn việc nội tâm hóa để mỗi ngày hình thành một rõ nét hơn nhân dạng của mình. Em bé kết nối trực tiếp với tính dục vốn trước hết ở trong cơ thể của em và rồi dẫn em đi vào các mối quan hệ, và chính những quan hệ này lại nuôi dưỡng tâm lý của em[5]. Những giai đoạn tiến triển tâm lý này được nhận thức và tổ chức xoay quanh các thời kì của trẻ khám phá vùng miệng, hậu môn, dương vật, bộ phận sinh dục, là thời gian tính dục phát triển. Sự kích thích khơi dậy và thôi thúc tính dục của chủ thể (tính dục hiểu như quan hệ[6]) là khoái cảm hay dục tình cho phép trẻ chiếm được lợi ích dưỡng sinh, tình cảm, tâm lý, v.v… mà nó cần để nội tâm hóa và củng cố căn tính ngôi vị của nó, đó là điều kiện để trẻ dám cởi mở ra quan hệ với những người mới, cùng giới hoặc khác giới, trong tình thương yêu đón nhận và cho đi, trong trao hiến sự sống. Bởi thế, vốn có gốc rễ từ trong thân xác và được xây dựng nên qua các mối quan hệ, tính dục nhằm phóng chủ thể hướng đến tha nhân, con người khác, nhờ có sự hấp dẫn của dục tính bổ sung, và như thế có thể vươn tới tha nhân ấy tận thâm sâu. Cuối cùng, nếu như giới tính (sex) là nguyên nhân của sự phân li và giới hạn hai con người nam-nữ khác biệt, thì tính dục (sexuality) theo nghĩa như một quan hệ sẽ là cơ hội cho hai con người khác biệt như hai cực kết hợp làm một với nhau (dual unity: nhất thể lưỡng cực), cho họ đạt đến sự viên mãn của họ.

Tóm lại, tính dục khởi đi từ thân xác có phân giới giúp con người cởi mở bước vào những quan hệ phong phú. Bất cứ mối quan hệ nào giữa những người thuộc hai giới tính, không nhất thiết phải là một quan hệ thân mật của tính dục, đều được cho là quan hệ có sắc thái giới tính. Tính dục làm cho quan hệ thêm phong phú nên nó có chức năng xã hội hóa: một xã hội được xây dựng chỉ bởi những người nam hay chỉ bởi những người nữ sẽ như thế nào? Nó sẽ tiếp tục tồn tại được không? Bởi thế, xã hội có cân bằng là nhờ con người ta sống một tính dục lành mạnh giữa người nam và người nữ[7]. Tuy nhiên, trong mối quan hệ đôi bạn đặc thù nam-nữ tính dục được diễn tả mạnh mẽ nhất khi, chạm tới con người thâm sâu nhất qua tiếp xúc sinh dục, tính dục nhấn con người ngập vào một quan hệ yêu thương trao hiến mở ra với sự sống mới. Để kết luận, chúng ta nói rằng sự hữu hạn, do phân giới tính và được sống trong thân xác của người nam và người nữ, được vượt qua nhờ có tính dục, nó giúp người này mở ra sống vì người kia, trong sự trao hiến bổ túc tương hỗ cho nhau. Người ta chỉ là chính mình khi người này hiện hữu vì người kia. Điều đó, xét cho cùng, chính là ý nghĩa của tính dục. Mối quan hệ mới của hai người khác giới này được tôn quý gọi bằng một danh nghĩa mới, đó là sự trao hiến hôn phối. Vấn đề là một sự trao hiến có ý thức và quảng đại, nó biến đổi dữ kiện hữu thể học nhất thể lưỡng cực (nghĩa là tiếng gọi tự nhiên nam và nữ gặp lại mình trong sự kết hợp) thành một chọn lựa tự do nên một xương một thịt (una caro): “Người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2,24).

Nhìn vào ngữ nghĩa loại suy giữa “một xương một thịt – basar ehad” (St 2,24) và “Đức Chúa duy nhất – Adonai ehad” (Đnl 6,4), chúng ta nhận thấy mầu nhiệm hôn phối linh thiêng. Chính trong sự kết hợp cả xác hồn (điều người ta có thể làm bởi tính giới hạn do phân giới của họ) mà người nam và người nữ tái tạo trong trật tự tạo thành hình ảnh của Thiên Chúa: una caro phản chiếu Thiên Chúa duy nhất. Như vậy, giới tính con người bởi thân phận hữu hạn được biến hình thành một cái gì viên mãn, “toàn thể” nhờ tính dục: con người hoàn toàn là chính mình, giống như Thiên Chúa, khi họ là hai hợp nhất nên một.

3. Dị biệt tính dục mở ra với truyền sinh (dị biệt thế hệ)

Nhờ tính dục phong nhiêu, quan hệ hôn phối mở rộng ra với một mối quan hệ sau cùng, là con cái. Tính dục mở ra với sự sống. Tặng phẩm sự sống được tích hợp trong tặng phẩm người nam trao hiến cho người nữ, và ngược lại. Có thể nói đó là tặng phẩm ở trong một tặng phẩm. Bởi thế, tính dục cho phép hai sự dị biệt đan dệt vào nhau, đó là: dị biệt tính dục và dị biệt thế hệ (do truyền sinh). Nói “đan dệt” vào nhau không có nghĩa là trộn lẫn hay hòa đồng với nhau thành một thực thể đơn giản duy nhất, đúng hơn nó bao hàm một “kết cấu”. Kết cấu đòi hỏi có “không gian”. Thật vậy, bất kì một kết hợp nào, đặc biệt là sự kết hợp hai cực thành một, gọi là nhất thể lưỡng cực (dual unity), đều có “kết cấu”[8]. Sự hợp nhất lưỡng cực, kết hợp đơn nhất hai người một nam một nữ, vẫn giữ hai người khác biệt không hòa tan với nhau, và không cân đối (lệch). Chính sự khác biệt không hòa tan này tạo một không gian, trong chính sự dâng hiến, cho một tặng phẩm khác, là đứa con. Đứa con phần mình lại trở thành tặng phẩm cho chính cha mẹ, những người ban tặng sự sống này.

Những sự dị biệt bện thắt vào nhau này, bấy giờ, cho phép các thế hệ xuất hiện theo từng chu kì nối tiếp nhau và nối dài trong thời gian, qua việc hồi phục và khắc ghi trong thân xác sinh linh mới tượng thai dấu ấn dị biệt và giới hạn của giới tính, để rồi, tính dục xét như là quan hệ lại có thể kết hợp hai con người mới và, như thế là mở rộng trong không gian và thời gian cái thực thể một xương một thịt (una caro) này như là hình ảnh của Thiên Chúa (imago Dei). Chuyện kết hợp hai con người đồng giới chối bỏ tính dị biệt kia là hoàn toàn khác. Chuyện đó không bao giờ và không thể làm thành một hợp nhất lưỡng cực, mà chỉ là một sự hòa tan ngăn chặn không gian khả dĩ để cho một sự sống được hiến ban. Nếu tính dị biệt là điều kiện tối cần thiết (sine qua non) để có thể có sự sống, thì ngược lại không-dị-biệt không thể tạo ra cái gì khác ngoài sự trống rỗng và khiếm khuyết.

4. Quan hệ tính dục khác biệt có tính bổ túc, tương hỗ, giao thoa không cân đối

Chúng ta cố gắng xác định đầy đủ hơn sự khác biệt tính dục này. Bị phân li và giới hạn bởi giới tính, người nam và người nữ có thể nhờ tính dục mà đạt tới cái “toàn thể” một xương một thịt (una caro) của họ trên cơ sở của đồng nhất tính (bản tính nhân loại). Sự khác biệt này không để cho họ yên ổn, mà khuấy động xuyên suốt bên trong và cả bên ngoài con người ta. Bên trong, vì chúng ghi sâu trong hữu thể họ sự trống không vì khiếm khuyết tha nhân; bên ngoài, vì sự khuyết thiếu này phóng họ đi ra khỏi bản thân để đi đến với tha nhân. Vận động do khác biệt giống đực/cái này và tìm lại được sự thống nhất, giờ đây, cho phép chúng ta xác định những đặc tính của mối quan hệ tính dục khác biệt. Chúng ta chỉ ra bốn đặc tính của nó, đó là: bổ túc, tương hỗ, giao thoa và không cân (lệch).

Bổ túc có nghĩa là thêm vào cái còn thiếu nơi một cái gì đó để làm cho nó đầy đủ hơn. Chẳng hạn như người thầy dạy giúp học trò bổ túc phần chỉ dẫn còn thiếu trong chương trình giáo dục của anh ta; hay bác sĩ cho bệnh nhân thuốc chữa tăng sức khỏe mà bệnh nhân còn thiếu; hoặc, người cha khi dạy dỗ con mình là bổ túc những điều cần thiết giúp cho con nên người trưởng thành. Có thể áp dụng khái niệm bổ túc cho người nam và người nữ trong mối quan hệ dị biệt (tính dục) này không? Nếu như sự bổ túc được xem xét chỉ theo một chiều thì sẽ không phù hợp với mối quan hệ do khác biệt tính dục; còn nếu nó được quý trọng như một sự bổ túc cho nhau, thì nó có thể được đón nhận như đặc tính thứ nhất của định nghĩa của chúng ta.

Sự bổ túc nam-nữ không giới hạn trong tương quan một người trợ giúp một người khác như đã nói. Sự bổ túc trong quan hệ dị biệt tính dục có hình thức tương hỗ, hoàn toàn đặc biệt. Tương hỗ hàm nghĩa có qua có lại, cho và nhận, là điều kiện để có một quan hệ trao đổi giữa người với người[9]. Nếu thiếu thì cần được bổ túc. Nếu cả hai cùng thiếu thì cần được bổ túc cho nhau. Tính dục hiểu như là quan hệ giữa người nam cởi mở ra cho người nữ và người nữ cởi mở ra cho người nam, thì nó đã hàm ẩn quan hệ tương hỗ. Người này cảm thấy tự trong chiều sâu hữu thể mình một sự thiếu vắng tha nhân, là con người khác biệt kia. Họ hướng đến nhau tìm vươn tới để gặp nhau, không chủ yếu để chiếm hữu cho bằng để trao hiến cho nhau, dấu chỉ của tình yêu thương nhau. Mỗi tặng phẩm trao ban thực sự là tặng phẩm khi nó vừa được trao ban vừa được nhận lãnh; ngược lại, nếu nó bị khước từ thì sẽ mất đi sức mạnh hữu thể của một tặng phẩm, có thể không còn là tặng phẩm nữa. Vì thế, người nam và người nữ bổ túc cho nhau trong khi hiến thân và nhận lãnh tương hỗ, mỗi người tùy theo đặc tính riêng của giới tính mình[10]. Người nữ, khi hiến thân sẽ trở nên là tặng phẩm cho người nam nếu người ấy đón nhận nàng qua những tính cách đặc thù của nam tính mình. Người nam cũng thế, khi hiến thân sẽ trở nên là tặng phẩm cho người nữ nếu người ấy đón nhận chàng qua những tính cách đặc thù của nữ tính mình. Tình yêu vợ chồng là diễn tả cao nhất của sự trao ban tương hỗ này.

Quan hệ tính dục nam-nữ khác biệt có một đặc tính thứ ba nổi lên từ nét khác biệt bổ túc tương hỗ, đó là chiều kích “giao thoa”. “Giao thoa”[11] nghĩa là gì? Trong những quan hệ của họ, người nam và người nữ bổ túc cho nhau ở mọi cấp độ của nhân vị mình, từ bình diện sinh học, giải phẫu, đến tình cảm, tâm lý, ngữ học, quan hệ, xã hội, tinh thần, v.v… Nhưng trong sự bổ túc tương hỗ đó mối quan hệ có khuynh hướng hành động “giao thoa”. Điều này trước hết có thể nhận thấy về mặt giải phẫu học cơ thể của người nam và người nữ nơi các bộ phận sinh dục. Những yếu tố kết cấu sau đây cho thấy những tương hợp nào đó chứng tỏ có một sự bổ túc tương hỗ có tính “giao thoa”: các buồng trứng của phụ nữ ở nơi cao ứng với tinh hoàn của nam giới ở vị trí thấp; nếu như các vòi trứng, tử cung và âm đạo nơi người nữ có hướng đi xuống, thì các ống dẫn tinh, tuyến tiền liệt và dương vật người nam có hướng đi lên, để sau cùng dương vật và âm đạo có thể gặp nhau. Kế đến, nhận xét về hành động vợ chồng ta có thể thấy hành động này cũng có tính “giao thoa”. Trước hết, khi ta nhìn người nữ biểu lộ sự dâng hiến mình cho người nam qua hành vi tin cậy phó thác tựa nương vào chàng, tức là dựa vào phần cơ thể của người nam mà họ cảm thấy an toàn, mạnh mẽ, chắc chắn và tràn trề nhiệt lượng, như thể nàng tìm quay về cách nào đó với nơi chốn nguyên thủy xuất phát (xương sườn) và khép mình vào chàng. Sự dâng hiến tin cậy này của nàng được đón nhận như là quà tặng, khi người nam đón nhận nàng vào vòng tay ôm ấp và âu yếm vuốt ve, siết chặt để cảm nhận nàng trong con người chàng. Phần mình, người nam bày tỏ sự dâng hiến khi muốn xâm nhập vào người nữ. Sự xâm nhập này trở thành một sự hiến dâng khi người nam được người nữ đón nhận vào âm đạo giữa hai đùi của nàng để được chàng ngụ ở đó[12]. Chỉ qua tác hợp giữa các bộ phận lồi ra và lõm vào mới có thể cho phép giới tính này xâm nhập vào giới tính kia. Như thế, vấn đề là một chuyển động của người nam và người nữ bổ túc tương hỗ, mà sự tương hỗ đó lại “giao thoa”. Sự trao hiến và lãnh nhận của người nữ hướng ngược chiều lại với sự đón nhận và trao ban của người nam. Hoạt động của các cơ quan sinh dục và hành vi thân mật của người đàn ông và người đàn bà đều có ý: chúng biểu lộ kết cấu của mối tương quan dị biệt. Phân tích này cho ta những cơ hội khác để đào sâu khía cạnh “giao thoa” này của sự bổ túc tương hỗ nam-nữ.

Trong sự trao hiến và đón nhận nhau, người nam và người nữ xâm nhập vào trong nhau. Sự trao hiến bổ túc hỗ tương này, vốn còn được tăng cường sự thân mật nhờ chuyển động “giao thoa” của quan hệ tình dục của họ, có chăng nguy cơ sự dị biệt bị hủy diệt hoàn toàn theo kiểu hòa tan nam tính và nữ tính cuối cùng chỉ còn là một toàn thể trung lập không? Đó là một cám dỗ không nên coi thường bởi lẽ nó đã được nêu ra từ thời cổ đại trong huyền thoại về con người ái nam ái nữ giống trung lập (androgyne). Nguy hiểm hòa tan này sẽ tránh được nhờ đặc tính thứ tư của sự dị biệt tính dục, đó là tính chất không cân đối (hay lệch). Sự trao hiến đón nhận tha nhân phối ngẫu kết hợp người nam và người nữ thành một xương một thịt mà không rơi vào nguy hiểm giản lược họ chỉ còn một nhân vị. Tại trung tâm điểm của một xương một thịt vẫn luôn có một không gian thực hữu khiến cho không thể có sự hòa tan hay trộn lẫn hai nhân vị. Không gian này, ngoài sự kiện là hữu thể nhân học và có kết cấu giúp cho có sự dị biệt thế hệ (qua truyền sinh) phát xuất từ sự dị biệt tính dục, cũng là mầu nhiệm khôn dò khôn thấu. Sự không cân đối của dị biệt tính dục bổ túc hỗ tương này dẫn ta về lại với mầu nhiệm ngôi vị và dị biệt.

5. Sự dị biệt nam-nữ là mầu nhiệm khôn dò

Trong lời dẫn nhập cho tác phẩm Homme et femme, L’insaississable différence, Lacroix viết rõ ràng: “Dọc suốt suy tư này, ta dần khám phá ra rằng sự dị biệt tính dục nam-nữ không những là khác biệt nhau, mà còn là một bí ẩn, nhưng không chỉ bí ẩn đó là một mầu nhiệm”[13]. Ai đó có thể phản bác cho rằng tính dục nam-nữ khác biệt là chuyện hết sức hiển nhiên: thật, chỉ cần mở mắt ra là đã thấy rồi. Dĩ nhiên, không ai có thể tranh cãi hay hoài nghi sự hữu hình của dị biệt nam-nữ này. Nhưng chỉ xác nhận sự hiển nhiên của nó thì chưa đủ, còn cần phải giải thích nó nữa. Bây giờ, việc khó hơn xác nhận sự hiển nhiên, đó là tìm được một định nghĩa cho nó. Giải thích những nguyên tắc sơ đẳng bằng những lời lẽ đơn giản là một việc táo bạo, và hạn chế trong khả năng. Từng bước nhỏ chúng ta đã tiến đến gần định nghĩa sự dị biệt tính dục, nhưng vẫn còn một cố gắng phải làm, đó là nói lên mầu nhiệm khôn dò của tính dục khác biệt.

Mọi sự khác biệt đều có nguồn gốc từ Ba Ngôi thần linh phân biệt hay khác biệt. Toàn thể tạo thành đều mang dấu hiệu của sự khác biệt có mặt khắp mọi nơi. Ở đâu có một hữu thể được tạo dựng, ở đó có sự dị biệt. Dị biệt ở ngay trung tâm của hữu thể, giữa yếu tính và hiện hữu, chất thể và mô thể, thân xác và linh hồn. Sự dị biệt ấy càng phong phú hơn, dày phẩm tính hơn nơi sự khác biệt của hai con người nam-nữ, họ tìm gặp lại mình trong hợp nhất lưỡng cực nhờ có chung bản tính con người. Qua toàn thể nhân học người ta đi đến thần học, Kitô học và Giáo hội học. Nghiên cứu sự dị biệt tính dục nam-nữ nhờ đến loại suy của dị biệt.
Khác biệt tính dục cũng thuộc về toàn thể những sự khác biệt nói chung, nó giống nhưng cũng khác với những khác biệt ấy. Nó khác vì: “Nó là sự dị biệt chia cắt xuyên qua những dị biệt”[14]. Dị biệt tính dục rất căn nguyên và phổ quát đến nỗi khó tìm được những khái niệm đủ tính độc đáo để mà định nghĩa nó. Có thể nói dị biệt tính dục nam-nữ là một mầu nhiệm khôn dò. Lacroix viết:

“Dị biệt tính dục thật khôn dò, vì nó là thực tại theo nghĩa mạnh. Dị biệt tính dục không chỉ là một thành phần của “thực tại” theo nghĩa biểu tượng có thể miêu tả được, nhưng nó thuộc về thực tại theo nghĩa là cái gì đó không thể nắm bắt được, có trước chúng ta và luôn vượt quá chúng ta. Theo như Lacan diễn tả, “thực tại là bất khả” vì không thể định nghĩa, biểu thị, củng cố, chiếm giữ và giản lược được”[15].

Chúng ta sẽ cố gắng hết sức khảo sát thực tại khôn dò này. Có hai “lãnh vực” để khảo sát. Thứ nhất, liên hệ tới hai con người nam-nữ dị biệt này được xét như những nhân vị; thứ hai, xét tới sự kết hợp nhất thể lưỡng cực của họ, được bổ sung bởi sự chọn lựa tự do nên một xương một thịt. Quan tâm đến con người, Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng con người, “được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, có khả năng nhận biết và yêu mến Đấng Tạo Dựng nên mình […], là một chủ vị thống nhất gồm thể xác và linh hồn, con người tổng hợp nơi bản thân các yếu tố thuộc thế giới vật chất để từ đó, chính con người làm cho những yếu tố ấy đạt tới đỉnh cao và trở nên lời ca tụng không ngừng dâng lên Đấng Tạo Hóa”[16]. Về con người, mỏng manh nhưng vinh dự[17], cũng chính Công Đồng không ngại nói đến “mầu nhiệm con người”[18]. Như thế, linh hồn hợp nhất trong một thân xác giới hạn bởi giới tính được tạo dựng giăng mở trước vô biên để có thể đón nhận Thiên Chúa, capax Dei. Đàng sau xác thịt yếu đuối nhưng sinh động kia ẩn tàng một mầu nhiệm là con người, nhân vị, mầu nhiệm ở đây không có nghĩa là không biết gì, đúng hơn phải hiểu đó là một sự hiện diện tràn đầy. Chính vì là mầu nhiệm nên nhân vị cũng không thể thấu triệt được hay khôn dò. Không ai có thể “chiếm hữu” được nhân vị ngoại trừ Đấng Tạo Dựng nên nhân vị. Trình thuật Thánh Kinh đã khẳng định điều ấy. Vào lúc tạo dựng người đàn bà, Ađam hoàn toàn không ý thức, ông rơi vào một giấc ngủ sâu khi Thiên Chúa rút chiếc xương sườn của ông ra và tạo thành người đàn bà, tha nhân phối ngẫu của ông. Ông không hiện diện khi Chúa tạo dựng người đàn bà là bằng chứng dù thế nào ông cũng không thể “sở hữu” nàng. Lý do đầu tiên bởi đó dị biệt tính dục là khôn dò hệ tại ở sự nhân vị tự thân là mầu nhiệm.

Sự khôn dò của dị biệt tính dục còn có gốc rễ sâu xa hơn nằm ở nơi mối quan hệ giữa hai nhân vị khác giới này. Ngoài sự kiện cả hai là mầu nhiệm, sự kết hợp nên một xương một thịt của hai người cũng là mầu nhiệm. Giới tính chia cắt và phân li người đàn ông và người đàn bà, nên mỗi người không thể có toàn thể nhân tính trọn vẹn, mà chỉ là một trong hai cách thức khả thể làm người. Đàn ông không bao giờ có thể làm đàn bà, và đàn bà không bao giờ có thể làm đàn ông được. Cho dẫu họ hiển lộ cùng bản tính người, nhưng họ hoàn toàn không thể bị xâm nhập và dò thấu được. Vì hầu như không thể bị xâm nhập, nên người đàn bà đứng trước người đàn ông như là một “tha nhân rất khác lạ”[19] và người đàn ông đứng trước người đàn bà cũng như thế. Khác lạ tới mức, ta có thể nói, mỗi người hiện hữu trước người kia như là “một lục địa bí ẩn”[20], một đàng tha nhân khiến ta e ngại đến e sợ vì có vẻ huyền bí khác với ta, đàng khác khiến ta quan tâm, tò mò, bị lôi cuốn đến độ muốn chiếm hữu và yêu mến vì chính sự khác biệt huyền bí ấy. Lời Chúa nói điều ấy cách minh triết: “Có ba điều quá kì diệu đối với tôi, và bốn chuyện tôi không sao hiểu nổi, đó là đường diều hâu bay lượn trên trời, đường rắn bò trên đá, đường thuyền bè đi lại giữa biển khơi, và đường của chàng thanh niên tìm đến cô thiếu nữ” (Cn 30,19). Bởi thế, người nam và người nữ sẽ luôn là một bí ẩn đối với nhau. Trong mọi quan hệ có thể có, quan hệ nam-nữ ghi dấu một sự khác biệt cao nhất. Người ta có thể hiểu tại sao dị biệt tính dục khôn dò như thế lại được Thánh Kinh dùng như ẩn dụ chỉ quan hệ của Thiên Chúa với con người, phải chăng tương quan lưỡng tính nam-nữ là cái ghi dấu rõ ràng nhất tha tính bất khả vượt qua trong quan hệ chặt chẽ nhất.

Sau cùng, dị biệt tính dục không thể diễn tả được và được phủ vây trong thinh lặng[21]. Nhưng một câu hỏi xuất hiện: dị biệt tính dục thật mầu nhiệm như thế có cản trở hai con người khác biệt quan hệ kết hợp và trao hiến không? Nó có tạo nên một vực thẳm sâu hút đến nỗi ngăn trở họ tìm lại được chính mình trong sự kết hợp không? Tính chất khôn dò của dị biệt tính dục không hủy bỏ đồng nhất tính – tức là bản tính nhân loại – của họ, vốn là nền tảng trên đó người nam và người nữ quan hệ với nhau. Nó không cản trở họ quan hệ, đúng hơn có vẻ như nó còn kiến tạo nên quan hệ ấy, như thể mầu nhiệm nhân vị như là “tha nhân rất khác lạ” còn kích thích tìm kiếm tha nhân hơn nữa. Tha nhân khác biệt càng đáng khao khát và cần thiết thì càng khó tiếp cận. Lacroix viết:

“Trong khát khao và gặp gỡ, người nam làm rung động người nữ và người nữ làm rung động người nam. Hẳn là không có con đường người nam xâm nhập người nữ và ngược lại cũng thế. Người đàn ông cảm nhận cái giới tính khác kia vang động trong mình khi chàng nếm khoái cảm thâm nhập trong nàng. Sự thông giao giữa hai con người dị biệt nhiệm mầu này là khả thi nhờ “lưỡng tính tâm lý”[22], yếu tố nhờ đó người nam có đủ nữ tính để không cảm thấy phụ nữ quá xa lạ và ngược lại. Nhưng đàng khác, khi kinh nghiệm xác thịt người nữ, người đàn ông trực giác thấy nơi nàng còn một vùng tối xa lạ mà dọc bờ của nó là lối đường người nam đến với người nữ; và ngược lại”[23].

Ai ghi dấu sự dị biệt tính dục?

Trước khi kết thúc, sau khi đã phân tích định nghĩa dị biệt tính dục đồng thời đã mon men tìm hiểu một chút về sự khôn dò của mầu nhiệm đó, chúng ta tự hỏi: đâu là những nguyên nhân tạo ra dấu ấn dị biệt này? Chúng ta đã thấy có ba nguyên nhân: thân xác, người phụ nữ và người cha. Cuối cùng, như là tổng hợp của mọi sự dị biệt nhưng cũng như là diễn tả cao nhất của sự thống nhất của chúng, chúng ta sẽ đọc lại hành vi thân mật của vợ chồng dưới ánh sáng của những gì đã được chúng ta đào sâu.

Nhìn một người, ta sẽ thấy cái gì ghi dấu sự dị biệt tính dục trong chiều sâu hữu thể của ngôi vị? Chúng ta đã biết định nghĩa ngôi vị của Boethius: ngôi vị là “một bản thể cá vị có bản tính lý trí”. “Lý tính” giúp ngôi vị cởi mở ra với ánh sáng tri thức nắm bắt những đối tượng khả tri và có những chọn lựa tự do; còn “bản tính” (tự nhiên) thì bao hàm tính dục khác biệt vì bản tính con vật nào cũng có phân giới tính (đực-cái, trống-mái) như thế nào đó. Con người, được định nghĩa như là “con vật có lý trí” cũng bao hàm tính dục khác biệt. Như thế, nếu như tính dục không xuất hiện minh nhiên trong định nghĩa về ngôi vị, thì nó cũng mặc nhiên có ở đó[24]. Còn “bản thể cá vị” trong định nghĩa trên xác định chủ thể ngã vị nhờ một “chất thể rõ ràng” là thân xác. Thật vậy, người ta nói cái thân “này”, các chi thể “này”, các bàn tay “này”, giới “này”, người “này” cách cụ thể. Thân xác là dấu chỉ đầu tiên và nguyên thủy của sự dị biệt tính dục. Từ thân xác toàn thể ngôi vị thấm nhập sự dị biệt này. Trước hết là thể xác được thấm đến tận từng tế bào, sinh dục, các dục tính thứ phát, v.v…, rồi đến phần tâm lý, cảm giác, cảm xúc, tình cảm, tinh thần, quan hệ[25], v.v… Thân xác là dữ kiện nguyên thủy có phân giới tính nam hay nữ, khởi đi từ đó chủ thể phát triển dần căn tính có phân giới (nam hay nữ) ấy của mình và hội nhập nó cách hài hòa vào căn cước giới tính (đàn ông hay đàn bà) hầu diễn tả căn tính ngôi vị của mình (tôi là một người đàn ông hay là một phụ nữ).

Văn hóa hiện nay có xu hướng ngày một lan tràn não trạng không phân biệt, tức là trung lập hóa thân xác, biến thân xác con người thành vô nghĩa: không còn một ý nghĩa nhân học nào nữa, kể cả sự phân giới cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Một trong những nguyên nhân chính yếu gây nên tình trạng trống rỗng này là do người ta đã thua trước cám dỗ tách biệt các ý nghĩa của hành vi phu thê, ý nghĩa kết hợp và ý nghĩa truyền sinh. Khi ấy thân xác con người không còn giá trị với các ý nghĩa của nó nữa, sẽ biến thành chỉ còn là một thứ chất thể dễ dàng bị uốn nắn lại theo những vai trò văn hóa hầu tương ứng với những định hướng mới của ý thức hệ về giới (gender), vốn muốn tái cấu hình lại khoa nhân học. Thật ra, muốn diệt bỏ thân xác cùng với giới tính và những ý nghĩa vốn đã được khắc ghi trong bản thể của nó, là người ta đã làm suy đồi nhân vị. Bởi thế, cần phải khẳng định lại tính dục không phải là yếu tố bên cạnh thân xác nhưng thuộc về thân xác, và thân xác với giới tính dị biệt có một định hướng: nó không chỉ là một hồng ân lãnh nhận, mà còn để hiến ban, từ đó hướng tới ơn gọi trao hiến hôn nhân[26]. Thân xác là một trong những thành lũy thiết yếu của nhân học, người ta cần phải khám phá lại thân xác với những ý nghĩa phân giới dị biệt của nó.

Giờ đây nếu xét tương quan đôi lứa nam-nữ chúng ta sẽ thấy ai trong hai người dẫn đến sự dị biệt giới tính? Hẳn nhiên là mỗi lần gặp gỡ với “tha nhân rất khác lạ” là cơ hội cho sự dị biệt giới tính này hiển lộ. Người đàn ông khi gặp gỡ người phụ nữ tỏ lộ cho nàng chủ yếu nữ tính của nàng. Và người phụ nữ khi gặp gỡ người đàn ông cũng vén tỏ cho chàng nam tính của chàng. Sự tương phản khôn dò giữa hai người khác giới này không đẩy họ xa nhau mà trái lại hấp dẫn và tỏ mình cho nhau. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tự hỏi liệu có một gặp gỡ ban đầu nào giúp xác định ai trong cặp đôi này ghi dấu sự dị biệt giới tính hay không. Chúng tôi cho rằng đó là vai trò của người phụ nữ. Trong khi Ađam còn sống đơn độc giữa khu vườn địa đàng, ông biết mình là một nam nhân, nhưng chưa hiểu ý nghĩa của sự kiện này. Cuộc sống của ông bấy giờ chỉ là quan hệ với những giống loài khác biệt (những con vật ông đặt tên) mà không quan hệ với một ai đó khác (tha nhân đồng loại). Những quan hệ đó vẫn còn đơn giản nhỏ bé và nghèo nàn. Để thoát khỏi tình trạng cô đơn ấy mà bước vào cuộc sống viên mãn của ơn gọi hôn nhân, Ađam (Tôi) phải gặp gỡ một Đối tác (Em), như thế có nghĩa là chuyển tiếp từ trạng thái quan hệ với thế giới loài vật đa dạng (giữa Tôi với chúng Nó) sang quan hệ với một tha nhân (giữa Tôi với Em). Lời Chúa nói: “Con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2,18). Trong khi Ađam đang ngủ mê, Đấng Tạo Hóa lấy “chiếc xương sườn”, tức bản tính của ông, để nắn thành người đàn bà. Chính Thiên Chúa dẫn người đàn bà được tạo dựng ấy đến cho ông và như nói rằng nàng là tặng phẩm dành cho ông. Đúng hơn, phải nói rằng Thiên Chúa đã hiến ban chính mình cho người đàn ông bằng cách trao ban người đàn bà cho ông. Người phụ nữ xuất hiện trong tương quan đôi lứa chính là người đã đánh dấu sự dị biệt tính dục. Hơn nữa, là tặng phẩm Thiên Chúa trao ban cho người đàn ông, phụ nữ còn như là bằng chứng của một sự dị biệt khác, sự dị biệt vô hạn giữa các Ngôi vị trong Ba Ngôi thần linh[27]. Vậy trong quan hệ lứa đôi, phụ nữ dẫn đến sự dị biệt tính dục chính vì nàng là sấm ngôn của cực điểm dị biệt thần linh. Đó là lý do tại sao ta nói người nữ là “tha nhân rất khác lạ”[28].

Chính thân xác phân giới của con người biểu lộ sự dị biệt tính dục ở trung tâm điểm của ngã vị và chính người phụ nữ ghi dấu sự dị biệt ấy ở trung tâm của đời sống đôi bạn. Còn ai sẽ là người ghi dấu sự dị biệt ở trung tâm của gia đình? Chính người cha đánh dấu sự khác biệt tính dục qua việc truyền sinh, và ông làm điều đó trong hai thì khác nhau: thì sinh học và thì tâm lý. Đó là hai pha liên quan với nhau xét như là pha này là sự kéo dài tâm lý những gì cái kia đã khai mào về mặt di truyền học.

Pha thứ nhất thuộc bình diện thuần túy sinh học. “Giới tính di truyền trong thai nhi thông thường được quyết định lúc thụ thai, bởi nhiễm sắc thể giới tính (Y hoặc X) mà tế bào tinh trùng đưa vào tế bào trứng vì trứng mang một nhiễm sắc thể giống cái (X). Bởi thế, nếu tinh trùng chuyển vận nhiễm sắc thể Y, phôi thụ tinh sẽ là nam (XY) về mặt di truyền, nếu không phôi sẽ là nữ (XX)”[29]. Vậy cha là người sẽ quyết định giới tính của thai nhi, và như thế ông là người ấn định về mặt di truyền sự dị biệt tính dục trong sinh sản. Người mẹ chỉ có thể sản sinh chất liệu di truyền thuộc nữ giới thôi.

Người đã khai mào phát sinh sự dị biệt bằng việc thụ thai sinh học được mời gọi hoàn tất quá trình dị biệt đó bằng việc phát triển sinh linh ấy về tâm lý cho đến trưởng thành. Quả thật, người cha, vì là đàn ông và bởi cấu trúc cơ thể mình, luôn ở bên ngoài quá trình mang thai vốn chỉ thuộc về người mẹ. Bởi tính chất không dính líu trực tiếp này, mà tình phụ tử nơi người cha không có tính bản năng quyết liệt như tình mẫu tử của người mẹ. Bởi thế, người cha phải học người mẹ ý nghĩa và trách nhiệm của việc làm cha đối với đứa con sắp chào đời và đối với nàng. Tuy nhiên, sự tách biệt này của người cha là yếu tố rất quan trọng, bởi lẽ nó giúp cứu lấy tình mẫu tử thường có xu hướng mẹ quá gắn chặt vào con khiến con không còn khả năng tự lập. Người cha trong quan hệ “tay ba” này biểu lộ mình như là “kẻ thứ ba” phân li hai nhân vị kia. Sự hiện diện của người cha, với hành vi, tiếng nói, lời nói của mình có thể tạo ra một không gian phân cách giữa mẹ và con. Điều quan trọng là có một khoảng cách lành mạnh đủ để mẹ con không rơi lại vào tình trạng hòa tan của thuở ban đầu[30]. Sự tách biệt này là khoảng không gian cần thiết để trẻ có thể hình thành cấu trúc tâm lý trong quá trình trưởng thành và nội tâm hóa thực tại khác biệt này.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người cha vô trách nhiệm? Trong hoàn cảnh – do thiếu vắng “người thứ ba” với vai trò tách biệt như thế – lệnh cấm loạn luân không được bảo đảm, thì sự khác biệt (giữa mẹ-con) này có nguy cơ bị hòa lẫn dẫn tới tội loạn luân. Loạn luân[31] là người sống quan hệ tính dục vô trật tự trong các mối quan hệ gia đình. Chính các quan hệ vô trật tự làm cho không gian kết cấu sự dị biệt mất đi sức mạnh cấu hình của nó. Trộn lẫn dẫn đến sự hỗn độn. Lacroix viết: “đồng tính luyến ái đối với sự dị biệt tính dục làm điều giống như tội loạn luân đã làm đối với sự dị biệt thế hệ”[32]. Ngược lại, người thanh khiết (castus) là người sống tính dục của mình trong trật tự hướng đến trao hiến, đồng thời biết sống cách minh chính hài hòa các mối quan hệ của mình. Người cha có nghĩa vụ phải bảo đảm sự thanh khiết ấy giữa các thế hệ.

Để kết thúc suy tư chúng ta cùng lược đọc lại ý nghĩa của hành vi phu thê. Cấu trúc hành vi thân mật của vợ chồng xem ra bao gồm hết cả mọi yếu tố ghi dấu sự dị biệt tính dục. Trong hành vi vợ chồng vốn có tính bổ túc vừa tương hỗ vừa giao thoa, hai người giới tính khác biệt nhau – một nam một nữ – với thân xác và nhờ thân xác có phân giới của họ, mà họ gặp lại được mình trên cơ sở cùng một bản tính nhân loại trong tình yêu thương phu thê hiệp nhất. Người phụ nữ được phú ban cho người đàn ông nhân danh Chúa, là chứng tá của sự khác biệt giới tính và là “Em” một đối tác đến trước “Tôi” và mạc khải cái bản ngã đàn ông ấy cho “Tôi”. Ngược lại, người đàn ông với sáng kiến và tặng phẩm tính dục của mình, xác nhận người nữ trong ơn gọi nữ giới của nàng. Tuy nhiên, cho dù vợ chồng kết hợp thật thâm sâu, họ vẫn còn và mãi là một mầu nhiệm khôn dò đối với nhau.

Cấu trúc hữu thể của hành vi vợ chồng không chỉ giới hạn trong ý nghĩa ‘kết hợp’ (unitive) nhưng còn mở ra với ý nghĩa ‘truyền sinh’ (procreative). Chính người cha – cùng với người mẹ – ghi dấu giới tính cho đứa con sắp chào đời. Sự khác biệt không cân đối giữa hai giới tính nam-nữ đã chừa một không gian kết cấu ngay trong lòng sự kết hợp thâm sâu của họ. Sự trao hiến hôn phối trở thành nguồn gốc của tặng phẩm sự sống được lưu truyền. Như thế, hành vi vợ chồng là bản lề dựa trên đó hai con người khác giới gặp gỡ nhau.

Như thế, ta thấy hành vi vợ chồng rất là quan trọng và cơ bản. Nó là nền tảng cho hai sự dị biệt, và từ đó, cho cả đôi bạn, gia đình, xã hội, và toàn thể nhân loại. Hành vi vợ chồng là nền tảng thiết yếu bảo đảm cho người nam và người nữ kết hợp trong hôn phối nên một xương một thịt, tiếp tục phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa (imago Dei).

THƯ MỤC
Anatrella, T., Le sexe oublié, Flammarion, Paris 1990
Anatrella, T., Le conflit des modèles sexuels contemporains, in “Revue d’éthique et de théologie morale”, n. 215, tháng 12/2000
Colombo, R., Il volto umano dell’embrione. Quando è iniziata la mia vita, Università cattolica del Sacro Cuore Milano
De Beauvoir, S., Le deuxième sexe, I, Gallimard, Paris 1949
Lacroix, X., Di carne e di parole, V&P, Milano 2008
Lacroix, X., Passatori di vita. Saggio sulla paternità, EDB, Bologna 2005
Lacroix, X., In Principio la differenza. Omossessulaità, matrimonio, adozione, V&P, Milano, 2006
Lacroix, X., Homme et femme, l'insaisissable différence, Cerf, Paris 1999
Lacroix, X. (chủ biên), L’amour du semblable. Questions sur l’homo-sexualité, Cerf, Paris 2001
Giovanni Paolo II, Uomo e donna, Città Nuova, Libreria Editrice Vaticana, Città del Vaticano 20015
Levinas, E., Le temps et l’autre, PUF, Paris 1983
Scola, A., Uomo-donna. Il caso serio dell’amore, Marietti, Genova-Milano 2005

 

Etienne Roze
(Louis Nguyễn Anh Tuấn chuyển ngữ
từ “L’inafferrabile differenza” in Verità e splendore della differenza sessuale,
Cantagalli, Siena 2014)

Trích Tập san Hiệp Thông / HĐGMVN, Số 117 (tháng 3 & 4 năm 2020)


[1] T. Anatrella, Le sexe oublié, Flammarion, Paris 1990, 117: “Tính dục không chỉ liên quan đế hoạt động tình dục, bởi lẽ nó chi phối bản chất của mối quan hệ của một người với những người khác và với môi trường. Lãnh vực của nó rất rộng ngoài sinh hoạt tình dục. Quả thật, người ta có thể sống tính dục mình cách mĩ mãn và có ích mà không cần phải có nhiều sinh hoạt tình dục, đúng hơn không cần phải sinh hoạt tình dục. Ngược lại, nếu người ta tìm tình dục chỉ vì tình dục thì sẽ làm tính dục mất phẩm chất của nó”.

[2] Cf. X. Lacroix, Di carne e di parole, V&P, Milano 2008, 129. “Căn cước tính dục và ngôi vị gắn chặt vào thân xác là yếu tố trung tâm của vấn đề […]. Chối từ thân xác là chối từ cực tự nhiên của hiện hữu của ta. Chối bỏ tự nhiên, xét cho cùng, là chối bỏ thực tại như đã được ban cho (dữ kiện). Như thế, tặng phẩm đầu tiên là ta được sinh ra đời. Tự nhiên (naturus) là cái sẽ được sinh ra (nascor). Sinh sản và sự ra đời là nơi xuất hiện rõ ràng nhất mầm mống của tính dục dị biệt. Chính nơi đây là trận mạc của vấn đề đấu tranh ý thức hệ quyết liệt nhất ngày nay”.

[3] Cf. X. Lacroix, Passatori di vita. Saggio sulla paternità, EDB, Bologna 2005, 99: “Để hiểu cho rõ ràng hơn, khi nói về sự dị biệt tính dục có lẽ sẽ ích lợi nếu ta phân biệt được ba cấp độ thực tại chúng ta sống, tương ứng với ba cặp từ ngữ: 1) sự dị biệt đực-cái giữa hai tính dục (sex) khác biệt thuộc bình diện vật lý – sinh học; 2) sự dị biệt nam-nữ giữa hai giới tính (gender) thuộc bình diện văn hóa, tâm lý, hành vi; 3) sự dị biệt đàn ông-đàn bà giữa các căn tính khác biệt xác định toàn thể con người chúng ta thuộc bình diện thân xác, linh hồn, tâm linh, ngay từ lúc chào đời […]. Từng cặp trong ba cặp thuật ngữ này có sự phân biệt mà không tách biệt. Giới tính liên hệ với tính dục, nhưng không chỉ được dựng nên bởi văn hóa. Căn tính cũng liên hệ tới giới tính. Nó không xa lạ với văn hóa và tâm lý.”.

[4] Giovanni Paolo II, Uomo e donna, op.cit., 360: “Thân xác biểu lộ ra cái “tôi” ấy và là nền tảng cho căn tính (nhân dạng) của cái “tôi”” (bản dịch Việt ngữ Gioan Phaolô II, Thần học về thân xác NXB Tôn giáo 2016, do Luy Nguyễn Anh Tuấn, tr. 666).

[5] Cf. Lacroix, Di carne e di parole, op. cit., 122: “Quan hệ của chủ thể với giới tính mình và với căn cước tính dục mình không trực tiếp. Em bé chờ nhiều tháng, gần đến hai năm theo các nhà tâm lý học, trước khi có thể nhận thức mình là con trai hay là con gái. Đó là thời gian cần thiết cho em bé kết giao với thực tại giới tính của mình, thông qua sự khám phá thân thể của mình qua những quan hệ với những người yêu thương cùng giới hay khác giới với mình”.

[6] Cf. Anatrella, Le sexe oublié, op. cit., 246: “Yếu tính của tính dục không phải là khoái lạc, nhưng là tương giao, quan hệ”.

[7] GLHTCG, 2332: “Tính dục ảnh hưởng trên mọi phương diện của nhân vị, trong sự hợp nhất của linh hồn và thân xác của nó. Tính dục đặc biệt liên quan đến tình cảm, khả năng yêu thương và sinh sản, và một cách tổng quát hơn, khả năng kết nối các mối dây hiệp thông với người khác”

[8] Cf. X. Lacroix, In Principio la differenza. Omossessulaità, matrimonio, adozione, V&P, Milano, 2006, 71.

[9] Reciprocity: tương hỗ, theo nghĩa tầm nguyên gồm chữ recus (lùi) procus (tiến) bao hàm ý một vận động đi và lại; cũng còn hàm nghĩa reciperare tức là giúp hồi phục. Tóm lại, nó có nghĩa cho và nhận.

[10] Gioan Phaolô II,Thần học về thân xác, op.cit., tr. 141-142: “Trao hiến cho nhau hệ tại ở chỗ người này “đón nhận” người kia, một sự đón nhận tha nhân tương hỗ như thế tương hợp với chính bản chất của tặng phẩm […]. Việc hiến thân cho nhau được thực hiện (với toàn thể nhân tính, tức là với cả xác-hồn và nam-nữ tính khác biệt của họ) trong điều kiện đặc trưng nội tâm (sự trong trắng) của hành vi tự hiến và tiếp nhận tha nhân như tặng phẩm được bảo toàn. Hai chức năng này của sự trao đổi hỗ tương gắn kết với nhau thật sâu xa trong toàn bộ quá trình “tự hiến”. Hành động trao ban và đón nhận kết hợp sâu xa trong nhau đến độ chính khi cho là nhận, và nhận trở thành cho đi”.

[11] Chiasmo (latinh): giao thoa từ tiếng Hi-lạp chiasmòs, tức là hình thức chữ χ (đọc “khi”). Hiện tượng hai sóng cùng tần số khi gặp nhau làm tăng cường hay làm yếu đi lẫn nhau.

[12] Cf. H. Van Lier, L’intention sexuelle, Casterman, Tournai 1968, 45-50, in X. Lacroix, Di carne e di parola, op. cit., 130: “Cảm xúc của người nam hướng từ phía bản thân đến tha nhân phối ngẫu nhiều hơn, cảm xúc của người nữ hướng từ phía người kia vào mình nhiều hơn. Trong giao hợp, người nam dấn đưa vào vùng cơ quan sinh dục, nhưng cũng liên lụy động đến cả phần còn lại của cơ thể. Ngược lại, người nữ có liên lụy đến phần liên hệ vùng sinh dục nhưng lại dấn đưa vào toàn thể phần còn lại của cơ thể nàng […]. Nơi người nam dục vọng tập trung trước hết ở một cơ quan, nơi người nữ, dục vọng trải khắp toàn thân. Người nam thấy mình chìm vào một cõi bình yên và sung túc miên man, người nữ cảm nhận cái rắn chắc và khác biệt”.

[13] X. Lacroix, Homme et femme, l’insaississable différence, Cerf, Paris 1999, 9.

[14] E. Levinas, Le temps et l’autre, PUF, Paris 1983, 14.

[15] Lacroix, Passatori di vita, op. cit., 98.

[16] Công Đồng Vaticanô II, Gaudium et spes, 14.

[17] Thánh vịnh 8,5-7: “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân”.

[18] Công Đồng Vaticanô II, Gaudium et spes, 24.

[19] Lacroix, Di carne e di parola, op. cit., 130: “Trong sự kết hợp hai giới tính, mỗi người hướng tới một người khác lạ, hướng tới giới tính mà họ không có cũng không là. Đối với tôi là một người đàn ông, đàn bà không chỉ là một giới tính khác, nàng còn là giới tính khác. Người ta nói đàn bà đối với đàn ông là “tha nhân rất khác lạ”, và chắc chắn ngược lại cũng thế. Giờ đây, thật nghịch lý, chính tha tính – cách nào đó là không thể dò thấu – lại là điều làm cho người ta có thể bước vào quan hệ thân mật cao cả nhất”.

[20] X. Lacroix (chủ biên), L’amour du semblable. Questions sur l’homo-sexualité, Cerf, Paris 2001, 152.

[21] Scola, Uomo-donna. Il caso serio dell’amore, Marietti, Genova-Milano 2005, 18: “Dị biệt tính dục nam-nữ được ghi dấu mầu nhiệm là thực tại mà mọi cố gắng cuối cùng rồi cũng không thể định nghĩa được, trí khôn không thể nắm bắt được như một đối tượng khả tri”.

[22] T. Anatrella, Le conflit des modèles sexuels contemporains, in “Revue d’éthique et de théologie morale”, n. 215, tháng 12/2000, ttr. 29-74, đặc biệt là tr. 66: “lưỡng tính tâm lý là kết quả của những đồng hóa mà đứa trẻ làm với hai đấng sinh thành của mình: nó cho trẻ có khả năng quan hệ với người khác giới […]. Lưỡng tính tâm lý là khả năng quan hệ với giới tính khác biệt kia”.

[23] Lacroix, Di carne e di parola, op.cit., 131.

[24] Gioan Phaolô II, Thần học về thân xác, op.cit., 74: “Thân xác và giới tính con người không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Dẫu rằng thân xác con người, theo lẽ thường, mang nơi mình những dấu chỉ của giới tính, tự nhiên là nam hay là nữ, thế nhưng việc con người là “thân xác” thuộc về cấu trúc chủ thể ngã vị còn sâu xa hơn sự việc con người là nam hay nữ trên nền tảng thể xác”.

[25] Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris consortio, 37: “Thật vậy, tính dục là sự phong phú của toàn thể ngôi vị – thể xác, tình cảm, linh hồn – và biểu lộ ý nghĩa thâm sâu của nó bằng cách đưa ngôi vị ấy đến chỗ tự hiến mình trong tình yêu”.

[26] Gioan Phaolô II, Thần học về thân xác, op.cit., 125: “Thân xác con người, với giới tính nam và nữ của nó, không chỉ là nguồn mạch cho sự sống sinh sôi nảy nở qua việc truyền sinh, mà còn mang thuộc tính “hôn phối”, nghĩa là khả năng diễn tả tình yêu”.

[27] Cf. Scola, Uomo-donna, op. cit., 23: “Theo thiển ý của tôi, bí mật của người phụ nữ chủ yếu hệ tại nơi hữu thể của người, là nơi chốn của sự khác biệt. Eva là tha nhân của Ađam. Phụ nữ luôn chiếm ngự vị trí của tha nhân. Nhưng nói cho đúng, thì tha nhân là ai? Ý nghĩa cuối cùng của từ tha nhân là chính Thiên Chúa. Một cách nào đó, người phụ nữ là dấu chỉ Thiên Chúa mạnh mẽ nhất. Còn gì để tán dương căn tính nữ giới cao nhất?”.

[28] Cf. S. De Beauvoir, Le deuxième sexe, I, Gallimard, Paris 1949, 15, 31. Chúng ta biết có một mối quan hệ đặc biệt giữa Jean Paul Sartre và Simone de Beauvoir, từ đó triết học của họ có ảnh hưởng qua lại. Hẳn là, tác giả của “tha nhân là hỏa ngục(L’enfer, c’est les autres) đã cảm hứng nữ tác giả của quyển sách Le deuxième sexe. Chính bà đã viết: “viễn tượng chúng tôi chấp nhận là nền luân lý hiện sinh” (tr. 31). Có thể nhận thấy cái lý do bà tấn công E. Levinas, là người đã dám xem phụ nữ là “Tha nhân”. Về việc ấy bà viết: “Đàn ông được quan niệm không cần đến đàn bà. Nhưng người ta không thể quan niệm đàn bà mà không có đàn ông. Vấn đề chỉ là phụ nữ do đàn ông quyết định […]. Phụ nữ được xác định khác biệt với đàn ông, chứ đàn ông không được xác định bởi phụ nữ. Phụ nữ không là hiện hữu trước cái thuộc về yếu tính. Đàn ông mới là Chủ thể, là Tuyệt đối. Nàng là Tha nhân!”.
Thật thú vị nếu ta đọc lại những gì Levinas đã viết về người nữ như là “Tha nhân” trong tác phẩm Le Temps et l’Autre và De Beauvoir đã thuật lại trong ghi chú trang 15: “Có hay chăng một hoàn cảnh trong đó tha tính được mang bởi một hữu thể với tư cách như yếu tính thực sự? […]. Tôi nghĩ rằng đối tượng hoàn toàn đối lập, và sự đối lập không hề bị ảnh hưởng bởi mối quan hệ có thể được thiết lập giữa người ấy với đối tác tương liên của người ấy. Sự đối lập ấy, vốn cho phép đối tượng ở đầu cuối kia luôn hoàn toàn khác, là nữ tính. Giới tính không phải là một sự dị biệt đặc thù bất kì nào đó. Khác biệt giữa các giới tính cũng không phải là một mâu thuẫn. Nó cũng không phải là một tình trạng lưỡng phân của hai đối cực bổ túc tương hỗ, vì hai đối cực bổ túc thì giả thiết có một toàn thể tiền hữu. Tha tính được hoàn tất trong nữ tính”.

[29] R. Colombo, Il volto umano dell’embrione. Quando è iniziata la mia vita, Università cattolica del Sacro Cuore Milano, 34.

[30] Lacroix, In Principio la differenza, op. cit., 72: “Dù là trai hay gái, đứa con thuở ban sơ gắn bó với mẹ. Vì thế ta có thể nhận ra hệ quả đầu tiên của lệnh cấm loạn luân chức năng cấp bách của người cha”.

[31] Loạn luân = incest, có gốc từ latinh in-castus có nghĩa là không thanh sạch.

[32] Lacroix, L’amour du semblable, op.cit., 150.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây