TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tại sao có Sự Dữ và Đau Khổ trong đời sống?

Thứ hai - 31/05/2021 21:46 | Tác giả bài viết: LM Mathêu Nguyễn Khắc Hy PSS |   958

Tại sao có Sự Dữ và Đau Khổ trong đời sống?


I. Giới Thiệu

Nạn đại dịch covid-19, bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã lan tràn ra khắp thế giới, và đe dọa mạng sống con người khiến cuộc sống thường ngày của hầu hết mọi người bị đảo lộn. Riêng với người Công Giáo, Tuần Thánh năm nay có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử mà giáo dân phải tham dự thánh lễ “từ xa” qua hệ thống kỹ thuật truyền thông hiện đại. Trong bối cảnh đối diện với đai dịch, và người Kitô hữu đồng hành với Đức Giêsu Kitô trong tuần thánh để cảm nghiệm Cuộc Thương Khó, Sự Chết và Sự Sống Lại của Ngài, tôi muốn dùng cơ hội này để ôn lại giáo lý Công Giáo dạy gì về những sự dữ và đau khổ xảy ra trong đời sống con người, và làm thế nào để qua những hiểu biết này, chúng ta tăng thêm đức tin vào Thiên Chúa toàn năng và nhân từ.

Câu hỏi: Tại sao Thiên Chúa để có đại dịch covid-19 khiến hơn 1.2 triệu người nhiễm, và hơn 67 ngàn người tử vong? [1] Tại sao ông A bị ung thư? Tại sao bà B bị chết khi đang đi hành hương hay đang cầu nguyện? Tại sao anh C đang làm việc cho cộng đoàn lại bị xe tông và thành bất toại? Hay trên bình diện lớn hơn: Tại sao có chiến tranh gây thiệt mạng hàng triệu người? Khi Hitler giết sáu triệu người Do thái trong các lò hơi ngạt, Thiên Chúa ở đâu? Và hằng ngày, những người bị tù tội oan ức, Thiên Chúa ở đâu? Công bằng ở đâu?

Giáo Lý Công Giáo số 309 dạy “Nếu Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Ðấng Sáng Tạo nên thế giới có trật tự và tốt lành, chăm sóc hết mọi thụ tạo, tại sao có sự dữ?… Không thể có một câu trả lời ngắn gọn mà đầy đủ được.”

Sự hiện diện của sự dữ trong cuộc sống đã quá rõ ràng. Vì thế, đối diện với đau khổ là vấn nạn căn bản và cũng là mầu nhiệm phức tạp đầu tiên con người tiếp cận khi tìm hiểu đức tin họ đặt vào Thiên Chúa.

Những bất công, bệnh tật, chết chóc, đau khổ v.v… là một phần hiện thực của sự dữ (sự ác) được triết học và thần học quan tâm và tìm cách giải thích cho hợp lý. Câu hỏi ‘tại sao và làm cách nào sự dữ xâm nhập vào thế giới được Thiên Chúa tạo dựng’ vẫn chứa đựng bí ẩn thắc mắc nhiều hơn là câu trả lời.

Với đức tin Công Giáo, chúng ta hiểu gì mầu nhiệm này? Trước khi tìm hiểu thêm sâu rộng thêm về đề tài này, chúng ta cần phân biệt hai hình thức sự dữ được nói đến: một là sự dữ luân lý, hai là sự dữ tự nhiên. Sự dữ luân lý thường là hệ quả của việc con người sử dụng tự do (ví dụ như trộm cắp, giết người, cướp của, hãm hại nhau…). Sự dữ tự nhiên (như động đất, lụt lội, núi lửa, bệnh tật…) không là lựa chọn của con người nhưng họ lãnh hậu quả.

Dĩ nhiên không phải mọi kết quả sự dữ đều dễ nhận dạng theo hai hình thức trên, vì tính phức tạp của thực tế. Ví dụ như sập chiếc cầu Cần Thơ năm 2007 làm chết hơn 50 người, liệu đây là do sự dữ tự nhiên (cầu sập đè chết người) hay sự dữ luân lý khi con người làm lỗi (vì thiết kế cẩu thả, ăn cắp vật liệu, gian dối trong thi công…) gây sập cầu. Dịch Covid-19 là do sự dữ tự nhiên (con người vô tình lây lan từ một virus đang có trong động vật???...) hay sự dữ luân lý (vì con người muốn chế tạo để hại nhau, nhưng sai lầm trong kiềm chế kiểm soát khiến virus bị lọt ra ngoài??). Ngay cả với yếu tố sự dữ tự nhiên, việc lây lan nhanh chóng và quá rộng rãi trên thế giới có thể một phần do sự dữ luân lý khi con người che giấu sự thật về tình trạng nguy hiểm của virus này không?

Điều quan trọng là cho dù sự dữ luân lý hay tự nhiên, chúng ta cũng không dễ dàng tìm ra câu trả lời tại sao lại xảy ra như vậy.

Và tất cả những gì tôi chia sẻ dưới đây là tập hợp của những lý thuyết trong lịch sử tìm cách giải đáp thắc mắc này, nhưng không một giải đáp nào thỏa mãn được mọi thắc mắc của chúng ta. Dù sao, những tổng hợp vắn tắt này cho chúng ta một cái nhìn khái quát phức tạp về vấn nạn sự dữ và đau khổ trong cuộc sống, và giúp chúng ta cẩn thận hơn khi giảng dạy, thay vì cung cấp những câu trả lời đơn giản nhưng chứa đựng nhiều sai lầm.

II. Lịch sử tranh luận về sự dữ

Triết lý và thần học có cùng một câu hỏi, nhưng cách giải thích có nhiều khác nhau. Với triết lý, lý luận logic là nguyên tắc chính. Với thần học Kitô giáo, làm sao để bảo vệ được Một Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Toàn Thiện mà không thể bỏ qua sự hiện diện của sự dữ trong đời.

Thế kỷ thứ 4 trước công nguyên, triết gia Epicurus (341-270 BC) đã đặt câu hỏi tương quan giữa Triết học và Thần học khi ông hỏi về nguyên nhân của sự dữ, và được David Hume (1711-1776) lặp lại trong một lý luận ngắn gọn: “Có phải Thiên Chúa muốn ngăn ngừa sự dữ nhưng Ngài không có thể? Vậy, Ngài không Toàn Năng. Nếu Ngài có thể, nhưng Ngài không ước muốn ngăn ngừa? Vậy Ngài không Toàn Thiện. Nếu Ngài vừa có khả năng và vừa ước muốn làm việc đó, vậy tại sao sự dữ lại có mặt trong đời sống?”

1. Triết lý và các thuyết giải thích

Triết lý tìm cách giải thích sự hiện diện của sự dữ mà không nhất thiết phải tin là có Một Thiên Chúa, Đấng Tạo Dựng vũ trụ. Vì thế, một vài lý luận được ghi lại như sau:

Thứ nhất, chủ nghĩa Nhị Nguyên Thuyết (dualism) cắt nghĩa đơn giản rằng trong vũ trụ tồn tại hai thần lực, Tốt và Xấu. Sự đấu tranh này có thể là tạm thời (nghĩa là đến một lúc nào đó, một trong hai Thần sẽ thắng đối tượng kia), hay có tính cách vĩnh viễn (nghĩa là hai thế lực Tốt-Xấu này tồn tại muôn đời). Như thế, sự dữ trong thế gian là điều tất yếu, vì đó là một phần của thụ tạo trong vũ trụ. [2]

Thứ hai, không hề có hiện thực Tốt hay Xấu mà chỉ là những danh từ con người đặt tên cho những sự kiện xảy ra trong đời. Nói cách khác, “hên” hay “xui” không tùy thuộc vào sự kiện cho bằng tùy thuộc vào người đón nhận. Vì thế, không thể coi sự dữ như là một thực thể, mà tốt hơn là coi nó như một tình trạng tâm lý, hay một tình huống được con người diễn dịch theo ý mình. [3]

Thứ ba, thuyết Bất Khả Tri Luận (agnosticism) cho rằng khả năng con người không thể biết được. Thuyết Bất Khả Tri Luận được nhiều người chấp nhận vì mọi lý lẽ giải thích bí nhiệm sự dữ không thoả mãn được óc tò mò của con người, ngay cả vô thần như Voltaire, trong tác phẩm Candide,Ou L’Optimisme, cũng ủng hộ thuyết này. [4]

Thứ tư, thuyết Nhân Quả cho rằng “gieo gió thì gặp bão.” [5] Xuất phát từ tính dễ hiểu, triết thuyết này rất phổ biến trong đời sống con người, và là nền tảng niềm tin Ấn Độ giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Nho giáo…. Điều khó cắt nghĩa được kể lại trong Tin Mừng Gioan 9:1-12 là tại sao người mù từ khi mới sinh? Tội của anh ta hay của cha mẹ anh ta? Vì mù từ khi mới sinh nên chắc chắn anh ta chưa làm gì nên tội; còn nếu là tội cha mẹ anh thì câu hỏi: tại sao một người làm mà người khác phải chịu? Bên cạnh đó, ta lại còn chứng kiến nhiều người ác sống thảnh thơi trong khi người lành thánh gặp nhiều hoạn nạn. Thuyết Nhân Quả bị sách ông Gióp loại bỏ và cũng bị Chúa Giêsu lên án (John 9:2-3)

2. Triết lý và lý luận logic

Giáo lý Kitô giáo dạy chỉ có Một Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, Toàn Thiện. Vậy sự có mặt của sự dữ không thể dung hoà với những yếu tố trên của đức tin. Lý luận này được tóm gọn như sau:

a. Nếu Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện, Ngài phải tiêu diệt hết mọi sự dữ.
b. Nếu Thiên Chúa Toàn Năng, Ngài có thể tiêu diệt hết mọi sự dữ.
c. Vì thế, sự dữ trên thế gian chứng tỏ không có một Thiên Chúa vừa Toàn Năng - Toàn Thiện như Kitô giáo dạy.

Trước khi đi sâu vào tư tưởng thần học của lý luận này, chúng ta cùng nhau nhìn lại lý luận này theo phương thức logic của triết lý. Khi thách đố trên dựa vào lý luận để kết luận là không có Một Thiên Chúa như đức tin Kitô giáo dạy, thì chìa khóa giải đáp cũng dựa vào lý luận mà thôi.

Khi ta nói: “Thiên Chúa là Đấng toàn năng, làm được mọi sự” , câu này có nghĩa là gì? Có phải Ngài làm gì cũng được hay sao? Thưa không, vì có nhiều điều Thiên Chúa không làm được. Kinh thánh nói “với Thiên Chúa mọi sự đều có thể” (Mt. 19:26), nhưng Kinh thánh cũng dạy là có nhiều điều Thiên Chúa không làm được, như Ngài không thể lừa dối (Titus. 1:2), không thể phạm tội, hay cám dỗ người khác phạm tội (James 1:13). Nghĩa là Thiên Chúa không thể làm điều nghịch lại bản tính Ngài. Và cũng không thể làm điều gì ngoài định luật Ngài đã đặt ra, như không thể tạo ra một hình tam giác có bốn góc, hay làm sai thành đúng, hay người cao lại “ngắn” hơn người lùn…[6] Với con người, Thiên Chúa không thể cho họ vừa tự do, vừa mất tự do.

Vì thế, lý luận logic trên không thật sự cho chúng ta một thực thể nhưng cho ta một logic lập luận về từ ngữ mà thôi.

Nên trong thần học, chúng ta vẫn tuyên xưng Thiên Chúa Toàn Năng và Toàn Thiện, và dĩ nhiên Ngài có khả năng loại bỏ sự dữ, nhưng Ngài không thể làm mà không huỷ hoại tự do con người.

Còn với sự dữ tự nhiên (như động đất, lụt, bệnh tật…) thì sao? Lý luận trên cũng giúp ta hiểu rằng chúng ta không thể sống theo ý định Thiên Chúa muốn ta sống, nếu ta không có môi trường như ta đang có hiện tại. Nói cách khác, điều kiện sống hiện tại, dù có nhiều sự dữ, nhưng bảo đảm cho ta được tự do, và là điều kiện tốt nhất Thiên Chúa dành cho con người.

3. Sự dữ trong thần học truyền thống

Trong truyền thống thần học Kitô giáo, có vài hình thức giải thích được xem là phổ biến.

Trước hếtlà không thể hiểu được. Chúng ta không hiểu tại sao có sự dữ trên thế gian, nhưng chúng ta vẫn tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng đời mình, và con người cần kiên nhẫn trong đời sống đức tin. Cách hiểu này được kể lại trong sách ông Gióp khi cắt nghĩa rằng con người không thể hiếu được chương trình bí nhiệm của Thiên Chúa Toàn Năng (xem Job 38-41). Nên nhớ rằng chỉ vì ta không hiểu được lý do nào Thiên Chúa để cho sự dữ xảy ra, không có nghĩa là Thiên Chúa không có lý do để làm chuyện đó. Một em bé không luôn luôn hiểu hết những lý do đằng sau những việc bố mẹ làm cho mình, nhưng không phải vì thế mà bố mẹ không có lý do để cấm đoán hay khuyến khích em làm những gì bố mẹ muốn cho em. Vì thế, là con người mà đòi hỏi hiểu hết mọi mầu nhiệm của Thiên Chúa là điều không thể được, vì ngay cả biết bao điều chung quanh chúng ta mà ta còn chưa hiểu như sức ly tâm, sức hút trái đất, nguyên tử v.v…

Thứ haithanh luyện. Cách giải thích này là Thiên Chúa dùng đau khổ, sự dữ để thanh luyện con người ngày càng lớn mạnh hơn.[7] Tư tưởng này khá phổ biến trong thần học các giáo phụ, và ta có thể tìm thấy trong thần học thánh Phaolô, như trong thư gửi tín hữu Roma: “Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta.” (Rom 8:18). Dĩ nhiên tư tưởng thánh Phaolô nhắc ở đây là những đau khổ con người chịu vì danh Đức Giêsu Kitô, chứ không là những đau khổ đến từ những điều kiện mà con người có thể loại bỏ hay thay đổi. Nghĩa là, đừng hiểu lầm rằng thánh Phaolô muốn con người sống thụ động trước đau khổ, nhưng Ngài muốn dạy rằng Thiên Chúa sẽ không để những đau khổ con người chịu đựng vì danh Ngài trở nên vô ích. Với những người chống lại lối giải thích này, họ hỏi rằng: liệu Thiên Chúa còn phải tôi luyện con người đến mức nào? Bao nhiêu thử thách đau khổ xảy ra mới đủ?

Thánh Irenaeus (thế kỷ 2) cho rằng sự dữ đơn giản là một phần của thụ tạo được dựng nên, và là điều kiện cần thiết để con người có thể sử dụng tự do chọn điều Tốt. Chỉ khi có sự dữ như một lựa chọn, con người mới thật sự hiểu tự do là gì khi chọn điều tốt – xấu cho mình. Và khi chọn điều tốt để làm và loại bỏ điều xấu, con người trưởng thành. Như vậy, sự dữ là điều kiện cần thiết để con người được tôi luyện và trưởng thành.[8]

Thứ baphó thác theo ý Chúa. Lối giải thích này cho rằng không việc gì xảy ra mà không theo ý Thiên Chúa, nghĩa là, mọi việc xảy ra dù Thiên Chúa cho phép xảy ra hay Thiên Chúa muốn nó xảy ra đều do Thiên Chúa định đoạt. Lối giải thích này cũng không quên nhấn mạnh rằng ý định cuối cùng của Thiên Chúa luôn luôn muốn sự tốt đẹp cho con người, vì những gì không tốt đẹp đều không hợp với bản tính tốt lành, yêu thương và khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa chắc chắn phải có lý do chính đáng khi để những sự dữ xảy ra. Nói cách khác, Thiên Chúa sẽ đem về những kết quả tốt đẹp đến từ đau khổ, và dùng sự dữ như phương tiện để thực hiện mục đích Ngài. Vậy, Thiên Chúa muốn có sự dữ, vì nếu Ngài không muốn thì nó không thể hiện hữu được. Điều đáng chú ý (về thần học) là liệu ước muốn có sự dữ trên thế gian có thuộc về bản tính Thiên Chúa không? Vì theo giáo lý Công Giáo, Thiên Chúa luôn luôn ước muốn điều thiện hảo? Tóm lại, lối giải thích này từ chối công nhận rằng sự dữ là một vấn nạn, và khuyên Kitô hữu chỉ cần phó thác theo ý Thiên Chúa là đủ.

Thứ tưvũ trụ đang tiến hóa. Một quan điểm khác cho là những sự dữ trong đời như bệnh tật, già nua, thất bại… là một phần của tiến trình tiến hoá trong vũ trụ (như đau khi mọc răng là một phần của sự lớn mạnh của con người). Tựu trung, vũ trụ đang tiến hoá. Và bão tố, động đất… là một phần của tiến trình này. Cha Pierre Teilhard de Chardin, thần học gia người Pháp, là người cổ võ cho tư tưởng này. Hiểu cách này, tất cả những gì xảy ra trên thế giới được coi là chức năng của đời sống vũ trụ. Đây là nghĩa sâu nhất của danh từ “tiến hoá”. Thuyết này có ưu điểm là giải thích những sự dữ tự nhiên (động đất, lụt lội, núi lửa…) là bản năng tiến hoá. Vì thế, sự dữ không là một sản phẩm có mặt ngay từ khi tạo dựng vũ trụ, và vì thế, không là một sản phẩm Thiên Chúa dựng nên. Do dó, sự dữ trong thuyết này không có từ đầu, và sau này cũng biến mất khi vũ trụ hoàn hảo, hết tiến hoá.[9]

4. Thánh Augustine và sự dữ

Thánh Augustine (354-430) được coi là thần học gia tiên phong có những giải đáp khá thỏa đáng liên quan đến câu hỏi này.[10] Lời giải thích của thánh nhân dựa trên đức tin căn bản: Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng (Ngài làm được mọi sự) và Toàn Thiện (Ngài luôn yêu điều thiện, không làm điều ác).[11] Lối giải thích của Ngài thực tế, đáng tin, giải đáp được những hi vọng của Kitô hữu, và giúp những gì ta đang làm có ý nghĩa.

Trước hết, Thiên Chúa tạo dựng nên mọi sự từ hư không, và mọi sự đều tốt đẹp. Vì thế, sự dữ không thể là một sản phẩm (thụ tạo) của Thiên Chúa toàn thiện được, vì Ngài không dựng nên sự dữ.[12] Vậy nếu không là một thụ tạo, sự dữ từ đâu đến? Thánh Augustine giải thích rằng sự dữ tự nó không hiện hữu được, vì Thiên Chúa không dựng nên nó, nhưng sự dữ là do vắng bóng sự thiện mà thôi.[13] Thánh Augustine cũng giải thích thêm rằng vì sự dữ tự nó không tồn tại như một thụ tạo, vì thế con người không chọn sự dữ như một đối tượng (vì không có thực để con người chọn). Nhưng khi con người từ chối và quay mặt lại với sự thiện, hay khi chọn lựa cái kém hơn sự thiện, con người đến với sự dữ. Và thánh Augustine kết luận rằng nguồn gốc của sự dữ nằm ở tự do của con người khi họ lựa chọn điều kém hơn sự thiện.[14]

5. Thần học hiện đại và cái nhìn mới về sự dữ

Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, với hơn sáu triệu người Do Thái bị Đức Quốc Xã giết chỉ vì họ là người Do Thái, thần học nhìn về sự dữ thay đổi rất nhiều. Nhiều thần học gia phê bình lối giải thích của thánh Augustine hay lối hiểu trong thần học cũ vì tính không thực tế, xa vời, và không giải thích được vai trò Thiên Chúa trong đời sống con người. Họ đề nghị cần phải có một cái nhìn mới trong vấn đề này. Lối giải thích của những thần học mới này cũng mang theo những yếu tố sau:

Thứ nhấtchất vấn tính toàn thiện của Thiên Chúa. Sự dữ ngày càng nhiều trên thế gian khiến con người mất tin tưởng vào Một Thiên Chúa Là Tình Yêu, như Thánh Kinh dạy. Như vậy không có nghĩa là họ từ chối Thiên Chúa toàn thiện, nhưng họ đặt câu hỏi để “xét xử” Thiên Chúa hơn là luôn bênh vực Thiên Chúa như trong thần học truyền thống.

Thứ haiquy trách nhiệm gián tiếp cho Thiên Chúa khi để sự dữ hiện diện trong thế gian. Vì Thiên Chúa cho con người tự do, và họ đã làm điều xấu (cướp của, giết người…) mà Thiên Chúa không ngăn cản được, nên Thiên Chúa chịu trách nhiệm gián tiếp cho hành động con người gây ra sự dữ. Dù Thiên Chúa luôn ước mong những gì tốt đẹp nhất cho con người, và không muốn họ đau khổ, nhưng Ngài phải chịu một phần trách nhiệm trong thế giới Tốt-Xấu lẫn lộn này.

Thứ bacon người trưởng thành và hoàn hảo qua chính những lựa chọn của mình. Lối giải thích này cho rằng mỗi con người sinh ra đều có một mục đích mong đạt được. Không như Augustine cho rằng sự dữ là kết quả của tội lỗi, hay như thánh Irenaeus cho rằng sự dữ tôi luyện đời sống đức tin, John Hick (người đại diện cho lối hiểu này) cho rằng chính sự dữ giúp con người có kinh nghiệm khi có những quyết định đúng đắn để xây dựng tư cách của mình. Chính những quyết định đúng đắn hằng ngày giúp ta sống trọn vẹn, đúng nghĩa Thiên Chúa đã ước định cho ta.

Cuối cùngthần học giải phóng nhắm đến giải thoát con người khỏi những bất công hiện tại. Chính bất công gây ra nghèo đói, tội ác… và những đàn áp, bóc lột là hiện thân của sự dữ. Lối giải thích này không cắt nghĩa nguyên nhân sự dữ, nhưng mời gọi con người thông phần với Đức Kitô là nạn nhân của xã hội bất công, và luôn nhớ rằng Sự Sống Lại là chiến thắng của Thiên Chúa trên sự dữ.

III. Giáo lý Công Giáo và thần học về sự dữ

Trong sách giáo lý Công Giáo, Giáo Hội luôn khẳng định rằng sự dữ (kết quả dẫn đến đau khổ) trong đời sống con người luôn luôn là một mầu nhiệm. Vì thế, Giáo Hội không cho ta một câu trả lời rõ ràng, rành mạch theo lý luận bình thường cho câu hỏi “Tại sao Một Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện lại để cho sự dữ hoành hành trong đời sống con người” . Dù công nhận là một mầu nhiệm, Giáo Hội cũng đưa ra nhiều giải thích để chúng ta có thể hiểu và sống có ý nghĩa khi đương đầu với sự dữ. Một vài tư tưởng hiện tại:

Trước hết, vũ trụ và con người đang trong qúa trình tiến hoá. Giáo lý số 310 dạy: “Tại sao Thiên Chúa không tạo dựng một thế giới thật hoàn hảo để không có một sự dữ nào xuất hiện?” Giáo hội trả lời là cho dù Thiên Chúa quyền năng vô biên có thể làm được việc này, nhưng Ngài đã không làm, mà tạo dựng một thế giới “trong tình trạng lên đường” hướng về sự hoàn hảo sau cùng. Nghĩa là cả vũ trụ đang tiến triển, lớn mạnh để đi đến hoàn hảo. Vì thế, sự lớn mạnh khi “cái này xuất hiện, cái kia biến đi” (như núi lửa xuất hiện tạo nên núi mới trong khi núi già biến đi) là quá trình tiến hoá của mọi loài. Giáo hội kết luận: “Vì vậy bao lâu mà công trình tạo dựng chưa đạt được mức trọn hảo của nó, thì cùng với điều tốt thể lý, cũng có sự dữ thể lý.” Nói cách khác, lớn mạnh để đi đến hoàn hảo đòi hỏi thay đổi, thay đổi đòi hỏi nhiều đau khổ mà ta gọi là sự dữ[15].

Thứ hai, tự do là nguyên nhân gây sự dữ. Và dù Thiên Chúa không tạo dựng sự dữ, Ngài cho phép sự dữ xâm nhập thế gian. Giáo lý số 311: “Thiên thần và con người có tự do…trong thực tế, họ đã phạm tội… Tuy nhiên, vì tôn trọng tự do của thụ tạo, Người để nó xảy ra, và một cách mầu nhiệm, Người biết cách rút lấy điều lành từ sự dữ.” [16] Giáo hội khẳng định “Thiên Chúa không bao giờ, bằng bất cứ cách nào, trực tiếp hay gián tiếp, là nguyên nhân của sự dữ luân lý.” Nhưng trong và qua sự dữ, Thiên Chúa biến nó thành những gì lợi ích cho con người. Giáo lý 313 dạy: “Mọi sự đều sinh lợi ích cho ai yêu mến Thiên Chúa” (Rm 8, 28). Và giáo lý 312 khẳng định: “Thiên Chúa dẫn đưa ta tới điều thiện hảo từ những hậu quả của sự dữ.”

Thứ ba, Thiên Chúa sẽ toàn thắng. Sách giáo lý số 314 dạy rằng hiện tại chúng ta không hiểu được mầu nhiệm đau khổ, nhưng ta tin rằng Thiên Chúa sẽ toàn thắng mọi sự trong ngày sau hết. Trong ngày “mặt đối mặt” đó (1 Cor 13:12), chúng ta hiểu trọn vẹn đường lối Thiên Chúa dẫn con người qua những thảm kịch của sự dữ và tội lỗi. Nói cách khác, cuối cùng ta sẽ hiểu trọn vẹn. Vì thế hãy cứ vững lòng tin.

IV. Kết Luận

Đau khổ mà thế giới đang gánh chịu vì nạn đại dịch Covid-19 khiến mọi người đặt câu hỏi về sự hiện diện của sự dữ, và câu hỏi này chắc chắn vẫn còn là vấn nạn ngàn đời cho mọi người. Là những Kitô hữu, dù chúng ta không biết tại sao mình bị đau khổ hay tại sao sự dữ khống chế cuộc sống, nhưng chúng ta tin những đau khổ mình chịu không vô nghĩa, vì chính Đức Giêsu Kitô đã chịu đau khổ cách bất công. Điều chúng ta TIN chắc chắn là Thiên Chúa luôn yêu thương con người, và Ngài đã tạo dựng một thế giới tốt nhất có thể được, để con người sinh hoạt.

Tôi mượn lời dạy của giáo lý Công Giáo số 324 để tóm kết: “Việc Thiên Chúa cho phép có sự dữ thể lý và sự dữ luân lý là một huyền nhiệm mà Thiên Chúa làm sáng tỏ nhờ Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và sống lại để chiến thắng sự dữ. Ðức tin giúp chúng ta xác tín rằng, Thiên Chúa đã không cho phép sự dữ xuất hiện, nếu Ngài không làm phát sinh điều thiện hảo từ chính sự dữ đó, bằng những đường lối mà chúng ta chỉ biết được trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu.”

 

LM Mathêu Nguyễn Khắc Hy PSS


-------------------

Chú thích:
[1] Con số tính đến ngày 5-4-2020.
[2] Nhiều Kitô hữu nhầm lẫn cho rằng Nhị Nguyên Thuyết đến từ Kinh thánh, nhưng thực ra thuyết này đến từ Gnosticism (Vô Ngộ Thuyết) và Manichaeism (Thuyết Mani). Thuyết Nhị Nguyên được tìm thấy sớm nhất được tìm thấy trong lời dạy của Zarathustra (thể kỷ 6 trước công nguyên) và được Mani (chết 276) khai thác thêm. Thuyết này chủ trương vũ trụ tồn tại có Bóng Tối – Ánh Sáng, Trắng-Đen, Nóng-Lạnh...
[3] Lý luận này được triết gia Baruch Spinoza (1632-1677) cổ động và được gọi là Duy Danh Luận Chủ Nghĩa (nominalisticism).
[4] Triết gia Gottfried W. Leibnitz lý luận rằng thế giới hiện tại là chọn lựa tốt nhất mà Thiên Chúa đã dựng nên cho dù có sự hiện diện của Sự Dữ. Lý luận này nhằm đáp lại logic của triết lý mà nhiều người nói là câu trả lời của Leibnitz cho Descartes. Nhưng Voltaire, trong tác phẩm Candide,Ou L’Optimisme, đã bắt đầu với lời lẽ ủng hộ quan niệm của Leibniz về cách giải thích hiện hữu của sự dữ cho rằng vũ trụ này là chọn lựa tốt nhất mà Thiên Chúa có thể làm ra. Nhưng cuối tác phẩm, ông kết thúc bằng lời lẽ cổ võ cho thuyết Bất Khả Tri Luận, cho rằng bí nhiệm này vượt trên khả năng con người.
[5] Thuyết Nhân Qủa được người Do Thái chấp nhận vì tính dễ hiểu của nó. Gioan 9:1-2 kể chuyện khi gặp người mù từ khi mới sinh, một số môn đệ Chúa Giêsu cho là do tội của anh ta hay của cha mẹ anh ta. Chúa Giêsu dùng cơ hội này để sửa sai niềm tin của họ. Kitô giáo chưa bao giờ chính thức dùng thuyết Nhân Qủa để cắt nghĩa nguồn gốc sự dữ, nhưng nhiều người hiểu lầm lời dạy cho rằng sự trừng phạt Thiên Chúa áp đặt trên Adam và Eva vì bất tuân là hình thức Nhân Quả (xem Gen 3:16-18). Dù giáo lý Giáo Hội dạy rằng đau khổ là kết quả của tội lỗi, nhưng luôn nhắc nhở đây là một mầu nhiệm hơn là một sự kiện được cắt nghĩa cách đơn giản theo thuyết Nhân Quả.
[6] Đừng lầm tưởng lý luận “toàn năng” này với phép lạ. Dĩ nhiên Thiên Chúa có thể làm cho đá nổi trên mặt nước, hay cho trâu bò bay nhanh hơn chim, nhưng khi đã là phép lạ, thì thực chất của hiện vật thay đổi, nghĩa là, đá được phép “nhẹ” hơn nước, hay trâu bò được phép “bay” nhanh hơn chim. Điều Thiên Chúa không thể làm được là khi tốc độ bay 50 km/giờ lại nhanh hơn 100 km/giờ, hay 10 kg lại nhẹ hơn 5 kg. Tất cả những định luật tự nhiên này được chính Thiên Chúa định đoạt.
[7] Giáo phụ Origen, thế kỷ 3, giải thích rằng những thử thách là để ta được tôi luyện và lớn lên (xem De principiis, sách I, V,1). Thể xác con người như phương tiện qua đó ta được “huấn luyện và hướng dẫn” để được ơn cứu chuộc (xem De principiis, sách I, V,3). Sự Dữ bài học Thiên Chúa dạy con người.
[8] John Hick, một học giả nổi tiếng hiện đại của thế kỷ 20, khai thác tư tưởng này của thánh Ireneaus trong cuốn Evil and the God of Love (San Francisco: Harper San Francisco, 1978).
[9] Xem Pierre Teilhard de Chardin, The Future of Man, New York: Harper & Row Publisher, 1964, p. 261.
[10] Cho đến cuối đời thánh Augustine vẫn còn tranh luận vấn đề này với Julian. Xem John M. Rist, Augustine (New York: Cambridge University press, 1994) p. 261.
[11] Khi còn trẻ, Augustine theo nhóm Manichean chủ trương Nhị Nguyên Thuyết, cho là vũ trụ có Tốt-Xấu cùng tồn tại. Sau khi đã trở nên Kitô hữu, Augustine chống lại lạc thuyết này trong những bài viết của Ngài.
[12] Xem De Civitate Dei, ch. xII.
[13] Xem Augustine, De Civitate Dei, XI, CHAP. 9, và Confessiones, VII: [XII] 18. Thánh Augustine sửa đổi một phần tư tưởng của Hậu Plato (Neo-Platonism) khi trường phái này nhấn mạnh rằng sự dữ không là hữu thể tự hữu nhưng là vắng bóng của Sự Thiện.
[14] Xem Augustine, De Civitate Dei, XII, CHAP. 6, và Confessiones, VII: [III] 5.
[15] Giáo lý Công Giáo 310 - Tại sao Thiên Chúa không tạo dựng một thế giới thật hoàn hảo để không có một sự dữ nào xuất hiện? Xét theo quyền năng vô biên Thiên Chúa vẫn có thể tạo dựng được điều tốt hơn (x. T. Tôma Aquinô tổng luận 1, 25, 6). Nhưng trong sự khôn ngoan và nhân hậu vô biên của Ngừơi, Thiên Chúa đã tự ý sáng tạo một thế giới trong “tiến trình” hướng về sự trọn hảo tối hậu. Theo ý định của Thiên Chúa, sự tiến hóa này gồm có việc vật này xuất hiện và vật khác biến đi, có cái hoàn hảo hơn và có cái kém hơn, có xây đắp và cũng có tàn phá trong thiên nhiên. Vì vậy bao lâu mà cuộc sáng tạo chưa đạt được sự trọn hảo của nó, thì cùng với điều tốt thể lý, cũng có sự dữ thể lý (x. T. Tôma Aquinô, s. gent 3. 71).
[16] Giáo lý Công Giáo 311 - Thiên thần và con người là những thụ tạo thông minh và tự do, nên phải tiến về cùng đích bằng một sự lựa chọn tự do và yêu chọn cái tốt hơn. Do đó họ có thể lầm lạc. Trong thực tế, họ đã phạm tội. Như vậy, sự dữ luân lý, vô cùng nghiêm trọng hơn so với sự dữ thể lý, đã xâm nhập vào thế giới. Thiên Chúa không bao giờ là nguyên nhân của sự dữ luân lý, cho dù trực tiếp hay gián tiếp (x. T. Âu-tinh, lib 1, 1, 1; Th. Tôma Aqu, s. th, 1-2, 79, 1). Tuy nhiên, vì tôn trọng tự do của thụ tạo, Người để nó xảy ra, và một cách mầu nhiệm, Người biết cách rút lấy điều lành từ sự dữ.


 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây