TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật XXVIII Thường Niên -Năm B

“Hãy đến theo tôi.” (Mc 10,17-30)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Vấn đề độc thân của linh mục

Thứ hai - 16/01/2023 20:47 | Tác giả bài viết: Lm. Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ |   873
Là con người, họ cũng cần được mái ấm gia đình. Tại sao Giáo hội Công giáo luôn gay gắt bảo vệ luật độc thân linh mục?
Vấn đề độc thân của linh mục

GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 74: VẤN ĐỀ ĐỘC THÂN CỦA LINH MỤC


Hỏi: Con thấy nếu linh mục có vợ, có gia đình cũng tốt. Là con người, họ cũng cần được mái ấm gia đình. Tại sao Giáo hội Công giáo luôn gay gắt bảo vệ luật độc thân linh mục?

Trả lời:


Chào bạn,

Cùng với vấn đề phong chức linh mục cho nữ giới, đây cũng là một chủ đề lâu nay vẫn tạo ra những cuộc tranh cãi sôi nổi. Có nhiều người trình bày quan điểm giống như bạn: linh mục cũng là con người, họ cũng có những nhu cầu căn bản của một con người, một trong số đó là có gia đình riêng, vậy tại sao Giáo hội Công giáo không cho phép các linh mục của mình lập gia đình? Bên Giáo hội Đông Phương, người ta được phép lập gia đình trước khi thụ phong linh mục. “Được phép” có nghĩa là họ có quyền chọn lập gia đình hay không. Khi đã chịu chức linh mục rồi thì không được phép nữa. Chỉ những linh mục nào chọn không lập gia đình thì mới có thể được chọn để trở thành giáo chủ (giám mục).[1] Nhiều người Công giáo đã dựa vào điều này để cho rằng bên Công giáo quá khắt khe. Tuy vậy, không có một quy định nào mà không có lý do của nó, mà nếu hiểu rõ được, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.

Lịch sử của luật độc thân linh mục

Trong Cựu Ước, việc sống tiết dục là điều vô cùng khó hiểu, nếu không muốn nói là một trừng phạt của Thiên Chúa. Người nào không có con thì bị cho là do Thiên Chúa quyền rủa. Sự phong nhiêu, sinh con đẻ cái là một phúc lành lớn lao. Ta được biết đến câu chuyện của những người phụ nữ hiếm muộn đã bị người đời chê bai, nhưng được Thiên Chúa đoái thương ban cho mụn con dù tuổi đời đã lớn, như vợ của ông Manoac, mẹ của Samson (x.Thp 13,1 – 14,20), hay bà Anna, mẹ của tiên tri Samuel (x.1Sam 1), hay gần hơn là bà Elisabet, mẹ của Gioan Tẩy Giả. Tiên tri Giêrêmia là người bị Thiên Chúa bắt phải sống độc thân. Thiên Chúa không cho ông kết hôn, sinh con đẻ cái như một hình ảnh để ám chỉ sự khô cằn của dân Do Thái, do dân này đã bất tuân mệnh lệnh của Thiên Chúa. Sự độc thân trở nên một hình phạt, chứ không phải là điều đáng ao ước.

Đức Giêsu cũng không nói nhiều đến sự độc thân và khiết tịnh. Chỉ có một số ít trường hợp, Ngài nói một cách qua loa sơ sài để dạy các môn đệ một số vấn đề liên quan đến luân lý và mầu nhiệm Nước Trời. Chẳng hạn, nơi Mt 22,30–31, Đức Giêsu mặc khải rằng: “Trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các Thiên Thần trên trời.” Nơi khác, Ngài nói: “Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu!” (Mt 19,12). Trong số các Tông Đồ của Chúa Giêsu, cũng có các vị đã lập gia đình, có vợ (như Phêrô chẳng hạn – x.Mc 1,29–31 – Đức Giêsu chữa bệnh cho nhạc mẫu ông Phêrô). Lc 18,29 còn đề cập đến chuyện “bỏ nhà, bỏ vợ, bỏ anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa”. Thánh Phaolô cũng có nhắc đến sự độc thân theo gương ngài để lo việc rao giảng Tin Mừng (x. 1Cor 7,8.25–40). Cũng chính Phaolô trong thư gửi cho Timôthê, đã đưa ra những tiêu chuẩn cần thiết để chọn giám quản (giám mục), trong đó, ngài nói đến “chỉ có một đời vợ, tiết độ, chừng mực…” (x.1Tm 3,2–8).

Thế nhưng, sau đó, ngay từ khi đời tu vừa chớm nở, các ẩn sĩ đã xem việc sống độc thân là một trong những điều kiện hàng đầu để lo chuyên tâm chiêm niệm Thiên Chúa. Họ sống một mình trong sa mạc, ngoài chuyện từ bỏ mọi của cải, ăn uống đạm bạc, hoà mình với thiên nhiên, họ còn kiêng khem cả chuyện tính dục. Bởi thế, mới có những phong trào thánh hiến trinh nữ và các goá bụa vào khoảng thế kỷ thứ 2 hoặc 3. Những ai muốn dâng hiến mình cho Chúa đều tự thấy phải tách mình ra khỏi những tương quan gắn bó trần thế khác (đặc biệt là những tương quan có dính líu đến tính dục và trách nhiệm) để chỉ chuyên chăm cho việc phụng sự một mình Ngài.

Ban đầu, các giám mục và linh mục vẫn có gia đình riêng. Chúng ta thấy “dấu vết” của quy định tiết dục dành cho các giám mục xuất hiện trong tác phẩm Didascalia Apostolorum (thế kỷ III), thậm chí đòi buộc họ phải hứa trước khi được phong chức.[2] Đến khoảng năm 300–303, công đồng Elvira (gần Granada–Tây Ban Nha ngày nay), lặp lại đòi buộc này. Lưu ý là công đồng đòi “tiết dục” chứ không phải “không được lập gia đình”. Điều 3 của công đồng Nicea (325) quy định rằng “cấm tất cả giám mục, linh mục, phó tế hay bất cứ tu sĩ (nam) ở với một phụ nữ (ngoài trừ người thân như mẹ, chị, cô dì và những người nào không gây ra nghi ngờ tương quan mờ ám). Thư của Đức Siricus ở Rôma (385) và công đồng Carthage (390) cũng nhắc lại luật này, buộc các giám mục, linh mục, phó tế đang có gia đình phải tiết dục.

Đến thế kỷ V, Giáo hội Công giáo đòi những ứng viên linh mục, giám mục phải hứa sống độc thân. Công đồng Orange (441) và Arles (524) chấp thuận đòi hỏi này. Công đồng Metz và Mainz (thế kỷ IX) chính thức cấm linh mục và giám mục lập gia đình. Cuối thế kỷ XI, Đức Gregorio, trong quá trình cải tổ giáo luật, đã buộc mọi linh mục và giám mục sống độc thân. Công đồng Laterano I (năm 1123), điều 21, nhắc lại quy định này. Công đồng Laterano II (1139), điều 6 và 7 quy định rằng những linh mục, phó tế hay phụ phó tế nào vi phạm luật độc thân sẽ bị loại trừ khỏi chức vụ và cấm giáo dân dự lễ những linh mục phạm luật này. Công đồng Trento (1542–1563), trong phiên họp thứ 24, điều 9, đã quy định rằng hôn phối được giao kết của người có chức thánh hay người có lời khấn trọng giữ mình khiết tịnh thì vô hiệu.
Giáo Lý Hội Thánh Công giáo số 1579 nói rằng:

“Trong Giáo hội La–tinh, trừ các phó tế vĩnh viễn, mọi thừa tác viên có chức thánh thường được tuyển chọn từ những người nam sống độc thân và có ý giữ độc thân “vì Nước Trời” (Mt 19,12). Ðược mời gọi tận hiến cho Chúa để “lo việc của Người” (x. 1Cor 7, 32), các ngài hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa và con người. Ðời sống độc thân là dấu chỉ của sự sống mới mà các thừa tác viên của Hội Thánh được thánh hiến để phục vụ. Nếu hân hoan đón nhận đời sống độc thân này, các ngài sẽ loan báo Nước Trời hữu hiệu hơn (x. PO 16).
Giáo Luật 1983 điều 1037:

“Người sắp được tiến chức phó tế vĩnh viễn mà không kết hôn, cũng như người sắp được tiến chức Linh Mục, không được chấp nhận để chịu chức phó tế nếu họ đã không công khai đảm nhận nghĩa vụ sống độc thân trước Thiên Chúa và Giáo hội, theo nghi thức đã được quy định, hoặc nếu họ đã không tuyên khấn vĩnh viễn trong một hội dòng.”
Giáo Luật Điều 1041 quy định rằng:

“Người đã mưu toan kết hôn, dầu chỉ là hôn nhân theo luật dân sự, trong khi còn mắc ngăn trở không kết hôn được do dây hôn nhân, hoặc do chức thánh, hoặc do lời khấn công vĩnh viễn giữ đức khiết tịnh, hoặc vì đương sự đã kết hôn với một người nữ đã kết hôn thành sự hay đang bị ràng buộc bởi cùng lời khấn giữ đức khiết tịnh ấy”, thì bất hợp luật để chịu chức.

Chúng ta vừa lược qua đôi nét lịch sử về những quy định liên quan đến luật độc thân linh mục. Hẳn là bạn đang thắc mắc: tại sao lại phải quy định như thế? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu lý do.

Vì sao có luật độc thân linh mục?

Có hai điều chúng ta cần lưu ý trước khi bắt đầu vào vấn đề chính. Điều thứ nhất, cần có sự phân biệt giữa các linh mục triều (linh mục giáo phận) và các linh mục dòng (linh mục thuộc về một hội dòng nào đó, bị ràng buộc bởi các lời khấn). Một linh mục dòng, vì đã tự nguyện khấn lời khấn khiết tịnh, nên không thể kết ước hôn phối được. Hay nói cách khác, người đó sống độc thân, ngoài việc phải tuân theo quy định của Giáo hội, còn do bởi chọn lựa không kết hôn với người khác của chính mình. Giả như một ngày nào đó, Giáo hội cho phép các linh mục được lập gia đình, thì các linh mục dòng cũng không thể vì họ bị lời khấn khiết tịnh mà họ tự nguyện chọn khấn trói buộc.

Điều thứ hai, chúng ta thấy rằng quy định độc thân linh mục trong Giáo hội Công giáo mang tính kỷ luật hơn là thần học. Có nghĩa là ân sủng của bí tích truyền chức thánh và bí tích hôn phối không đối nghịch và loại trừ nhau. Giả như có ai đó được lãnh nhận cách thành sự hai bí tích này thì ân sủng của Thiên Chúa vẫn ban đầy đủ cho người ấy[3]. Vì thế, những lý do để có quy định độc thân sẽ đến từ lý do mục vụ. Nó là luật do Giáo hội quy định nhằm giúp ích cho việc phục vụ của các linh mục và cho đời sống chung của Giáo hội chứ không phải là một điều gì đó xấu xa, đối nghịch với Thiên Chúa. Vậy, linh mục sống độc thân thì có lợi ích gì?

Chúng tôi tin là chính bạn cũng có thể tìm ra vài lợi ích. Trong số đó, chắc chắn là có việc giúp các linh mục thoát khỏi những mối bận tâm mà họ sẽ phải có nếu kết hôn, như trách nhiệm với vợ con. Không có gia đình riêng, họ sẽ toàn tâm toàn ý cho việc chăm sóc mục vụ. Họ không phải vừa lo cho xứ đạo, vừa phải dàn xếp những việc riêng ở nhà. Việc thuyên chuyển các linh mục cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Các tín hữu cũng sẽ thoải mái hơn khi tìm đến với họ và chính họ cũng tự do hơn để lắng nghe, chia sẻ, nâng đỡ họ. Người ta sẽ không sợ những tâm tư hay thậm chí là tội của mình sẽ bị vị linh mục “vô tình” tiết lộ cho vợ. Việc điều hành giáo xứ cũng sẽ công tâm hơn, ít là không bị “hậu cung” can thiệp vào. Việc linh mục độc thân cũng giúp Giáo hội tránh khỏi những điều tiếng như phản bội, bất hoà, ly dị… (vì nếu linh mục có gia đình, khó có thể chắc rằng những chuyện này không xảy ra trong gia đình riêng của họ).

Ngoài ra, Giáo hội cũng cảm thấy không đủ khả năng để chu cấp cho các giáo sĩ có gia đình. Nếu linh mục có gia đình, linh mục cần nhiều tiền hơn để trang trải cho cuộc sống mà nơi đó họ là trụ cột. Họ sẽ phải dính dáng nhiều đến vấn đề tài chính, mà đây lại là nguồn cơn của nhiều vấn đề khác…

Đến đây có thể bạn sẽ chất vấn chúng tôi bằng những câu hỏi kiểu như: các linh mục ở Giáo hội Đông Phương có vợ con, đời sống của họ, thậm chí là Giáo hội ấy vẫn phát triển tốt đẹp đấy thôi; hơn nữa, việc linh mục sống độc thân cũng gây ra nhiều vấn nạn như họ sẽ cảm thấy cô đơn, họ sẽ có vấn đề về tâm lý, những dồn nén về tính dục có thể dẫn họ đến những sai phạm tính dục mà dạo gần đây Giáo hội đang phải đối mặt… Biết đâu, việc cho phép các linh mục được lấy vợ có thể giải quyết được những vấn đề này, mà cũng không làm mất đi những lợi ích (hoặc không làm tổn hại nhiều) đã được nói ở trên?

Trả lời cho những câu hỏi này của bạn, chúng ta buộc phải tìm hiểu ý nghĩa thiêng liêng của việc độc thân của các linh mục. Sự độc thân của các linh mục không giống như kiểu độc thân của những người bị “ế” hoặc không thích lập gia đình, nhưng là “độc thân vì Nước Trời”. Đó là kiểu độc thân giúp cho vị linh mục dâng hiến cho Thiên Chúa khả năng yêu thương của riêng mình để có thể đạt tới sự thánh hoá bản thân và mưu ích cho tha nhân cách hữu hiệu hơn, dễ dàng hơn. Họ dâng lên Chúa một trái tim không hề bị sẻ chia, để mong sao được thuộc về Chúa cách trọn vẹn hơn. Họ dâng hiến hết tất cả tâm tình, phái tính, dục tính và mọi bản năng chiếm đoạt cũng như thống trị cho Chúa Thánh Thần để được thanh luyện và thánh hoá. Con người họ sẽ được sử dụng cho tình yêu, bắt xác thịt phụ thuộc tinh thần, chứ không có sự phân tách, sẻ chia.

Chọn độc thân vì Nước Trời không phải là chọn một tình yêu đối nghịch với tình yêu nhân loại, càng không phải là khinh miệt hôn nhân, không phải biến mình trở nên khác người, nhưng là mở ra với một tương quan mới, có dính dáng đến giới tính, nhưng không qua chuyện tính dục. Các linh mục chọn yêu Chúa như đối tượng độc nhất và nguồn mạch, để rồi từ đó, họ được mời gọi yêu mọi con người bằng một tình yêu phổ quát, cho đi, không thu vén. Họ chọn không thuộc về ai để có thể thuộc về tất cả. Như thế, họ chẳng những không mất khả năng trao hiến mà còn trao hiến cách phổ quát và rộng rãi hơn. Giáo luật 599 còn nói đến sự khiết tịnh trong đời tu như một dấu chỉ cho Thiên Đàng, cho một thế giới mới sẽ đến và là nguồn sinh lực phong phú trong một con tim không chia sẻ.

Qua đời sống độc thân vì Nước Trời, các linh mục trở thành chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa mà họ cảm nghiệm được. Người ta cho rằng sống độc thân là kỳ cục, ấy là vì họ không hiểu được nét huyền diệu của sự quyến rũ nơi tình yêu Thiên Chúa. Sự độc thân của linh mục chứng minh cho thế giới thấy Thiên Chúa và tình yêu của Ngài hoàn toàn có thực. Họ làm chứng cho sự hiện diện của ơn Chúa trong thế gian này vì nếu không có ơn Chúa, không ai có thể sống độc thân được.
Qua đời sống độc thân vì Nước Trời, các tu sĩ làm chứng cho một tình yêu không cần đến thoả mãn nhục dục, nhờ đó, họ có thể tạo nên một sức cảm hoá lớn. Họ cũng làm chứng cho sự phục sinh, sự sống mới nơi mà người ta không còn dựng vợ gả chồng nhưng sống như các Thiên Thần (x.Mt 22,30–31). Sự độc thân giúp người tu sĩ thêm ứng trực và năng động hơn trong mọi nơi mọi lúc. Sự phục vụ thêm cảm hoá vì không giới hạn đối tượng và không gian. Không bị tương quan nào kiềm kẹp, người tu sĩ có thể đến với mọi hạng người, có thể tiếp xúc với bất kỳ người nào và hình thành những tương quan tình yêu phổ quát. Không bị mối bận tâm nào giữ, không phải lo kiếm kế sinh nhai cho gia đình riêng, người tu sĩ không có bận tâm nào khác ngoài mối bận tâm lo mở mang Nước Chúa. Tắt một lời, các linh mục chọn sống độc thân vì họ muốn nên giống như Giêsu, vị linh mục thượng phẩm đã sống độc thân vì Nước Trời.

Để minh chứng cho những gì vừa nói, chúng tôi xin trích dẫn tại đây đôi dòng của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tông Huấn Pastores Dabo Vobis về sự độc thân của linh mục:

“Trong sự trong trắng và độc thân, con người đợi chờ cuộc hôn nhân cánh chung của Đức Kitô và Giáo hội, nhằm dâng hiến trọn vẹn bản thân mình cho Giáo hội trong sự thật tròn đầy của cuộc sống vĩnh cửu… Dưới ánh sáng này, chúng ta có thể chấp nhận lý do mà Giáo hội Công giáo Tây Phương đã chọn và duy trì từ những thế kỷ trước về phẩm trật của hàng giáo sĩ nhằm chỉ những người nam được xác nhận là được Chúa mời gọi với ân ban sống khiết tịnh hoàn toàn và độc thân vĩnh viễn, mặc cho mọi khó khăn và phản đối nổi lên từ nhiều thế kỷ… Việc linh mục hiểu biết động cơ thần học của giáo luật về độc thân có một tầm quan trọng đặc biệt. Vì là luật, nó thể hiện ý muốn của Giáo hội, ý muốn đó được tìm thấy trong sự liên đới giữa sự độc thân và việc phong chức thánh. Qua chức thánh, linh mục đóng vai trò Chúa Giêsu với tư cách là đầu và hôn phu của Giáo hội.” (số 29).

Không ai ép các linh mục phải sống độc thân. Là chính họ đã chọn sống như thế khi được hỏi lúc truyền chức. Vì thế, đây là một chọn lựa của họ. Nếu họ không muốn, họ có thể từ chối và chọn cho mình con đường khác phù hợp hơn. Nhưng những ai chọn sống độc thân vì Nước Trời thì tin vào tình yêu Thiên Chúa và mầu nhiệm Nước Trời, vốn là nền tảng và cũng là động lực giúp họ chọn và sống đời độc thân vì Nước Trời một cách hiệu quả nhất!

Hy vọng vài giải thích ở trên có thể giúp bạn hiểu được lý do cho sự độc thân của các linh mục. Xin bạn cũng đừng quên cầu nguyện cho họ.

Lm. Phêrô Lê Hoàng Nam, SJ
(Trích Giải Đáp Thắc Mắc cho người trẻ Công giáo, Tập 4, Nxb Tôn Giáo, 04/2021)
WHĐ (16.01.2023)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây