TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Khóa mục vụ truyền thông lần thứ 2 -2011

Thứ ba - 04/05/2021 07:06 |   859
Khóa mục vụ truyền thông lần thứ 2 -2011

GIÁO PHẬN BANMÊTHUỘT
KHAI MẠC KHÓA MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG LẦN THỨ II

Sáng nay, ngày 12.7.2011, Ban Văn hóa Truyền thông Giáo phận Banmêthuột tổ chức Khóa mục vụ truyền thông lần thứ 2, tại Phòng hội chung Giáo xứ Thánh Tâm. Ngay từ sáng sớm, các học viên đã tập trung để làm thủ tục ghi danh và được hướng dẫn chương trình, nội quy khóa học.

Đúng 8g30, Cha Antôn Vũ Thanh Lịch, trưởng ban VHTT Giáo phận, trưởng Ban tổ chức, đọc diễn văn chính thức khai mạc khóa học. (Xem bài diễn văn tại đây).

Tham dự buổi khai mạc, có Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận; Cha FX. Nguyễn Kim Long, Chưởng ấn Tòa giám mục; Quý Cha Quản hạt; Quý Cha Trưởng các Ban mục vụ; Quý giảng viên cùng gần 90 học viên thuộc các Hội dòng, đoàn thể và giáo dân của các giáo xứ trong Giáo phận.

Sau diễn văn khai mạc của Cha trưởng Ban tổ chức, Đức cha Vinh Sơn ban huấn từ và chúc khóa học gặt hái thành quả tốt đẹp. Tiếp đến, Soeur Maria Ngọc Lan, giảng viên thuộc dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ, hướng dẫn học viên học tiết đầu tiên, chủ đề: Kỹ năng Truyền thông.

10g30, Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản chủ tế Thánh lễ đồng tế cầu xin Chúa Thánh Thần, “xin xuống tràn ngập tâm hồn các tín hữu Chúa, và xin nhóm lửa tình yêu Chúa trong lòng chúng con”.

Khóa học sẽ bế mạc vào chiều ngày 15.7.2011, chắc chắn các học viên sẽ thu lượm được nhiều kiến thức bổ ích về truyền thông và loan báo Tin Mừng trong thời đại mới.

Bích Ngọc

 

Hình ảnh ngày khai mạc Khóa MVTT GP. BMT

Xin mời xem video do Ban VHTT thực hiện:

Diễn văn khai mạc khóa MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG Giáo phận Banmêthuột lần thứ II

Trọng kính Đức cha Vinh Sơn, Giám mục Giáo phận Banmêthuột.
Kính thưa: Cha Chưởng ấn Tòa Giám Mục
Quý Cha Quản hạt, Quý Cha Trưởng các Ban Mục vụ
Quý Bề trên và Quý tu sĩ nam nữ
Quý giảng viên khóa học,
Quý học viên....

Con xin đại diện Ban Văn hóa - Truyền thông Giáo phận BMT, kính gởi lên Đức cha, Quý cha, Quý giảng viên, Quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể Quý học viên lời kính chào trân trọng và lời cám ơn chân thành của chúng con.

Sự hiện diện của Quý Đức cha và Quý vị là một sự động viên, khích lệ, sự chia sẻ những nỗ lực mệt nhọc của chúng con trong lãnh vực mà chúng con đang tập sự bước vào với những giới hạn của mình.

Chúng tôi xin cám ơn Cha Giuse Vũ Hữu Hiền,Tổng thư ký UBGM về Truyền Thông của HĐGM Việt Nam, Trưởng ban MVTT GP Sàigòn, Soeur Maria Nguyễn Thị Ngọc Lan, dòng Phan sinh Thừa sai Đức Mẹ, anh Gioakim Phạm Hữu Tâm, Biên tập viên TTX Công giáo Á Châu, đã góp ý kiến, giúp chúng con sắp xếp chương trình và trực tiếp triển khai các nội dung của khóa học này.

Chúng con cũng cám ơn Quý cha quản xứ, Quý Thường vụ Hội đồng Giáo xứ, Quý tu sĩ nam nữ, Quý Soeur Lưu xá Nữ Vương Hòa Bình, số 03 trần Hưng Đạo, Quý Đoàn thể, Quý Chủng sinh, ứng sinh, Anh em cựu chủng sinh Lê Bảo Tịnh, đã tích cực hưởng ứng, ủng hộ công việc của chúng con.

Nhân loại vừa bước vào thế kỷ 21, một thế kỷ được mệnh danh là một thời đại văn minh của trí tuệ, hay kỷ nguyên toàn cầu hóa.

Nhờ toàn cầu hóa thông tin, cộng đồng nhân loại xích lại gần nhau hơn và cùng chung nhịp đập con tim như chưa từng thấy. Do những tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, nên thế giới hôm nay là một thế giới đa diện về truyền thông. Thời hiện đại với những xa lộ thông tin, truyền hình, phim ảnh, điện thoại di động, internet… tràn ngập không chỉ chốn đô thị mà ngay cả những miền nông thôn vùng sâu, vùng xa. Phải nhìn nhận rằng có nhiều thành quả lớn lao mà ngành truyền thông mang lại cho cuộc sống con người, nhưng cũng có vô vàn cái xấu, đã len lỏi và làm băng hoại con người, đặc biệt là những người trẻ hôm nay.

Giáo hội luôn ưu tư về trách nhiệm con cái mình. Đặc biệt thanh thiếu niên cần phải biết sử dụng phương tiện truyền thông trong những nẻo đường chân thiện mỹ. Trước những chuyển biến khoa học đặc biệt là truyền thông, Công đồng Vatican II đã công bố sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội (INTER MIRIFICA). Sắc lệnh này được coi là văn kiện tiên phong liên quan đến các ngành truyền thông, mở ra một cái nhìn tương đối mang tính đối thoại với nhân loại và ngỏ lời muốn dấn thân cộng tác với xã hội. Sắc lệnh mời gọi: Mọi con cái Giáo hội phải đồng tâm hiệp lực, chẳng những không ngừng ngại, mà phải hết sức hăng say sử dụng ngay những phương tiện truyền thông xã hội một cách đắc lực, vào các công việc tông đồ khác nhau, tùy theo những đòi hỏi cụ thể của hoàn cảnh thời gian…

Truyền giáo là nhiệm vụ khẩn cấp, là bản chất của Giáo hội. Không truyền giáo, Giáo hội phản bội với chính mình. Truyền thông, Truyền giáo liên quan tới sứ mạng “đến với muôn dân”. Nó liên quan đến đường lối truyền thông, các phương tiện truyền thông, và cách thức truyền thông “cho muôn dân” (Ad gentes)

Ngày nay việc sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội, được khuyến khích và ngày càng lan rộng về số lượng cũng như chất lượng. Các phương tiện truyền thông ví như con dao hai lưỡi. Đây là một nghệ thuật đòi hỏi nhiều kiến thức. Nếu dùng các phương tiện này để loan báo Tin Mừng, truyền thông nước Thiên Chúa, thì phải luôn tỉnh thức, trung thành với Tin Mừng, tôn trọng sự thật, đạo đức và tình người.

Từ khoảng 50 năm lại đây, giáo huấn của Giáo hội Công giáo về các phương tiện truyền thông là cả một kho tàng phong phú.

- Ngày thế giới truyền thông năm 1974 có thông điệp: “Rao giảng Tin Mừng trong thế giới hôm nay”
- Năm 1992: “Loan báo thông điệp của Đức Kitô trong các phương tiện truyền thông”
- Năm 2000: “Loan báo thông điệp của Đức Kitô trong các phương tiện truyền thông trước thềm thiên niên kỷ mới”
- Năm 2001: “Rao giảng trên mái nhà. Tin Mừng trong thời đại truyền thông toàn cầu”
- Năm 2002: “Internet một hình thức mới để loan báo Tin Mừng”

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI mời gọi: “Người Kitô hữu phải tìm cách sử dụng tốt nhất các phương tiện truyền thông xã hội để đến được các quốc gia, các xã hội, các cá nhân, mà hoạt động bằng lời không thể trực tiếp đến được…”
Trong hội nghị quốc tế truyền thông tại thủ đô Madrid, Đức Hồng Y Bertone nói:
“Giáo hội không còn đặt vấn đề là có nên sử dụng phương tiện truyền thông hay không, mà là Giáo hội phải sử dụng thế nào để thi hành tốt mệnh lệnh thi hành truyền giáo của Chúa Giêsu”. Hồng y nói tiếp: “Đừng nên sợ dấn thân vào kỹ thuật mới… Chúng ta phải là những người thợ đồng hành với sự thật, hầu có thể cung cấp Tin Mừng của Chúa trong những hình thái nhiều mặt của truyền thông.

Sứ điệp của Đức Giáo hoàng Bênêđictô 16, nhân ngày thế giới truyền thông lần thứ 45, 05.6.2011, với chủ đề: “Sự thật, việc loan báo và cuộc sống thực trong thời đại kỹ thuật số, viết: “Ngày nay các chân trời mới – cho tới nay, vẫn chưa thể hình dung được, đang mở ra, khiến người ta kinh ngạc với những khả năng mà các phương tiện truyền thông mới này đem lại đồng thời đòi hỏi phải cấp bách suy tư nghiêm túc về ý nghĩa của truyền thông trong thời đại kỹ thuật số… Nếu được sử dụng cách khôn ngoan, chúng có thể góp phần làm thỏa mãn niềm khao khát về ý nghĩa, sự thật, và sự hiệp nhất, vốn vẫn còn là khát vọng thâm sâu nhất của mỗi con người”.

Hội thánh phải phát triển, duy trì và cổ vũ các phương tiện truyền thông, các chương trình truyền thông của Giáo hội công giáo. Đó là báo chí Công giáo, các nhà xuất bản Công giáo, truyền thanh, truyền hình Công giáo, các văn phòng thông tin đại chúng, các trường và các phương tiện huấn luyện về các phương tiện truyền thông. Đặc biệt là các tổ chức truyền thông Công giáo quốc tế.

Sử dụng các phương tiện truyền thông không dễ nhưng cũng không quá khó khăn. Tuy nhiên, vận hành chúng với tinh thần trách nhiệm với tầm nhìn phán đoán, thẩm định chính xác, không hề dễ dàng. Vì vậy, việc giáo dục và huấn luyện về truyền thông phải là một phần cốt yếu trong việc đào tạo linh mục, chủng sinh, tu sĩ, giáo lý viên, các chuyên viên giáo dân, các cộng đoàn giáo xứ. Chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thông, các nhân sự của Hội thánh ít ra phải có sự hiểu biết về ảnh hưởng mà các kỹ thuật thông tin mới mẻ tác động trên cá nhân và xã hội. Như thế họ phải được chuẩn bị để hoạt động cho cả “những người giàu thông tin lẫn người nghèo thông tin”. Họ cần biết cách thức mời gọi đối thoại, tránh thứ truyền thông nhuốm vẻ thống trị, lèo lái, lợi lộc cá nhân...

Việc giáo dục truyền thông chủ yếu, không phải là sử dụng các phương tiện để giáo dục cho bằng giáo dục cách sử dụng các phương tiện truyền thông. Nghĩa là giúp đánh giá có phê phán các hiệu quả của các phương tiện truyền thông được sử dụng, giúp đọc các dữ liệu, tổng hợp đánh giá, gạn lọc để thu gom những tinh hoa của đời sống, nhận thức có phê phán và trách nhiệm các thông điệp truyền thông. Tránh tình trạng chúng ta trở thành khán giả “mù”, những người tiêu thụ cách mù quáng...

Trọng kính Đức cha Vinh Sơn, Giám mục Giáo phận Banmêthuột.
Kính thưa Quý Cha và Quý vị.

Những điều vừa trình bày là lý do thúc đẩy chúng con (Ban Văn hóa - Truyền thông) tổ chức khóa học về truyền thông này. Quý học viên sẽ được tiếp thu nhiều kiến thức mới về truyền thông, để sau này, sử dụng như là một phương tiện hữu hiệu loan truyền Lời Chúa, xây dựng sự hiệp thông cộng đoàn, tôn vinh Chân Thiện Mỹ...

Xin chân thành cám ơn.

Lm. Antôn Vũ Thanh Lịch
Trưởng ban VHTT GP Banmêthuột

NGHI THỨC BẾ MẠC KHÓA II MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG GP. BANMÊTHUỘT

Sau 4 ngày học tập miệt mài, hăng say (12.7.2011 – 15.7.2011), Khóa 2 Mục vụ Truyền thông do Ban Văn hóa Truyền thông (VHTT) Giáo phận Banmêthuột tổ chức đã kết thúc. Nghi thức bế mạc diễn ra long trọng vào lúc 14 giờ ngày 15.7.2011, tại Hội trường Tòa giám mục.

Khởi đầu buổi lễ, cha Antôn Vũ Thanh Lịch, Trưởng ban tổ chức, sơ lược chương trình khóa học 20 tiết  gồm: Tìm hiểu và thực hành về Kỹ năng viết tin, Kỹ năng phỏng vấn, Tin nóng, Tin mềm, Báo tường, Báo mạng, PR, Tạo Blog, Viết blog, v.v…

Ngài cám ơn các giảng viên không ngại đường xá xa xôi, đến với Giáo phận Banmêthuột, nhiệt tình giảng dạy trong 4 ngày vừa qua, mang lại cho các học viên những tiết học bổ ích, sôi động. Ngài khen ngợi các học viên hăng say học tập, ý thức thực hiện tốt nội quy và vệ sinh chung.

Ngài trân trọng cảm ơn Đức Giám mục Giáo phận, Cha Tổng đại diện, Cha Chưởng ấn, Cha Quản lý  Tòa Giám mục, Quý Cha Quản hạt, Quý Cha Trưởng các Ban mục vụ, Quý Bề trên các Dòng tu, Quý chức HĐGX Thánh Tâm đã cùng đồng hành, hiệp thông cầu nguyện, tham dự buổi lễ Khai mạc, bế mạc. Đặc biệt cám ơn Công ty NANO, đảm trách đường truyền internet, giúp các học viên truy cập mạng nhanh chóng, thuận lợi; cảm ơn quý Bà mẹ Công giáo Giáo xứ Châu Sơn, chăm lo chu đáo từng bữa ăn trong suốt khóa học…

Tham gia khóa học lần này gồm 85 học viên đến từ các Giáo xứ, Giáo hạt trong Giáo phận; trong đó:
- Đak Lak 1 : 13 học viên
- Đak Lak 2 : 30 học viên
- Quảng Đức : 13 học viên
- Phước Long : 10 học viên
- Dòng NVHB : 10 học viên
- Dòng St. Paul : 02 học viên
- GĐ Lê Bảo Tịnh : 02 học viên
- HĐ. Đa Minh : 01 học viên
- Lưu trú Đăng Khoa : 04 học viên

* Học viên lớn tuổi nhất là ông GB. Phạm Hữu Cung, Gx. Hưng Đạo, 60 tuổi
* Học viên nhỏ tuổi nhất là em Phêrô Nguyễn Ngọc Phương, Lưu trú Đăng Khoa, 17 tuổi, và em GB. Trần Minh Cường, Gx. An Bình, Phước Long, 17 tuổi.

Tiếp sau đó, Cha Giuse Vũ Hữu Hiền,Trưởng ban Mục vụ Truyền thông Tổng giáo phận Sài Gòn, thay mặt Ban giảng huấn phát biểu cảm tưởng. Ngài hoan nghênh tinh thần học tập của các học viên. Có nhiều học viên xuất sắc được ngài trao phần thưởng ngay trong tiết học. Ngài nhận định về công tác tổ chức và về chất lượng khóa học khá tốt. Hy vọng sự hiệp thông, liên kết của Gia đình Mục vụ Truyền thông Giáo phận Banmêthuột ngày càng khởi sắc, thành công trong sứ vụ Truyền thông - Loan báo Tin mừng.

Anh Nguyễn Ngọc Hương, Đại diện học viên, cám ơn Ban tổ chức, Ban giảng huấn, Công ty NANO, các Bà mẹ Công giáo Châu Sơn, đã hết lòng với khóa học, giúp học viên gặt hái được nhiều kiến thức hữu ích qua 4 ngày học tập vui tươi, sôi động và nhiều kỷ niệm khó quên. Các học viên kính dâng Đức Giám mục Giáo phận, Ban tổ chức và Ban giảng huấn những bó hoa tươi biểu lộ tâm tình tri ân sâu sắc.

Trước khi trao Chứng chỉ mãn khóa cho từng học viên, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận Banmêthuột, ban huấn từ, ngài chúc mừng khóa học thu lượm được nhiều thành quả mỹ mãn, cầu chúc các học viên mọi ơn lành hồn xác, tràn đầy lửa mến và sự khôn ngoan Chúa Thánh Linh, để anh chị em chu toàn sứ mạng Truyền Thông mà Thiên Chúa và Giáo hội đã tin tưởng giao phó.

Cuối cùng là nghi thức mà mọi người mong mỏi, chờ đợi: Nghi thức trao chứng chỉ và tuyên hứa.
Trên bục danh dự, Đức Giám mục Giáo phận trân trọng trao Chứng chỉ Mục vụ Truyền thông khóa II cho từng học viên vừa hoàn thành khóa học.

Trước sự chứng giám của Đức Giám mục Giáo phận, tất cả học viên vừa được cấp Chứng chỉ, giơ tay hướng về sách Phúc Âm, đọc lời tuyên hứa:
- Hết lòng cộng tác với Chúa Giêsu và Giáo hội trong việc sử dụng mọi phương tiện truyền thông để loan báo Tin Mừng, hiệp thông, xây dựng văn hóa sự sống và văn minh tình thương.
- Luôn thực thi Linh đạo Truyền Thông, và không ngừng trau dồi bản thân để chu toàn sứ mạng mục vụ truyền thông trong thế giới hiện đại.
- Thực hiện đầy đủ những công việc mục vụ truyền thông mà Giáo phận giao phó.

Cha Antôn Vũ Thanh Lịch, Trưởng ban VHTT Giáo phận vui mừng tiếp nhận các thành viên mới vào Gia đình Mục vụ Truyền thông Banmêthuột. Tất cả sốt sắng đọc kinh Mục vụ Truyền thông và hát vang bài ca: Cùng Mẹ Ra Khơi.


VŨ ĐÌNH BÌNH
 

Xin mời xem Album ảnh TẠI ĐÂY

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây