Đồi Thánh Tâm: Đại Lễ Lòng Thương Xót Của Chúa 2025
Lúc 9 giờ Chúa nhật 27-4-2025, Đức Giám mục Giáo phận GB Nguyễn Huy Bắc đã cử hành lễ kính Lòng Chúa Thương Xót tại Đồi Thánh Tâm, Trung Tâm Hành Hương Lòng Chúa Thương Xót của Giáo phận Banmêthuột.
Cùng đồng tế với ngài có quý cha xứ, phó xứ, quý cha dòng trong hạt Đakmil, cùng đông đảo qúy tu sỹ nam nữ, giáo dân cùng các đoàn hành hương từ xa tuôn về.
Chương trình được khởi động bằng giờ kinh Lòng Thương Xót và lãnh Bí tích Hòa giải lúc 8 giờ 10.
Đúng 8 giờ 50, đoàn rước trọng thể gồm quý ban thường vụ các Giáo xứ, qúy tu sỹ nam nữ , quý cha đồng tế và Đức Giám mục chủ tế bắt đầu thánh lễ đại triều.
Lễ này được thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2 ấn định cách đây 20 năm, ngày 30 tháng 4 Năm Thánh 2000 trong thánh lễ tôn phong hiển thánh cho nữ tu Faustina Kowalska, được Chúa Giêsu chọn làm Tông Đồ lòng thương xót của Ngài.

Mở đầu thánh lễ, đức cha chủ tể ngỏ lời với cộng đoàn: “Sáng Chúa nhật tuần thứ hai mùa Phục sinh năm c, chúng ta từ muôn nẻo đường của Giáo phân quy tụ về Trung Tâm Kính Lòng Thương Xót của Chúa, để chúng ta cử hành lễ mừng kính Lòng Chúa Xót Thương. Đây là một dấu chỉ sống động của đức tin mạnh mẽ vào quyền năng yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa. Vì vậy, cùng chung tâm tình tạ ơn Chúa về tình yêu của lòng xót thương luôn đong đầy tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Trước hết, chúng ta cùng cầu nguyện cách đặc biệt cho Đức Thánh Cha Phanxicô, người được mệnh danh là Giáo hoàng của Lòng Thương Xót. Xin Chúa hãy mở lượng xót thương, ban thưởng hạnh phúc Thiên Đàng cho người tôi tớ trung tín và khôn Ngoan đã phụng sự Chúa và phục vụ cộng đoàn cho đến giây phút cuối cùng. Chúng ta cũng cầu nguyện cách đặc biệt cho di sản thiêng liêng mà suốt 12 năm trong triều đại của Ngài đã, đang, và tiếp tục khai mở cho Giáo Hội một con đường hiệp hành như một phương cách sống hữu hiệu nhằm truyền giáo mang lại kết quả, tiếp tục phát triển và sinh hoa trái trong dòng chảy của Mẹ Hội Thánh, và cách riêng hãy cầu nguyện xin Chúa cho mỗi người chúng ta cảm thấu Lòng Chúa xót thương trên từng phút giây cuộc đời của chúng ta, để từ đó chúng ta cũng trở nên những chứng nhân của Tin Mừng Phục Sinh giàu lòng thương xót, và chúng ta được trở nên những tông đồ của lòng thương xót mà Chúa Giêsu mời gọi các tông đồ và cả chúng ta nữa….

Trong bài giảng lễ, Đức cha GB Nguyễn Huy Bắc đã chia sẻ: Đúng là một sự trùng hợp tuyệt vời, khi cả Giáo hội Việt Nam đang dành những ngày đặc biệt tưởng nhớ Đức Giáo Hoàng Phanxicô, một vị Giáo Hoàng được mệnh danh là Giáo Hoàng của Lòng Thương Xót. Từ ý nghĩa đó Đức Giám Mục nhắc lại sứ điệp Lời Chúa hôm nay đã khắc họa sống động về Chúa Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa giàu lòng xót thương, từ hình ảnh nầy Đức Giám Mục hướng cộng đoàn chiêm ngắm lại cuộc đời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô bằng 3 chữ G: Gần gũi và thân thiện, Giản dị và bình dân, Giàu lòng nhân ái, cả ba chữ G nầy đã được Chúa Giêsu thể hiện trọn vẹn trong Tin Mừng của thánh Gioan chúng ta vừa nghe.

1. Gần gũi và thân thiện: Hình ảnh Chúa Giêsu gần gũi thân thiện với các tông đồ sau khi sống lại, hầu như Ngài không nhắc gì về quá khứ lỗi lầm của các tông đồ, nhưng Ngài lại ứng xử với họ một cách thân thiện, Ngài hiểu họ đang sợ hãi và biết họ cần gì, đó chính là sự bình an và Ngài đã ba lần lên tiếng: Bình an cho anh em.
Chúa Giêsu hiểu và thân thiện với các tông đồ, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng thế, hình ảnh ngày đăng quang - ngài đã đi bộ mua một bó hoa để dâng lên Đức Mẹ tại nhà thờ Đức Bà Cả. Trong suốt 12 năm làm Giáo Hoàng thì đã có 126 lần ngài dâng hoa cho Đức Mẹ, và lần 127, ngày hôm qua ngài không còn có thể dâng nữa, nên các vị Hồng y đã nhờ 4 em bé dâng thay cho ngài lần cuối cùng.
Hình ảnh gần gũi của ngài là ngồi trên xe lăn ban phép lành cho cộng đoàn dân Chúa, rửa chân cho các tội nhân trong nhà tù thể hiện lòng Chúa xót thương, gần gũi và thân thiện.
Vào ngày 17 tháng 03 năm 2013 từ ban công ngài đã nói: “Nếu Thiên Chúa không tha thứ tất cả thì chúng ta sẽ không thể tồn tại”. Chính từ đây ngài đã khởi động cho triều đại của ngài là triều đại của Lòng Thương Xót, cho nên lòng thương xót đã đi vào con tim và chạm đến mọi người

2. Giản dị và bình dân: Chúa Giêsu qua hình ảnh Chúa và Tôma, Chúa nhẹ nhàng bình dị, có lẽ nhờ sự giản dị và bình dân mà Tôma đã tuyên xưng một lời tuyên xưng đong đầy chân lý: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”
Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng theo gương Chúa Giêsu sống đời giản dị, ngài muốn chạm đến con người và đi sát với con người không hề có khoảng cách, giống như Chúa Giêsu chủ động gặp Zakêu không điều kiện, không khoảng cách .
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã để lại cho chúng ta một câu nói mà khiến chúng ta phải dừng lại suy nghĩ: ”Giáo hội không phải là pháo đài đóng kín, nhưng là căn lều đón tiếp mọi người”. “Tôi thích một Giáo hội bị bầm dập, bị tổn thương và dơ bẩn vì đã ở ngoài đường, hơn là một Giáo hội bệnh tật do bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của chính mình.”

3. Giàu lòng nhân ái : Đây là nét nổi bật nhất của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, ngài đã để lại cho Giáo hội nhiều di sản thiêng liêng, nhưng di sản nổi bật nhất là di sản Lòng Thương Xót, bởi thế ngài luôn luôn bảo vệ những người nghèo, cô thân, cô thế và không có chỗ đứng trong xã hội, nhất là những người di dân. Lòng thương xót của ngài phản chiếu một cách hùng hồn tình yêu của Thiên Chúa, trọn cuộc đời ngài sống cho người khác.
Kết thúc, Đức cha chủ tế mời gọi cộng đoàn cùng sống 3 chữ G vơi Đức Giáo Hoàng: “Gần gũi và thân thiện, Giản dị và bình dân, Giàu lòng nhân ái”. Chúng ta là người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống giản dị, bình dân thanh thoát với của cải, biết phản chiếu sự thanh bần nghèo khó của mình như là tiêu chí sống theo Chúa Giêsu. Đặc biệt, chúng ta được mời gọi trở thành người giàu lòng nhân ái, sẵn sàng tha thứ với người khác, Đức cha đã đề nghị cộng đoàn thuộc câu nói thời danh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: :“Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ, nhưng chỉ con người mới mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa”.

Sau lời cám ơn của Cha G.B Phạm Văn Phong, cha xứ Xã Đoài, Giám đốc Trung Tâm Hành Hương cùng lời đáp từ của Đức Giám mục và phép lành cuối lễ, Thánh lễ đã kết thúc lúc 10g40. Mọi người hân hoan ra về với lời nhắn nhủ của Đức Giám mục GB. như còn văng vẳng bên tai: “Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi trong việc tha thứ, nhưng chỉ con người mới mệt mỏi khi cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa”.
Hình Ảnh Media
Hồng Bính