TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật II Phục Sinh -Năm C

“Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến” (Ga 20,19-31)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Như chết đi sống lại (Ga.20,19-31)

Thứ bảy - 26/04/2025 07:51 | Tác giả bài viết: Lm. Giuse Quế Ngọc |   52
Nếu ai còn biết thao thức nghĩ đến việc sống đúng kiếp làm người phải công nhận rằng những giọt nước mắt khóc thương cho tội lỗi của mình là quí giá nhất

CHÚA NHẬT II PS (Ga.20,19-31) NHƯ CHẾT ĐI SỐNG LẠI

123


Một chàng thanh niên hoang đàng vào toà xưng tội. Cha giải tội biết anh ta chỉ xưng tội cho có hình thức vì đã bao lần xưng nhưng anh ta không thực lòng ăn năn. Do đó, Cha giải tội khuyên anh ta trở về, lúc khác hãy xưng. Sau đó Ngài cầu xin ơn soi sáng cho biết cách giúp anh ta cải tà qui chánh. Đức Mẹ hiện ra bảo: Con hãy lấy một chiếc ly nhỏ và trao cho anh ta, bảo anh ta bao giờ đổ đầy nước cái ly nhỏ đó thì mọi tội anh mới được tha. Hôm sau anh ta trở lại, cha giải tội truyền anh ta làm như Đức Mẹ dạy. Anh ta vâng lời về nhà múc đủ thứ nước đổ mãi mà không thể đầy được. Anh ta buồn bã trở lại trình tự sự cho cha giải tội. Cha giải tội kết luận: Như thế tội anh không khi nào được tha rồi. Nghe vậy anh ta oà khóc thảm thiết, những giọt nước mắt lăn trên gò má. Cha giải tội lấy chiếc ly nhỏ hứng lấy, lập tức chiếc ly đầy ắp. Rồi ngài đưa anh ta đến toà và giải tội cho anh. Anh sung sướng nói: Lạy cha, bây giờ con mới cảm thấy như chết đi sống lại vậy.

Nếu ai còn biết thao thức nghĩ đến việc sống đúng kiếp làm người phải công nhận rằng những giọt nước mắt khóc thương cho tội lỗi của mình là quí giá nhất vì nhờ nó không những đem lại an bình cho tâm hồn mà còn như là chết đi nay được sống lại vậy. Hơn nữa trong cuộc chiến đấu chống sự xấu để cố gắng sống đàng hoàng tử tế, không có gì khó khăn và anh hùng cho bằng việc nhận thức được tình trạng lầm lỗi của mình để rồi dứt khoát trở về với Chúa và anh em.

Tuy nhiên, để có được sự khóc thương tội lỗi mình hữu hiệu và đáng giá thì không thể chỉ dựa vào sự nỗ lực cá nhân, mà còn cần đến sự hỗ trợ của Chúa mới mong đạt kết quả tốt đẹp. Chính vì thế, sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã thiết lập và ban quyền tha tội cho các Tông đồ để hổ trợ giúp con người chiến thắng tội lỗi và sự chết, cũng như được sống lại với Ngài trong ơn thánh.

Nhưng không phải bất cứ lần xưng tội nào miễn làm đủ thủ tục bên ngoài đều có thể lãnh nhận được một cuộc hồi sinh lạ lùng thực sự bên trong đâu, nếu không cần tới sự ý thức sâu sắc về tác hại của tội lỗi xúc phạm đến tình yêu Chúa và không chút mảy may quan tâm đến sự dốc quyết cải hoá đời mình trong cuộc sống tương lai.

Nếu coi Bí tích cáo giải là một hình thức tôn giáo bình thường như bao lễ nghi tôn giáo khác để cử hành cách máy móc thì nó chẳng khác chi một bùa chú hộ mạng để thỉnh thoảng khi cần đem dùng mà trấn an lương tâm nhất thời. Trái lại khi thực hiện những việc: xét mình, ăn năn, xưng tội và đền tội phải được đúc kết tổng hợp trên tình thương của Chúa thì việc lãnh bí tích cáo giải mới có thể mang lại cho chúng ta sự tha thứ bao dung của Ngài cũng như việc sự hoán cải cách thành tâm thiện chí.

Như thế việc kê khai tội lỗi của mình với cha giải tội chỉ có ý nghĩa khi chúng ta dùng nó để gợi lại với tất cả lòng biết ơn, những lần tha thứ của Chúa đã gỡ chúng ta khỏi tội và bây giờ đến đây để xác nhận lại những khởi điểm giải thoát đó. Do đó, mỗi lần xưng tội là mỗi lần áp dụng trực tiếp mầu nhiệm cứu chuộc cho mỗi cá nhân. Mỗi lần chúng ta trở lại là hình bóng báo trước ngày trở về cuối cùng của đời người. Mỗi lần tha tội là chuẩn bị cho cuộc tiếp rước Người Cha chúng ta trên trời.

Chúa đã phục sinh từ cái chết thể xác lẫn tâm hồn để sống vinh quang hạnh phúc muôn đời: đó là con đường dành cho những ai muốn vẻ vang như Chúa thì phải biết sống cho ân sủng và chết cho tội lỗi qua bí tích cáo giải.

Lm. Giuse Quế Ngọc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây