TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật -Lễ Thánh Gia Thất -Năm C

Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan (Lc 2, 41-52).
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

GIÁO XỨ THÁNH TÂM

Thứ hai - 29/03/2021 00:39 |   9011
GIÁO XỨ THÁNH TÂM

GIÁO XỨ THÁNH TÂM

Thành lập ngày: 30.3.1937
Bổn mạng: Thánh Tâm
Địa chỉ: 02 Phan Chu Trinh, Phường Thắng Lợi, Tp. BMT, tỉnh Đăk Lăk
Số Giáo dân: 5669
Số Gia đình: 1505


Giờ lễ:
Ngày thường: 5g00, 17g30
Chiều thứ Bảy: 18g00 (lễ Chúa Nhật mừng trước)
Chúa Nhật: 5g30
, 8g30, 16g00, 17g30, 19g00

Giáo họ DUY LINH
Thành lập ngày: 15.7.1965
Bổn mạng: Đức Mẹ Mân Côi
Địa chỉ: 252 Xô Viết Nghệ Tĩnh, Tp. BMT, tỉnh Đăk Lăk
Số Giáo dân: 1400
Số Gia đình: 350


Giờ lễ:
Ngày thường: 18g30
Chiều thứ Bảy:
Chúa Nhật: 5g00, 7g30. 17g00

Nhà nguyện Tòa Giám Mục
Giờ lễ:

Ngày thường: 5g00
Chiều thứ Bảy:
Chúa Nhật: 5g30

(cập nhật ngày 31.12.2019)

 

GIÁO XỨ THÁNH TÂM
Năm thành lập: 30.3.1937
Bổn mạng giáo xứ: Thánh Tâm Chúa Giêsu
Ngày kính: Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào tháng 6 hằng năm


LƯỢC SỬ GIÁO XỨ THÁNH TÂM
PHẦN I: Đặc điểm – Đặc trưng của giáo xứ.
Tên giáo xứ: Thánh Tâm
Giáo hạt: Chính Tòa
Bổn mạng: Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày kính: Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, kính vào tháng 06 hằng năm.
Số 02 Phan Chu Trinh, Phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk
Ngày thành lập giáo xứ: 30.03.1937
Ngày xây nhà thờ đầu tiên: Năm 1958, năm 1959 khánh thành nhà thờ, được cung hiến vào ngày 22.06.1990.
Số giáo dân: 4.000 người
Linh mục sáng lập:
Linh mục quản xứ tiên khởi giáo xứ: Cha Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn (1937-1938)

Nhà thờ Giáo xứ hiện nay:
Năm 2005 thay tôn mới và sơn lại nhà thờ bằng sơn nước thay vì quét nước xi măng do Cha Đa Minh Hà Duy Khâm
Năm 2015 làm trần nhà thờ, lót lại nền, và sơn lại nhà thờ do Cha Giuse Trịnh Văn Hân
Năm 1999 xây dựng nhà xứ 02 tầng diện tích sử dụng: 576m2
Năm 2008 xây dựng nhà hội chung và nhà giáo lý hai tầng DTSD: 1.821m2
Năm 2010 xây dựng nhà khách hai tầng DTSD: 576m 2
Năm 2010 xây dựng hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, cao 9.5m, DT 90m2
Năm 2012 xây dựng nhà hội chung thêm 1 tầng, DT: 900 m2
Năm 2015 sửa chữa nâng cấp nhà xứ
Số giáo dân 9.576 kinh, dân tộc: 660 người
Linh mục quản xứ đương nhiệm: Cha Giuse Trịnh Văn Hân
Số người đi tu: Linh mục: 15, Đại Chủng Sinh: 10, Tu sĩ nữ: 19, Dự tu: 05.
Cơ sở đặc trưng:
Dòng La San đến Giáo xứ từ năm 1959
Dòng Đức Maria Nữ Vương Hòa Bình là hội dòng của Giáo phận được thành lập năm 1967
Dòng Nữ Tử Bác Ái Thánh Vinh Sơn đến Giáo xứ năm 1953
Dòng Thánh PhaoLô đến Giáo xứ năm 1975
Dòng Chúa Quan Phòng đến Giáo xứ ngày 01.08.1999
Tên Giáo họ biệt lập:
- Giáo họ Duy Linh
- Giáo họ Giuse

Phần 2: Lược sử hình thành và phát triển Giáo xứ:
Trước khi thành lập Giáo xứ, vùng đất này được chọn thành lập Giáo họ Ban Mê Thuột để làm cơ sở truyền giáo đầu tiên cho vùng đất Cao nguyên Trung phần. Và ngày 15.08.1934 một ngôi Nhà nguyện mái tranh vách đất đã được dựng lên. Ngôi Nhà nguyện này về sau đã được cơi nới và lợp lại bằng tôn năm 1954 khi có một số bổn đạo từ Kon Tum lên lập cư tại Ban Mê Thuột (Sau này các Nữ tu dòng Vinh Sơn đã xây một Nhà nguyện mới trên nền đất Nhà nguyện tiên khởi này, hiện nay thuộc khuôn viên trường trung học cơ sở Phan Chu Trinh).
Ngày 30.03.1937 Đức Cha Jannin Phước, Giám mục Địa phận Kon Tum nâng Giáo họ Ban Mê Thuột lên Giáo xứ và chủ sự lễ nhậm chức của Cha xứ tiên khởi Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn (1937-1938). Giáo xứ không có Cha xứ trong suốt 4 năm. Tháng 9 năm 1956, Đức cha Seitz Kim Bổ nhiệm Cha Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn làm Chánh xứ và năm 1958, Cha đã xây ngôi Nhà thờ lớn Thị xã và nay là Nhà thờ Chính Tòa Giáo phận Ban Mê Thuột, có chiều dài 45m, rộng 12m, mỗi cánh thánh giá 12m x 12m; có tổng diện tích 828m2, với sức chứa 1200 chỗ ngồi. Nhà thờ xây dựng đúng 1 năm và được khánh thành vào Chúa nhật thứ II sau lễ Phục sinh năm 1959 (sau nhiều lần trùng tu, hình dáng, kích thước ngôi Nhà thờ vẫn giữ nguyên cho đến ngày nay).
Phần 3: Các Linh mục đến phục vụ tại Giáo xứ:
Các Linh mục Quản xứ:
Cha Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn                           (1937 – 1938)
Cha Romeuf Phương                                       (1942 – 1956)
Cha Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn        (1956 – 1966)
Cha Giuse Trịnh Chính Trực                           (1966 – 1971)
Cha Augustino Nguyễn Văn Tra                     (1971 – 1975)
Cha Gioakim Nguyễn Đức Oánh                     (1975 – 1976)
Cha Antôn Vũ Thanh Lịch                              (1976 – 1991)
Đức Ông Đaminh Hà Duy Khâm                    (1991 – 2015)
Cha Giuse Trịnh Văn Hân                              (2015 - .........)
Các Linh mục Phó xứ:
Cha Bianchetti Bạch đặc trách dân tộc thượng    (1950 - 1953)
Cha Giacôbê Nguyễn Tấn Đường                    (1953 – 1954)
Cha Giuse Trịnh Chính Trực                           (1954 – 1956)
Cha Phêrô Nguyễn Văn Bân                           (1956 – 1966)
Cha Gioan Nguyễn Trí Thức                           (1957 – 1958)
Cha Micae Hoàng Phú Bảo                             (1958 – 1960)
Cha Vinh Sơn Nam Huân                               (1960 – 1964)
Cha Đaminh Đinh Minh Hiền                         (1964 – 1966)
Cha Giuse Đào Xuân Thanh                           (1966 – 1968)
Cha Antôn Đỗ Văn Tài                                   (1968 – 1970)
Cha Anrê Lê Trần Bảo                                    (1970 – 1973)
Cha Giuse Trần Văn Phúc                              (1973 – 1975)
Cha Giuse Nguyễn Ngọc Quế                          (1975 – 1980)
Cha Phanxico Xavie Phạm Bá Lễ                   (1980 – 1990)
Cha Phaolô Đậu Văn Hồng                             (1990 – 1992)
Cha Phêrô Bùi Văn Thục                                (1994 – 2000)
Cha Gioan B. Nguyễn Đình Lượng                 (1997 – 2006)
Cha Gioan B. Cao Thanh Tâm                       (2000 – 2005)
Cha Gioan B. Trần Thượng Uyển                   (2005 – 2011)
Cha Giuse Phan Quảng Đại                            (2005 – 2009)
Cha Nicolas Lưu Nhất Tâm                            (2010 – 2014)
Cha Phaolo Maria Lê Văn Quyền                   (2012 -. .. .. ) Cha Phụ tá
Cha Giuse Hồ Ngọc Vũ                                   (2014 – 2015)
Cha Giuse Hoàng Quang Trí                           (2015 -. .. .. )

Phần 4: Hình ảnh các Cha Mục vụ tại Giáo xứ qua các thời kỳ:






 


 




Lm Giuse Hoàng Quang Trí
Lm. Giuse Trịnh Văn Hân
 
Kỷ niệm 80 năm thành lập Giáo xứ Thánh Tâm
 Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột 
Lúc 05g00 sáng ngày 30/3/2017, kỷ niệm 80 năm Giáo xứ Thánh Tâm - Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột được thành lập với tên gọi đầu tiên là Giáo xứ Ban Mê Thuột, cha Giuse Trịnh Văn Hân dâng thánh lễ tạ ơn Thiên Chúa đã quan phòng, ban nhiều hồng ân trên giáo xứ, và xin Chúa chúc lành cho Giáo xứ Thánh Tâm ngày càng thăng tiến, giữ vững niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa.
Ngược dòng thời gian 80 năm trước, khu đất được chọn để thành lập Giáo họ là một khu rừng thuộc đất quy hoạch, được ông Desteney, Công sứ Pháp nhường cho Giáo phận Kon Tum. Nhưng giấy tờ chưa được ký thì viên Công sứ Pháp này phải chuyển đi làm Công sứ tỉnh Thừa Thiên...
Sau đó, Đức Cha Jannin nhờ Thầy Hiền, một cựu Thầy giảng có gia đình thuộc Giáo phận Qui Nhơn, đi giúp lập Họ đạo Ban Mê Thuột. Thầy Hiền trước đây thuộc Hội Thầy giảng (Catéchiste) do Cha Đắc Lộ lập ra, nguyên quán ở Họ đạo Mang Yang (theo tiếng dân tộc địa phương gọi là Cửa Trời). Thầy đến nhiệm sở ngày 15. 5.1934. Thầy và bổn đạo Ban Mê Thuột cùng nhất trí cất nhà nguyện Giáo họ.
Nhưng công trình không thể bắt đầu vì đất đai chưa có giấy phép, do thông cáo số 187-CA ngày 15.3.1934 của Tòa Khâm sứ Trung kỳ (Pháp) tại Huế, đình chỉ tất cả việc cấp đất thành phố cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào, và phải đợi chỉ thị mới của Phủ toàn quyền Đông Dương...!
Sau này Đức Cha Jannin lại đưa Thầy Hiền qua Ban Mê Thuột lần nữa để tiếp xúc với đồng bào Ê Đê, học tiếng và dạy đạo cho họ. Nhưng công việc lại bị cản trở vì thông cáo số 3614 ngày 15.11.1930 của Tòa Khâm sứ Trung kỳ cấm truyền đạo cho người Thượng trong tỉnh Darlac cho đến khi có chỉ thị mới!

Tuy có lệnh cấm cấp đất thành phố, nhưng bổn đạo Ban Mê Thuột cứ nôn nóng làm nhà nguyện trên khu đất đã nhường cho Giáo phận Kon Tum, dù chưa có giấy tờ chính thức... Và ngày 15.8.1934, một nhà nguyện mái tranh vách ván đã được dựng lên. Năm 1939, Thầy Hiền thay mặt Tòa Giám mục Kon Tum hướng dẫn bổn đạo dựng lại nhà thờ bằng gỗ sao. Năm 1965, các Nữ tử Bác Ái Vinh Sơn đã xây một nhà nguyện mới trên nền nhà nguyện tiên khởi này. Hiện nay là Trường Trung học Cơ sở Phan Chu Trinh BMT.

• Thành lập Giáo xứ Ban Mê Thuột: 30.3.1937
Nhà nguyện Họ đạo Ban Mê Thuột tuy được xây cất trên khu đất chưa có giấy phép, nhưng Công sứ tỉnh Darlac là ông Henri Gerbinis và ông Trương Kỳ, quan Annam đầu tỉnh đã làm ngơ, vì cả hai ông đều là người Công giáo.
Trong khi đó Đức Cha Jannin vẫn tất bật ngược xuôi để lo liệu giấy tờ hợp pháp cho thửa đất đó. Sau hơn bốn năm trời đơn từ đi lên đi xuống, cuối cùng Tòa Khâm sứ Trung kỳ mới chấp thuận giải quyết cho Đức Cha được mua khu đất trên với giá 2 xu (0.02 đồng) một mét vuông. Quyết định cấp đất này số 195/942, do ông Graffeuil, Khâm sứ Trung kỳ ký ngày 29.11.1938. Và ngày 16.12.1938, Tòa Giám mục Kon Tum đã trả 201 đồng để mua 10.050 m2 đất. Như vậy không phải là “Đối với Chánh phủ bảo hộ do các quan Tây cầm đầu, Nhà thờ Giáo họ Ban Mê Thuột mấy ông cố Tây xin gì mà không được”! như một số đồng bào khác đạo thời ấy suy nghĩ.
Trong thời gian ngôi nhà nguyện cất trên khu đất chưa có giấy phép, tình cảnh rất bấp bênh, vì có thể bị triệt hạ bất cứ lúc nào. Dù vậy, Đức Cha Jannin, Giám mục Giáo phận Kon Tum lúc ấy vẫn tin tưởng, Ngài viết thư cho Công sứ Darlac biết quyết định của Tòa Giám mục Kon Tum về việc nâng Giáo họ Ban Mê Thuột lên hàng Giáo xứ, và việc bổ nhiệm một Linh mục “Annam”: Cha Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn làm Cha sở. Ngài còn viết thư cho ông Lê Đức Cầu, Câu họ Ban Mê Thuột, chuẩn bị đón tiếp Cha sở mới.
Ngày 30.3.1937, Đức Cha Martial Jannin Phước, Giám mục Giáo phận Kon Tum, tuyên bố nâng Giáo họ Ban Mê Thuột lên hàng Giáo xứ, và chủ tọa lễ tựu chức của Cha sở tiên khởi Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn.
Nhà xứ được Đức Cha chỉ dẫn làm theo kiểu nhà sàn dân tộc. Nhà này tồn tại suốt từ năm 1937 đến tháng 8 năm 1994 thì Phòng Giáo dục Tp. Buôn Ma Thuột tháo dỡ để xây cất trường cấp II Phan Chu Trinh
Về phần Cha Cẩn, sau vài tháng phục vụ, do không hợp thủy thổ, ngài bị bệnh sốt rét và thương hàn. Ngày 12.01.1938, Cha trở về Tòa Giám mục để chữa bệnh (Ngài mất năm 1982 sau 60 năm làm linh mục). Suốt bốn năm rưỡi, Giáo xứ Ban Mê Thuột không có linh mục, vì thời cuộc lúc ấy và vì Đức cha Martial Jannin Phước qua đời (ngày 14.7.1940 tại Kon Tum, hưởng thọ 73 tuổi với 42 năm Linh mục và bảy năm Giám mục).

Ngày 22.4.1942, Tòa thánh bổ nhiệm cha Chính Sion Khâm làm Giám mục Kon Tum. Ngài nhậm chức tháng 5.1942. Hai tháng sau Giáo xứ Ban Mê Thuột có Cha sở mới: Đó là Cha Romeuf Phương. Ngài được bổ nhiệm ngày 26.7.1942. Thời gian này, cha Romeuf trông coi thêm một họ lẻ là Giáo họ Cada (thuộc huyện Phước An).
Việc trước tiên của cha tân quản xứ là xin phép mở trường tiểu học (lúc đó gọi là Trường Làng Lạc Giao), dạy các em trong Xóm Đạo và thị xã. Đơn xin được ty Học chánh Pháp thuộc chấp thuận và Tòa Công sứ chuẩn y cấp giấy phép. Cha Romeuf Phương là hiệu trưởng đầu tiên của trường này (nay là Trường THCS Phan Chu Trinh). Trường mở vào niên khóa 1947-1948. Học sinh thị xã cả lương lẫn giáo độ 30 em. Học phí mỗi tháng một đồng. Miễn phí cho các em quá nghèo.
Đây là ngôi trường Công giáo đầu tiên của thị xã Ban Mê Thuột sau tháng 3.1945, dành cho học sinh Việt Nam. Trước khi Nhật cướp chính quyền năm 1945, Ban Mê Thuột cũng có trường tiểu học công lập. Trường này biến thành rạp chiếu bóng cho đến 1955 mới mở lại, với tên là Trường Nguyễn Công Trứ.

 
Nhà thờ Ban Mê Thuột 1951 (Cha Romeuf và giáo dân)
 
Trường Công giáo Ban Mê Thuột vẫn tiếp tục mở các lớp cho đến ngày trao cho các Sư huynh La San điều khiển. Đến nhận xứ Ban Mê Thuột, Cha Quản xứ Romeuf Phương hết mình chăm lo cho đời sống đức tin giáo dân Ban Mê Thuột. Ngài còn xây trường học, mở mang đường xá, thiết lập làng ấp như: làng Phương Danh dành cho người Công giáo, làng Kim Sa của người Phật giáo.
 
XÓM ĐẠO – LÀNG ANNAM (Nay thuộc giáo khu Gioan Tẩy Giả)
Trước 1945, Ban Mê Thuột được coi là nơi rừng thiêng nước độc, 60% đàn ông bị sốt rét rừng, đàn bà hợp thủy thổ hơn. Ban Mê Thuột là nơi đày các phạm nhân chính trị, nơi được sắp ngang hàng với Lao Bảo, Đăk Tô, Trà My …, sau trại giam Côn Sơn.
Về phương diện hành chánh, đứng đầu tỉnh có một Công sứ Pháp (Résident de France), về phía Nam Triều có một ông Quản Đạo cai trị.
Người Annam lúc bấy giờ, 80% là phu công các đồn điền của Pháp, 20% là công chức, tư chức, và một ít thương gia sống quây quần giữa thành phố, tập trung ở các đường Lê Lợi (nay là Nguyễn Công Trứ) – Phan Bội Châu – Phan Chu Trinh và Tôn Thất Thuyết (nay là Lê Hồng Phong). Các người trong khu vực này đều được gọi là người “Làng Annam”, mặc dù lúc bấy giờ đã có làng Lạc Giao với các Hương chức điều hành.
Xóm đạo gồm khuôn viên nhà thờ và các gia đình sống trên khu đất: Lê Thánh Tôn (đường Méwal) - Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh (đường Kho Đạn) tới ranh giới khu Tòa Giám mục và nghĩa trang Công giáo (đường Lê Thánh Tôn). Số gia đình sống trong Xóm Đạo này đếm được trên đầu ngón tay.
Khu vực Xóm Đạo được kể như là một khu biệt lập, không một nhân viên công an, hành chánh hay một binh sĩ nào đến mà không có phép của cha Romeuf, khu vực Xóm Đạo đặt dưới quyền quản lý, cả đất lẫn người của cha Romeuf trước chánh quyền. Anh em sống rất thoải mái, không sợ ai đến khuấy rầy.
Xóm Đạo và làng Annam tuy chỉ cách nhau khoảng hơn 300 thước, nhưng hai nếp sống rất khác biệt. Một bên là nếp sống văn minh thành thị, một bên thì chỉ biết lam lũ làm ăn đầu tắt mặt tối… toàn tỉnh Darlac lúc bấy giờ (1945), kể các nhân công đồn điền và ngoại kiều, chỉ có khoảng 4000 người. Bưu điện hiện nay là di tích còn lại của trước thời kỳ 1945, chỉ có thể cung cấp dịch vụ tối đa cho khoảng 5000 lượt người sử dụng.
 
XÓM PHÚ YÊN (Nay thuộc giáo khu Đức Bà)
 
Nhà thờ xóm Phú Yên (trước 1975 là văn phòng Caritas)
(Hiện nay là Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Đăk Lăk, số 103 Phan Chu Trinh BMT)
Trước khi nói đến người Phú Yên tỵ nạn chính trị, thì xin nói qua 12 gia đình ở Cửu An quận An Khê, tỉnh Plei Ku bị tình nghi theo Việt Minh và bị tòa tỉnh Plei Ku trục xuất xuống Sàigòn theo đề nghị của Ty công an tỉnh Plei Ku. Họ được đưa đi từ Cửu An đến Ban Mê Thuột và được tạm giam tại đây chờ dịp đưa xuống Sàigòn.
Tiếng đồn cha Romeuf thương người Annam đi khắp Địa phận, tuy 12 gia đình này theo đạo Cao Đài, song họ cũng cố tìm phương tiện thuận lợi để gặp cha Romeuf. Cha Romeuf cũng được báo tin và ngài xin gặp các gia đình này tại Ty công an.
Sau khi bàn tính với cha Romeuf, Tòa Hành chánh Darlac điện cho Ty công an Ban Mê Thuột biết là cha Romeuf sẽ bảo lãnh 12 gia đình này trước mặt chánh quyền và Tòa Khâm Mạng Hoàng Triều Cương Thổ; chịu trách nhiệm về hành vi chánh trị, quản lý họ và bảo đảm đời sống họ, hơn nữa nếu chánh quyền cần họ việc gì, cha Romeuf sẽ dẫn họ đến đúng ngày giờ.
Họ được cha Romeuf bảo lãnh, gởi ở tạm các nhà bổn đạo và tìm công ăn việc làm cho họ. Sau hiệp định 1954, họ trở về An Khê, chỉ còn một ông già độc thân, cha Romeuf cấp dưỡng tại nhà xứ, xin học đạo, rửa tội trước khi qua đời, chôn tại nghĩa địa I với bảng đề là ông già Cao Đài An Khê.
Một việc bất ngờ khi cha Romeuf đến Ty công an để xin cấp giấy cho các người tỵ nạn Cửu An thì có một số người chạy đến chào ngài. Sáu mươi người lớn bé gồm 24 gia đình quận Sơn Hà, Cung Sơn bị tập trung đưa lên đồn điền Đăk Mil để làm nhân công với lý do họ theo Việt Minh. Trường hợp những gia đình này giống hệt 12 gia đình ở Cửu An, An Khê.
Cha Romeuf, sau khi tiếp xúc với Ty công an được thỏa mãn việc thứ nhất, việc thứ hai, ngài muốn bảo lãnh các gia đình mới này cũng không khó. Ty công an cũng phải quản lý những gia đình này vì đồn điền Đăk Mil thuộc tỉnh Darlac.
Sau những thảo luận riêng với ông Mailland Ông Mailland, quản đốc đồn điền Đăk Mil và chung với tỉnh và Ty công an, ngài nhận lãnh tất cả những người tỵ nạn này. Thay vì đi làm công nhân cho Tây, họ sẽ sống tại Ban Mê Thuột với cha Romeuf.
Ngài triệu tập tất cả bổn đạo kể cả 12 gia đình tỵ nạn Cửu An. Ngài nói tất cả anh em đều được cha giúp đỡ. Bây giờ có 24 gia đình Phú Yên mới đến, cha lãnh về nuôi thêm, anh em giúp đỡ họ vài tuần cha sẽ chia đất và giúp đỡ họ làm nhà. Cha cấm không được gây lộn, nói xấu, đánh nhau và đánh bạc. Ai có ốm đau nói với cha liền.
Nhà nào trong Xóm Đạo cũng thêm người, tuy vừa là bác ái, mà nhất là sợ cha la. Cảnh náo nhiệt của Xóm Đạo về chiều rất ồn ào, nếp sống tập thể cũng hơi phức tạp.
Cha Romeuf thường xuyên lui tới. Ngài chăm nom săn sóc, giúp đỡ vật chất, tiếp tế lương thực. Huy động cả Xóm Đạo đi chặt tre và cắt tranh. Các người mới đến ra phát mấy lô đất phía trước Tòa Giám mục hiện nay để làm tạm nhà ở. Tòa tỉnh và Ty công an cho cha Romeuf được cấp giấy chứng nhận để họ khỏi bị nhân viên bắt về “bót”. Cha Romeuf bắt đầu phân lô các tiểu đảo theo họa đồ của công chánh. Mỗi gia đình một lô một ngàn thước vuông (1.000m2).
Hai lô trước mặt đường Méwal, cha dành làm nhà nguyện cho tương lai. Nhờ sự giúp sức của đồng bào Xóm Đạo, Xóm Phú Yên thành hình mau chóng. Về tín ngưỡng chỉ có 4 gia đình Công Giáo, còn 20 gia đình kia là lương, giữ đạo ông bà. Về công ăn việc làm, khi có một công tác chung thì tất cả đi làm tập thể; còn phần ai nấy lo tìm việc làm. Người nào có muốn đi làm mướn xa năm bảy ngày phải xin phép cha Romeuf và chủ mướn cũng phải nói qua với cha Romeuf nữa.
Xóm Đạo, Xóm Phú Yên, toán người Cửu An đều do cha quản lý và chịu trách nhiệm trước chánh quyền tỉnh và Ty công an, nên ngài dùng mọi biện pháp, với chánh quyền, công an, lính không ai được tự ý vào các nhà mà không có phép của ngài, vì ngài đã hứa hễ cần gặp người nào là đích thân ngài dẫn đến; với đồng bào để tránh tất cả những sự rầy lộn, uống rượu, đánh bạc, mất an ninh chung.
Cũng nên nói thêm là năm 1950 có 9 gia đình ở đồn điền CADA xin thôi việc sở để ra Ban Mê Thuột làm ăn, lúc bấy giờ CADA thay đổi chủ, ông Scalbert, chấp thuận nhưng không cho giấy tờ gì cả, tuy ở sở làm đã lâu, song chưa có giấy căn cước, họ cũng đến xin cha Romeuf bảo lãnh. Trong số này chỉ có hai gia đình Công Giáo. Thương lượng với Ty công an, và được sự đồng ý của chủ sở CADA, cha Romeuf nhận lãnh họ như là người làm việc cho cha, vì lúc bấy giờ cha cần xây cất thêm nhà, đóng bàn ghế và chân nến bàn thờ, họ lại là những thợ mộc rành nghề, nên sau khi làm việc cho nhà thờ xong (có trả lương) họ được cấp giấy đi làm trong thị xã.
Trước sau tất cả 52 gia đình: Bảy (07) gia đình từ An Mỹ, Plei Ku – Chín (09) gia đình Cada – Mười hai (12) gia đình Cửu An, An Khê và hai mươi bốn (24) gia đình Phú Yên đến xin tỵ nạn, một số lớn các gia đình hồi cư lại về quê quán năm 1954 sau hiệp định Genève.
Trong thời gian tỵ nạn, 6 gia đình An Mỹ xin học đạo từ năm 1948 đến năm 1951 mới được rửa tội. Sáu (6) gia đình Phú Yên không hồi cư, xin ở lại Ban Mê Thuột làm ăn, họ xin học đạo từ Noel 1954 đến lễ Phục Sinh 1956 mới được rửa tội.
Những người xin học đạo và được cha Romeuf rửa tội được bảo đảm đức tin trong bất cứ thời gian thử thách nào. Có một điều may mắn là trong những năm chiến tranh sôi động (1945-1946), Nhà thờ và nhà xứ Ban Mê Thuột vẫn còn nguyên vẹn, không bị đốt phá như các nhà ở các khu phố.
Số giáo dân tại Ban Mê Thuột thời ấy tăng nhanh do hai yếu tố: Chế độ “Hoàng triều cương thổ” và làn sóng di cư của đồng bào Bắc Việt vào Nam.
• Chế độ “Hoàng triều cương thổ”:
Đầu năm 1946, quân đội viễn chinh Pháp trở lại Việt Nam. Năm 1948, Vua Bảo Đại về nước, ông thường qua Pháp để bàn việc quốc sự, nhưng khi về Việt Nam thường ở Ban Mê Thuột hơn là Kinh đô Huế. Nên Cao nguyên Trung phần, đặc biệt là Darlac, được chọn làm “Đất của Hoàng đế” hay “Hoàng triều cương thổ” (Domaine de la Couronne). Ban Mê Thuột vì thế tăng triển nhanh về nhiều mặt, công chức và quân đội được đưa lên cùng với gia đình, sau đó kéo theo cả họ hàng đến định cư.
 
Lược sử hình thành và phát triển Giáo xứ:
Trước khi thành lập Giáo xứ, vùng đất này được chọn thành lập Giáo họ Ban Mê Thuột để làm cơ sở truyền giáo đầu tiên cho vùng đất Cao nguyên Trung phần. Và ngày 15.08.1934 một ngôi Nhà nguyện mái tranh vách đất đã được dựng lên. Ngôi Nhà nguyện này về sau đã được cơi nới và lợp lại bằng tôn năm 1954 khi có một số bổn đạo từ Kon Tum lên lập cư tại Ban Mê Thuột (Sau này các nữ tu dòng Vinh Sơn đã xây một Nhà nguyện mới trên nền đất Nhà nguyện tiên khởi này, hiện nay thuộc khuôn viên trường trung học cơ sở Phan Chu Trinh).
Ngày 30.03.1937, Đức Cha Jannin Phước, Giám mục Địa phận Kon Tum nâng Giáo họ Ban Mê Thuột lên Giáo xứ và chủ sự lễ nhậm chức của Cha xứ tiên khởi Phêrô Nguyễn Đắc Cẩn (1937-1938). Giáo xứ không có Cha xứ trong suốt 4 năm. Tháng 9 năm 1956, Đức cha Seitz Kim bổ nhiệm Cha Gioan Baotixita Trần Thanh Ngoạn làm Chánh xứ và năm 1958 Cha đã xây ngôi Nhà thờ lớn Thị xã, nay là Nhà thờ Chính Tòa Giáo phận Ban Mê Thuột, có chiều dài 45m, rộng 12m, mỗi cánh thánh giá 12m x 12m; có tổng diện tích 828m2, với sức chứa 1200 chỗ ngồi. Nhà thờ xây dựng đúng 1 năm và được khánh thành vào Chúa nhật thứ II sau lễ Phục sinh năm 1959 (sau nhiều lần trùng tu, hình dáng, kích thước ngôi Nhà thờ vẫn giữ nguyên cho đến ngày nay). Ngày kính: Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu vào tháng 6 hằng năm, nên được gọi là Giáo xứ Thánh Tâm - BMT.
 
Ô. Bốn (đeo thánh giá) - Chủ tịch đầu tiên của GIÁO XỨ Thánh Tâm (20. 3. 1938)
 
Trong thời gian này Giáo xứ có các nhà thờ họ là: Giáo sở Suối Đốc Học (nay là Giáo xứ Chính Nghĩa), các Giáo họ như: Hưng Đạo, Kim Mai (nay đã thành các giáo xứ) và Giáo họ Duy Linh (1965).
 
 
Tháp chuông Nhà thờ xây còn dang dở
 
Năm 1966, cha GB. Trần Thanh Ngoạn về hưu, trị bệnh tại nhà riêng của người cháu (lúc đó chưa có nhà hưu dưỡng Linh mục tại BMT) và qua đời ngày 03.08 năm 1983. Cha Giu-se Trịnh Chính Trực (1966-1971) được chuyển về Giáo xứ Thánh Tâm. Trong thời gian này, cha Chính Trực đã xây nhà xứ và nhà sinh hoạt, chuyển nhà xứ cũ thành trường tiểu học Thánh Tâm.
Ngày 22 tháng 6 năm 1967, Giáo hoàng Phaolô VI ban sắc lệnh thiết lập Giáo phận Buôn Mê Thuột, và bổ nhiệm Linh mục Nguyễn Huy Mai làm Giám mục chính tòa, tân Giáo phận Buôn Mê Thuột. Ngày 22 tháng 8 năm 1967, Giáo xứ Thánh Tâm hân hoan đón chào tân Giám mục Nguyễn Huy Mai, là vị Giám mục tiên khởi của Giáo phận Ban Mê Thuột. Nhà thờ Thánh Tâm trở thành nhà thờ Chính tòa từ đây.
Sau cha Trịnh Chính Trực, cha Augustino Nguyễn Văn Tra (1971 – 1975), nguyên Giám đốc Tiểu chủng viện Lê Bảo Tịnh về thay thế. Thời gian này, cha Tra “vá” lại bức tường cung thánh bị đốt cháy vì bom đạn trong những ngày chiến cuộc xảy ra. Ngày 19.03.1973, thành lập Giáo họ Giu-se... Giữa năm 1975, cha Tra được bổ nhiệm về Giáo xứ Kim Mai. Cha Gioakim Nguyễn Đức Oánh, từ Giáo xứ Kim Mai được bổ nhiệm về nhà thờ Chính tòa (1975-1976) .
 




GIÁO XỨ NHÀ THỜ CHÍNH TÒA 1977-1991
Sau khi cha Gioan Kim Nguyễn Đức Oánh, chánh xứ nhà thờ chính tòa, bị bạo bệnh, Đức Giám mục Giáo phận đã bổ nhiệm cha Antôn Vũ Thanh Lịch về thay thế vào ngày 25.03.1977. Đây là thời điểm khó khăn trên toàn lãnh thổ. Đất nước đi vào con đường xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ tư sản tiến tới tập thể hóa. Chính sách dãn dân ra khỏi thành thị được áp dụng triệt để với mục đích lấy nông nghiệp làm đầu. Tuy vậy, kinh tế vẫn trên đà suy thoái, người dân càng ngày càng gặp muôn ngàn khó khăn trong cuộc sống. Để chính sách đạt hiệu quả, một số quyền bị hạn chế, vấn đề tự do tín ngưỡng cũng từ đây bị ảnh hưởng. Các sinh hoạt tôn giáo được kiểm soát ngặt nghèo. Các vị chủ chăn không được thi hành nhiệm vụ theo chức năng. Nhà thờ và các cơ sở tôn giáo luôn im lìm không phát triển. Đức tin của người Kitô hữu bị chao đảo.
Đứng trước thực trạng đầy khó khăn, tin tưởng mạnh mẽ vào Chúa quan phòng và Mẹ Maria phù trợ hướng dẫn, cha An-tôn Vũ Thanh Lịch đã vận dụng mọi khả năng để sinh hoạt nhà thờ khỏi bị tàn lụi theo chiều hướng xã hội, bằng cách củng cố các đoàn thể đã được công nhận. Giáo lý được chuyển tải âm thầm đến từng gia đình. Sinh hoạt phụng vụ sinh động vào các ngày lễ trọng trong năm: dâng hoa tháng năm đầy mầu sắc, lập đội kèn đồng, hội bác ái lo việc mai táng, các ca đoàn tăng về chất lượng cũng như số lượng. Tu sửa Thánh đường, xây gác đàn, xây sửa nhà xứ, xây tượng đài Thánh Tâm, tôn tạo Cung thánh, làm bàn thờ bằng đá hoa cương đầu tiên trong Giáo phận, cung hiến bàn thờ và nhà thờ, lập khuôn viên Thánh Mẫu. Kỷ niệm Kim khánh Giáo xứ ngày 30.03.1987. Trồng 12 cây tùng bách chung quanh nhà thờ… Lễ tấn phong Giám mục Giu-se Trịnh Chính Trực được tổ chức này 15.8.1981...
Để dễ dàng sinh hoạt mục vụ, ngoài hai Giáo họ Duy Linh và Giu-se và giáo buôn Akõ Dhông, cha Vũ Thanh Lịch thành lập 6 Khu phố gồm: Khu phố Gioan Tẩy giả; Khu phố Đức Bà, Khu phố Phê-rô, Khu phố Vinh Sơn, Khu phố An-tôn và Khu phố Martinô.
Đối ngoại, cha luôn có thái độ cởi mở, hài hòa với xã hội trong cung cách làm việc linh hoạt, thân thiện, để đôi bên xích lại gần, cảm thông và hiểu nhau hơn. Năm 1991, cha được bề trên bổ nhiệm làm quản xứ Giáo xứ Vinh Đức (Hà Lan A)

 
Ngày 15. 8. 1981, Giáo xứ hân hoan đảm nhiệm tổ chức lễ Tấn phong Giám mục Giu-se Trịnh Chính Trực
 
 
Kỷ niệm Kim khánh Giáo xứ Thánh Tâm
ĐỨC GIÁM MỤC Phê-rô Nguyễn Huy Mai trồng cây tùng bách kỷ niệm 50 năm Giáo xứ 1987
 
Năm 1991, cha Đaminh Hà Duy Khâm (1991 – 2015) được bổ nhiệm về thay thế cha An-tôn Vũ Thanh Lịch, trong thời gian 24 năm, ngài xây mới lại nhà xứ và phòng hội chung, nhà khách, thay tôn mới và sơn lại nhà thờ bằng sơn nước thay vì quét nước xi măng, xây dựng hang đá Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày 17. 6. 1997, lễ tấn phong Đức Giám mục Giu-se Nguyễn Tích Đức được tổ chức tại nhà thờ Chính Tòa – BMT
Sau 03 năm kể từ khi Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tích Đức từ chức (17. 05. 2006), vì sức khỏe, ngày 21 tháng 2 năm 2009, Giáo hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản (thuộc Giáo phận Quy Nhơn), làm Giám mục Giáo phận Ban Mê Thuột. Ngày 12 tháng 5 năm 2009, lễ tấn phong Giám mục được cử hành tại nhà thờ Chánh Tòa Ban Mê Thuột.

 
Lễ tấn phong Đức Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản (2009)
 
Ngoài công việc mục vụ chăm sóc đời sống đức tin cho đoàn chiên, tất cả các Linh mục quản xứ cũng quan tâm đến việc mở mang giáo xứ...Tính đến hết năm 2016, Giáo xứ có 2.563 gia đình công giáo với 10.309 giáo dân.
 
Ban VHTT – GP.BMT
 
Khuôn viên Nhà thờ Thánh Tâm trước năm 1975
 Tags: Thánh Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây