TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Bốn cô nàng độc thân (Cv 21,8-9)

Thứ ba - 26/10/2021 10:48 |   1027
Những ai làm như thế, sẽ là một sự khích lệ và thách đố cho nhiều người, cũng như bốn cô con gái ông Philipphê là một khích lệ cho chúng ta.
Bốn cô nàng độc thân (Cv 21,8-9)

Bốn cô nàng độc thân (Cv 21,8-9)

 
  •  
    •  


BỐN CÔ NÀNG ĐỘC THÂN (Cv 21,8-9)
Tác giả: Gina Karssen

WGPQN (26.10.2021) - Chúng ta sắp tìm hiểu không phải một mà là bốn cô nàng độc thân. Họ là bốn chị em và là con của một người loan báo Tin Mừng, tên là Philipphê. Một lần nữa chúng ta muốn biết nhiều hơn về từng cô để có thể viết nên câu chuyện của họ. Có điều chắc chắn là cuộc sống của họ phải thú vị lắm! Ta chẳng biết gì về bà mẹ của họ. Về phần người cha, ông là một trụ cột quan trọng trong giáo hội sơ thời (Cv 6,5; 8,26-40).

Rủi thay, thông tin về các cô, chúng ta chỉ có một câu vỏn vẹn chỉ khoảng chục từ: “… bốn cô gái đồng trinh được ơn nói tiên tri”. Bản văn Hy Lạp chỉ có bốn từ: “θυγατέρες τέσσαρες παρθένοι προφητεύουσαι”.
Kinh Thánh nói nhiều về các ngôn sứ. Các nữ ngôn sứ rất hiếm hoi. Song các nữ ngôn sứ này nổi tiếng vì tính cách khác thường và ảnh hưởng rất lớn của họ, những phụ nữ như Miriam, Đêbora hay Hulđa.

Là nữ ngôn sứ thì không hẳn phải độc thân. Đêbora và Hulđa đều kết hôn và bà Anna, nữ ngôn sứ đầu tiên của Tân Ước là một bà góa. Bốn chị em này chắc hẳn đã noi gương Miriam, người chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử của dân mình và là người đã không kết hôn như họ.

Họ được ơn nói sấm ngôn, nghĩa là họ nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần để nói lời của Thiên Chúa. Họ thực hiện như thế nào? Chẳng ai biết được. Phải chăng họ giải thích lời Chúa cho người khác: từng người hay từng nhóm nhỏ? Họ làm những nhà cố vấn đáng tin cậy? Họ có khiếu khích lệ hay sửa lỗi? Hay họ khuyến khích nhận biết và ngợi khen Thiên Chúa, như bà Miriam đã làm qua tiếng hát và âm nhạc? Tất cả khả năng đều có thể. Mỗi một cô độc thân này đều làm trọn nhiệm vụ mình theo bản tính và ân huệ của mình.

Kinh Thánh dạy chúng ta rằng ân huệ thiêng liêng là một khả năng mà Thiên Chúa ban cho mỗi chi thể trong thân thể Đức Kitô “mỗi người tùy theo lượng đức tin Thiên Chúa đã phân phát cho” (Rm 12,3). Và có rất nhiều ân huệ khác nhau theo Rôma 12 và 1 Côrintô 12.

Ân huệ được Chúa Thánh Thần thông ban chỉ với mục đích duy nhất: công ích. Chính Chúa Thánh Thần quyết định bản tính và tầm quan trọng của mỗi ân huệ. Ngài chờ đợi người ta thực hiện cách tốt nhất có thể được. Kinh Thánh cho chúng ta những mẫu gương tuyệt vời về vấn đề này, chẳng hạn như bà Tabitha[1] (“Linh dương”), cũng là một phụ nữ không kết hôn (Cv 9).

Luca đề cập đến bốn cô gái này trong một tường trình chi tiết về chuyến du hành của Phaolô. Đây là bằng chứng xác thực cho thấy rằng họ chiếm một vị trí quan trọng trong Giáo Hội Cêsarê non trẻ.

Một thời gian sau, có lẽ Thánh Phaolô muốn ám chỉ đến các cô này khi nói rằng: “người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác” (1 Cr 7,34). Ngài cũng nói rằng ở độc thân thì thật là tốt vì thời gian khó khăn sắp đến (1 Cr 7,26-35).

Những lời quá hiện thực và thích đáng này dường như là được viết vào thời đại chúng ta. Ánh sáng mà những lời này chiếu giải vào đời sống độc thân rất khác với điều ta thường nghĩ. Dưới mắt Thiên Chúa, những cô gái độc thân không phải là ế hay lỡ thì. Trái lại, họ có một giá trị. Họ là những mắt xích cần thiết trong việc hoàn thành kế hoạch của Thiên Chúa đối với Giáo Hội và thế giới. Để đạt được mục đích này, họ phải tận dụng mọi dịp đã được ban cho họ.

Như mọi phụ nữ khác, bốn chị em này là những con người. Sự độc thân của họ chắc không luôn dễ dàng đảm nhận. Họ cũng có ước muốn được Thiên Chúa phú ban là lấy chồng sinh con. Nhưng họ đã không cho phép mình tiếc nuối khi từ bỏ những điều ấy. Họ không để mình bị giới hạn. Họ hiểu rằng mình chỉ có một sứ mệnh duy nhất để hoàn thành. Nếu họ thiếu bổn phận, sẽ để lại một khoảng trống mà không ai lấp đầy.
Họ chấp nhận từ bàn tay Thiên Chúa rằng sự đau khổ và ước muốn không trọn vẹn là một phần của cuộc sống. Vì rằng cuộc sống trần thế là bất toàn. Sống dưới thế trần này, đó là sống trong một thế giới bị gãy đổ vì tội lỗi.

Thiên Chúa không đặt chúng ta trong những phạm trù khác nhau tùy theo chúng ta là người kết hôn hay độc thân. Ngài đã chọn hiện trạng của chúng ta vì bổn phận mà Ngài dành cho chúng ta, trong Giáo Hội cũng như ngoài Giáo Hội. Mỗi người được trang bị những phẩm chất duy nhất dành cho vị trí mình được ban cho.
Cực kỳ nguy hiểm cho phụ nữ đã kết hôn lẫn độc thân nếu họ xây dựng cuộc đời mình trên những điều mình không có, tốt hơn là sử dụng với lòng biết ơn những gì đã được ban cho mình. Bốn cô con gái của ông Philipphê đã đưa ra thách đố cho chúng ta: biết trân trọng những gì mình có, hãy liệt kê danh sách những ân huệ thiêng liêng trong Rm 12 và 1 Cr 12 rồi hãy cố trả lời cho câu hỏi sau đây: “Chúa Thánh Thần đã trang bị cho tôi như thế nào?”

Giai đoạn tiếp theo là thực hiện với sự giúp đỡ của những gì được ban cho chúng ta, với sự biết ơn và lòng can đảm. Hãy cố lên và chúng ta sẽ thấy ngạc nhiên! Ta thấy rằng Thiên Chúa sẽ gia tăng điều Ngài đã ban cho chúng ta với lòng nhân hậu và sẽ biến đổi nó thành những dịp vô cùng tốt đẹp.

Những ai làm như thế, sẽ là một sự khích lệ và thách đố cho nhiều người, cũng như bốn cô con gái ông Philipphê là một khích lệ cho chúng ta.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Từ sách: Gina Karssen, Dans l’ombre de leur Maître: Femmes méconnues de la BibleLa Maison de la Bible, 2014, tr. 23-26.


Nguồn: gpquinhon.org

Đọc thêm: Bà vợ của thánh Phêrô (Mt 8,14-15 và 1 Cr 9,5) 

[1] Tabitha, trong tiếng Aram là טביתא (nghĩa là “linh dương cái”), từ đó được dịch sang tiếng Hy Lạp là Dorcas (Δορκάς). Bản dịch Việt ngữ (Cv 9,36) của cha An Sơn Vị: “Tại Gióppê trong số các môn đồ có một bà tên là Tabita, tiếng Hy Lạp dịch là Đoka, nghĩa là “linh dương””; bản CGKPV: “Ở Giaphô, trong số các môn đệ có một bà tên là Tabitha, có nghĩa là Linh Dương”; bản cha Nguyễn Thế Thuấn: “Tại Yôphê, trong hàng môn đồ có bà tên là Tabitha, dịch ra là "Linh Dương"”.
 Tags: Thánh kinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây