TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật I Mùa Vọng – Năm C

“Giờ cứu rỗi các con đã gần đến” (Lc 21, 25-28.34-36)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ơn gọi cho ai? Giôna, Thiên Chúa và Ninivê

Thứ bảy - 19/02/2022 08:46 |   1146
Thiên Chúa quan tâm sâu sắc đến những phản đối âm thầm và kiểu bất mãn đầy kịch tính của Giôna. Chúa đã tha cho Giôna một lần và giờ đây Ngài không đòi hỏi ông tiến hành sứ mạng được giao cho đến khi ông sẵn sàng làm chuyện đó
Ơn gọi cho ai? Giôna, Thiên Chúa và Ninivê

 

 

ƠN GỌI CHO AI?
GIÔNA, THIÊN CHÚA VÀ NINIVÊ

Claire Matthews McGinnis

WGPQN (08.02.2022) - Truyện Giôna có lẽ không cho chúng ta một cái nhìn sâu xa về ơn gọi, vì Giôna là nhân vật duy nhất trong Kinh thánh chống lại điều mà Chúa muốn ông thực hiện. Tuy nhiên, Sách Giôna xác định rằng ơn gọi của một người bao gồm việc Chúa đồng hành với chúng ta trong quá trình đào tạo và việc chúng ta thực hiện sứ mạng Thiên Chúa đã giao. Phần lớn truyện kể việc Giôna không chịu đi đến nơi mà Đức Chúa Trời muốn sai ông đến. Chúa kêu mời ông tra xét nghiêm túc những kỳ vọng, ác cảm, thâm tín của chính ông cả về Chúa lẫn về người khác. Quá trình này, đổi lại, cho phép ông phát triển một mối quan hệ trung thực sâu sắc hơn với người đã gọi ông.

Ác cảm với Ninivê

Cuốn sách mở đầu với việc Chúa sai nhà tiên tri đi loan truyền lời Chúa: “Có lời  phán với ông Giôna, con ông A-mít-tai, rằng: "Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta (Gn 1, 1-2). Thành phố Ninivê là điểm cốt lõi giúp chúng ta hiểu phản ứng của Giôna. Ninivê, với tàn tích hiện vẫn nằm ở Iraq ngày nay, đã từng là thủ đô của Đế chế Assyria. Nhưng rất lâu sau khi Assyria sụp đổ, Ninivê đã trở thành đại diện cho bất kỳ thành phố quốc tế lớn, ấn tượng nào, giống như Thành phố NewYork đại diện cho thời trang, tài chính và nghệ thuật ngày nay. Giôna đã phản đối sứ vụ Chúa giao, ông chạy trốn đi về hướng ngược lại; thay vì đi về phía đông bắc để đi đến Ninivê, ông lại mướn tàu đi về về phía tây đến Tarshish, thành phố này có lẽ nằm ở Tây Ban Nha ngày nay.

Câu chuyện chỉ nói đến lý do bỏ trốn của Giôna ở chương cuối cùng. Sau khi cảnh báo cho người dân Ninivêvề sự phán xét sắp đến của Đức Chúa Trời và họ đã ăn năn, ông tuyên bố: “Ôi, lạy Đức Chúa, đó chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội vàng trốn đi Tác-sít. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, và hối tiếc vì đã giáng họa.”(Gn 4, 2). Giôna dường như biết rằng nếu ông rao giảng cho dân Ninivê, tình thế có thể thay đổi và kết quả là Chúa sẽ thương xót họ thay vì tiêu diệt họ. Tuy nhiên, chúng ta không biết rõ tại sao ông lại không thích Chúa dủ lòng thương xót dân Ninivê, có thể vì họ là người ngoại quốc không phải dân Israel, hay có thể vì họ thuộc đế quốc Assyria đã từng đối xử khắc nghiệt với dân Israen và đã trở thành kẻ thù của dân. Chúng ta sẽ trở lại câu hỏi này sau khi xem xét hành trình vòng vòng của Giôna

Hành trình của Giôna

Sách Giôna chứa đầy những chi tiết phóng đại và mỉa mai. Những điều này giúp làm nổi bật tình trạng khó khăn của Giôna, và tạo cơ hội giúp chúng ta hiểu được những động lực thúc đẩy ông. Có nhiều cách để giải thích cụ thể các hành vi của Giôna, và trong phần tiếp theo, tôi sẽ cố gắng trình bày cách giải thích của riêng tôi. 

Việc Giôna cố "chạy trốn khỏi Chúa" bằng thuyền là một việc có thể xảy ra. (Cụm từ “chạy trốn khỏi Chúa” thực sự xuất hiện hai lần trong Giôna 1, 3) Ngay khi hành trình đang diễn tiến, Chúa đã tạo ra một "cơn gió lớn" trên biển mà ngay cả bản thân con tàu cũng nghĩ rằng nó sắp vỡ tan! Trong cơn khủng hoảng này, các thủy thủ không phải là người Israel tỏ ra ngoan đạo hơn Giôna, mỗi người cầu nguyện với vị thần của riêng mình và họ ném hàng hóa khỏi tàu để tàu dễ xoay xở hơn. Trong khi đó, Giôna ngủ say ở dưới hầm tàu. Ai đó đón chờ cái chết có thể nằm lơ mơ dưới hầm tàu nhưng có lẽ sẽ không ngủ say như ông. Giôna chắc phải tin rằng Chúa làm chủ tình hình và ông sẵn sàng chấp nhận dù có chuyện gì xảy ra. Điều này cho thấy, ngay cả khi ông từ chối thực hiện sứ mạng của mình và phản kháng bằng hành động sứ vụ Chúa giao, ông không thể chối là không biết Chúa hoặc không biết gì về đường lối và lòng nhân hậu Chúa. Thật vậy, khi các thủy thủ hỏi ông, ông đã khẳng định chân tính của mình qua câu trả lời: "Tôi là người Híp-ri, Đấng tôi kính sợ là Đức Chúa, Thiên Chúa các tầng trời, Đấng đã làm ra biển khơi và đất liền." (Gn 1,9). Tất nhiên, điều trớ trêu ở đây là, nếu ông người kính sợ Chúa, ông đã không từ chối ơn gọi. Hơn nữa, trong khi ông mô tả Chúa là Đấng đã tạo ra biển khơi cũng như đất liền, thế nhưng ông lại cố gắng chạy trốn Chúa bằng cách đi ra biển. Thế nên, chúng ta phải kết luận rằng cuộc hành trình vượt biển của ông thực ra là một hình thức phản kháng hơn là một kế hoạch cố chạy trốn Chúa. Trên bình diện quan hệ giữa người với người, hành động của Giôna có thể so sánh với việc tránh né người khác, hay từ chối nói chuyện với nhau, hay từ chối làm việc chung để đạt tới một thỏa hiệp. Dù gì đi nữa, ngay cả việc từ chối tham gia một mối quan hệ cũng vẫn được coi là cách hai bên quan hệ với nhau.

Giôna biết mình là nguyên cớ khiến các thủy thủ gặp nguy hiểm và ông sẵn sàng thừa nhận điều đó. Họ cố gắng dũng cảm cứu mạng ông bằng cách cố gắng chèo thuyền vào bờ — đây là một thao tác rất nguy hiểm giữa cơn bão vì họ có thể dễ dàng bị cuốn vào bờ biển đầy đá. Giôna nghĩ đã đến lúc tự hiến thân mình vì ông biết rằng nếu họ ném ông xuống biển, cơn bão sẽ ngưng. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong câu chuyện và chúng ta cần tìm hiểu thêm nữa về động lực thúc đấy ông làm như thế. Người ta có thể kết luận rằng Giôna biết mình sẽ được Chúa cứu nếu ném xuống biển. Nhưng đó là cách đọc ít hợp lý nhất. Chắc chắn ông  không thể nghĩ ra rằng một con cá lớn giải cứu sẽ giải cứu mình! Vì vậy, Giôna phải giả định rằng đời ông đến đây là hết. Ông đã né tránh sứ mạng cứu người Ninivê khỏi án phạt và ông hy sinh mạng sống mình để cứu một số thủy thủ vô tội, vì ông chấp nhận hậu quả của việc bỏ chạy. Lời cầu nguyện và những hành động tiếp theo của ông trong chương 3 có lẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy ông không mong đợi được giải cứu. Vậy Giôna đã học được gì khi thoái thác ơn gọi của Chúa? Ít nhất ông học được rằng chính việc ông cố gắng tránh quan hệ với Chúa lại chỉ ra rằng ông vẫn còn  quan hệ với Ngài. Quan trọng hơn nữa, rõ ràng là Chúa chưa hết quan hệ với ông! Tiếp theo là những bài học sâu sắc hơn.

Giải cứu và lời mời gọi canh tân

Dùng một con cá lớn để giải cứu rõ ràng không phải là chuyện tình cờ ngẫu nhiên, vì người kể viết rằng con cá đã được Chúa “khiến” (Giôna 2: 1). Hứng khởi vì được giải cứu, Giôna hát lên một bài ngợi ca. Có nhiều người nghi ngờ tính xác thực của lời cầu nguyện Giôna. Và việc cá nôn ông ra sau khi ông đọc xong lời cầu nguyện ngợi khen khiến một số người nghĩ là đây là cách cá phản ứng lại thói đạo đức giả của Giôna.

Thế nhưng ông Giôna đã thực sự ngạc nhiên trước việc ông được giải cứu ngay tức thì, và việc cầu nguyện theo hình thức thánh vịnh truyền thống cũng là chuyện bình thường đối với người Israel hay một tu sĩ Kitô giáo thôi. Khi được cứu thoát ông Giôna có một cơ hội để làm lại từ đầu. Mặc dù cảm tưởng của ông về sứ mạng Chúa giao để cảnh báo Ninivê vẫn không thay đổi, nhưng khi Chúa sai ông lần thứ hai đi đến Ninivê, ông đã đi. Giôna đã tỏ vẻ bất mãn với Chúa và đã tìm cách phản đối; nhưng Chúa đã thương ông bằng cách sai con cá đến cứu, và ông rất biết ơn. Vì vậy, bây giờ, tuy ông không thích việc rao giảng cho dân Ninivê, nhưng ông sẵn sàng làm những gì Thiên Chúa yêu cầu ông làm.

Ninivê được mô tả là một thành phố phải mất ba ngày mới có thể đi qua hết, và Giôna được tường thuật là chỉ đi bộ vào thành một ngày trước khi ông rao giảng lời kêu gọi hoán cải, “Bốn mươi ngày nữa và Ninivêsẽ bị phá đổ” (Gn 3, 4). Tại sao ông lại làm thế? Việc Ninivê ăn năn sám hối làm ông không vui  cho thấy hoặc là ông đã rao giảng một cách hời hợt (khi chưa đi tới trung tâm thành phố ông đã kêu gọi hoán cải) hoặc là người Ninivê đã chú ý đến thông điệp của ông ngay cả trước khi ông thực sự bắt đầu rao giảng. Trong khi các nhà tiên tri khác trong Kinh thánh phải hô hào khản cổ để khích lệ các thính giả nghiêm túc thực hiện những lời cảnh báo, thì người Ninivê lại ngược hẳn, họ ngay lập tức ăn năn hết mình, thậm chí còn cho các con vật nhịn ăn và mặc bao bố, loại quần áo thô ráp đơn sơ mặc để đền tội. Ông Giôna đã rất thành công trong việc hoàn thành nhiệm vụ của mình. Dân Ni-ni-vê đã ăn năn và Đức Chúa Trời quyết định không trừng phạt họ (Gn 3,10).

Giôna và Thiên Chúa: một cuộc trò chuyện trung thực

Tại thời điểm này, nỗi lo tệ hại nhất của Giôna đã thành hiện thực. Chúa đã ban cho thành phố Ninivê tội lỗi một cơ hội để được tha thứ, và họ đã biết lợi dụng cơ hội đó. Đối với Giôna, Ninivê có lẽ không chỉ là một thành phố tội lỗi; nó là một thành phố của dân Assyria và giống dân này đã cai trị và đối xử hà khắc với dân Israel. Làm sao Chúa có thể thương xót họ khi chính dân Israel đã phải chịu sự đoán phạt vì tội lỗi của họ? Làm thế là công bằng đấy sao? Giống như anh trai của đứa con hoang đàng, Giôna tức giận vì Chúa đã tỏ lòng thương xót, tuy nhiên hoàn cảnh của ông thậm chí còn khó khăn hơn hoàn cảnh của người anh: trong dụ ngôn về đứa con hoang đàng, người cha đã tổ chức một bữa tiệc cho người con đã phạm tội và rồi ăn năn nhưng không tổ chức tiệc cho người con trung thành (Lc 15, 11-32); trong trường hợp của Giôna, Chúa đã buộc dân Israel chịu phạt vì tội lỗi của họ qua gót giầy xâm lược của quân đội người Assyria và Babylon, và bây giờ người Assyria lại nhận được sự tha thứ.

Thay vì chạy trốn khỏi Chúa một lần nữa, Giôna cầu nguyện trong cơn giận dữ (Gn 4, 2-3), và lần này thật sự có tiến bộ. Thay vì phản đối trong im lặng, giờ đây ông Giôna chủ động đối thoại với Chúa, ông công khai bày tỏ lý do mình bất mãn. Chúa đã dịu dàng và từ tốn nói chuyện với ông, mặc dù Chúa cũng có gợi ý để ông cởi mở hơn. Giôna “đã trút bầu tâm sự”: ông tức giận đến mức cầu xin Chúa lấy đi mạng sống của mình. Đáp lại ông, Chúa hỏi, "Con tức giận như thế có đúng không?" Đối với ai đó thì câu hỏi này là câu hỏi nhằm gây ấn tượng, nhưng với Giôna, ông không nghĩ như thế. Chúa yêu cầu ông thành thực rà soát lại lập trường của mình. Sau đó, như Chúa đã sai khiến con cá lớn, thì giờ đây Chúa lại khiến một cây thầu dầu để an ủi Giôna, và kế tiếp Chúa sai một con sâu và một cơn gió nóng để làm cây héo đi.

Tại thời điểm này, Chúa đẩy cuộc đối thoại với Giôna lên một tầm cao mới: "Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý không? " Chúa hỏi. Giôna đáp: “Con có lý để nổi giận đến chết được!” (Gn 4,9). Chúa không phủ nhận lời ông nói cũng không tranh luận với ông. Chúa để Giôna được cảm nhận những tình cảm của chính mình. Chúa sử dụng cây thầu dầu như một hình ảnh giúp loại suy, dù không hoàn hảo lắm. Giôna tức giận vì mất đi cây thầu dầu đã mang lại niềm an ủi cho ông,mặc dù ông không tốn công sức để trồng và bản chất nó chỉ là mau qua, sớm nở tối tàn.

Phép loại suy gợi ý rằng cây thầu dầu đối với Giôna cũng như Ninivê đối với Thiên Chúa, nhưng cách suy luận này cần được lý giải thêm. Vậy, phải chăng tự thân Ninivê là phù du là chóng qua, hay việc dân thành này ăn năn sám hối  chỉ là một chuyện đơn giản?  Phải chăng Thiên Chúa không giống như Giôna, người đã chẳng phải nhọc nhằn trồng cây thầu dầu? Điểm chính của phép loại suy trên có lẽ là việc Chúa quan tâm đến mọi loài thụ tạo ngay cả đến loài nhỏ bé nhất và phù du nhất.

Lời Chúa phán làm nổi bật bản chất mong manh, thiếu may mắn của người dân Ninivê (không phân biệt được bên phải với bên trái) và những thú vật của họ (Gn 4:11). Giôna không nhìn người Ninivê theo cách này. Trong cơn tức giận, ông không nhìn ra sự thật là, đối với Thiên Chúa, ông cũng giống như dân Ninivê.

Kết luận

Thiên Chúa quan tâm sâu sắc đến những phản đối âm thầm và kiểu bất mãn đầy kịch tính của Giôna. Chúa đã tha cho Giôna một lần và giờ đây Ngài không đòi hỏi ông tiến hành sứ mạng được giao cho đến khi ông sẵn sàng làm chuyện đó. Câu hỏi ở phần kết thúc cuốn sách đối với chúng ta là một câu hỏi chiếu lệ, hỏi để xác định, nhưng đối với Giôna đó là một câu hỏi thật sự. Chúa hỏi và chờ ông trả lời. Giôna có thể đã hoàn thành ơn gọi tiên tri đi rao giảng cho Ninivê nhưng hơn thế nữa, ơn gọi khiến ông, sau những giằng co nội tâm, hiểu biết hơn về mầu nhiệm của lòng nhân từ và sự công bình của Thiên Chúa.

 

Luke Khổng Quang chuyển ngữ
từ “Vocation in the Bible”, The Bible Today, Jan-Feb 2022

Nguồn: gpquinhon.org (08.02.2022)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây