Giáo Phận Ban Mê Thuộthttps://gpbanmethuot.vn/assets/images/logo.png
Thứ sáu - 27/05/2022 09:56 |
1156
Việc Chúa Giêsu Lên Trời hoàn tất mầu nhiệm Phục sinh về cuộc đời, cuộc khổ nạn, sự chết và sự sống lại của Người, và là bước cuối cùng trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống vào Lễ Ngũ Tuần
Sống mầu nhiệm Chúa Giêsu thăng thiên
SỐNG MẦU NHIỆM CHÚA GIÊSU THĂNG THIÊN Sr. Anna Marie Mcguan, RSM[1]
WHĐ (27.5.2022) - Giống như sự Phục sinh, biến cố Chúa Giêsu thăng thiên là một mầu nhiệm có nguồn gốc lịch sử và được đề cập trong Kinh thánh, cụ thể là trong phần cuối Tin mừng Matthêu và phần đầu sách Công vụ Tông đồ. Mầu nhiệm này cũng được ám chỉ qua những lời Chúa Giêsu Phục sinh nói với bà Maria Mácđala trong Tin mừng Gioan, “Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: 'Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20, 17).
Việc Chúa Giêsu Lên Trời hoàn tất mầu nhiệm Phục sinh về cuộc đời, cuộc khổ nạn, sự chết và sự sống lại của Người, và là bước cuối cùng trước khi Chúa Thánh Thần hiện xuống vào Lễ Ngũ Tuần. Như Sách Giáo lý Giáo hội dạy rằng:
“Lần hiện ra cuối cùng của Chúa Giêsu được kết thúc bằng việc nhân tính của Người tiến vào vinh quang thần linh một cách vĩnh viễn; vinh quang này được tượng trưng bằng đám mây và trời, nơi từ nay Người ngự bên hữu Thiên Chúa” (GLCG số 659).
Tuy nhiên, có lẽ chúng ta cảm thấy phần nào giống các Tông đồ khi các ngài chứng kiến việc Chúa Giêsu thăng thiên: tần ngần đứng ngước nhìn lên trời, và tự hỏi điều gì vừa xảy ra; Tại sao Chúa Giêsu ra đi? Người đi đâu vậy? Do đó, lời của các thiên thần nói với các Tông đồ cũng là những lời rất thích hợp đối với chúng ta: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1, 11).
Khi nhìn ra nét tương đồng như thế, khi cử hành lễ Chúa Giêsu Thăng Thiên, chúng ta được mời gọi để sống niềm xác tín:
1. Chúa Giêsu lên trời hướng chúng ta đến cứu cánh đời mình
Việc Chúa Giêsu lên trời cho thấy mục tiêu tối hậu của cuộc đời chúng ta, Chúa Giêsu ra đi trước, và chúng ta cũng sẽ theo Người đến đó. Trong biến cố Thăng Thiên, viễn cảnh vinh quang của Thiên Chúa được mở ra cho chúng ta, và nơi nhân tính được tôn vinh, Chúa Giêsu có được vị trí xứng đáng là ngự bên hữu Chúa Cha. Đây là một đặc ân cho tất cả chúng ta, khi mà, Đấng đã chấp nhận thân phận phàm nhân, nên giống chúng ta trong mọi sự, chỉ trừ tội lỗi, nay được tôn vinh. Không những thế, Đấng ấy luôn mời gọi và cầu bầu cho chúng ta, để một ngày nào đó, chúng ta sẽ được chung phần với Người. Như Sách Giáo lý Giáo hội khẳng định:
Nhân loại, với sức tự nhiên của mình, không thể vào được ‘Nhà Cha’, không thể đạt tới sự sống và sự vinh phúc của Thiên Chúa. Chỉ có Đức Kitô mới có thể mở lối cho con người tiến vào: ‘Người lên trời không phải để lìa xa thân phận yếu hèn của chúng ta, nhưng để chúng ta là chi thể của Người, tin tưởng được theo Người đến nơi mà chính Người là Đầu và là Thủ lãnh của chúng ta đã đến trước. (x. GLCG số 661)
2. Chúa Giêsu lên trời nhưng Người sẽ trở lại.
Chúa Giêsu sẽ trở lại nhưng không ai trong chúng ta biết được khi nào ngày đó đến. Vấn đề là, chúng ta phải sẵn sàng cho ngày ấy bằng việc thi hành mệnh lệnh của Chúa Giêsu là trở thành môn đệ trung thành, và sống tình bằng hữu sống động với Người. Chúng ta thực hiện điều này không dựa trên phép thuật, nhưng là nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được ban tặng cho chúng ta qua Bí tích Thánh tẩy và Thêm sức. Ngoài ra, chúng ta cũng cần một mối tương quan sống động với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện. Cuối cùng, Chúa Giêsu mong đợi chúng ta cởi mở, sẵn sàng cộng tác với Người trong sứ mệnh mà Người kêu gọi chúng ta.
Lời sau hết Chúa Giêsu nói với các Tông đồ là:
Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất. (Cv 1, 8)
Trong Tin mừng Matthêu, mệnh lệnh cuối cùng cũng tương tự như vậy:
Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. (Mt 28, 19-20)
Nếu chúng ta thi hành sứ mệnh là làm cho mọi dân nước trở thành môn đệ Chúa Giêsu, thì dù có vắng mặt về phương diện thể lý, Người vẫn luôn hiện diện bên chúng ta mọi nơi mọi lúc. Thật thế, Chúa Giêsu ở với chúng ta trong Bí tích Thánh Thể và trong phụng vụ của Giáo hội; Chúa Giêsu cũng hiện diện cách thiêng liêng khi chúng ta cầu nguyện nhân danh Người: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18, 20).
Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mạng của Người trên trần gian, nhưng nhiệm vụ làm chứng nhân, và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa Kitô vẫn cần chúng ta tiếp tục thi hành cho đến ngày Người trở lại. Đây là sứ mệnh mà các Tông đồ đã thực hiện, khởi đi từ việc các ngài cùng với Đức Maria, Mẹ của Chúa Giêsu qui tụ cầu nguyện trong phòng Tiệc ly và chờ đợi Chúa Thánh Thần đã được hứa ban ngự đến. Để rồi, ngay sau khi được lãnh nhận tràn đầy quyền năng của Chúa Thánh Thần vào Lễ Ngũ Tuần, các ngài đã mở tung cửa, mạnh dạn bước ra để rao giảng Tin mừng và dạy dỗ về Chúa Kitô cho người Do Thái và dân ngoại.
Thật thế, các Tông đồ và các môn đệ Chúa Giêsu đã thực hiện lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi về trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” một cách trung thành, can đảm, đến độ hy sinh cả tính mạng.
Nhưng, sứ mệnh này không phải chỉ dành riêng cho các ngài - một lần trong quá khứ, mà còn dành cho tất cả chúng ta hôm nay, trong từng hoàn cảnh sống của mỗi người.
Nt. Anna Ngọc Diệp, OP Dòng Đa Minh Thánh Tâm Chuyển ngữ từ: simplycatholic.com
[1] Sơ Anna Marie McGuan, thuộc Dòng Religious Sisters of Mercy, và là Giám đốc Chương trình giáo lý của Giáo phận Knoxville, Hoa Kỳ.