TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 10/01/2025 13:17 |   157
“Tôi muốn, anh sạch đi !” (Mc 1,40-45)

16/01/2025
Thứ năm tuần 1 thường niên

t5 t1 TN

Mc 1,40-45


chúa muốn, chúa có thể!
Có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương, giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi !” (Mc 1,40-45)

Suy niệm: Những người phong hủi không được phép giao tiếp với người chung quanh, và ngược lại, những người lành sạch cũng không được phép tiếp xúc với người phong hủi; điều đó không chỉ đơn thuần vì lý do vệ sinh mà còn vì luật buộc nữa. Vậy mà đã có một sự phá lệ: người phong hủi chủ động đến gặp Chúa để van xin: “Nếu Chúa muốn, Chúa có thể”; và Đức Giê-su cũng phá lệ “giơ tay, đụng vào anh” để chữa lành, vì Chúa muốn chứ sao lại không? Một bên quá tuyệt vọng, ‘cùi’ rồi, không còn gì để mất, liều đến với Chúa như chiếc phao cứu sinh cuối cùng. Một bên luôn giàu lòng trắc ẩn, nhất là đối với những người đang lâm cảnh tuyệt vọng như anh. Quả thật, ai đặt tất cả niềm tin tưởng nơi Chúa, sẽ không phải thất vọng bao giờ.

Mời Bạn: Bạn đã bao giờ khao khát Chúa một cách mãnh liệt như thế chưa nhỉ? Nếu bạn cảm nhận sâu xa nỗi bi đát trong thân phận tội lỗi của mình, mời bạn đến với Ngài trong bí tích hoà giải để Ngài đụng tới tâm hồn bạn và chữa cho bạn lành sạch. Hay phải chăng bạn vẫn còn quan niệm bí tích giải tội như một thứ toà án ‘xử’ tội bạn?

Sống Lời Chúa: Đừng để gần đến ngày lễ lớn mới đi ‘xưng tội’ nhưng mời bạn đến với bí tích giao hoà như điểm hẹn mỗi khi bạn khao khát được nối lại mối thâm tình với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, tội lỗi của con làm con khắc khoải. Xin Chúa thanh tẩy tâm hồn con để con sống trong tình thân với Chúa.

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ năm tuần 1 thường niên

Ca nhập lễ

Tôi đã nhìn thấy Đấng ngự trên ngai cao cả, có vô số Thiên Thần thờ lạy và đồng thanh ca hát rằng: Đây danh hiệu vương quyền Người tồn tại muôn đời.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa nhân từ, này dân Chúa đang hiệp lời cầu khẩn; nguyện xin Chúa dủ thương chấp nhận, để giúp chúng con biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn. Chúng con cầu xin…

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 3, 7-14

“Chúng ta hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là Hôm Nay”.

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, như Thánh Thần phán rằng: “Hôm nay nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng như thời chống đối, như ngày thử thách trong sa mạc, nơi cha ông các ngươi đã thách thức Ta, dù đã chứng nhận và thấy các việc Ta làm trong bốn mươi năm; vì thế Ta đã phẫn nộ với thế hệ đó và phán rằng: Tâm hồn chúng luôn luôn lầm lạc, chúng không nhận biết đường lối của Ta, nên Ta đã thề trong cơn thịnh nộ rằng: Chúng sẽ không được vào nơi an nghỉ của Ta”.
Anh em thân mến, anh em hãy coi chừng, kẻo có ai trong anh em thiếu lòng tin, lìa xa Thiên Chúa hằng sống. Mỗi ngày anh em hãy khuyên bảo nhau cho đến bao lâu còn nói được là “Hôm Nay”, để không ai trong anh em bị tội lỗi mê hoặc trở nên chai đá. Vì chúng ta được đồng phần cùng Ðức Kitô, nếu chúng ta giữ vững lòng tin thuở ban đầu cho đến cùng.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 94, 6-7. 8-9. 10-11.

Ðáp: Ước chi hôm nay các ngươi nghe tiếng Ta: các ngươi đừng cứng lòng (c. 8).

Xướng: Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy, hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.

Xướng: Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Ðừng cứng lòng như ở Mê-ri-ba, như hôm ở Ma-sa, trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta.

Xướng: Ròng rã bốn chục năm, dòng giống này thực Ta đã ngán, khiến Ta thốt ra: dân lạc tâm địa chính thị bọn này, và bọn này không hiểu biết đường lối của Ta. Bởi thế, Ta đã thề trong cơn thịnh nộ: không khi nào chúng sẽ vào chốn nghỉ an Ta!

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 Sm 4, 1-11

“Israel thất trận và hòm bia Thiên Chúa bị chiếm đoạt”.

Trích sách Sa-mu-en quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, những người Phi-li-tinh kéo đến gây chiến, và Ít-ra-en phải xuất quân chống lại và đóng binh tại gần nơi gọi là Tảng Ðá Phù Hộ, còn người Phi-li-tinh đóng quân tại A-phếch và giàn trận đánh dân Ít-ra-en. Vừa giáp trận, dân Ít-ra-en đã phải rút lui trốn khỏi quân Phi-li-tinh; và trong trận đó có khoảng bốn ngàn binh sĩ bị giết rải rác khắp đồng ruộng. Khi tàn quân trở về trại, các kỳ lão Ít-ra-en nói rằng: “Tại sao hôm nay Thiên Chúa sát hại chúng ta trước mặt quân Phi-li-tinh? Chúng ta hãy đem hòm bia Thiên Chúa từ Si-lô đến giữa chúng ta, để cứu chúng ta khỏi tay quân thù”.

Rồi dân chúng phái người đến Si-lô đem hòm bia Thiên Chúa các đạo binh ngự trên các vệ binh thần (tới). Hai con Hê-li là Khóp-ni và Pin-khát cùng đi theo hòm bia Thiên Chúa. Và khi hòm bia Thiên Chúa đến trại, toàn dân Ít-ra-en lớn tiếng hoan hô vang trời dậy đất. Quân Phi-li-tinh nghe tiếng hoan hô, liền hỏi nhau rằng: “Tại sao trong trại quân Do-thái có tiếng hò la vang dậy?” Khi biết là hòm bia Thiên Chúa đã đến giữa trại, quân Phi-li-tinh sợ hãi và nói: “Thiên Chúa đã ngự đến trại quân địch”. Rồi chúng kêu than rằng: “Vô phúc cho chúng ta, mấy bữa nay đâu có tiếng hò la như vậy. Thật vô phúc cho chúng ta. Ai sẽ cứu chúng ta thoát khởi tay những vị thần minh cao siêu đó? Ðây là những thần minh đã giáng biết bao tai hoạ trên những người Ai-cập nơi hoang địa. Hỡi người Phi-li-tinh, hãy can đảm và hiên ngang, đừng chịu làm nô lệ dân Do-thái như chúng đã làm nô lệ chúng ta. Hãy can đảm mà chiến đấu”. Vậy người Phi-li-tinh giao chiến, và dân Ít-ra-en bị bại trận, và mạnh ai nấy chạy về trại mình. Và thật là một đại hoạ, bên Israel có đến ba mươi ngàn bộ binh tử trận. Hòm bia Thiên Chúa cũng bị chiếm đoạt. Cả hai con Hê-li là Khóp-ni và Pin-khát cũng tử trận.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 43, 10-11. 14-15. 24-25

Ðáp: Lạy Chúa, xin cứu chúng con theo lòng từ bi của Chúa

Xướng: Nay Chúa đã xua đuổi và để chúng con đầy nhuốc hổ, Chúa không xuất trận với quân đội chúng con. Chúa đã bắt chúng con phải tháo lui trước quân thù, và những kẻ thù ghét chúng con tha hồ cướp của.

Xướng: Nay Chúa đã xua đuổi và để chúng con đầy nhuốc hổ, Chúa không xuất báng chê cười. Bị các quốc gia tha hồ chế nhạo, và bị các dân tộc trông thấy lắc đầu.

Xướng: Nay Chúa đã xua đuổi và để chúng con đầy nhuốc hổ, Chúa không xuất xua đuổi chúng con muôn đời. Sao Chúa lại ẩn giấu thiên nhan, Chúa quên lãng cảnh chúng con chịu thống khổ và áp bức?

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. – Alleluia.

Phúc Âm: Mc 1, 40-45

“Bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch”.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, có một người bệnh cùi đến van xin Chúa Giê-su và quỳ xuống thưa Người rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch”. Ðộng lòng thương, Chúa Giê-su giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh”. Tức thì bệnh cùi biến mất và người ấy được sạch. Nhưng Người nghiêm nghị bảo anh đi ngay và dặn rằng: “Anh hãy ý tứ đừng nói gì cho ai biết, một hãy đi trình diện cùng trưởng tế và dâng của lễ theo luật Mô-sê, để minh chứng mình đã được khỏi bệnh”. Nhưng đi khỏi, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó, nên Chúa Giê-su không thể công khai vào thành nào được. Người dừng lại ở ngoài thành, trong những nơi vắng vẻ, và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, xin vui lòng chấp nhận của lễ chúng con đang thành khẩn tiến dâng, để nhờ của lễ này, chúng con được thánh hóa, và đạt được những điều chúng con tha thiết cầu xin. Chúng con cầu xin…

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa là nguồn mạch sự sống, và trong ánh sáng của Chúa, chúng tôi sẽ nhìn thấy ánh sáng.

Hoặc đọc:

Chúa phán: “Ta đến để chúng được sống, và được sống dồi dào hơn”.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa đã nuôi dưỡng chúng con trong thánh lễ này; xin cũng cho chúng con hằng biết sống thánh thiện mà phụng sự Chúa. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

CHÚA GIÊ-SU – ĐẤNG CHỮA LÀNH
Lm. Gioan Trần Văn Viện

Trong thời Chúa Giê-su, người mắc bệnh phong không chỉ cảm thấy đau đớn về thể xác nhưng còn cả đau khổ trong tâm hồn vì bị mọi người coi là ô uế và xa lánh. Chúa Giê-su cảm thương và muốn chia sẻ với người bệnh về những gì mà anh đang phải chịu. Chúa không sợ bị người ngoài đánh giá là ô uế nên Người đã đụng chạm tới anh như một dấu chỉ của sự thương yêu, quan tâm và gần gũi. Chính Người, với lời nói “tôi muốn anh được sạch” đã chữa lành người bệnh và đã đưa anh gia nhập lại vào trong cộng đồng tôn giáo và xã hội. Chúa luôn luôn yêu thương con người như vậy và chỉ cần con người biết chạy đến với Chúa giống như anh bị bệnh phong đã quỳ xuống và khẩn xin Người cứu giúp. Như anh bệnh phong đã nhận ra bệnh tật của mình và ngày hôm nay chúng ta cũng được mời gọi không chỉ nhận ra những căn bệnh về thể xác nhưng đồng thời nhìn nhận lại những yếu kém, khuyết điểm trong đời sống tâm hồn để xin Chúa nâng đỡ và chữa lành cho chúng ta.


CHÚA CHỮA NGƯỜI PHONG HỦI
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Phong hủi đối với những người Do-thái là chứng bệnh ghê tởm, nhơ uế, bệnh nhân phải tuyệt thông với mọi người. Ai tiếp xúc với họ cũng bị coi là uế. Vì thế, người phong hủi thường phải ở những nơi cách biệt: đi đến đâu họ phải la lớn để mọi người biết mà tránh xa. Thân phận người phong hủi thật đáng buồn tủi! Bài Tin mừng hôm nay cho biết, người phong hủi dám đến xin Đức Giê-su chữa lành. Điều đó chứng tỏ bệnh nhân có một niềm xác tín vào Chúa Giê-su. Chúa Giê-su vừa quyền phép lại vừa rất thương yêu. Đến với Ngài, chắc chắn sẽ không phải thất vọng.

2. Ông M. Carré nói: “Sống trong một thế giới đầy đau khổ trước mắt, thì chúng ta phải là những nhà chuyên môn của niềm tin cậy trông”. Vâng, trong lúc đau đớn tột cùng nơi thân xác vì bị trùng Hansen gặm nhấm rúc rỉa; trong lúc tâm hồn tan nát vì bị mọi người kinh tởm xa cách, chính trong lúc đau khổ ngút ngàn ấy người phung hủi lại hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và trọn vẹn phó thác cho tình yêu của Ngài.

Thấy anh có lòng tin, Chúa Giê-su chạnh lòng thương, giơ tay đặt trên người ấy và nói: “Ta muốn anh khỏi bệnh”. Chạm đến người phong là phạm luật, khiến người ta khó chịu. Ngài muốn thay đổi những lệch lạc trong luật. Qua việc đặt tay của Chúa, con người được tiếp xúc thần tính của Ngài, nhờ đó được nhận lãnh ân sủng là sức sống của Ngài. Chính vì thế mà bệnh phong biến mất và anh ta được sạch.

3. Chúa Giê-su không chỉ chữa bệnh cho người bị phong cùi, mà còn đưa tay đụng đến anh, chứng tỏ Ngài không ghê tởm anh. Ngài còn dạy anh đi trình diện với tư tế để được công nhận hết bệnh và nhờ đó được nhập vào xã hội. Như thế, người phong cùi này vừa được chữa bệnh, vừa được phục hồi nhân phẩm. Nói cách khác, Chúa Giê-su vừa chữa anh khỏi bệnh tật phần xác vừa chữa anh khỏi bệnh tật tâm hồn. Chúng  ta tự hỏi mình: sự quan tâm của ta với những người nghèo khổ có được toàn diện như thế chưa?

4. Hãy tỏ lòng yêu thương những người bệnh tật xấu số.

Đọc những vần thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử, người thi sĩ thời danh mắc bệnh cùi cách đây không lâu lắm ở trại cùi Qui Hòa (Bình Định), biểu lộ những rung cảm trong cảnh sầu khổ, ta mới hiểu được nỗi đau khổ trong cảnh cô đơn thất vọng của người bị bệnh cùi như thế nào.

Đọc truyện cha Da-mi-en, vị tông đồ người hủi, ta mới thấy xúc động và cảm phục. Khi Đức Giám mục ở Ha-wai giới thiệu cha Da-mi-en với dân cùi ở đảo Molokai là cha tình nguyện đến phục vụ họ. Cha Da-mi-en rởn tóc gáy khi nhìn thấy họ đến sờ vào thân mình cha. Đức Cha giải thích cho cha Da-mi-en là họ không thể hiểu nổi một người ở phương xa, không bà con huyết thống gì với họ, lại còn trẻ, đẹp trai, lại có thể đến phục vụ họ trên mảnh đất cùng khốn này. Họ không tin mắt nhìn của họ nên mới đến sờ thử vào con người của cha, xem có thực sự mắc bệnh cùi không. Rồi họ nói với nhau: “Không”. Dần dần cha Da-mi-en hòa đồng được với họ, và không còn cảm thấy như ngày đầu. Một ngày kia đến lượt cha cũng mắc bệnh cùi.

5. Còn bệnh phong hủi thiêng liêng nữa.

Điều đáng nói là chúng ta phải nhìn đến thứ bệnh cùi thiêng liêng như là một thực tế của mọi thời đại. Các nhà tu đức học và dẫn đàng thiêng liêng thường coi tội lỗi là một thứ bệnh cùi thiêng liêng. Nếu bệnh cùi thể xác khiến người ta bị cô lập hóa về phương diện thể lý, nghĩa là phải sống tách biệt khỏi gia đình và xã hội, thì bệnh cùi thiêng liêng là tội lỗi cũng khiến người ta bị cô lập hóa về đời sống thiêng liêng.

Tội làm sứt mẻ tình bạn với Thiên Chúa và người khác. Có những tội khiến ta không còn dám đến nhà thờ và lên rước lễ. Tội còn làm sứt mẻ tình bạn, tình cộng đồng. Khi phạm tội, người ta thường muốn tránh người khác vì xấu hổ và người khác cũng không muốn gặp gỡ họ vì đã là nạn nhân hay không muốn trở thành nạn nhân.

6. Truyện: Phải biết cảm ơn Chúa

Trong cuốn truyện thuộc loại Tự Thuật của một người Cha nọ có ghi những ý nghĩ như sau:

Một đêm kia, trong lúc đang đọc báo, tôi nghe đứa con gái bé nhỏ của tôi bảo: “Bố ơi, con sẽ đếm thử xem trên trời có mấy ngôi sao nhé”!

Sau đó tôi nghe giọng êm đềm dễ mến của con tôi bắt đầu đếm 1,2,3,4… rồi tôi lại chú tâm vào chuyện đọc báo, không còn để ý đến tiếng con tôi nữa. Đến lúc tôi đọc xong, tôi chú ý lắng tai và nghe tiếng đứa con gái tôi vẫn tiếp tục đếm 223,224,225… Đến đây, nó bỗng dừng lại, rồi quay sang nói với tôi: “Bố ơi, con không ngờ trên trời có nhiều sao đến thế”.

Nghe con gái bình luận thế! Tôi chợt nhớ thỉnh thoảng tôi cũng đã thầm nói với Chúa: “Chúa ơi, để con thử đếm xem con đã lãnh nhận bao nhiêu ơn lành của Chúa”. Và càng đếm, trái tim tôi hình như càng cảm thấy thổn thức, không phải vì âu sầu, mà vì quá nhiều hồng ân Chúa đè nặng. Rồi tôi cũng đã thường phải thốt lên như con gái tôi: “Lạy Chúa, con không ngờ đời con đã lãnh nhận nhiều ơn lành của Chúa đến thế”!

HÔM NAY ĐỪNG CỨNG LÒNG
(THỨ NĂM TUẦN 1 THƯỜNG NIÊN NĂM LẺ)

Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Năm Tuần 1 Thường Niên, Năm lẻ này, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa rủ thương chấp nhận mà giúp chúng ta biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn.

Nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn, khi nhận ra tình thương của Thiên Chúa qua công trình tạo dựng của Người, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, sách Huấn Ca cho thấy: Thi nhân ca tụng Đấng Tạo Hóa: Với một giọng văn trữ tình, không thua gì những Thánh Vịnh hay nhất, hiền nhân tán dương vinh quang Thiên Chúa chói lọi nơi vẻ đẹp và sự hài hoà của thế giới, nhất là của các vì tinh tú. Còn phải nói thêm rằng, những gì ta được chiêm ngưỡng mới chỉ là một ánh lửa nhỏ mà thôi. Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài xứng đáng lãnh nhận vinh quang, danh dự và uy quyền, vì Ngài đã dựng nên muôn vật, và do ý Ngài muốn, mọi loài liền có và được dựng nên. Chính Ngài đã tạo dựng trời đất, và thực hiện mọi kỳ công dưới bầu trời; lạy Chúa, Ngài là Chúa vạn vật.

Nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn, khi tin nhận: nhờ Ngôi Lời, mà muôn vật được tạo thành, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, thánh Athanaxiô nói: Ngôi Lời của Chúa Cha trang điểm, xếp đặt và bao gồm vạn vật… Đức Khôn Ngoan nói: Từ nguyên thuỷ, khi chưa có mặt đất, khi chưa có các vực thẳm, khi chưa có mạch nước đầy tràn, trước khi núi non được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, Ta đã được sinh ra. Đã có Ta hiện diện khi Đức Chúa thiết lập cõi trời, Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả.

Nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn, khi biết đặt niềm tin tưởng, cậy trông vào Đức Kitô, Đấng chữa lành và phục hồi vạn vật, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, thư Hípri nói: Ngày ngày anh em hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay, kẻo có ai trong anh em ra cứng lòng vì bị tội lỗi lừa gạt. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 94, vịnh gia đã kêu gọi: Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mêriba, như ngày ở Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Đức Giêsu rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Trong bài Tin Mừng, thánh Máccô tường thuật: Chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Đức Kitô, Đấng chữa lành hết mọi bệnh hoạn tật nguyền, Đấng làm cho người bệnh phong nên lành sạch, cũng chính là Đấng tạo dựng và phục hồi vạn vật ở nơi Người. Thật vậy, Chúa Cha là Đấng siêu việt trên muôn loài thụ tạo, đã dùng chính sự khôn ngoan và Ngôi Lời của mình là Chúa Kitô, Đấng cứu độ chúng ta, mà làm ra, sắp xếp và điều khiển mọi loài, khắp mọi nơi, cách an lành, theo như Người xét là đúng. Ngôi Lời sắp xếp vạn vật cho có trật tự và phối hợp những cái mâu thuẫn với nhau, làm nên một bản hòa ca duy nhất. Người là Thiên Chúa duy nhất và là Con Một Thiên Chúa, là Đấng tốt lành xuất phát từ Chúa Cha, như từ mạch suối tốt lành; Người trang điểm, xếp đặt và bao gồm vạn vật. Ngôi Lời toàn năng và chí thánh của Chúa Cha đến với vạn vật và trải rộng khắp nơi sức mạnh của mình, cùng chiếu soi vạn vật, hữu hình cũng như vô hình. Người ôm ấp và siết chặt tất cả nơi chính mình, đến nỗi không để vật nào ở ngoài quyền năng của mình. Người ban phát và duy trì sự sống cho tất cả. Ước gì ngày hôm nay, chúng ta đừng cứng lòng, nhưng, hãy tin tưởng chạy đến với Đức Kitô, kêu xin Người chữa lành cho chúng ta, để chúng ta được trở nên lành sạch như người bị bệnh phong hủi trong Bài Tin Mừng hôm nay. Ước gì chúng ta biết nhìn thấy những việc phải làm và đủ sức thi hành trọn vẹn.  Ước gì được như thế!

LIÊN ĐỚI
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ngài chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo, ‘Tôi muốn, anh hãy được sạch!’”.

Vào thời nô lệ, một ông chủ hà khắc mua được một thanh niên chăm chỉ. Ông phát hiện người này có ảnh hưởng lớn trong số nô lệ của ông. Ông yêu thương và lâu sau, ngỏ ý cho anh tự do; nhưng anh từ chối! Anh muốn liên đới đến mức có thể để nâng đỡ những người bạn trong khả năng của anh. Sau một thời gian, bằng gương sáng, đạo đức và vui tươi, anh đã cảm hoá không chỉ những người bạn nhưng cả ông chủ. Họ sống chan hoà!

Kính thưa Anh Chị em,

Với Tin Mừng hôm nay, chúng ta gặp lại người trẻ ấy nơi Chúa Giêsu! Một người phong cùi đến van xin Ngài, và vì xót thương, Ngài “giơ tay đụng vào anh” bất chấp luật nhiễm uế. Ngài muốn ‘liên đới’ đến mức có thể với người cùi - đại diện cho một nhân loại cùi.

Đến với Chúa Giêsu là một con hủi bất hạnh, bất hạnh không chỉ vì anh cùi hủi nhưng vì gặp phải sự lạnh lùng từ những tâm hồn cùi hủi. Cuộc sống của anh là một cái chết chậm - bệnh tật tàn phá thân xác, mặc cảm huỷ hoại tinh thần. Và nếu coi sự lở lói thân xác như một biểu tượng tàn phá của tội lỗi thì sự chết chóc lại càng kinh khủng hơn. Lẽ ra, Chúa Giêsu chỉ cần đứng xa xa và nói, “Hãy được sạch!”; nhưng không, “Ngài giơ tay đụng vào anh”; Ngài chấp nhận trở nên uế tạp để có thể cứu lấy một con người - một nhân loại - uế tạp. Không chỉ trở nên phàm nhân, Ngài trở thành “tội nhân”, ‘liên đới’ với tội nhân hầu cứu lấy tội nhân. Mầu nhiệm này đã phần nào được hé lộ từ lúc Ngài nối đuôi dòng người phàm phu tục tử bên bờ Giorđan để xin Gioan làm phép rửa.

Tại sao Con Thiên Chúa lại muốn ‘liên đới’ với con người đến mức ấy? Ngài ‘liên đới’ chỉ vì Ngài muốn chữa lành con người không chỉ phần xác nhưng cả phần hồn; giải thoát nó không chỉ khỏi những khổ đau mà cả mọi tội lỗi, điều đang thực sự giết chết nó khiến nó chai cứng và trơ lì. Thư Do Thái viết, “Hãy khuyên bảo nhau bao lâu còn được gọi là ngày hôm nay, kẻo có ai trong anh em ra cứng lòng vì bị tội lỗi lừa gạt” - bài đọc một; Thánh Vịnh đáp ca có chung một tâm tình, “Ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: Các ngươi chớ cứng lòng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Ngài chạnh lòng thương!”. ‘Chạnh lòng thương!’. “Cho phép tôi suy nghĩ ở đây về nhiều linh mục giải tội tốt lành có những hành vi thu hút mọi người, và nhiều người cảm thấy họ chẳng là gì, những người cảm thấy họ “nằm bẹp trên đất” vì tội lỗi của họ... Nhưng với sự dịu dàng đầy lòng xót thương, những vị giải tội tốt lành không cầm roi trong tay, chỉ chào đón, lắng nghe và nói rằng, Chúa tốt lành và rằng, Chúa luôn tha thứ; rằng, Chúa không mệt mỏi khi tha thứ!” - Phanxicô. Tội nhân ‘được thứ tha’ chính là tạo dựng mới và đó cũng là mục đích tối cao của việc Chúa Giêsu muốn ‘liên đới’ với con người đến mức có thể! Lời Chúa mời gọi bạn và tôi nhìn lại mức độ ‘liên đới’ của mình với tha nhân. Tôi có xót thương, đón nhận, cầu nguyện, hy sinh, tôn trọng và ‘liên đới’ với anh chị em tôi đến mức như Chúa muốn không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể cảm hoá một ai đó, cho con biết ra khỏi chính mình, cúi xuống, ôm lấy và xót thương!”, Amen.


 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa Thứ Năm tuần 1 Thường Niên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây