TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ TƯ TUẦN 3 MÙA VỌNG (18.12)

Thứ tư - 11/12/2024 13:09 |   207
Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. (Mt 1,18-24)

18/12/2024
Thứ tư tuần 3 Mùa Vọng (18.12)

t4 t3 MV

Mt 1,18-24


âm thầm phục vụ trong kế hoạch của thiên chúa
Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà. (Mt 1,18-24)

Suy niệm: Truyện Tam Quốc Chí kể Gia Cát Lượng đã nói một câu rất thời danh: ‘Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên’. Con người có lên kế hoạch mười phần hoàn hảo, nhưng chỉ cần một sự cố nhỏ do tác động khách quan không lường trước, kế hoạch đó cũng có thể bị phá sản. Thánh Giu-se hẳn cũng rơi vào tình huống ‘người tính không bằng trời tính’ ấy. Trước sự việc Ma-ri-a, người bạn đời đã thành hôn nhưng chưa về chung sống mà lại mang thai, Giu-se đã “định tâm, toan tính”, vạch kế hoạch để giải gỡ vụ việc cho tốt đẹp. Nhưng khi được sứ thần báo mộng cho biết ý định của Thiên Chúa thì Giu-se đã mau mắn từ bỏ kế hoạch của mình và làm như lời sứ thần dạy, để cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa trong vai trò người cha nuôi âm thầm phục vụ.

Mời Bạn: Không dễ để từ bỏ một kế hoạch mà mình đã dày công xây dựng nhất là khi người ta muốn dựa vào đó để thể hiện bản thân, ‘đánh bóng tên tuổi’. Nhưng “tư tưởng của Thiên Chúa không phải là tư tưởng của loài người”; chỉ khi biết “lui ra đằng sau Thầy” (Mt 16,23), đóng lại kế hoạch của mình để thực thi chương trình của Thiên Chúa theo gương thánh cả Giu-se, lúc đó “Nước Chúa mới hiển trị”.

Sống Lời Chúa: Tôi dâng Chúa việc mình sắp làm và xin ơn biết làm theo thánh ý Chúa, noi gương khiêm nhường âm thầm phục vụ của thánh cả Giu-se.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con nhớ rằng những gì mà con có đều là hồng ân Chúa ban, để chúng con biết cộng tác với Chúa, phục vụ trong tinh thần khiêm tốn và vâng phục. Amen.

Thứ Tư MV III: Lạy Chúa! Gioan Tẩy Giả sai người đi hỏi xem Chúa có thật là Đấng phải đến không. Gioan đang chờ đợi Đấng Mêsia đến xét xử, cái rìu đã đặt sát gốc rồi, nhưng không thấy Chúa động tĩnh gì cả. Xin cho chúng con biết kiên nhẫn như Chúa, đừng vội vàng, hấp tấp, trôn rộn trong những dự định của mình. Xin cho chúng con học ở Chúa bài học hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Xin cho ngày đại lễ Giáng Sinh sắp tới đem lại cho chúng con: ơn trợ giúp xác hồn trong đời sống hiện tại, và chuẩn bị cho chúng con hưởng hạnh phúc muôn đời. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ
Thứ tư tuần 3 Mùa Vọng (18.12)

 

Ca nhập lễ

Vua chúng ta là Đức Ki-tô ngự đến, Người chính là Con Chiên sẽ đến, như lời rao giảng của thánh Gio-an.

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng. Này chúng con đang quằn quại dưới ách nô lệ tội lỗi từ ngàn xưa lưu truyền. Xin cho mầu nhiệm Giáng Sinh của Con Chúa đem lại cho chúng con ơn giải thoát và canh tân như chúng con hằng mong đợi. Chúng con cầu xin..

Bài Ðọc I: Gr 23, 5-8

“Ta sẽ gây cho Ða-vít một mầm giống công chính”.

Bài trích sách Tiên tri Giê-rê-mi-a.

Này đây, đã tới những ngày Ta gây cho Ða-vít một mầm giống công chính, mầm giống này sẽ làm vua thống trị, sẽ là người khôn ngoan, thực hiện công lý và đức công bình trên đất nước. Những ngày ấy, Giu-đa sẽ được cứu thoát, Ít-ra-en sẽ được an cư, và chúng sẽ gọi tên Người là “Chúa công bình của chúng ta”.

Chúa phán: “Vì thế, đã đến ngày chúng không còn nói được rằng: “Chúa hằng sống, Người đã đưa con cái Ít-ra-en ra khỏi đất Ai-cập”, nhưng chúng nói: “Chúa hằng sống, Người đã đưa dòng dõi nhà Ít-ra-en ra khỏi đất Bắc”; (và) từ các nước chúng bị Ta phân tán, Ta dẫn đưa chúng về quê hương.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 71, 2. 12-13. 18-19

Ðáp: Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người tới muôn.

Xướng: Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người xét đoán dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực..

Xướng: Người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ.

Xướng: Chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Israel, một mình Người làm những việc lạ lùng. Chúc tụng muôn đời vinh danh Chúa, khắp hoàn cầu đầy dẫy vinh quang Người. 

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Lạy Ðấng Thủ lãnh nhà Israel, Ngài đã ban lề luật cho Môsê trên núi Sinai, xin hãy đến mà ra tay cứu chuộc chúng con. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 1, 18-24

“Chúa Giêsu sẽ sinh bởi Ðức Trinh Nữ Maria, vị hôn thê của Thánh Giuse, thuộc dòng dõi Ðavít”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Chúa Ki-tô giáng sinh trong hoàn cảnh sau đây: Mẹ Người là Ma-ri-a đính hôn với Giu-se, trước khi về chung sống với nhau, đã thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần. Giu-se bạn của Bà là người công chính, không muốn tố cáo Bà, định tâm lìa bỏ Bà cách kín đáo. Nhưng đang khi định tâm như vậy, thiên thần Chúa hiện đến cùng ông trong giấc mơ và bảo: “Hỡi Giu-se, con vua Ða-vít, đừng ngại nhận Ma-ri-a về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai bởi phép Chúa Thánh Thần: Bà sẽ hạ sinh một con trai mà ông sẽ đặt tên là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”.

Tất cả sự kiện này đã được thực hiện để làm trọn lời Chúa dùng miệng tiên tri phán xưa rằng: “Này đây một trinh nữ sẽ mang thai và hạ sinh một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta”.

Khi tỉnh dậy, Giu-se đã thực hiện như lời thiên thần Chúa truyền: Ông tiếp nhận bạn mình, nhưng không ăn ở với nhau cho đến khi Ma-ri-a sinh con trai đầu lòng, thì Giu-se đặt tên con trẻ là Giê-su.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Thiên Chúa toàn năng. Này chúng con đang quằn quại dưới ách nô lệ tội lỗi từ ngàn xưa lưu truyền. Xin cho mầu nhiệm Giáng Sinh của Con Chúa đem lại cho chúng con ơn giải thoát và canh tân như chúng con hằng mong đợi. Chúng con cầu xin..

Ca hiệp lễ

Này đây Trinh Nữ sẽ thụ thai, và sinh hạ con trai. Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, giữa cộng đoàn Hội Thánh Chúa đây, xin cho chúng con được đón nhận tình thương của Chúa và chuẩn bị xứng đáng những ngày đại lễ gần kề để mừng ơn cứu chuộc chúng con. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

GIU-SE CÔNG CHÍNH VÀ VÂNG LỜI
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Trước ngày sinh hạ của Con Một Chúa đã xảy ra biến cố Thiên Thần truyền tin cho Đức Ma-ri-a và thánh Giu-se. Đức Ma-ri-a đã cất lời thưa ‘xin vâng’. Thánh Giu-se tuy không thưa ‘xin vâng’ nhưng ngài đã thực hành triệt để thánh ý Chúa. Tin Mừng đã chứng mình rằng, cả cuộc đời thánh Giuse là hành trình vâng phục.

Thánh Giu-se đã vâng phụ cách mau mắn và triệt để. Nếu biết là ý Chúa thì cho dù khó khăn, vất vả, thậm chí trái ý mình vẫn cứ xin vâng miễn sao ý Chúa được thể hiện. Có là bậc trượng phu chăng nữa cũng khó đón người bạn đời mang thai, mà tác giả không phải là mình về nhà làm vợ và làm cha của con trẻ. Nhưng khi Sứ Thần cho biết là ý Chúa: “Đừng ngại nhận Ma-ri-a làm vợ, vì đứa trẻ được thụ thai trong lòng bà là do Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20-21). Thánh Giu-se đáp lại ngay: “Khi Giu-se vừa thức giấc, ông đã làm theo lời sứ thần Chúa truyền” (Mt 1,24). Cả cuộc đời của thánh Giu-se là chuỗi đời hoàn toàn vâng phục. Từ khi đón Đức Ma-ri-a mang thai cho đến khi đưa Hài Nhi Giê-su và Mẹ Người sang Ai cập rồi từ Ai cập trở về… Tất cả thuận theo ý Chúa.

Tin Mừng còn gọi thánh Giuse là người công chính. Công chính trước hết có nghĩa là tuân giữ luật Chúa (Rm 4,2; Gl 3,6). Công chính còn được hiểu là lòng xót thương nhân hậu, (St 12,19; Tv 37,21; Tv 112,4). Thánh Giu-se đã đính hôn với Ma-ri-a như bao nam thanh nữ tú khác. Theo phong tục Do thái, khi hai người nam nữ đính hôn đã thành vợ chồng, dù chưa chung sống với nhau. Muốn bỏ nhau phải ra toà xin ly dị. Nếu vợ ngoại tình, phải bị xử ném đá theo luật. Thế mà Ma-ri-a đã có thai trước khi về chung sống. Giu-se thật khó xử. Tin Mừng viết: “Giu-se, chồng bà là người công chính và không muốn tố giác bà, nên định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1, 19). Vì công chính và nhân hậu, thánh Giu-se không tố cáo làm nhục Ma-ri-a, người mà ông rất tin tưởng, mến yêu và quý trọng; càng không muốn Ma-ri-a bị xử phạt theo luật, nên quyết định âm thầm ra đi. Vì công chính, hành động theo ý Chúa, nên sau lời giải thích của Thiên thần, Giu-se đã tín thác hoàn toàn, sẵn sàng đón Đức Ma-ri-a về nhà làm bạn mình và phục vụ với lòng kính trọng, mến yêu. 

Xin cho ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

 

TRUYỀN TIN CHO ÔNG GIU-SE (Mt 1,18-24)
Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

1. Bài Tin Mừng cho chúng ta biết: Đức Ma-ri-a đã đính hôn với thánh Giu-se… Vì cả hai đã khấn giữ mình đồng trinh nên không chung sống với nhau. Nhưng Ma-ri-a lại có thai, nên thánh Giu-se buồn sầu định lén bỏ đi. Chúa liền sai Thiên thần đến báo cho ông biết: Ma-ri-a mang thai là do phép Đức Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai, phải đặt tên là Giê-su. Đây là Đấng Cứu chuộc nhân loại, là Đấng mà các tiên tri đã loan báo và gọi là Em-ma-nu-en, nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”.

Thánh Giu-se đã làm đúng như lời Thiên thần truyền, ông tiếp nhận Ma-ri-a và khi bà sinh con thì đặt tên là Giê-su.

2. Mẹ Người là Ma-ri-a đã đính hôn với Giu-se (Mt 1,18).

Chúng ta cần tìm hiểu phong tục cưới hỏi của người Do-thái. Luật Do-thái phân biệt rõ ràng trong hôn nhân: việc đính hôn và cưới xin. Tuy cũng có lễ hỏi và lễ cưới nhưng giá trị và ý nghĩa khác với Việt Nam chúng ta.

Lễ đính hôn (cũng gọi là lễ hỏi) được diễn ra như sau:

Thời gian đính hôn kéo dài trong một năm. Trong năm đó đôi bạn được kể như vợ chồng dù họ không có những quyền của vợ chồng. Lễ hỏi Việt Nam chưa làm vợ chồng, còn lễ hỏi Do-thái coi như thành vợ chồng. Chứng cớ là theo luật:

– Vị hôn thê bất trung sẽ bị ném đá như vợ chính thức.

– Vị hôn phu có chết thì vị hôn thê trở thành quả phụ.

– Vị hôn thê cũng giống như người vợ chính thức chỉ có thể bỏ nhau bằng tờ ly dị.

– Đứa con cưu mang trong thời gian đính hôn được coi là con chính thức.

Như thế luật cho hai người quyền ăn ở với nhau trong thời gian này.

Giu-se và Ma-ri-a đang ở trong giai đoạn này.

3. Giu-se được báo mộng trong giấc mơ về chương trình của Thiên Chúa được thực hiện qua cuộc hôn nhân giữa ông và Ma-ri-a, việc nàng có thai không phải ý của phàm nhân nhưng dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Vì thế ông đã đón nhận Ma-ri-a về nhà mình theo sự báo mộng của Thiên Thần thay vì ý định ruồng bỏ nàng lúc phát hiện người bạn đời có thai (không phải của mình). Giấc mơ của Giu-se đã thành hiện thực bởi sự trung tín vào Thiên Chúa với báo mộng về lời phán truyền của tiên tri I-sai-a về Đấng Thiên Sai sẽ thành hiện thực ở nơi gia đình ông (x.Is 7,14-16). Chính con trẻ này sẽ trở nên ơn cứu độ và bao bọc cho cả nhân loại.

4. Ông Giu-se là người công chính.

Kinh thánh gọi Giu-se là người công chính: Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).

Chúng ta biết, nơi người Do-thái, không phân biệt rõ thời kỳ đính hôn và cưới hỏi. Mặc dù chưa cưới, hai người đã đính hôn cũng có thể ăn ở như vợ chồng mà không có lỗi gì đối với lề luật. Do đó, người ta thấy vị hôn thê có thai, thì chỉ một mình vị hôn phu có thể phán đoán trong việc đó là có tội hay không. Như vậy, thánh Giu-se có thể hành động bằng hai cách: hoặc là tuyên bố theo sự hiểu biết tự nhiên của mình là Ma-ri-a đã phạm tội ngoại tình, và như thế Ma-ri-a mất thể diện hoàn toàn; hoặc là để mặc cho người ta tin rằng ngài là cha của đứa bé sắp sinh. Giu-se chọn giải pháp nào?

Đang phân vân lo nghĩ không biết xử trí ra sao thì Thiên Chúa báo mộng  cho ông: Hỡi Giu-se con vua Đa-vít, đừng ngại nhận Ma-ri-a về làm vợ mình, vì Ma-ri-a mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Ông Giu-se được báo mộng và ông yên tâm nhận Ma-ri-a làm vợ. Việc này thường xảy ra trong Cựu ước khi Thiên Chúa muốn truyền cho ai một điều gì. Vậy hôm nay, việc báo mộng cho Giu-se là cách thức Thiên Chúa dùng để tỏ ra thánh ý của Ngài về việc thụ thai đồng trinh của Đức Ma-ri-a.

5. Hài nhi  sinh ra sẽ được gọi là Em-ma-nu-en nghĩa là “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Tuy là Thiên Chúa, nhưng vì yêu thương loài người, Ngài đã nhập thể sống chung với loài người, bất chấp con người xấu xa tội lỗi, nghèo nàn, túng thiếu, khổ sở… Thiên Chúa làm người đã vui lòng chia sẻ thân phận với người trần thế. Ngài muốn cho ngày Giáng sinh trở thành ngày Đấng Tối Cao xa lạ trở thành thân quen, thành bạn hữu con người để kêu gọi con người hãy nhận nhau là anh em, là bạn hữu.

6. Truyện: Thiên Chúa nói bằng tiếng nào?

Ngày xưa có chú bé Phi châu tên là Em-ma-nu-en. Chú luôn thắc mắc: “Thiên Chúa nói bằng tiếng nào”? Chú hỏi thầy giáo thì thầy cũng không biết. Sau đó chú Em-ma-nu-en lại đi hỏi các nhà trí thức trong làng cũng như các vùng lân cận, nhưng họ cũng chỉ biết lắc đầu mà thôi.

Tuy nhiên, Em-ma-nu-en vẫn tin có người biết được điều ấy.

Một đêm nọ, Em-ma-nu-en đến ngôi làng Belem. Chú cố tìm chỗ để nghỉ đêm trong các nhà trọ, nhưng tất cả đều không còn chỗ. Vì thế, chú quyết định tìm cái hang ngoài trời để trú đêm. Quá nửa đêm chú mới tìm được một cái hang. Nhưng khi bước vào, chú nhận ra đã có một đôi vợ chồng và một hài nhi đang trú ngụ. Nhìn thấy chú, người mẹ liền nói: “Hân hạnh đón chào Em-ma-nu-en, chúng tôi đang mong chờ con”.

Chú bé quá sửng sốt, và người mẹ trẻ nói tiếp: “Đã từ lâu, con đi tìm để hỏi xem Chúa nói bằng thứ tiếng nào. Giờ đây cuộc hành trình của con đã có câu trả lời. Ngài nói bằng ngôn ngữ của tình yêu. “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban cho thế gian chính Con Một của Ngài”.

THỦ LÃNH NHÀ ÍTRAEN – ĐẤNG CỨU ĐỘ
(NGÀY 18 THÁNG 12)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Ngày 18 Tháng 12 hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta ý thức rằng: Chúng ta đang quằn quại dưới ách nô lệ tội lỗi từ ngàn xưa lưu truyền, xin Chúa cho mầu nhiệm Giáng Sinh của Con Chúa đem lại cho chúng ta ơn giải thoát và canh tân như chúng ta hằng mong đợi.

Ơn giải thoát và canh tân, đó chính là lời Chúa đã hứa, và Chúa luôn thành tín trong mọi lời Người phán, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Đức Chúa chống lại các ngẫu tượng của Babylon. Trong khi các thần giả trá sụp đổ và phải đi đày, thì ánh huy hoàng của Thiên Chúa lại bừng lên chói lọi: Thiên Chúa vẫn một mực trung thành, cả vào giờ phút Dân Người ngỡ rằng mình bị bỏ rơi. Thiên Chúa không quên lãng giao ước Người đã thiết lập. Người đang thực hiện kế hoạch đã định. Hãy nghe Ta, hỡi kẻ cứng lòng, kẻ xa đường công chính! Ta sẽ ban ơn cứu độ tại Xion, và sẽ cho Ítraen được vinh quang rạng rỡ. Ngày Ta thể hiện đức công chính của Ta đã đến gần, chẳng còn xa nữa đâu; ơn cứu độ của Ta, Ta sẽ không trì hoãn.

Ơn giải thoát và canh tân, duy chỉ một mình Đức Kitô, Đấng Cứu Độ Duy Nhất, mới mang lại cho chúng ta, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, trích thư gửi cho Điônhêtô nói: Tội ác của muôn người được chôn vùi trong sự công chính của một người, còn sự công chính của một người lại làm cho muôn người bất chính nên công chính… Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ. Vì dưới gầm trời này, không có một Danh nào khác đã được ban cho loài người để chúng ta phải nhờ vào Danh đó mới được cứu độ. Danh hiệu được tặng cho Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hòa bình.

Ơn giải thoát và canh tân, là phần thưởng dành cho những ai giữ vững lòng trông cậy vào Chúa, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia rằng: Ta sẽ làm nẩy sinh cho nhà Đavít một chồi non chính trực. Vị vua lên ngôi trị vì sẽ là người khôn ngoan tài giỏi trong xứ sở, vua sẽ thi hành điều chính trực công minh. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 71, vịnh gia đã cho thấy: Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị đến muôn đời. Người giải thoát bần dân kêu khổ và kẻ khốn cùng không chỗ tựa nương, chạnh lòng thương ai bé nhỏ khó nghèo. Mạng sống dân nghèo, Người ra tay tế độ.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa là thủ lãnh nhà Ítraen, Ngài đã ban lề luật cho ông Môsê trên núi Xinai. Xin ngự đến mà ra tay cứu chuộc loài người. Trong bài Tin Mừng, thánh Mátthêu cho thấy: Đức Giêsu sinh làm con bà Maria. Bà đã thành hôn với ông Giuse, con cháu vua Đavít. Thủ lãnh nhà Ítraen là Chiên Thiên Chúa đến gánh tội trần gian, được sinh ra làm con Đức Trinh Nữ Maria, được cha nuôi là thánh Giuse, thuộc dòng tộc vua Đavít, gìn giữ chăm lo trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Đấng Cứu Độ đền thay cho tội nhân: Đấng không hề làm điều ác, chịu thay cho, những kẻ gian ác; Đấng Công Chính, chịu thay cho, những kẻ bất chính; Đấng không hề hư hỏng, chịu thay cho, những kẻ hư hỏng; Đấng không thể chết, chịu thay cho, những kẻ phải chết. Sự công chính của Người che lấp mọi tội lỗi của ta; nhờ duy mình Con Thiên Chúa, mà ta, là những kẻ tội lỗi, được nên công chính. Ôi cuộc trao đổi mới kỳ diệu làm sao, sự sắp đặt thật khôn dò khôn thấu, những kỳ công vượt quá lòng ta mong đợi. Ta là những kẻ bất chính, ấy thế mà, Chúa đã không ghét bỏ, không xua đuổi, nhưng, hằng kiên nhẫn, chịu đựng. Vì thương xót, Thiên Chúa đã trao nộp Con của mình làm giá chuộc ta. Chúng ta đang quằn quại dưới ách nô lệ tội lỗi từ ngàn xưa lưu truyền, ước gì mầu nhiệm Giáng Sinh của Con Chúa đem lại cho ta ơn giải thoát và canh tân như ta hằng mong đợi. Ước gì được như thế!

CON TIM NGAY LÀNH
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông”.

“Khủng hoảng bạn gặp có thể gọi là ‘tai ương’ - do tình cờ hay do người khác - thường mang lại cơ hội lớn hơn! Chúng có thể thúc đẩy sự trưởng thành tâm linh, chứng tỏ sự chính trực, tạo cảm giác tòng thuộc vào Chúa. Và nhất là, chuẩn bị bạn cho một sứ vụ đáng kinh ngạc… với điều kiện, trước tiên, bạn phải có một con tim ngay lành!” - Kin Hubbard.

Kính thưa Anh Chị em,

Nhận định trên xem ra được áp dụng triệt để nơi Giuse. Tin Mừng hôm nay hé lộ một ‘tiểu tiết ít ai chú ý’ nhưng rất thú vị là, thiên thần chỉ hiện ra với Giuse sau khi ông quyết định làm một điều lành! Chúa chỉ tiết lộ nhiều hơn kế hoạch của Ngài cho bất cứ ai, miễn là người ấy biết phản ứng trước cơn khủng hoảng bằng một ‘con tim ngay lành!’.

Trước việc Maria có thai - điều quá bất thường đối với một phụ nữ được biết là không thể chê trách - Giuse nghĩ suy, cầu nguyện và phân định. Về mặt pháp lý, Giuse có thể công khai ‘chuyện tình buồn’ của mình như một phương thức giải quyết; nhưng ông đã không làm vậy; trái lại, sẵn sàng để toàn bộ sự việc tự nó giải trình, vì xem ra nó đã được lặng lẽ giao cho Chúa. Và đặc biệt, như thể Giuse để cho Maria được ưu tiên hơn trong mối ngờ vực này! Nghĩ điều lành cho người khác luôn luôn là một nhân đức tuyệt vời! Nó phản ánh lòng trắc ẩn của một ‘con tim ngay lành’. Bao tình bạn kết thúc, bao cuộc chiến bùng nổ, chỉ vì điều tồi tệ đã xảy ra là “do người khác, không phải do tôi!”.

Với Giuse, Thiên Chúa như muốn nói rằng, “Trước một nan đề, con sẽ bắt đầu hiểu Ta hơn một khi con từ tâm nghĩ điều tích cực cho người khác!”. Quả thế, thiên thần Chúa đã đến mặc khải cho Giuse nhiều điều lạ lùng khác ẩn chứa sau cơn khủng hoảng, “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu!”. Ôi, Giêsu ấy là “Chồi non chính trực” Giêrêmia tiên báo - bài đọc một; “Triều đại Người đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị đến muôn đời!” - Thánh Vịnh đáp ca.

Với những gì thiên thần dạy, Giuse đã thực hiện trọn vẹn; ông tiếp nhận bạn mình! Và điều quan trọng là thời gian sau đó, Giuse đã “ôm lấy Chúa Hài Đồng đến cùng”. Có thể nói, chỉ vì một giấc mơ! Nhưng tại sao chỉ dựa vào tính xác thực của một giấc mơ? Câu trả lời khá đơn giản. Dù chỉ là một giấc mơ, nhưng là một giấc mơ gói trọn - trong đó - một đức tin và một niềm tín thác. Ngoài những gì lý trí cho biết Chúa đã nói với mình, Giuse còn đáp lại Ngài bằng một đức tin quảng đại và một ‘con tim ngay lành’ hào phóng.

Kính thưa Anh Chị em,

“Bạn phải có một ‘con tim ngay lành!’”. Với trái tim nhân ái nghĩ điều tích cực cho người khác, ‘tai ương’ của Giuse đã mang lại cho ngài một “cơ hội lớn hơn!”. Mùa Vọng, mùa để trái tim được đào tạo và chữa lành hầu bạn và tôi có thể trở nên chính trực, tòng thuộc tuyệt đối vào Chúa; từ đó, có khả năng vượt qua các cuộc khủng hoảng, tai ương. Và kìa, như Giuse, Chúa cũng đang chuẩn bị cho chúng ta một sứ vụ đáng kinh ngạc!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con vuột mất “những cơ hội lớn hơn” khi không vượt qua khốn khó. Và như thế, con không thể trải nghiệm những gì bất ngờ Chúa đang chuẩn bị!”, Amen.

Ngày 18/12
HỪNG ĐÔNG CÔNG CHÍNH (Mt 1,16.18-24)
Lm. Giuse Nguyễn văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Giuse là người công chính. Theo nhãn quan nhân loại, người công chính là người ngay thẳng trong tâm hồn và suy nghĩ, công bình và công minh trong lời nói và hành động. Theo Thánh Kinh thì khái niệm về sự công chính vượt lên trên chiều kích nhân bản. Công chính theo Thánh Kinh chính là tình yêu thủy chung. Thánh Phaolô tông đồ nói rằng Thiên Chúa tỏ bày sự công chính của Người khi Người tín trung với lời đã hứa là yêu thương nhân loại đến cùng và khi đến thời viên mãn đã sai Con của Người xuống thế gian để ban ơn cứu độ. (x.Rm 3,22-26).

Đêm Tiệc Ly, Chúa Kitô đã mạc khải một danh xưng Cha trên trời là Đấng Công Chính. “Lạy Cha là Đấng Công Chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết Danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.” (Ga 17, 25-26). Xuống thế gian, một trong những sứ mạng chính yếu của Chúa Kitô là mạc khải chân dung Cha trên trời. Ai thấy Chúa Kitô là thấy Chúa Cha. Đấng vào trần gian được tôn xưng là “Mặt trời công chính”. Chúa Kitô đã làm sáng tỏ cái tình thủy chung của Thiên Chúa dành cho nhân loại không chỉ qua các việc lành mà Người giáng phúc thi ân mà còn qua việc Người sẵn lòng đón nhận sự phản bội, bất trung và cả những yếu hèn của nhân loại. Phút giây hấp hối trên thập giá, Người không chỉ nghĩ đến mẹ già và người môn đệ thân yêu, Người còn nghĩ đến phạm nhân đang bị treo bên phải Người và nghĩ đến những người đang nhẫn tâm giết Người để ròi nài xin Cha trên trời tha thứ cho họ vì họ lầm chẳng biết. Chính lúc này viên sĩ quan đang thi hành án đã thốt lên: “Quả thật, ông này là người công chính” (Lc 22,47).

Để chuẩn bị gần cho Đấng là mặt trời công chính đến trần gian Thiên Chúa chọn gọi một số người nghèo góp phần như là “hừng đông công chính”. Đó là hai vợ chồng Giacaria – Isave, là thánh Giuse, và dĩ nhiên là có Mẹ Maria. Thánh Giuse khi hay tin Mẹ Maria thụ thai thì Tin mừng ghi rằng Giuse không tố giác, nghĩa là cho rằng đây là chuyện không tốt, nhưng ngài vẫn chọn cách thế không làm hại Mẹ Maria. Dĩ nhiên thánh Giuse sẽ bị hứng chịu tiếng xấu cách nào đó như “phường sở khanh”. Và khi được sứ thần báo mộng thì Giuse đã mau mắn đón Maria và Hài nhi trong dạ về nhà với cả tình yêu và tinh thần trách nhiệm.

Để làm rực sáng Đấng là Mặt Trời Công Chính trong dịp kỷ niệm ngày Người Giáng Sinh, thiết tưởng rằng các trang trí hang đá với đèn đuốc lung linh là tốt, những buỗi lễ long trọng, sốt sắng là rất tốt, nhưng nếu có nhiều mẫu gương là “vầng hừng đông công chính” như Giacaria – Isave – Giuse – Maria thì tốt hơn nhiều. Và chắc chắn sẽ có rất nhiều người nhận ra Thiên Chúa đích thực là Đấng Công Chính, Đấng luôn tín trung với tình của Người dành cho nhân loại chúng ta.

Dẫu cho người mẹ nào có bỏ con mình thì Thiên Chúa không bao giờ bỏ chúng ta, vì Người là Tình Yêu Tín Thành.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa Thứ Tư sau Chúa Nhật 3 Mùa Vọng -C (18.12)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây