TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật Chúa Giêsu chịu phép rửa -C

“Khi Chúa Giê-su đã chịu phép rửa và đang cầu nguyện thì trời mở ra”. (Lc 3, 15-16. 21-22)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Lời Chúa THỨ HAI TUẦN 3 MÙA VỌNG

Thứ tư - 11/12/2024 13:17 |   181
Chúa Giêsu nói: “Nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm những điều ấy.” (Mt 21,23-27)

16/12/2024
Thứ hai tuần 3 Mùa Vọng

t2 t3 MV

Mt 21,23-27


đừng là vô trách nhiệm
Chúa Giêsu nói: “Nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm những điều ấy.” (Mt 21,23-27)

Suy niệm: Một ông thủ trưởng bị chất vấn về hành vi sai trái của thuộc cấp của mình đã trả lời rằng: “Tôi không biết! Tôi không được báo cáo về chuyện đó, v.v…” Lối trả lời thoái thác “không biết” như thế – William Barclay gọi là sự “vô tri có ý đồ” – mà các thượng tế và các kỳ mục vin vào để né tránh câu chất vấn ngược của Chúa Giê-su. Không phải các ông thiếu khả năng nhận biết hành vi ngôn sứ của Gio-an Tẩy Giả là “do Trời hay do người ta”; các ông có biết và trong cương vị của mình, các ông phải biết điều đó, nhưng các ông đã chịu muối mặt trả lời “không biết” để tránh né hệ quả là phải hành động theo sự thật, bởi vì nếu nhìn nhận “ông Gio-an là một ngôn sứ” thì “tại sao lại không tin lời ông ấy” để tin nhận Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Đấng được Chúa Cha sai đến?

Mời Bạn: Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp lời chất vấn của các thượng tế và kỳ mục; Ngài cũng né tránh trách nhiệm một cách “có ý đồ” chăng? Không phải thế! Trước toà Cai-pha, Ngài sẽ trả lời mình là Con Thiên Chúa “ngự bên hữu Chúa Cha và sẽ ngự giá mây trời mà đến”; trước mặt Phi-la-tô, Ngài sẽ tuyên bố mình là Vua, nhưng “nước Ngài không ở thế gian này;” Ngài sẽ cho biết mình “lấy quyền gì để làm điều đó” nhưng là lúc ở trên thập giá, khi Ngài hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó. Phần bạn, bạn có dám chấp nhận trả giá bằng thập giá khi sống đức tin của mình một cách có trách nhiệm không?

Sống Lời Chúa: Xin ơn biết noi gương các thánh tử đạo sống chứng nhân đức tin một cách có trách nhiệm.

Cầu nguyện: Đọc kinh Tin.

Thứ Hai MV III: Lạy Chúa! Chúa đã dùng một câu hỏi để trả lời cho các thượng tế và các kỳ mục, khi họ hỏi Chúa lấy quyền gì để làm các việc ấy. Câu hỏi sẽ giúp suy tư, phản tỉnh. Xin cho chúng con luôn biết để Chúa chất vấn, và xin cho chúng con biết thành thật trả lời, không quanh co tránh né, bởi vì, sự thật sẽ giải phóng chúng con. Chúa đã ngự đến viếng thăm loài người chúng con, xin Chúa chiếu tỏa ánh sáng vào tâm hồn mù tối của chúng con, để chúng con có thể bước ra ánh sáng, nhìn mọi người, mọi việc trong chính Chúa, Đấng là Ánh Sáng và là Sự Thật. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

BÀI ĐỌC TRONG THÁNH LỄ

Ca nhập lễ

Muôn dân hỡi! Lắng nghe lời Chúa, loan truyền cho các miền đất xa xăm rằng: Đấng Cứu Độ chúng ta sắp đến. Thôi đừng sợ hãi nữa làm chi!

Lời nguyện nhập lễ

Lạy Chúa rất từ bi, xin lắng nghe lời chúng con nguyện cầu: ước gì khi Con Chúa ngự đến viếng thăm nhân loại, Người chiếu tỏa ánh sáng vào tâm hồn mù tối chúng con. Người là Thiên Chúa hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Bài Ðọc I: Ds 24, 2-7. 15-17a

“Ngôi sao từ nhà Gia-cóp mọc lên”.

Trích sách Dân Số.

Trong những ngày ấy, Balaam ngước mắt lên nhìn Israel cắm trại theo từng bộ lạc, và Thánh Thần Chúa ngự xuống trên ông, ông liền tuyên sấm và nói: “Lời sấm của Balaam, con ông Beor, lời sấm của người đang mở mắt; lời sấm của người nghe lời Thiên Chúa, của người chiêm ngắm Ðấng Toàn Năng, của người ngã mà mắt vẫn mở. Hỡi nhà Giacóp, doanh trại của ngươi đẹp biết bao! Hỡi Israel, chỗ cư ngụ của ngươi tốt dường nào! Nó rộng lớn như thung lũng, như những vườn bên dòng sông, như cây trầm hương mà Thiên Chúa đã trồng, như cây hương nam bên suối nước. Nước tràn ra khỏi thùng chứa, và hạt giống của ngươi được tưới dư dật. Vua ngươi sẽ trổi vượt Agag, và vương quốc ngươi sẽ uy hùng”.

Balaam lại tuyên sấm và nói: “Lời sấm của Balaam, con của Beor, lời sấm của người đang mở mắt, lời sấm của người nghe lời Thiên Chúa, của người biết ý nghĩ Ðấng Tối Cao, của người xem thấy hình ảnh Ðấng Toàn Năng, của người ngã mà mắt vẫn mở. Tôi thấy Người, chưa phải bây giờ. Tôi thấy Người không phải gần. Một ngôi sao từ Giacóp mọc lên. Một phủ việt từ Israel xuất hiện”.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9

Ðáp: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa (c. 4b).

Xướng: Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con.

Xướng: Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu của Ngài, thân lạy Chúa.

Xướng: Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.

Alleluia

Alleluia, alleluia! – Chúa đến, hãy ra đón Người; chính Người là Hoàng tử Bình an. – Alleluia.

Phúc Âm: Mt 21, 23-27

“Phép rửa của Gioan bởi đâu mà có?”

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy Chúa Giêsu vào Ðền thờ. Lúc Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ lão trong dân đến hỏi Người rằng: “Ông lấy quyền nào mà làm những điều này? Ai đã ban quyền ấy cho ông?” Chúa Giêsu trả lời: “Tôi cũng hỏi các ông một điều. Nếu các ông trả lời cho tôi, thì tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó. – Phép Rửa của Gioan bởi đâu mà có? Bởi trời hay bởi người ta?” Họ bàn tính với nhau rằng: “Nếu ta nói bởi trời, thì ông sẽ nói với ta: Vậy tại sao các ngươi không tin ông ấy? Và nếu ta nói bởi người ta, thì chúng ta lại sợ dân chúng. Vì mọi người coi Gioan như một vị tiên tri”. Bấy giờ họ trả lời Chúa Giêsu rằng: “Chúng tôi không được biết”. Chúa Giêsu nói với họ: “Tôi cũng không nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều đó”.

Ðó là lời Chúa.

Lời nguyện tiến lễ

Lạy Chúa, đây là bánh rượu chúng con đã chọn lựa trong muôn vàn phúc lộc chính Chúa đã thương ban. Cúi xin Chúa vui lòng chấp nhận và làm cho thánh lễ tạ ơn giờ đây chúng con dâng tiến, trở nên bảo chứng ơn cứu độ muôn đời cho chúng con. Chúng con cầu xin…

Lời tiền tụng mùa vọng I

Ca hiệp lễ

Lạy Chúa, xin thăm viếng chúng con và ban cho được phúc an bình, để chúng con trung thành theo Chúa và luôn hoan hỷ trước Thánh Nhan.

Lời nguyện hiệp lễ

Lạy Chúa, Chúa đã dùng bí tích Thánh Thể để dạy chúng con là những kẻ lữ hành dưới thế biết mến yêu và gắn bó với những thực tại bền vững trên trời. Xin cho bí tích chúng con vừa cử hành đem lại cho chúng con muôn vàn ân sủng. Chúng con cầu xin…

Suy niệm

HÃY KHIÊM TỐN ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ (Mt 21, 23-27)
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP

Có những câu hỏi được đưa ra để làm sáng tỏ một vấn đề nào đó! Cũng có những vấn nạn đặt ra với mong muốn được hiểu thêm kiến thức, tuy nhiên, cũng có những thắc mắc được đưa ra không phải vì ý ngay lành, nhưng mục đích để hạ gục, bắt lỗi và kết án đối phương.

Hôm nay, Đức Giêsu bị rơi vào tình cảnh thứ ba khi các Kỳ mục và Thượng tế hỏi Ngài: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?”. Đức Giêsu biết rõ sự thâm độc của họ, vì nếu Ngài nhận rằng quyền năng của Ngài do được ủy nhiệm, thì hẳn Ngài là một kẻ ly giáo và chính quyền sẽ lên tiếng vì họ sẽ gán Ngài vào cái tội gọi là phủ nhận quyền của những nhà lãnh đạo! Còn nếu Đức Giêsu nói rõ rằng: quyền đó là do Thiên Chúa trao cho Ngài, và Ngài có quyền năng như Thiên Chúa, thì Ngài sẽ rơi vào tội lộng ngôn, phạm thượng!

Khi lường trước được những hệ lụy như vậy, và “giờ” của Ngài chưa đến, nên Đức Giêsu đã hỏi ngược lại họ: “Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?”. Nếu cái bẫy mà họ đưa ra cho Đức Giêsu để dồn Ngài vào chân tường, thì giờ đây, họ lại thay thế chỗ của Đức Giêsu khi bị Ngài hỏi ngược lại! Tuy nhiên, mục đích của Đức Giêsu thì khác họ, Ngài không muốn đẩy họ vào đường cùng, nhưng mục đích của Ngài là muốn cho họ nhận ra vai trò của Đấng Cứu Thế và giá trị đích thực của cuộc đời, hầu sám hối để được ơn tha tội.

Tuy nhiên, vẫn lòng trai dạ đá, với những mánh khóe bẩn thỉu, họ đã trả lời cách vu vơ: “Chúng tôi không biết”. Nhưng khi trả lời như thế, họ đã lãnh nhận hậu quả nặng nề, vì: họ thuộc về thành phần lãnh đạo tinh thần, nên sự xuất hiện của Gioan, họ phải biết rằng ông là ai? Đằng này không biết, chứng tỏ họ vô trách nhiệm và hèn nhát vì không dám chân nhận sự thật.

Trong cuộc sống hôm nay, vẫn còn đó những hạng người hèn nhát không dám đứng ra để bảo vệ chân lý, công bằng. Họ biết đó là sai, nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ, chỉ vì chúa của họ là cái bụng, nên sẵn sàng bất chấp mọi sự, miễn sao đạt được mục đích rẻ tiền…

Tuy nhiên, điều những nhà lãnh đạo Dothái khi xưa không chừng lại là chính những chọn lựa của chúng ta hiện nay khi chúng ta tìm mọi lý lẽ để biện minh, bóp méo Lời Chúa để uốn nắn Lời của Ngài theo thiển ý của ta hầu phục vụ cho những việc làm xấu xa, đê tiện  của mình!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người Kitô hữu hãy thành tâm sống khiêm tốn, bén nhạy với Lời của Chúa. Luôn tin tưởng vào quyền năng của Ngài. Tránh thái độ kiêu căng, tự mãn, ích kỷ mà vu khống, đẩy đưa người anh chị em chúng ta vào chỗ chết.

Mùa Vọng là mùa chuẩn bị đón chờ Chúa đến. Nhưng, để sự chờ mong của chúng ta thực sự có ý nghĩa, thì ngay trong giây phút này, mỗi người phải khiêm tốn, sẵn sàng đón nhận Lời Chúa, thay đổi lối sống không phù hợp với Tin Mừng để xứng đáng hưởng ơn cứu độ.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con có được tâm tình của người môn đệ là khao khát sự hoàn thiện trong việc trung thành, ngoan ngoãn vâng theo Lời Thiên Chúa. Amen.

PHÉP RỬA CỦA ÔNG GIOAN DO BỞI CHÚA
(THỨ HAI TUẦN 3 MÙA VỌNG)
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Qua Lời Tổng Nguyện của Thứ Hai Tuần 3 Mùa Vọng hôm nay, các nhà phụng vụ muốn chúng ta xin Chúa lắng nghe lời chúng ta nguyện cầu: Ước gì khi Con Chúa ngự đến viếng thăm nhân loại, Người chiếu tỏa ánh sáng vào tâm hồn mù tối của chúng ta.

Chúa chiếu tỏa ánh sáng vào tâm hồn mù tối, nếu ta luôn biết đặt niềm trông cậy nơi Chúa, như trong bài đọc một của giờ Kinh Sách, ngôn sứ Isaia cho thấy: Thiên Chúa ban vinh quang cho những người lưu đày. Công cuộc giải thoát con người đòi hỏi con người cộng tác chặt chẽ với Thiên Chúa. Trong ngày đó Đức Chúa sẽ băng bó vết thương cho dân Người; Người là Đấng xét xử, cũng sẽ chữa lành những chỗ nó bị thương. Hạnh phúc thay mọi kẻ đợi chờ Người. Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa.

Chúa chiếu tỏa ánh sáng vào tâm hồn mù tối, nếu ta biết đáp lại tình yêu của Chúa, như trong bài đọc hai của giờ Kinh Sách, Viện Phụ Ghilêmô, Đan Viện Thánh Thêôđôricô nói: Chúa đã yêu thương chúng con trước, để chúng con yêu mến Chúa… Tình thương của Ta đối với ngươi sẽ không thay đổi, giao ước hòa bình của Ta cũng chẳng chuyển lay. Con cái ngươi, Đức Chúa đều dạy dỗ, chúng sẽ được vui hưởng thái bình. Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Đấng dạy ngươi những điều bổ ích, Đấng hướng dẫn ngươi trên đường ngươi đi.

Chúa chiếu tỏa ánh sáng vào tâm hồn mù tối, nếu ta biết đặt niềm tin tưởng vào Đấng Cứu Độ xuất thân từ nhà Giacóp và bước đi theo đường lối của Người, như trong bài đọc một của Thánh Lễ, sách Dân Số cho thấy: Một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Ítraen. Trong bài Đáp Ca, Thánh Vịnh 24, vịnh gia đã kêu xin: Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con.

Câu Tung Hô Tin Mừng, mà các nhà phụng vụ đã chọn cho ngày lễ hôm nay là: Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình thương của Chúa, và ban ơn cứu độ cho chúng con.  Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu hỏi: Phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Phép rửa của ông Gioan là do bởi Chúa, mọi sự đều do bởi tình yêu thương của Chúa mà ra. Tình thương và lòng ưu ái của Chúa dành cho chúng ta, đã khơi dậy nơi chúng ta: lòng yêu mến đối với Người là Đấng đã yêu thương chúng ta trước và đã yêu thương cho đến cùng. Không phải Chúa cần được chúng ta yêu mến Chúa, nhưng chính vì, nếu chúng ta không yêu mến Chúa, chúng ta không thể đạt được mục đích mà Chúa muốn khi dựng nên chúng ta. Việc Thiên Chúa phán dạy chúng ta qua Thánh Tử, không gì khác hơn là, Chúa muốn bày tỏ cách rõ ràng rằng: Chúa yêu thương chúng ta như thế nào và tới mức nào, vì đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng, đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Chính Con Một cũng yêu thương chúng ta và đã tự nộp mình vì chúng ta. Bất cứ việc gì Con Người làm, điều gì Con Người nói ở trần gian: từ những sỉ nhục, phỉ nhổ, nhuốc nhơ, cho đến thập giá và nấm mồ, tất cả không gì khác hơn là Lời Chúa nói với chúng ta qua Thánh Tử: Chúa yêu chúng ta. Chúa đã dùng tình yêu của Người, để khơi dậy và thúc đẩy lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta không thể yêu mến Chúa, nếu tình yêu mến ấy không do Chúa ban cho. Chúa đã yêu thương chúng ta trước, và mọi người yêu mến Chúa đều được Chúa yêu thương trước, vì thế, chúng ta yêu mến Chúa nhờ tình yêu mãnh liệt Chúa ban cho chúng ta. Ước gì Chúa Thánh Thần, Đấng là thiện hảo, tình yêu mến và lòng nhân từ, Đấng phát xuất từ Chúa Cha và Chúa Con, luôn linh hứng, thu hút, và đẩy xa những gì nguy hại, để liên kết Thiên Chúa với ta và ta với Thiên Chúa. Ước gì khi Con Chúa ngự đến viếng thăm nhân loại, Người chiếu tỏa ánh sáng vào tâm hồn mù tối của ta, để ta nhận ra tình yêu của Chúa và mau mắn đáp lại. Ước gì được như thế!

THUẬN THEO THÁNH THẦN
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

“Chúng tôi không biết!”.

“Thánh Kinh không công nhận một đức tin nào mà không dẫn đến sự mềm mỏng, cũng như không sự mềm mỏng nào mà không bắt nguồn từ đức tin! Chúa Thánh Thần là tác nhân của ‘chuyển động kép’ đó. Để được khôn ngoan, bạn hãy thuận theo Thánh Thần!” - Wilson Tozer.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Thuận theo Thánh Thần!’. Lời khuyên của Tozer được gặp lại qua Lời Chúa hôm nay! Phù thuỷ Bilơam không thể làm gì khác hơn điều mà Thánh Thần buộc ông làm; các thượng tế và kỳ lão thời Chúa Giêsu thì không. Họ chất vấn Ngài về quyền uy của Ngài, nhưng khi Ngài đặt vấn đề phép rửa của Gioan do ai thì họ bảo, “Chúng tôi không biết!”.

Sách Dân Số tường thuật câu chuyện thú vị của Bilơam. Sau 40 năm lang thang giữa rừng vắng, Israel tiến vào đất hứa; họ vấp phải sự phản kháng gay gắt của vua Canaan, người sai Bilơam đi nguyền rủa Israel. Với người Canaan, lời nguyền của các thầy sãi có giá trị như lời thần minh. Trên đường, đột nhiên, con lừa của Bilơam không chịu đi, thiên thần Chúa cản nó. Bilơam đánh con vật thậm tệ, nó vẫn không nhúc nhích! Cuối cùng, qua miệng con lừa, Thiên Chúa lên tiếng, mắt Bilơam mở ra; ông trở nên mềm mỏng và thay vì chúc dữ, ông chúc lành. Chưa hết, Bilơam còn nói đến “Một vì sao xuất hiện từ Giacóp, một vương trượng trỗi dậy từ Israel”. Rõ ràng, dẫu là ngoại giáo, Bilơam vẫn là một người ‘thuận theo Thánh Thần!’.

Đang khi đó, những người đạo dòng, các lãnh đạo thời Chúa Giêsu thì không. Họ chống lại Gioan và Đấng Gioan loan báo. Chẳng hạn hôm nay, sau khi Chúa Giêsu đuổi những người buôn bán ra khỏi đền thờ, họ đặt vấn đề, “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?”. Ngài điềm tĩnh trả lời bằng một câu hỏi, “Phép rửa của Gioan do đâu mà có, do trời hay do người ta?”. Ngài biết, nhận định đúng đắn của họ về Gioan buộc họ nhìn nhận đúng đắn về Ngài; ủng hộ hay chống lại Gioan, họ ủng hộ hay chống lại Ngài. Sau khi suy nghĩ, họ trả lời, “Chúng tôi không biết!”. Họ không ‘thuận theo Thánh Thần!’.

“Chúng tôi không biết!”. Các nhà lãnh đạo không biết vì họ cố tình lờ đi mọi hiểu biết Thánh Kinh mà họ rất am tường; vì lẽ, trong đó, mọi điều đều ám chỉ Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai. Họ không biết vì họ sợ mất quyền lợi khi phải công nhận Ngài. Đang khi với Chúa Giêsu, Ngài không chỉ là Đấng Thiên Sai, nhưng còn là Đấng Cứu Độ! Ai đến với Ngài, sự thật giải phóng họ; người ấy sẽ tìm được niềm vui, tự do và hạnh phúc. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, nẻo đường Ngài, xin dạy cho con biết!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Chúng tôi không biết!”. Rồi đây, cuối đời của Chúa Giêsu, Philatô và các thượng tế, kinh sư, kỳ lão cũng sẽ ‘rửa tay’ và lặp lại những lời đó; để chính họ sẽ đưa Ngài đến cái chết thập giá. Cả chúng ta, “Chúng tôi không biết!”, một câu trả lời thường được nghe và cũng thường được nói. Chúng ta không biết vì không muốn biết, cũng như không bao giờ nhìn nhận mình biết. Bởi lẽ, một khi biết, chúng ta phải thay đổi. Mùa Vọng, mùa nói với Chúa, “Lạy Chúa, con biết!”; “Con biết Chúa thương con - một tội nhân!”, để từ đó, ‘thuận theo Thánh Thần’ hầu được biến đổi và tạo nên một sự khác biệt, ít nữa từ bản thân.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con thường cứng cỏi vì thiếu đức tin; xin biến đổi con để con mềm mỏng ‘thuận theo Thánh Thần’ trong những ngày hồng phúc này!”, Amen.

 

AUDIO
Suy niệm Lời Chúa Thứ Hai sau Chúa Nhật 3 Mùa Vọng -C

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây