TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Đại Lễ Chúa Giáng Sinh

“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. (Lc 2, 1-14)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Ấn tượng về Dòng Thiên Hòa

Thứ năm - 15/04/2021 06:40 |   1127
Trên chiếc xe Jeep cũ kỹ, chúng tôi khởi hành từ Thị Xã Banmêthuột đi nhận xứ Thuận Hiếu, huyện Phước An, vào chiều ngày 14 tháng 07 năm 1966.
Ấn tượng về Dòng Thiên Hòa

MỘT VÀI ẤN TƯỢNG VỀ ĐAN VIỆN BIỂN ĐỨC THIÊN HOÀ PHƯỚC AN

Trên chiếc xe Jeep cũ kỹ, chúng tôi  khởi hành từ Thị Xã Banmêthuột đi nhận xứ Thuận Hiếu, huyện Phước An, vào chiều  ngày 14 tháng  07  năm 1966. Trước khi được sai đến Thuận Hiếu, Bề Trên là Đức Cha Paul Seitz  cho biết  Phước an là vùng mất  an ninh. Trước đây có mấy linh mục phụ trách các Dinh điền vùng này, nhưng vì mất an ninh, các ngài đã được đưa về vùng khác. Đức Cha cũng cho biết, không còn  linh mục nào ở vùng này, chỉ còn Đan viện Biển Đức Thiên Hoà, được thiết lập từ năm 1962, vì nằm sát quốc lộ 21, gần Quận lỵ Phước An, nên vẫn còn tiếp tục sinh hoạt.


Vào những năm  60…  Quốc lộ  21 là con đường huyết mạch nối liền Banmêthuột với Nha Trang. Nhưng con đường này chỉ ồn ào xe cộ vào những ngày có đoàn “công voa” của quân đội từ Banmêthuột xuống Nha Trang lấy tiếp viện. Ngoài ra, con đường lại trở về cảnh vắng lặng với núi rừng.
Chiều hôm ấy, đi từ thị xã Banmêthuột qua khỏi  Trung Tâm Tình Thương, tôi cảm thấy con đường thật thanh vắng : không gặp một xe nào xuôi chiều hay ngược chiều. Hai bên đường chỉ là rừng cây rậm rạp. Thỉnh thoảng có mấy bóng nhà xây, cách lề đường vài chục mét. Đó là những cơ sở của các đồn điền café, dành cho công nhân ở.  Mãi đến cây số  30, gần lối  rẽ tay phải  để vào Thuận Hiếu, nhìn bên tay trái, có  mấy căn nhà mọc lên giữa một rừng cây cỏ um tùm, đây là Đan Viện Thánh Mẫu Thiên Hoà.


Biết thế nhưng chúng tôi chưa ghé vào Đan viện, mà vẫn tiến thẳng tới ngã ba để rẽ tay phải,  đi vào Thuận Hiếu, nơi chúng tôi được sai đến.
Mấy ngày sau, chúng tôi ra thăm Đan viện.  Từ ngoài quốc lộ đi vào  chừng  hơn  một trăm mét là một căn nhà gỗ nhỏ, nằm dưới những lùm cây rừng, diện tích chừng ba, bốn chục mét vuông làm phòng khách. Qua phòng khách đi trên một con đường nhỏ trải  gạch đá chừng vài chục mét  là hai  dẫy nhà gỗ : Một dẫy nhà cấp bốn khá dài, vách ván lợp tôn, nằm bên tay phải, được gọi là Đan viện dành cho các Đan sĩ đã khấn  hay đã mang tu phục. Một dẫy nhà gỗ khác bên tay trái, kiểu nhà sàn, là dẫy nhà dành cho các chú đệ tử. Chẳng biết lúc đó cả Đan viện được bao nhiêu người, nhưng luôn thấy cảnh trầm lặng bao trùm cả khu vực này. 
Nhìn về phía  xa xa sau hai dẫy nhà này, băng qua một con suối, là khu vực xưởng cưa. Đan viện có một xưởng cưa vào loại lớn trong vùng. Muốn vào xưởng cưa thì đi theo một lối khác. Khu Đan viện yên vắng bao nhiêu thì khu xưởng cưa ồn ào bấy nhiêu. Ồn ào không phải do tiếng người, mà ồn ào vì tiếng máy cưa, tiếng rú của các loại xe lớn  : Xe tải chở gỗ, xe reo kéo cây...


Suốt thời gian gần  tám năm trời  ở Thuận Hiếu  I  rồi Thuận Hiếu  II, tôi luôn luôn lui tới  khu vực Đan viện. Nơi tôi lui tới hằng tuần là khu Xưởng cưa để mua gỗ về xây dựng cơ sở. Tại Thuần Hiếu I, tuy là một họ đạo, nhưng mới chỉ có một ngôi Nhà thờ xây bằng gạch tự đúc, lợp tôn, rất thô sơ, nằm cô đơn giữa một khoảng đất trống. Còn nhà xứ  là một mái nhà tranh thưng ván, bỏ vắng lâu ngày nên đã rách nát, nằm giữa một bãi cỏ tranh. Chúng tôi phải cầu cứu Đan viện giúp đỡ. Gọi là mua gỗ của xưởng cưa Nhà Dòng, nhưng thật ra Nhà Dòng giúp chúng tôi nhiều hơn là mua bán theo giá thị trường.  Và không phải chỉ thời gian đầu mà suốt những năm làm việc tại Thuận Hiếu, tôi luôn được Nhà Dòng nâng đỡ để xây dựng nhà xứ cho Thuận Hiếu I, rồi Nhà Thờ, nhà xứ cho Thuận Hiếu II và đến nhà xứ, nhà thờ cho Buôn Jat – nơi Cha Aimé Mauvais đưa đồng bào công giáo người  BRU (Vân Kiều) từ Huế đến định cư vào năm 1972.


Tôi  cũng hay lui tới khu vực Đan viện để tìm sự yên tĩnh cho tâm hồn. Yên tĩnh thật ! Các chú đệ tử, chừng mươi lăm chú, thì gửi học trường La-san trên Thị Xã, thỉnh thoảng mới được về Đan viện. Các đan sĩ thì giữ luật thinh lặng cả ngày. Dù đi làm ngoài ruộng rẫy, cũng luôn giữ thinh lặng. Các giờ kinh Phụng vụ được giữ đúng qui luật : Kinh đêm, Kinh Sáng, Kinh Trưa, Kinh Chiều và kinh tối. Tôi chỉ có dịp dự kinh trưa và kinh chiều. Được biết giờ kinh nào cũng ca hát. Vài lần được tham dự giờ kinh Phụng Vụ, tôi cảm thấy thật ấm lòng. Tiếng hát các Thánh Vịnh với giọng bình ca vang lên trong một ngôi Nhà Nguyện bé nhỏ nghe thật thấm thía cõi lòng. Tưởng chừng như các đan sĩ quên hết mọi lao nhọc của lúc những lúc “labora” để giờ đây thả hồn bay bổng trong tiếng ca hát  “ora”.


Đan viện Thiên Hoà của những năm sáu mươi, dù cơ sở bé nhỏ, dù chỉ với một nhóm đan sĩ thật ít ỏi vẫn luôn là điểm tựa vững chắc cho cả vùng Phước An về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Vì vào những năm 1964,1965, đồng bào ở các khu Dinh Điền bị bất ổn vì chiến sự, đã di tản ra vùng ngã ba Phước An, gần quận lỵ để sinh sống. Vì thế, nhiều người, nhiều gia đình nhờ Đan viện mà có công ăn việc làm, có nơi nương nhờ.
Đan  viện cũng xây dựng một trường tiểu học, nhà Dưỡng lão, Cô nhi viện phục vụ tất cả mọi người sống ở vùng này. Về đời sống thiêng liêng,  bà con giáo dân ở quanh vùng này đến dự Thánh lễ nơi Nhà nguyện của Đan viện và trong cuộc sống hằng ngày, mọi người có đạo cũng như lương dân đều được các Đan sĩ tận tình giúp đỡ. Vì ngoài Đan viện Thiên Hoà ra, cả vùng này không có Nhà thờ nào, không có linh mục nào khác.  Mãi cho tới quận lỵ Khánh Dương mới có một ngôi Nhà nguyện nhỏ, rất thô sơ của anh chị em công giáo sắc tộc Êđê và vào ngày Chúa Nhật mới có linh mục người Pháp thuộcdòng Phanxicô từ Nha Trang đến dâng lễ.
Vào giữa năm 1974, tôi được thuyên chuyển khỏi Phước An. Từ đó tôi ít có dịp trở lại Đan Viện Thiên Hoà.

Sau biến cố  75, Đan viện Thiên Hoà phải  qua một cuộc lột xác. Toàn bộ tài sản : cơ sở, đất đai đều bị trịch thu. Một số Đan sinh trẻ bị trục xuất. Số còn lại sống thoi thóp đến năm 1979, chính quyền địa phương giải quyết  dứt điểm là đưa Đan viện vào Giáo Họ Thuận Hiếu I, xã Hoà Tiến. Vì bấy giờ cơ sở Giáo họ Thuận Hiếu I còn để trống.
Phải rời bỏ một cơ sở lớn lao đã dầy công xây dựng bằng mồ hôi nước mắt từ hơn 10 năm qua để ra đi với hai bàn tay trắng,  đến một nơi  vừa nhỏ bé, vừa thiếu thốn mọi sự, thật xa xót !  May là nhờ nơi đây còn mấy sào đất  trống, các Đan sĩ lại bắt tay xây dựng cuộc sống mới. Nhờ có sẵn ngôi nhà thờ bé nhỏ, các Đan sĩ có nơi thờ phượng và giúp cha Quản Xứ Thuận Hiếu làm việc mục vụ, giúp đỡ bà con sống chung quanh. Lúc này, dù số Đan sĩ chỉ còn đủ đếm trên đầu ngón tay, mấy sào đất trống của Thuận hiếu I chỉ trong một thời gian vắn đã biến thành vườn café, vườn tiêu xanh tươi. 


Cuộc sống tưởng yên lành, nhưng vì nơi đây là cơ sở của Giáo họ Thuận hiếu I, nên đến năm 2001, Đan viện một lần nữa lại phải di rời.
Lần ra đi này thật đầy nỗi truân chuyên. Nơi đến là một vùng núi đồi hoang sơ cằn cỗi : nằm tại cây số 11, Tỉnh lộ Krông Pông, thôn 5, xã Tân Tiến. Có dịp đến ngắm nhìn khu đất mới  này, tự nhiên tôi mường tưởng : có lẽ từ đây, các Đan sĩ sẽ giống những người Do Thái “trên bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion; Trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn. Bọn lính canh đòi ta hát xướng, lũ cướp này mời gượng vui lên: Hát đi, hát thử đi xem, Sion nhạc thánh điệu quen một bài ! Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi nơi đất khách quê người ?”  (Tv.137,1-4).


Thế nhưng, chỉ thoáng đi một hai năm, trở lại thăm Đan viện, toàn cảnh đã đổi thay đến lạ lùng! Sức mạnh nào đã lấp đầy mọi thung lũng ? đã san bằng núi đồi ? đã biến nơi lồi lõm thành đồng bằng, biến chốn gồ ghề thành vùng đất phẳng phiu? Sức mạnh nào đã biến vùng đất hoang sơ và đồng khô cỏ cháy thành rừng cây xanh? Sức mạnh nào đã xây nên trên sườn đồi những dẫy nhà hoành tráng, lừng lững giữa trời mây, làm nguyện đường, làm nơi sinh hoạt cho các Đan sĩ ? Sức mạnh như vô biên đó phải chăng đã xuất phát từ những bàn tay “labora” cùng với tâm hồn “ora” không ngơi nghỉ ! Để rồi từ đây “Thiên hạ đều nhìn ra và nhận biết, nghiền ngẫm và hiểu rằng : điều ấy, bàn tay Đức Chúa đã làm nên, điều ấy Đức Thánh của Itsraen đã tạo thành !” (Is.41,20).


Nếu xưa kia Thánh Biển Đức đã bỏ trốn nơi thành phố ồn ào huyên náo, lên núi Cassinô thành lập Đan viện đầu tiên để trở thành Trung tâm Khổ tu, thì hôm nay, Chúa Quan Phòng như đã sắp đặt cho nhóm con cái của Ngài cũng thoát cảnh phố chợ của Thị trấn Phước an, đưa Đan viện lên một nơi thanh vắng, để các đan sĩ dễ sống đời chiêm niệm và để những tâm hồn trầm mặc từ khắp nơi tìm đến hàn huyên với Đấng Vô Hình.  Nguyện uớc Đan viện Thiên Hoà mãi mãi là một Cassinô của vùng Tây Nguyên này.


Lm. Đaminh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây