TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật V Mùa Chay -Năm B

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt”. (Ga 12, 20-33)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Đức Kitô -Đường trong Chúa Thánh Thần

Chủ nhật - 03/07/2022 19:07 | Tác giả bài viết: Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên |   729
Hình ảnh hay biểu tượng đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội loài người bởi vì nhờ đó con người có thể cảm nghiệm được các thực tại mầu nhiệm sâu thẳm.
Đức Kitô -Đường trong Chúa Thánh Thần

ĐỨC GIÊ-SU KI-TÔ – ĐƯỜNG TRONG CHÚA THÁNH THẦN

WHĐ (03.7.2022) – Hình ảnh hay biểu tượng đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội loài người bởi vì nhờ đó con người có thể cảm nghiệm được các thực tại mầu nhiệm sâu thẳm. Chẳng hạn, gió hay hơi thở là những hình ảnh căn bản trong hầu hết các tôn giáo nhằm diễn tả sự hiện diện và hoạt động của thần khí nơi vạn vật. Đối với dân Do-thái thời Cựu Ước, thần khí liên quan mật thiết đến đời sống cá nhân cũng như cộng đoàn. Nội dung mặc khải Ki-tô Giáo cho chúng ta biết rằng việc sử dụng khái niệm thần khí (viết thường - chỉ tính chất hoặc phẩm tính) tới Thần Khí (viết hoa - chỉ Ngôi Vị Thiên Chúa) là một hành trình lâu dài. Để có thể phân biệt cách dễ dàng hơn, trong bài viết này, thần khí (viết thường) chỉ thần khí theo nghĩa chung, còn Thần Khí/ Thánh Thần (viết hoa) chỉ Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, chẳng hạn như Thần Khí Chúa hay Thần Khí Đức Chúa (the Spirit of the Lord), Thần Khí Thiên Chúa (the Spirit of God), Thần Khí Đức Ki-tô (the Spirit of Christ), Thần Khí Đức Giê-su (the Spirit of Jesus).

Trong tiếng Do-thái, רוּחַ (ruah/ spirit) có nghĩa là thần khí. Từ tương đương với רוּחַ của tiếng Do-thái trong tiếng Hy-lạp là πνεῦμα (pneuma/ spirit/ thần khí). Ruah trong tiếng Do-thái còn có những nghĩa khác nữa, chẳng hạn như năng lực, năng lượng, gió, hơi thở. Trong bối cảnh Kinh Thánh, ruah của Thiên Chúa rất mạnh, mạnh đến nỗi nhờ đó vũ trụ được dựng nên. Từ ruah/ thần khí xuất hiện ngay trong những câu đầu tiên, trang đầu tiên, cuốn sách đầu tiên của bộ Kinh Thánh. Trình thuật sáng thế Chương 1 (St 1,1-2,4) cho chúng ta biết rằng: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Thiên Chúa phán: Phải có ánh sáng. Liền có ánh sáng” (St 1,1-3). Nhờ thần khí Thiên Chúa אֱלֹהִ֔ים ר֣וּחַ (ruah Elohim/ breath of God) bay lượn trên mặt nước và lời Thiên Chúa phán, muôn vật muôn loài được tạo thành từ cảnh hư vô (nothingness), trống rỗng (formless), hỗn loạn (chaos), tăm tối (darkness). Đặc biệt, trình thuật sáng thế Chương 2 (St 2,2-25) cho chúng ta biết: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7).

Theo mặc khải Kinh Thánh, vũ trụ này không phải là kết quả của tiến trình tiến hóa tự nhiên mà là kết quả hay sản phẩm của Thiên Chúa sáng tạo nhờ thần khí bay lượn trên mặt nước và lời của Người. Thánh vịnh 33 khẳng định: “Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6). Đỉnh cao của chương trình Thiên Chúa sáng tạo là con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa (St 1,26). Những gì trong thế giới thụ tạo đều tốt đẹp và trở thành dấu chỉ giúp con người hướng về Thiên Chúa. Nhờ thần khí, Thiên Chúa sáng tạo muôn vật muôn loài, duy trì muôn vật muôn loài và đưa muôn vật muôn loài tới thời viên mãn. Tác giả Thánh Vịnh 104 viết: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104,29-30). Bài Ca Người Tôi Trung của sách ngôn sứ I-sai-a có câu: “Đây là lời Thiên Chúa, lời Đức Chúa, Đấng sáng tạo và căng vòm trời, Đấng trải rộng mặt đất với hoa màu tràn lan, Đấng ban hơi thở cho dân trên mặt đất, ban sinh khí cho toàn thể cư dân” (Is 42,5).

Trong Cựu Ước, thần khí đóng nhiều vai trò và có những tác động khác nhau. Người được xức dầu là người được trao ban thần khí để thực thi ý định của Thiên Chúa đối với toàn dân. Chẳng hạn, Đức Chúa nói với Mô-sê: “Ngươi cũng xức dầu cho A-ha-ron và các con ông; ngươi sẽ thánh hiến họ làm tư tế phục vụ Ta” (Xh 30,30) hay Sa-mu-en xức dầu cho Đa-vít: “Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí Đức Chúa nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi” (1 Sm 16,13). Mọi người phải tôn trọng những kẻ được xức dầu: "Đừng đụng tới những kẻ Ta xức dầu tấn phong, chớ làm hại các ngôn sứ của Ta” (1 Sb 16,22). Trên bình diện tập thể, thần khí hướng dẫn dân Do-thái thực thi giao ước giữa họ với Thiên Chúa trong dòng lịch sử. Thần khí được xem như quyền năng của Thiên Chúa thâm nhập và lan tỏa khắp hoàn vũ. Thần khí thẩm thấu lịch sử và truyền thống Do-thái để hướng dẫn mọi người. Thần khí đem lại sự sống cho những bộ xương khô không còn da thịt (Ed 37,1-14). Nhìn chung, hình hài và chức năng của thần khí trong Cựu Ước vẫn khá trừu tượng, thần khí (viết thường) chứ chưa phải Thần Khí (viết hoa), nghĩa là chưa phải Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, phân biệt với Chúa Cha và Chúa Con trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm nền tảng của Ki-tô Giáo.

Tân Ước đã đề cập đến sự hiện diện của thần khí trong hành trình trần thế của Đức Giê-su. Sự hiện diện này đã được nói đến trong Cựu Ước, chẳng hạn, lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a cho chúng ta biết: “Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: Thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11,1-2) hay: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân” (Is 42,1). Những trích đoạn này nói về Đức Giê-su, ‘con vua Đa-vít’, được xức dầu Chúa Thánh Thần để đến với gia đình nhân loại. Chúng ta biết rằng các vua Do-thái chẳng hạn như Sa-un hay Đa-vít được xức dầu như là dấu chỉ sự hiện diện của thần khí Đức Chúa để hướng dẫn dân Do-thái, còn Đức Giê-su được xức dầu Chúa Thánh Thần để hướng dẫn mọi người trong gia đình nhân loại. Nói cách khác, đây là mặc khải tiệm tiến, từ thần khí như là phẩm tính hay tác động trong Cựu Ước đến Thần Khí như là Ngôi Vị trong Tân Ước. Trong tiếng Hy-lạp, từ ‘Ki-tô’ mà chúng ta thường dùng có nghĩa là ‘Đấng Được Xức Dầu’ (Χριστός/ Christós/ Christ/ the Anointed One). Đoạn văn Cựu Ước diễn tả tương quan rõ nét nhất giữa thần khí và Đức Giê-su là: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than, tặng cho những kẻ khóc than ở Xi-on tấm khăn đại lễ thay tro bụi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày hội thay tâm thần sầu não” (Is 61,1-3).

Trong Tân Ước, thánh Lu-ca trình thuật rằng khi Đức Ma-ri-a đã đính hôn với thánh Giu-se (thuộc dòng tộc Đa-vít) nhưng chưa ăn ở với nhau thì sứ thần Gáp-ri-en đến miền Na-da-rét gặp Đức Ma-ri-a và chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28). Sứ thần báo tin cho Đức Ma-ri-a rằng Bà sẽ có thai và sinh hạ Con Đấng Tối Cao (Lc 1,32). Đức Ma-ri-a diễn tả sự băn khoăn: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" (Lc 1,34). Sứ thần Gáp-ri-en nói tiếp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Còn thánh Mát-thêu thì viết: “Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: Bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,18). Điều này cho chúng ta nhận thức rằng Đức Ma-ri-a có thai cách ngoại thường, cách nhiệm mầu, ‘bởi phép Đức Chúa Thánh Thần’, chứ không phải do ý muốn hay bất cứ sự can thiệp đặc biệt nào của con người.

Theo thánh Lu-ca, sau khi sứ thần Gáp-ri-en truyền tin, Đức Ma-ri-a vừa cưu mang Đức Giê-su đã vội vã lên đường thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét đang mang thai Gio-an Tẩy Giả sáu tháng: “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần” (Lc 1,41). Vì được đầy tràn Thánh Thần, bà Ê-li-sa-bét hiểu được chương trình của Thiên Chúa thực hiện nơi Đức Ma-ri-a: "Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1,42-43). Thánh Lu-ca cũng trình thuật rằng khi Gio-an Tẩy Giả chịu phép cắt bì, ông Da-ca-ri-a, bố của Gio-an Tẩy Giả, cất lên Bài Ca Chúc Tụng: “Bấy giờ, người cha của em, tức là ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng: Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” (Lc 1,67-68). Như vậy, Thánh Thần hiện diện nơi Đức Ma-ri-a trong biến cố truyền tin cũng hiện diện nơi Ê-li-sa-bét và Da-ca-ri-a, cha mẹ của thánh Gio-an Tẩy Giả.

Để chuẩn bị cho Đức Giê-su xuất hiện công khai, thánh Gio-an Tẩy Giả kêu gọi mọi người ăn năn thống hối: “Tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa” (Mt 3,11). Với Đức Giê-su, sau ba mươi năm sống ẩn dật ở Na-da-rét, Người đến sông Gio-đan xin thánh Gio-an Tẩy Giả làm phép rửa. Các tác giả Tin Mừng Nhất Lãm cho chúng ta biết sự hiện diện của Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu trong biến cố này (Mt 3,13-17; Mc 1,9-11; Lc 3,21-22). Theo trình thuật của thánh Mát-thêu: “Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người” (Mt 3,16). Thánh Gio-an Tông Đồ trình thuật cách rõ ràng hơn rằng thánh Gio-an Tẩy Giả nhìn thấy Chúa Thánh Thần như chim bồ câu ngự trên Đức Giê-su khi thánh nhân làm phép rửa cho Người (Ga 1,32). 

Thánh Gio-an Tẩy Giả nói cho mọi người biết: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần” (Ga 1,33). Với thánh Gio-an Tẩy Giả, Thần Khí đồng hành cùng Đức Giê-su mọi nơi mọi lúc. Trong lời chứng cuối cùng, thánh nhân nói về Đức Giê-su cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần như sau: “Đấng được Thiên Chúa sai đi, thì nói những lời của Thiên Chúa, vì Thiên Chúa ban Thần Khí cho Người vô ngần vô hạn. Chúa Cha yêu thương người Con và đã giao mọi sự trong tay Người” (Ga 3,34-35). Theo thánh Lu-ca, sau khi chịu phép rửa ở sông Gio-đan, “Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2). Cũng theo thánh Lu-ca: “Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận” (Lc 4,14). Khi trở về Na-da-rét, quê hương của Người, Đức Giê-su vào hội đường và người ta trao cho Người sách ngôn sứ I-sai-a. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn nói về Người được xức dầu Chúa Thánh Thần để loan báo Tin Mừng cho những người nghèo khó hay chịu muôn vàn hình thức đau khổ khác mà sách ngôn sứ I-sai-a nói đến trong Cựu Ước (Lc 4,18-19; Is 61,1-3).

Câu hỏi đặt ra là tại sao Đức Giê-su, là Ngôi Hai Thiên Chúa và là Thiên Chúa, lại được xức dầu Thánh Thần? Quả thực, Đức Giê-su đồng bản tính với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, trong tư cách là con người, Đức Giê-su được xức dầu Chúa Thánh Thần, đón nhận Chúa Thánh Thần, lớn lên trong Chúa Thánh Thần và loan báo Tin Mừng trong Chúa Thánh Thần. Thánh Phê-rô minh định rõ điểm này khi rao giảng Tin Mừng tại nhà ông Co-nê-li-ô: “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Giu-đê, bắt đầu từ miền Ga-li-lê, sau phép rửa mà ông Gio-an rao giảng. Quý vị biết rõ: Đức Giê-su xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10,37-38). Như vậy, lời rao giảng của thánh Phê-rô tại nhà Co-nê-li-ô ứng nghiệm lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a (Is 61,1-3). Khi diễn tả tương quan giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và việc xức dầu, thánh I-rê-nê giải thích rằng Chúa Cha là Đấng xức dầu, Chúa Con (Đức Giê-su) là Đấng được xức dầu bởi Chúa Thánh Thần là Dầu [it is the Father who anoints, but the Son who is anointed by the Spirit, who is the unction] (Against Heresies, III, 3). Vì được xức dầu Thánh Thần, Đức Giê-su nói năng và hành động như người có thẩm quyền chứ không như các kinh sư hay những người lãnh đạo Do-thái đương thời (Mc 1,22).

Mỗi lần đọc Kinh Tin Kính, chúng ta tuyên xưng ‘Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống’. Điều này có nền tảng vững chắc trong Kinh Thánh. Hơn ai hết, chính Đức Giê-su đã mặc khải cho mọi người biết vai trò chính yếu của Chúa Thánh Thần. Người nói: “Không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí. Cái bởi xác thịt sinh ra là xác thịt; cái bởi Thần Khí sinh ra là thần khí. Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (Ga 3,5-8). Những câu đầu của sách Sáng Thế cho chúng ta thấy hình ảnh nước và thần khí của Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước. Trong Cựu Ước, nước và thần khí là những biểu tượng chính yếu của sự sống, sự sống được Thiên Chúa ban tặng, duy trì và tiến triển trong thế giới thụ tạo. Thánh Gio-an Tông Đồ trình thuật rằng ngày bế mạc lễ Lều, Đức Giê-su nói với những người trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem: “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống! Như Kinh Thánh đã nói: Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống. Đức Giê-su muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giê-su chưa được tôn vinh” (Ga 7,38-39). Những người Do-thái đã quen thuộc trình thuật sáng tạo trong đó nước và thần khí đóng vai trò chủ đạo sẽ hiểu những điều Đức Giê-su nói trong hoàn cảnh này.

Thánh Sy-ri-lô (315-386) cho rằng nước là hình ảnh Chúa Thánh Thần và hình ảnh này rất phù hợp bởi vì muôn sinh vật đều lệ thuộc vào nước. Hơn nữa, nước đem lại hiệu quả khác nhau nơi sinh vật cần nước. Chúa Thánh Thần cũng vậy, mỗi người đón nhận ân sủng của Người và sinh hoa kết trái theo những cách thức khác nhau nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi cá nhân cũng như cộng đoàn. Trong đời sống thể xác, mọi người đều phải uống nước để được sống. Trong đời sống tâm linh cũng vậy, Đức Giê-su mời gọi mọi người ‘uống Thánh Thần’ của Người để được sống dồi dào. Dưới nhãn quan của thánh Gio-an Tông Đồ, với sự hiện diện của Đức Giê-su trong thân phận con người, đặc biệt, với sự chết và phục sinh của Người, Chúa Thánh Thần đến với con người. Điều này có nghĩa rằng Chúa Thánh Thần không hành động cách độc lập với Đức Giê-su, nhưng hành động nhờ và qua Biến Cố Đức Giê-su trong hành trình trần thế. Trong cuộc đối thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri, Đức Giê-su nói với bà: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14). Nhờ Đức Giê-su, con người được nối kết với nguồn nước trong sạch, nguồn nước đem lại sự sống mới, sự sống vĩnh cửu.

Liên quan đến việc thờ phượng Thiên Chúa, trong cuộc trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri, Đức Giê-su nói: “Những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23). Đức Giê-su còn nói thêm rằng: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,24). Với người phụ nữ Sa-ma-ri, những người Do-thái thờ phượng Thiên Chúa ở Giê-ru-sa-lem, những người Sa-ma-ri thờ phượng ở núi Gơ-ri-dim. Tuy nhiên, Đức Giê-su cho chị biết thờ phượng Thiên Chúa cách đích thực là thờ phượng trong thần khí và sự thật. Với Đức Giê-su, sự thờ phượng đích thực không lệ thuộc vào nơi chốn nhưng lệ thuộc vào tâm trí con người. Việc thờ phượng chỉ chú tâm đến nơi chốn vẫn là việc thờ phượng bề ngoài. Khi tranh luận với những người Pha-ri-sêu và các kinh sư ở Giê-ru-sa-lem về truyền thống, Đức Giê-su trích lại lời của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ I-sai-a: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mt 15,8; Is 29,13). Với việc mặc khải về căn tính, đời sống và sứ mệnh của Người và Chúa Thánh Thần trong Bữa Ăn Cuối Cùng, Đức Giê-su cho chúng ta biết thờ phượng Thiên Chúa đích thực là thờ phượng qua Người là Sự Thật và trong Thần Khí của Người là Thần Khí Sự Thật. Đặc biệt, trong thư gửi tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô viết: “Có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả” (Rm 8,26).

Thánh Gio-an Tông Đồ cho chúng ta biết Đức Giê-su mặc khải căn tính, đời sống và sứ mệnh của Thần Khí là Chúa Thánh Thần cách rõ ràng nhất. Trong những chương đầu, Đức Giê-su diễn tả Chúa Thánh Thần phù hợp với tâm thức của những người Do-thái am hiểu Cựu Ước, chẳng hạn như con người cần phải sinh lại bởi nước và thần khí (Ga 3,5); sự tự do của thần khí trong thế giới thụ tạo (Ga 3,8); xung khắc giữa thần khí và xác thịt (Ga 6,63). Tuy nhiên, trong Bữa Ăn Cuối Cùng trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su mặc khải Thần Khí cách rõ ràng hơn. Chẳng hạn, Đức Giê-su mặc khải Thần Khí là Đấng Bảo Trợ (Παράκλητος, Ga 14,16): “Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14,17). Trong lịch sử mặc khải, đây là lần đầu tiên Đức Giê-su cho nhân loại biết rằng Chúa Thánh Thần không chỉ là gió, hơi thở, suối nguồn hay bồ câu, dầu, lửa mà là ‘Đấng’, nghĩa là một trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Theo trình thuật của thánh Gio-an, Đấng Bảo Trợ cũng là Đấng Dạy Dỗ, Đấng Giải Thích, Đấng An Ủi, Đấng Giúp Đỡ (Teacher, Interpreter, Comforter, Helper: Ga 14,25-26; Ga 15,26-27; Ga 16,7-8). Như vậy, hơn ai hết, Đức Giê-su là Đấng mặc khải mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi cho mọi người trong gia đình nhân loại. Từ thần khí được hiểu như là tác nhân sống động của Thiên Chúa biến đổi con người và vạn vật đến Thần Khí được hiểu như là Đấng Bảo Trợ hay một trong Ba Ngôi Thiên Chúa là một tiến trình mặc khải lâu dài.

Đức Giê-su cho các môn đệ biết rằng khi Đấng Bảo Trợ đến, “Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử” (Ga 16,8). Người còn giải thích thêm: “Về tội lỗi: Vì chúng không tin vào Thầy; về sự công chính: Vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa; về việc xét xử: Vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi” (Ga 16,9-11). Chúng ta biết rằng tội lỗi, sự công chính và việc xét xử là ba chủ đề quan trọng trong Kinh Thánh và đây cũng là những chủ đề mà con người thường lầm lẫn khi giải thích theo ý riêng mình. Đức Giê-su nói rằng tội lỗi của con người là từ chối, không tin tưởng vào Người hay không thực thi giáo huấn của Người. Về sự công chính, Đức Giê-su cho biết rằng Người là Đấng Công Chính bởi vì Người luôn kết hợp mật thiết với Chúa Cha. Về việc xét xử thì Đấng Bảo Trợ sẽ cho mọi người biết rằng Đức Giê-su bị thế gian, bị con người kết án cách bất công trong Biến Cố Thập Giá. Chính Đức Giê-su là Đấng sẽ xét xử mọi người cách công minh trong thời cánh chung.

Sứ mệnh của Chúa Thánh Thần là làm rõ thêm giáo huấn của Đức Giê-su và giúp mọi người tiếp cận giáo huấn này. Đặc biệt, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, các Ki-tô hữu ngày càng hiểu biết Đức Giê-su và sứ mệnh của Người cách rõ ràng hơn hầu có thể thấm nhuần và nội tâm hóa chương trình của Người trong đời sống mình. Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,12-14). Điều này có nghĩa rằng những gì Đức Giê-su chưa nói sẽ được Chúa Thánh Thần tiếp tục diễn tả. Dĩ nhiên, Chúa Thánh Thần không đem đến những điều xa lạ với những điều Đức Giê-su đã giảng dạy và thực thi. Nói cách khác, những điều Chúa Thánh Thần bày tỏ cho các môn đệ và Giáo Hội tương lai không bao giờ ngược với những điều Đức Giê-su đã nói và thực thi trong quá khứ. Như vậy, sự ra đi của Đức Giê-su nối kết với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, Đấng tiếp tục sứ mệnh của Đức Giê-su giữa lòng nhân thế. Chúa Thánh Thần giúp mọi người hiểu biết rằng, về căn bản, Ki-tô Giáo không phải là những gì đó trừu tượng, phức tạp, khó hiểu nhưng là Đức Giê-su, con người bằng xương bằng thịt sống trong môi trường nhân loại để nâng đỡ và cứu giúp mọi người.

Sau khi phục sinh, Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ và ‘thổi hơi vào các ông’. Hành động Đức Giê-su thổi hơi gợi lại cho chúng ta trình thuật tạo dựng trong sách Sáng Thế khi Đức Chúa lấy bùn đất nặn ra con người và thổi sinh khí vào lỗ mũi (St 2,7). Nhờ đó, con người trở nên một sinh vật. Cùng là hành động thổi hơi nhưng thổi hơi ở Ga 20,22 kỳ diệu hơn thổi hơi ở St 2,7 bởi vì thổi hơi ở Ga 20,22 là thổi hơi trong chương trình Thiên Chúa cứu chuộc. Thổi hơi trong chương trình Thiên Chúa sáng tạo là hành động trao ban sự sống cho con người trong khi đó thổi hơi của Đức Giê-su phục sinh trong Tân Ước là hành động trao ban sự sống mới cho con người là thụ tạo mới, thụ tạo được biến đổi nhờ công nghiệp Đức Giê-su. Trong Lời Nguyện Nhập Lễ (Lễ Sáng, Giáng Sinh) có câu: “Chúa đã sáng tạo con người cách kỳ diệu, lại còn phục hồi phẩm giá con người cách kỳ diệu hơn nữa” (ý tưởng của thánh An-sen-mô: “Indeed, God restored human nature more wonderfully than he first established it”, St. Anselm, Basic Writings, Ed. and Trans. by Thomas Williams, 309). Quả thực, mặc khải Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng trong chương trình Thiên Chúa sáng tạo không có sự hiện diện bằng xương bằng thịt của Con Thiên Chúa. Còn trong chương trình cứu chuộc, Con Thiên Chúa đã xuống thế làm người, sống thân phận con người, giống con người mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Người đã chịu nhiều đau khổ, chịu chết và phục sinh vì con người. Như vậy, hành động Đức Giê-su phục sinh thổi hơi vào các môn đệ là hành động trao ban Chúa Thánh Thần và làm cho họ trở thành khí cụ hữu hiệu của Người giữa lòng nhân thế.

Tin Mừng Đức Giê-su theo thánh Gio-an cho chúng ta nhận thức bốn điểm quan trọng về tương quan giữa Đức Giê-su và Chúa Thánh Thần: (1) Đức Giê-su đón nhận Chúa Thánh Thần qua lời của thánh Gio-an Tẩy Giả: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người” (Ga 1,32); (2) Đức Giê-su xin Chúa Cha gửi Chúa Thánh Thần (Đấng Bảo Trợ) đến với các môn đệ: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16); (3) Chúa Thánh Thần được Chúa Cha gửi đến nhân danh Đức Giê-su: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,26) và (4) sau khi phục sinh, Đức Giê-su trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ để họ thực thi chương trình thánh hóa: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ" (Ga 20,22-23). Như vậy, Đức Giê-su vừa đón nhận Chúa Thánh Thần, vừa cầu xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần, vừa cùng với Chúa Cha gửi Chúa Thánh Thần, vừa trực tiếp trao ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ. Tắt một lời, Đức Giê-su đón nhận Chúa Thánh Thần để thực thi sứ mệnh trong hành trình trần thế của Người, đồng thời, Người trao ban Chúa Thánh Thần để các môn đệ tiếp tục thực thi sứ mệnh của Người cho đến tận thế.

Đức Giê-su hoàn tất mầu nhiệm vượt qua trong Chúa Thánh Thần và mầu nhiệm này tiếp tục hiện diện giữa lòng nhân thế nhờ Chúa Thánh Thần. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su cho các môn đệ biết: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7). Như vậy, chúng ta cần xác tín hai điều: (1) Chúa Thánh Thần luôn hiện diện trong mọi biến cố của Đức Giê-su và (2) Chúa Thánh Thần tiếp tục công việc của Đức Giêsu khi tác động mãnh liệt vào đời sống và sứ mệnh của các môn đệ và Giáo Hội. Cũng trong Bữa Ăn Cuối Cùng, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14,12). Quả thực, sự hiện diện của Đức Giê-su trong hành trình trần thế chủ yếu chỉ diễn ra trong miền đất Pa-lét-tin, nhưng với sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, các môn đệ đã ra đi loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho muôn dân tộc trên mặt đất này.

Đức Giê-su báo cho các môn đệ của Người biết rằng, giữa lòng nhân thế, họ phải đương đầu với muôn gian lao khốn khổ khi loan báo Tin Mừng cho anh chị em đồng loại, bởi vì không phải mọi người đều sẵn lòng đón nhận: “Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì: Thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,19-20). Chính trong Thần Khí của Đức Giê-su, các môn đệ trừ quỷ, chữa bệnh, an ủi những người bất hạnh trong xã hội: “Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,13). Những lời cuối cùng của Đức Giê-su sau khi phục sinh và trước khi về trời là: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,18-20). Như vậy, việc trở thành môn đệ của Đức Giê-su hệ tại ở việc chịu phép rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi và trung tín thực thi việc loan báo Tin Mừng.

Như đề cập ở trên, không có biến cố nào trong hành trình trần thế của Đức Giê-su lại vắng bóng sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Đức Giê-su là Lời Thiên Chúa, còn Chúa Thánh Thần là Thần Khí Thiên Chúa. Trong Giáo Hội sơ khai, khi trình bày về Chúa Ba Ngôi, thánh I-rê-nê (130-202) cho rằng Chúa Con (Đức Giê-su) và Chúa Thánh Thần là ‘đôi tay’ của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa tạo dựng con người và muôn vật muôn loài với ‘đôi tay’ này (Against Heresies, Book V, Chapter 6.1). Tương tự như vậy, Thiên Chúa cứu chuộc, thánh hóa con người cũng như vạn vật với ‘đôi tay’ này. Dựa trên nội dung đức tin Ki-tô Giáo và những khai triển của các giáo phụ tiên khởi, thánh Am-rô-xi-ô (340-397) là người đầu tiên viết rằng Chúa Thánh Thần nhiệm xuất bởi Chúa Cha và Chúa Con (qui a Patre Filioque procedit), Người không tách biệt Chúa Cha cũng như Chúa Con [the Holy Spirit also, when He proceeds from the Father and the Son, is not separated from the Father nor separated from the Son] (St. Ambrose, on the Holy Spirit, Book I, 120). Đặc biệt, theo thánh Am-rô-xi-ô: “Nơi nào Chúa Cha hiện diện thì ở đó cũng có Chúa Con và nơi nào Chúa Con hiện diện thì ở đó cũng có Chúa Thánh Thần” [where the Father is there is also the Son, and where the Son is there is the Holy Spirit] (St. Ambrose, on the Holy Spirit, Book III, 122).

Sau khi phục sinh, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Πεντηκοστή/ Pentecost, ngày thứ 50 sau Chúa Nhật Phục Sinh), các môn đệ đón nhận Chúa Thánh Thần cách đặc biệt. Với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, các ngài trở thành những con người mạnh mẽ loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại. Bốn điểm chúng ta cần quan tâm trong biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống: (1) Chúa Thánh Thần là sức mạnh (gió lớn), (2) có hình dáng như lưỡi bằng lửa, (3) đậu trên các tông đồ và (4) các ngài nói những thứ tiếng do Chúa Thánh Thần ban tặng (Cv 2,1-4). Thánh Phê-rô nói với dân chúng trong Lễ Ngũ Tuần: “Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: Đó là điều anh em đang thấy đang nghe” (Cv 2,33). Hình ảnh Chúa Thánh Thần hiện xuống cũng như các môn đệ nói được nhiều thứ tiếng mà ai cũng hiểu gợi lên trong chúng ta hình ảnh nhân loại ban đầu chỉ nói một thứ tiếng. Tuy nhiên, dần dần mọi người đã vô ơn, kiêu ngạo, không vâng nghe lời Thiên Chúa, họp nhau định xây tháp Ba-ben với đỉnh cao chọc trời. Hậu quả là Đức Chúa làm cho tiếng nói họ xáo trộn, không ai hiểu ai và tháp Ba-ben mà họ định xây dựng không trở thành hiện thực, họ bị phân tán khắp mặt đất (St 11,1-9). Như vậy, khi con người không màng quan tâm đến Thần Khí Thiên Chúa, thần khí tự tôn của con người chỉ gây tai họa.

Như đề cập ở trên, trong Cựu Ước, thần khí Thiên Chúa đóng vai trò chủ đạo trong việc hướng dẫn các ngôn sứ và những người lãnh đạo dân Do-thái thực thi thánh ý Thiên Chúa. Thời Tân Ước cũng vậy, trước Thượng Hội Đồng Do-thái, thánh Phê-rô làm chứng cho Đức Giê-su và những công việc Người làm: “Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người” (Cv 5,31-32). Các tông đồ nhận thức vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần trong các quyết định của Giáo Hội: “Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác” (Cv 15,28). Quả thực, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Thiên Chúa trao ban Chúa Thánh Thần là tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con cho các môn đệ. Với tình yêu này, các môn đệ có sứ mệnh làm cho muôn dân nhận biết Thiên Chúa. Biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống trong ngày Lễ Ngũ Tuần cũng chính là biến cố Giáo Hội được thiết lập để tiếp tục sứ mệnh trần thế của Đức Giê-su. Điều này có nghĩa rằng Đức Giê-su lịch sử không còn hiện diện nữa, nhưng tính lịch sử của Biến Cố Đức Giê-su tiếp tục trong gia đình nhân loại cho đến tận thế. Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, đặc tính Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền được diễn tả. Với sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội trong ngày Lễ Ngũ Tuần là Giáo Hội của mọi quốc gia, dân tộc, văn hóa, truyền thống.

Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ nói được nhiều thứ tiếng. Các thứ tiếng của các ngài đều phát xuất từ một ngôn ngữ duy nhất của Chúa Thánh Thần, chẳng hạn như bác ái, bình an, hoan lạc, hiền hòa, nhân hậu, nhẫn nhục, tiết độ, trung tín, từ tâm (Gl 5,22-23). Đây là thứ ngôn ngữ mà con cái của gia đình nhân loại trong mọi thời và khắp mọi nơi đều hiểu cả. Đây là thứ ngôn ngữ phát sinh hành động cao cả, thứ ngôn ngữ thẩm thấu tâm can những ai lòng ngay thiện chí. Lễ Ngũ Tuần là Lễ không bao giờ chấm dứt trong Giáo Hội bao lâu con cái Giáo Hội còn nói thứ ngôn ngữ này. Quả thực, nếu hoa trái của Chúa Thánh Thần là như vậy thì không ai trong gia đình nhân loại lại không có khả năng lãnh nhận. Chúng ta cần ý thức rằng, ân sủng của Chúa Thánh Thần được thông ban cho tất cả mọi người, chứ không chỉ cho một số người thuộc tầng lớp ưu tuyển nào đó. Nhờ Đức Giê-su và trong Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa kêu gọi mọi người trở thành con cái Thiên Chúa. Thánh Phao-lô viết: “Chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8,23). Ngài cũng viết: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: Áp-ba, Cha ơi!” (Gl 4,6). Như vậy, là Ki-tô hữu nghĩa là đón nhận ân sủng Chúa Thánh Thần, sống theo ân sủng Chúa Thánh Thần và sinh hoa kết trái trong ân sủng Chúa Thánh Thần.

Xét về tương quan giữa Chúa Thánh Thần và Giáo Hội, thánh I-rê-nê viết: “Ở đâu có Giáo Hội, ở đó có Thần Khí Thiên Chúa và ở đâu có Thần Khí Thiên Chúa ở đó có Giáo Hội và muôn ân sủng của Người” [Where the Church is, there is the Spirit of God; and where the Spirit of God is, there is the Church, and every kind of grace] (Against Heresies, Book III, Chapter 24,1). Thánh Au-gút-ti-nô khẳng định rằng: “Linh hồn ở trong con người thế nào thì Chúa Thánh Thần ở trong Giáo Hội là Thân Thể Đức Ki-tô như vậy” (Sermon 267,4). Theo thánh nhân, Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo Hội như linh hồn hoạt động trong thân thể. Các Đức Giáo Hoàng như Lê-ô XIII, Pi-ô XII, Gio-an Phao-lô II, Bê-nê-đích-tô XVI cũng như nhiều thần học gia lỗi lạc tiếp tục khẳng định và khai triển tư tưởng của thánh Au-gút-ti-nô trong các tác phẩm của các ngài. Như vậy, Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô và Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội. Đây là khẳng định rất quan trọng đối với thực tại có tên là Giáo Hội. Xét bề ngoài, Giáo Hội tương tự như nhiều thực thể hay tổ chức khác trong xã hội loài người. Tuy nhiên, Giáo Hội phân biệt với các thực thể khác trong xã hội loài người bởi vì Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô và Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội. Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội được thiết lập, tồn tại và phát triển luôn mãi cho tới thời cánh chung. Chúa Thánh Thần không ngừng thánh hóa Giáo Hội để qua Giáo Hội, Chúa Thánh Thần thánh hóa muôn người. Công Đồng Vatican II minh định: “Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Ngài để hoàn tất trọn vẹn kế hoạch của Thiên Chúa là Ðấng đã đặt Chúa Kitô làm nguyên lý cứu độ cho cả thế giới” (LG 17).

Chúa Thánh Thần duy trì sự hiệp nhất của các thành phần thuộc Nhiệm Thể Đức Ki-tô: Sự hiệp nhất trong đa dạng hay sự hiệp nhất của các cá thể (unity of diversity or unity of individuals), chứ không phải sự đồng đều của các cá thể (uniformity of individuals). Điều này có nghĩa là các thành phần trong Giáo Hội có ân sủng phân biệt nhau nhưng hiệp nhất cùng nhau để xây dựng Nhiệm Thể Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô viết: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung… chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tùy theo ý của Người” (1 Cr 12,4-11). Do đó, các thành phần trong Giáo Hội luôn được mời gọi hiệp thông với Chúa Thánh Thần và với nhau trong việc xây dựng Giáo Hội để Giáo Hội luôn diễn tả mình là bí tích của sứ mệnh Đức Giê-su và cũng là của Chúa Thánh Thần giữa gia đình nhân loại (LG 1; GLGHCG 738).

Chúng ta có thể khẳng định rằng nhờ Đức Giê-su trong Chúa Thánh Thần, luật lệ và lời các ngôn sứ của Cựu Ước được kiện toàn. Nhờ Đức Giê-su trong Chúa Thánh Thần, ơn cứu độ của Thiên Chúa đến với tất cả mọi người. Nhờ Đức Giê-su trong Chúa Thánh Thần, con người trở nên thụ tạo mới, thụ tạo thấm nhuần ân sủng và được định hướng tới sự sống muôn đời. Nhờ Đức Giê-su trong Chúa Thánh Thần, con người gặp gỡ chính mình, gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ anh chị em và gặp gỡ muôn vật muôn loài trong thế giới thụ tạo cách đúng đắn và phù hợp nhất. Nhờ Đức Giê-su trong Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa được diễn tả, sự cứu độ của Người được thực hiện và tương lai xán lạn mở ra cho tất cả những ai trung tín với Người.

Trong hành trình trần thế, chúng ta cần phân biệt Thần Khí của Thiên Chúa, thần khí của con người và ác thần hay thần khí của ma quỷ, thế gian, xác thịt. Nếu chúng ta không để Thần Khí của Thiên Chúa hướng dẫn thì chúng ta không thể vượt thắng được thần khí của con người cũng như ác thần. Theo thánh Gio-an Tông Đồ: “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: Thần khí nào tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giê-su, thì không bởi Thiên Chúa; đó là thần khí của tên phản Ki-tô” (1 Ga 4,2-3); “Ai biết Thiên Chúa thì nghe chúng ta. Ai không thuộc về Thiên Chúa thì không nghe chúng ta. Chúng ta cứ dựa vào đó mà nhận ra thần khí dẫn đến sự thật và thần khí làm cho sai lầm” (1 Ga 4,6). Theo thánh Phao-lô: “Con người sống theo tính tự nhiên thì không đón nhận những gì của Thần Khí Thiên Chúa, vì cho đó là sự điên rồ; họ không thể biết được, bởi vì phải nhờ Thần Khí mới có thể xét đoán” (1 Cr 2,14). Như vậy, dưới nhãn quan của hai thánh Gio-an và Phao-lô, con người sẽ không làm được gì đúng đắn, tốt đẹp, lành thánh nếu như thần khí của họ không chung nhịp với Thần Khí của Đức Giê-su, Thần Khí của Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần.

 Chúng ta cần luôn đặt những câu hỏi và trả lời cho những câu hỏi đó, chẳng hạn như thần khí nào đang ngự trị trong tâm hồn mình (Thần Khí Thiên Chúa, thần khí con người hay thần khí ma quỷ)? Đâu là những dấu chỉ của Thần Khí Đức Giê-su trong thế giới thụ tạo? Làm cách nào để phân định các hình thức thần khí trong cuộc sống mình? Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Đức Giê-su nói rằng người là Đường (Ga 14,6). Chúng ta có thể khẳng định rằng Đường Đức Giê-su là Đường trong Chúa Thánh Thần. Nhờ Đức Giê-su là Đường trong Chúa Thánh Thần, con người mới có thể suy nghĩ, ăn nói và hành động xứng hợp với nhân phẩm mình. Nhờ Đức Giê-su là Đường trong Chúa Thánh Thần, thần khí của con người mới được biến đổi hầu có thể thực thi thánh ý Thiên Chúa cách xứng hợp. Nhờ Đức Giê-su là Đường trong Chúa Thánh Thần, con người mới có thể chiến thắng thần khí ma quỷ, thế gian, xác thịt. Nhờ Đức Giê-su là Đường trong Chúa Thánh Thần, con người mới thực sự là thành phần trong Giáo Hội, Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô giữa dòng đời.

Theo thánh Phao-lô, trong Đức Giê-su và Chúa Thánh Thần, con người trở nên thụ tạo mới (2 Cr 5,17). Để được như vậy, thánh nhân mời gọi mọi người cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc biến đổi bản thân mình: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,23-24). Trong thư gửi Ti-tô, thánh Phao-lô viết: “Không phải vì tự sức mình chúng ta đã làm nên những việc công chính, nhưng vì Người thương xót, nên Người đã cứu chúng ta nhờ phép rửa ban ơn Thánh Thần, để chúng ta được tái sinh và đổi mới” (Tt 3,5). Chúa Thánh Thần đổi mới bộ mặt thế giới thụ tạo, đổi mới bộ mặt địa cầu, đổi mới bộ mặt nhân loại cùng trái tim mọi người sao cho phù hợp với chương trình của Thiên Chúa. Quả thực, con người bị chi phối bởi tội lỗi và sự chết nhưng nhờ sự nâng đỡ và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, con người được biến đổi luôn mãi cho tới khi được chung hưởng sự sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa.

Thánh Phao-lô cho chúng ta biết rằng mọi người đều được lãnh nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần và ân sủng mà mỗi người lãnh nhận là vì lợi ích chung (1 Cr 12,7). Khi mỗi người ý thức rằng ân sủng phân biệt nhau nơi họ đều phát xuất từ Chúa Thánh Thần cũng là khi mỗi người cần quan tâm đến sự hiệp thông và hòa hợp trong các hình thức cộng đoàn. Điều này có nghĩa là, với ân sủng Chúa Thánh Thần, mỗi người hãy quan tâm đến lợi ích cộng đoàn, lợi ích tập thể trước lợi ích cá nhân. Quả thực, việc đặt ưu tiên ‘bức tranh lớn’ của cộng đoàn trước ‘bức tranh nhỏ’ của cá nhân là điều cần thiết giúp con người tránh được nhãn quan duy chủ thể hay lãnh đạm. Giáo huấn này của thánh Phao-lô luôn đúng cho mọi thời, nhất là cho con người trong thời đại hôm nay thường cổ xúy cho não trạng quy chủ thể, đặt lợi ích mình trên lợi ích người khác, trên lợi ích cộng đoàn, bàng quan lãnh đạm trước các hình thức sự dữ hay những khó khăn, đau khổ của anh chị em đồng loại.

Thánh Phao-lô khẳng định: “Không ai có thể nói rằng: ‘Đức Giê-su là Chúa’, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12,3). Chúng ta có thể diễn tả thêm tư tưởng của thánh nhân rằng chỉ trong Chúa Thánh Thần, con người mới có thể tin nhận và thực thi thánh ý Thiên Chúa cách phù hợp. Chỉ trong Chúa Thánh Thần, con người mới có thể nhận thức được căn tính, đời sống và sứ mệnh của Đức Giê-su giữa lòng nhân thế. Chỉ trong Chúa Thánh Thần, các thành phần trong Giáo Hội là Thân Thể Mầu Nhiệm Đức Ki-tô mới có thể hiệp nhất với nhau đúng nghĩa. Chỉ trong Chúa Thánh Thần, các Ki-tô hữu mới có thể sẵn sàng loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại. Để nhận thức rõ hơn vai trò trung tâm của Chúa Thánh Thần trong đời sống con người, chúng ta cần tham chiếu giáo huấn của thánh Gio-an Tông Đồ trong thư thứ nhất của ngài. Khi trình bày về việc Thiên Chúa ở trong con người, thánh Gio-an viết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta” (1 Ga 3,24). Khi trình bày về việc con người ở trong Thiên Chúa, thánh nhân viết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: Đó là Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta” (1 Ga 4,13). Như vậy, Thần Khí là tác nhân chính yếu trong việc Thiên Chúa ở lại với con người và con người ở lại với Thiên Chúa.

Sứ mệnh của các môn đệ Đức Giê-su là cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Theo tác giả sách Tông Đồ Công Vụ, trong bối cảnh Lễ Ngũ Tuần tại Giê-ru-sa-lem, thánh Phê-rô nói với dân chúng: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần” (Cv 2,38). Tác giả sách Tông Đồ Công Vụ cũng cho chúng ta biết rằng hôm đó có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo (Cv 2,41). Sau khi Đức Giê-su phục sinh và lên trời, Chúa Thánh Thần đóng vai trò quyết định trong mọi hoạt động của Giáo Hội, nhất là việc loan báo Tin Mừng. Theo tác giả sách Tông Đồ Công Vụ: “Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: Hãy dành riêng Ba-na-ba và Sao-lô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm" (Cv 13,2) hay: “Các ông đi qua miền Phy-ghi-a và Ga-lát, vì Thánh Thần ngăn cản không cho các ông rao giảng lời Chúa ở A-xi-a. Khi tới sát ranh giới My-xi-a, các ông thử vào miền Bi-thy-ni-a, nhưng Thần Khí Đức Giê-su không cho phép. Các ông bèn đi qua miền My-xi-a mà xuống Trô-a” (Cv 16,6-8). Lịch sử Giáo Hội sơ khai cho chúng ta biết rằng khi loan báo Đức Giê-su và Tin Mừng của Người cho anh chị em đồng loại, các môn đệ phải đương đầu với muôn vàn khó khăn gian khổ. Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và nâng đỡ các ngài. Thánh Phê-rô nói với các tín hữu: “Nếu bị sỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1 Pr 4,14).

Chúng ta có thể kết luận rằng Đường của Đức Giê-su trong hành trình trần thế là Đường trong Chúa Thánh Thần. Bởi vì, trong Chúa Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã cưu mang và sinh hạ Đức Giê-su. Trong Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su đã sang Ai-cập, trở về Na-da-rét, chịu phép rửa, chịu ma quỷ cám dỗ. Trong Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su loan báo và công bố sự hiện diện của Nước Thiên Chúa trên trần gian. Nói cách khác, mọi biến cố trong hành trình trần thế của Người gắn liền với sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Sau khi chịu đau khổ, chịu chết và phục sinh, cùng với Chúa Cha, Đức Giê-su đã trao ban Chúa Thánh Thần cho gia đình nhân loại và toàn thể thế giới thụ tạo. Nhờ đó, ân sủng Chúa Thánh Thần tràn ngập vũ trụ, đổi mới bộ mặt trái đất, đổi mới con tim muôn người. Ân sủng của Chúa Thánh Thần sưởi ấm lương tâm những người nguội lạnh, ban sức mạnh cho những người yếu đau, đem hy vọng cho những người sầu khổ, củng cố sức lực cho những kẻ yếu hèn, ban niềm vui cho những người gặp gian nan thử thách. Trong Chúa Thánh Thần, Đức Giê-su đã thiết lập Giáo Hội để Giáo Hội trở thành bí tích sứ mệnh của Người và cũng là của Chúa Thánh Thần hầu quy tụ con người và muôn vật muôn loài. Mọi người trong gia đình nhân loại được mời gọi theo Đường Đức Giê-su, Đường trong Chúa Thánh Thần, để được ơn tha thứ tội lỗi, được đổi mới và trở nên khí cụ hữu hiệu của Người trên hành trình về với sự hiệp thông viên mãn của Ba Ngôi Thiên Chúa.
Gm. Phêrô Nguyễn Văn Viên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây