TIN MỪNG CHÚA NHẬT - LỄ TRỌNG

Chúa Nhật III Thường Niên -Năm C

“Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh này”. (Lc 1, 1-4; 4, 14-21)
Đọc các tin khác ➥
TÌM KIẾM

Tình Cha nơi vùng đất đỏ

Thứ sáu - 30/04/2021 22:52 |   1232
Tình Cha nơi vùng đất đỏ

Tình Cha nơi vùng đất đỏ

Chẳng ngại những chuyến đi xa, góp nhặt từng bao quần áo cũ; không màng bụi đỏ, bùn trơn phủ bám từ tóc tới chân khi vào tận từng sóc để đồng hành với cái khó của người dân; không hiếm khi ngài xắn quần ra vườn rau cuốc đất, bón tỉa... Đó là chân dung linh mục Giuse Trần Hữu Từ (chánh xứ Bù Đăng - GP.Ban Mê Thuột). Vậy nên, mảnh đất nghèo chồng chéo bao gian lao cùng những con người nhiều thiệt thòi đã bị chinh phục từng chút một bởi một mục tử nhiệt tình, giàu lòng yêu thương.

Nơi mảnh đất nghèo
Qua những con đường đất đỏ quanh co, gập ghềnh ổ gà, ổ voi, cuối cùng chúng tôi cũng đến sóc Bù Tơ 2 (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), nơi mà cha Trần Hữu Từ vừa đưa hệ thống nước sạch và điện vào cho bà con sử dụng.

Cô thôn nữ tên Pôm, cư dân của sóc, sau khi thỏa thuê gột rửa tay chân trong làn nước mát, không quên nở nụ cười với những vị khách phương xa. Mời chúng tôi một ly nước, Pôm thật thà kể: “Pôm đi cạo mủ cao su ở nông trường gần nhà từ sáng sớm nên khi về là người nóng bức, nhớp nháp mồ hôi, toàn mùi mủ, khó chịu lắm, thường muốn đi tắm ngay nhưng suối thì cách nhà vài cây số. Nhưng dạo này không phải cực như vậy nữa do cha Từ khoan giếng nước, bắt máy điện đưa nước về từng nhà trong sóc rồi. Nước chảy còn yếu nhưng mở ra là có nước ngay”. Cô gái trẻ sau đó nhiệt tình dẫn chúng tôi xem từng đường nước vào sóc như để “khoe” cùng mọi người niềm vui mà người dân nơi đây ao ước hằng chục năm qua.

Mỗi ngày nước sạch được chuyển đến khắp địa bàn trong giáo xứ

Nước về, cái mừng chạy đến từng nhà rồi lan tỏa ra khắp thôn sóc. Không chỉ những cô thôn nữ như Pôm mà với người già, trẻ nhỏ của 35 hộ gia đình ở Bù Tơ 2 đều cảm nhận được sự thay đổi lớn lao đang diễn ra. Nhiều năm qua, tình trạng thiếu thốn nguồn nước sạch và điện đã khiến sinh hoạt của cư dân tại đây gặp những bất tiện, nhất là lũ trẻ tối đến phải chong đèn học như thời “Nguyễn Hiền bắt đom đóm”, đa số thường mắc những căn bệnh đường ruột vì sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Ông Điểu Nhôn trưởng sóc cho biết, cả sóc chỉ có vài tấm pin năng lượng mặt trời mini, chỉ đủ thắp sáng và phát được vài giờ tivi. Hôm nào đám trẻ được nghỉ ở nhà, mải xem tivi, tối đó đèn điện tù mù vì thiếu năng lượng. Sự chăm sóc của vị mục tử vì vậy đáng quý vô cùng. “Cha thương người nghèo, thương dân xứ đất đỏ mà lại thương đúng cái khó, cái nghèo của bà con nên cái khổ dần được đẩy lui...”, ông Điểu Nhôn bày tỏ.
Theo lời chị Đỗ Thị Thu, một giáo dân cộng tác trong nhiều chương trình của cha Từ, dù chỉ mới về vùng này hai năm song cha Từ đã để lại trong lòng người giáo dân cả người Kinh lẫn anh em dân tộc nhiều thương mến. Chị khoe : “Tính đến nay đã có hai sóc được dẫn nước vào tận nhà. Từ việc khoan giếng, mua máy phát điện để bơm nước, đến làm đường ống nước, cấp bồn nước... đều được cha giúp miễn phí. Bà con chỉ đóng góp nhỏ gọi là để duy trì, bảo dưỡng và có trách nhiệm với công trình chung. Giếng khoan và bồn nước cũng được cha tặng cho một số sóc khó khăn. Tại nhà xứ cha còn xây nhà máy nước bán giá rẻ giúp bà con trong vùng có nguồn nước uống sạch sẽ, tiết kiệm chi phí...”.

Rời sóc nhỏ, chúng tôi đến giáo xứ Thống Nhất (một giáo họ của giáo xứ Bù Đăng vừa được lên giáo xứ độ gần tháng trước), tìm gặp vị mục tử “thương người đất đỏ” như lời giới thiệu của anh trưởng sóc dễ mến. Trong khuôn viên nhà thờ, có người đến để mua nước đóng bình mang tên giáo xứ; người khác lại mải mê vừa chọn vừa xếp giúp nhóm thiện nguyện đang hí húi phân loại, xếp gọn xe quần áo từ thiện, lúc ra về không quên để lại ít tiền nhỏ cho món đồ ưng ý để ông cha có quỹ giúp người nghèo hơn. Không khí vui tươi còn hiện diện ở nhóm người đang xúm xít bên vườn rau, nghe đâu cũng của ông cha trồng, để học cách chăm bón, thu hoạch... Trong nhóm người ấy, có cả vị linh mục mà chúng tôi được nghe kể suốt hành trình mà chưa gặp tận mặt. Thoăn thoắt vừa dẫn chúng tôi dạo khắp vườn  rồi xem nhà máy nước, lướt qua nhà thờ còn ọp ẹp mái tôn tạm bợ với chiếc áo sơ mi còn vương dấu tích bụi đỏ, cha Từ vừa chia sẻ về những nỗi niềm còn canh cánh trong lòng...
Hiện diện và đồng hành
Hai năm trước, cha được bề trên bài sai từ Ban Mê Thuột xuống Bù Đăng. Vùng đất mới đặt ra nhiều thử thách hơn trí tưởng tượng khiến vị mục tử vùng cao gặp không ít khó khăn. Chăm lo cho hai giáo xứ cùng 18 giáo họ với hơn 11.000 giáo dân hầu hết còn nghèo khó, khiến đôi khi cha hóm hỉnh bảo mình nhận trúng xứ “bù đầu”. Dẫu vậy, những chương trình thăng tiến đời sống cho bà con vẫn nối nhau ra đời từ ý tưởng và tình thương.

Cha Từ bên vừa rau vừa thu hoạch tại một sóc dân tộc

Những ngày chân ướt chân ráo về nhận xứ, để hiểu đời sống người dân, cha chọn cách lui tới nhiều giáo họ, giáo điểm trên địa bàn phụ trách. Chỗ nào càng khó, càng khổ cha lại càng ở lâu, đến nhiều. Gánh lo được san sẻ cho các cha phó cùng những người có lòng với việc chung. Trong những ngày rong ruổi, có khi chạy xe trượt bánh, lọt hố, bị xe đè phải nằm im đợi có người đi ngang qua  giúp đứng dậy nhưng rồi vượt qua nỗi ám ảnh, cha lại vượt dốc vào với giáo dân mình. Tất cả nguồn lực đều dồn đổ cho vấn đề giúp dân đỡ khổ.

Nhận mình là người đồng hành, với mong mỏi lớn nhất là làm sao để chính người dân nhận thức và biết khai thác những lợi thế vốn có, nên cha luôn tìm cách gợi ý cho người dân tộc mở ra cuộc sống ổn định bằng khả năng của mình. Đi nhiều, biết nhiều nên cũng xót xa nhiều khi nhận ra những điểm yếu trong cách suy nghĩ, thói quen lao động, cách tính toán và tổ chức cuộc sống của họ. Vậy là cha bắt đầu xây dựng những chương trình giúp họ biết tiết kiệm, biết làm việc chung và có trách nhiệm với nhau. Nhờ vậy mà khi công trình giếng nước - bồn nước đưa vào sử dụng, mọi người đã biết bảo quản và đóng góp để bảo trì và để công trình đến được với nhiều người hơn.

Giáo xứ Thống Nhất một trong những điểm còn nhiều khó khăn

Kế đến là vườn rau. Tận dụng quỹ đất có sẵn, cha xây dựng một khu vườn, trực tiếp lao động và chuyển giao kỹ thuật canh tác cũng như giống cho người dân trong vùng để họ có thêm rau củ sạch cải thiện bữa ăn. Càng ngày càng có đông người đến hỏi cách chăm sóc, tổ chức xây dựng vườn, cách chọn giống..., cha hy vọng mai này sẽ có thêm nhiều vườn rau ra đời và bữa cơm gia đình dân nghèo hơn trước cảnh chợ xa, vườn trống. Sau trồng rau, hiện cha còn gầy dựng một bầy dê gần ba chục con. “Chưa nghĩ tới vấn đề kinh tế, mình chỉ mong sao ít nhiều những hộ nghèo biết cách nuôi dê, nghĩ tới việc chăn nuôi và biết tận dụng đất đai, nguồn lực sẵn có để nghĩ ra cách làm ăn cho mình mà thôi!...”, cha nói về những ấp ủ gởi gắm vào chương trình chăn nuôi này. Để lâu bền, cha chia đàn dê cho nhiều hộ nuôi và dự tính nhân giống giúp các hộ nghèo con giống làm ăn về sau. Bài học về tính kiên nhẫn, ý hướng nỗ lực thoát nghèo và cả tình đoàn kết trong xóm đạo được lồng ghép qua mô hình trồng rau, nuôi dê mà cha mang đến.

Trong câu chuyện mục vụ của mình, cha Từ thường nhắc lui nhắc tới câu: “Người linh mục phải đồng hành và hiện diện cùng giáo dân”. Với những trăn trở nặng lòng cùng mảnh đất mù bụi đỏ của cha, hy vọng sẽ còn nhiều biến đổi nơi các họ đạo trong vùng Bù Đăng.

Minh Hải

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây